Ôm cả trần gian đầy vơi

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi lớn lên ở vùng nông thôn, cả tuổi thơ bàng bạc một trời khói sương cổ tích. Lẫn giữa thực là mơ, lẫn giữa những lo toan thường tình nhất của con người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” là những suy tư về tình người, tình yêu thương cao cả.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1225 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1225 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Hồi ấy, thi thoảng vào buổi sớm, tôi bị đánh thức bởi thanh âm réo rắt phát ra từ chiếc máy hát dĩa cũ của ông nội đặt trong một góc nhà. Giọng hát tha thướt vút cao của một cô ca sĩ mà với tôi khi ấy có phần khó nghe vào tai. Những ca từ cũng khó hiểu. Nhưng nó cứ len lỏi vào trí óc, vơ vẩn mãi trong đầu. Bài hát kể về câu chuyện một bà mẹ đi tìm con, tìm từ ngày này sang tháng nọ, từ nơi này đến nơi khác, từ lúc tóc là thiếu phụ cho đến khi hóa thân vào trời đất bao la. Đại để là như vậy. Trong số những ngôn từ lạ lẫm, tôi nhớ mãi một câu: “Ôm cả trần gian đầy vơi”.

Tôi không hiểu được ôm cả trần gian đầy vơi là như thế nào. Nhưng những cái ôm thì chắc phải ấm áp lắm. Tôi nghĩ đơn giản là thế. Tôi nhớ lại mỗi lần ôm ông bà, bố mẹ, các em hay kể cả ôm con Ki - con cún nhỏ mà tôi chăm nuôi từ khi nó còn bé xíu vào lòng, cái ôm nào cũng đầy tình cảm cả. Tôi không hiểu được cảm giác của một người ôm cả trần gian sẽ như thế nào. Trần gian thì chắc là to lớn lắm. To lớn hơn vòng tay ôm của một con người nhiều. Chắc chắn là vậy. Vì thi thoảng nghe bà nội than thở hay trách móc gì ai, tôi lại nghe bà mở đầu bằng “trần đời này chưa thấy ai như…”. Trần đời với trần gian thì chắc cũng giông giống nhau thôi.

Nhưng ai ôm được cả trần gian? Tôi mang thắc mắc đấy đi hỏi ông nội. Ông chỉ cười mà không nói. Hỏi bà nội, bà nội cũng không có câu trả lời. Nhưng chiều hôm sau thì bà dẫn tôi sang chùa. Chùa đây là chùa làng. Nghe bảo chùa có từ xưa lắm, hàng trăm năm trước lúc làng vừa có mặt. Dù trước mặt là bến chợ lao xao, nhộn nhịp nhưng bước qua khỏi cổng chùa lúc nào cũng tịch mịch, thâm u.

Sau buổi đồng áng, chiều tối các bà trong làng hay tụ ra chùa, người làm việc này, kẻ lo việc nọ, rồi lên điện lễ Phật tụng kinh. Lúc ấy, chùa như sống động hơn, những tầng ngói im lìm rêu phong như cũng động đậy theo nhịp mõ, nhịp chuông, giọng ê a hòa nhịp ngân đều trong không gian thơm mùi nhang trầm, hoa huệ.

Tôi theo bà vào chùa. Khép nép lần dò từng bước. Tôi từng theo bọn trẻ con trong làng ra chùa chơi, nhưng chưa một lần bước chân vào điện Phật. Điện Phật uy nghi, giữa chính tòa là những pho tượng thếp vàng lộng lẫy, dưới ánh đèn lại trở nên rực rỡ bội phần. Bà dắt tôi đến trước pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, dạy tôi chắp tay xá xuống. Ánh mắt bà hướng lên ngưỡng vọng đầy kính cẩn, thiết tha.

Tượng Bồ-tát khoan thai ngồi giữa trùng điệp núi non, tay ôm một hài nhi bụ bẫm, gương mặt tượng Bồ-tát dù đã hằn dấu thời gian khô khan nứt nẻ nhưng vẫn đầy đặn, hiền từ với một nụ cười rất nhẹ. Ngài mang đến cho đứa trẻ đứng dưới chân ngài cảm giác đang đối diện với một người mẹ, người bà hay người dì trong nhà hơn là một đấng siêu phàm có thần thông hay năng lực ban vui cứu khổ.

Gương mặt thân thuộc như đã từng gặp thoáng qua đâu đó. Tôi dường như còn thoáng thấy gương mặt ấy nhiều lần giữa biển người qua lại trong đời mình. Và cũng mãi về sau này, tôi mới hiểu hơn về Bồ-tát Quán Thế Âm, vị Bồ-tát biểu trưng của lòng từ bi, tình thương không giới hạn. Nhìn bức tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tay ôm hài nhi trong ngôi chùa làng chiều hôm ấy, tôi bỗng nhớ đến câu hát mình được nghe “Ôm cả trần gian đầy vơi”. Chẳng lẽ “trần gian” chính là hài nhi trong tay Bồ-tát?

Đi qua ngày tháng, ai lại không từng vài phen vấp váp, suy vi, thậm chí có khi trượt dài trên dốc đời tưởng chừng không thể gắng gượng được. Những lúc như thế, ta cần lắm một chỗ để bám víu, nương tựa. Nếu là một đứa trẻ, mỗi khi vấp ngã, chúng sẽ chạy đi tìm mẹ. Còn những người lớn thì sao? Nghiệm từ chính mình, hóa ra đôi lúc một người lớn như tôi cũng chẳng hơn một đứa trẻ, cũng cần đến một nơi để nương tựa mỗi lúc trượt dài. Ký ức luôn hằn sâu trong tâm trí tôi là những bài học từ ông bà.

Tôi nhớ mỗi lúc có biến cố, thăng trầm, giải quyết cách gì thì gì, bà tôi cũng chạy ra chùa làng đến trước tượng Bồ-tát Quán Thế Âm thành tâm khấn nguyện. Cứ mỗi lúc ấy ánh mắt bà thiết tha vô hạn. Và sau này tôi cũng làm như thế, tìm đến một ngôi chùa nào đó, đến dưới chân Bồ-tát Quán Thế Âm hướng lên ngài hằng mong một sự che chở, bằng ánh mắt thiết tha vô hạn của bà năm xưa. Dẫu chẳng có một cánh tay vỗ vai, một cái ôm hay những lời an ủi khuyên nhủ bên tai, nhưng sao cảm giác mỗi khi ấy luôn thật bình yên và lắng dịu. Hóa ra là thế. “Ôm cả trần gian đầy vơi” hóa ra chỉ đơn giản là như thế.

Mãi khi lớn lên, tôi mới đủ tâm tư để liên tưởng rằng ai trong chúng ta đến trước Bồ-tát rồi cũng như hài nhi kia tìm sự chở che trong đôi tay từ mẫu của ngài, và chắc hẳn với ngài, chúng sinh khắp cõi cũng như đứa trẻ thơ cần tình yêu thương che chở. Bao nhiêu con người lúc vấp ngã đã tìm tới nương tựa nơi ngài, bao nhiêu mảnh tâm hồn rách rưới đã hằng mong ngài giúp vá lại, bao nhiêu câu chuyện đời bất hạnh chẳng biết tỏ cùng ai đã kể lể dưới chân ngài và thậm chí bao nhiêu ước nguyện lớn lao hay hèn mọn cũng được giãi bày với ngài.

Bồ-tát cứ ở đó, mỉm cười lắng nghe hết, đón tiếp biết bao phàm nhân tìm về, đón tiếp hết cả trần gian đầy vơi mà chẳng phân biệt cao thấp sang hèn lớn nhỏ. Tính Phật bình đẳng hóa ra cũng chỉ đơn giản là như thế, đơn giản mà khó đến vô tận vô cùng.

Và cũng mãi khi lớn lên, tôi mới biết bài hát mà mình được nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần từ khi còn nhỏ tên là gì. Bài hát nói về một người mẹ đi tìm con, người mẹ mà tim đã thành ra trùng dương, máu đã thành sông thành nước, người mẹ suốt bốn mùa ngồi nghe mọi nơi, rồi ôm cả trần gian đầy vơi. Bài hát ấy tên là Quán Thế Âm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày