Phạm Thiên Thư với hát ru sử Việt thi

Tự bao giờ, quán cà phê Hoa Vàng trên đường Hồng Lĩnh (Q.10) đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những người yêu thơ nhạc. Mọi người đến đây không chỉ thưởng thức ly cà phê với không gian "ngàn sao" mà thi thoảng nghe một lão thi sĩ kể chuyện bằng thơ. Lão thi sĩ ấy chính là Phạm Thiên Thư – tác giả của những bài thơ lục bát mềm mại đã được các nhạc sĩ trứ danh phổ nhạc: Động hoa vàng, Ngày xưa Hoàng Thị, (Phạm Duy phổ nhạc), rồi 10 bài Đạo ca, Kinh Hiền Ngu (Thi hóa kinh Phật theo thể thơ lục bát dài nhất Việt Nam, xác lập kỷ lục), Những lời Thược dược, Tự  điển cười, Đoạn trường vô thanh (Hậu Kiều).

phamthienthu.jpg

Nhà thơ Phạm Thiên Thư

Gần đây, ông còn xuất thêm "chiêu" mới, đó là hát ru qua những câu thơ lục bát viết về lịch sử Việt Nam. Với 3.320 câu lục bát hát ru sử Việt của thi sĩ Phạm Thiên Thư - người con Thái Bình vọng hướng về Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội như thể kể chuyện lịch sử bằng câu hát, lời ru cất lên tự đáy lòng, tự trái tim người Việt Nam, thấm đẫm nghĩa tình. Qua từng câu thơ lục bát trong Hát ru Việt sử thi, thi sĩ họ Phạm gởi gắm tâm tình "Việt sử thi là sự sống con người, Đời này đời nọ qua siêu thức hát ru, từ tình cảm gia đình dân tộc, bà mẹ, chị em, con cháu…".

Những lời ru ngọt ngào, từng vầng thơ như hòa quyện vào không gian bao la, phảng phất như gió thoảng bay qua cánh đồng ca dao bất diệt của ngàn đời dân tộc Việt. Tầng tầng lớp lớp những bài hát ru nối tiếp nhau xuyên suốt trường kỳ lịch sử dân tộc từ thuở sương mù hình thành và quá trình dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước của cha ông ta xưa: Lạc Long Quân vốn dòng Rồng. Lấy Âu Cơ đẻ trăm dòng từ đây. Nửa theo mẹ tới non mây. Nửa theo cha xuống sum vầy biển vang. Con trưởng làm vua Văn Lang. Là Hùng Vương giữ ngai vàng truyền lưu. Vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất (năm 111 trước Tây lịch đến năm 39 sau Tây lịch), nhà Hán sai sứ thần Tích Quang - Nhâm Diên sang nước ta truyền bá đạo Nho, trước tình trạng ngoại xâm văn hóa, ông cha ta lúc bấy giờ đã lấy Phật giáo làm chính đạo: Thế nên trí thức Văn Lang. Dễ theo Phật giáo - Ấn đang truyền vào. Đạo theo những cánh buồm cao. Du Tăng Đông Độ ghé vào Giao Châu. Tạo nên nề nếp ban đầu. Càng yêu dân tộc - càng sâu sức Thiền.

Phạm Thiên Thư đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc về ý chí quật cường, sẵn sàng hy sinh xương máu để giành độc lập tự do cho dân tộc: Thà chết-cho sử thêm son. Hơn sống nô lệ cúi lòn ngoại bang. Hay: Mình voi hai vị nữ lang. Uy nghi giáp bạc, giáp vàng như hoa. Dao gươm nhật nguyệt chói lòa. Điều quân toàn tướng đàn bà ngựa dong (Hát ru về Trưng Vương), Hy sinh vì nước vì non. Kể chi già trẻ, sống còn phải toan. Hội cờ họp bến Bình Than. Trái cam bóp nát-can tràng tuổi thơ (Hát ru quân sử).

Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam được đánh dấu trong thời kỳ lịch sử khi đất nước đang gặp lâm nguy nạn thù trong giặc ngoài. Tinh thần nhập thế giúp dân giúp nước cứu đời của Phật giáo được thể hiện qua khúc hát ru về Thiền sư Vạn Hạnh: Ngày xưa có một cảnh chùa. Có thầy Vạn Hạnh già nua bạc đầu. Thầy trầm tư lẽ nhiệm mầu. Làm sao hiện hóa Giao Châu diệu huyền. Giúp sao cho vạn đời lên. Cho nhân sinh hóa uyên tuyền một phương. Tìm trong kinh sử cho tường. Tìm trong thiền đạo con đường hội thông. Chăm lo dạy dỗ tiểu đồng. Lòng thầy như ngọn lửa hồng sáng soi. Tre già cho lớp măng coi. Dạy người để cứu giống nòi lầm than. Dạy con nuôi Lý Khánh Vân. Là Lý Công Uẩn tinh thần sáng cao. Rõ ràng một bậc anh hào. Thầy đem nhật nguyệt gửi vào tuổi thơ. Truyền võ nghệ, giảng binh thơ. Thiền tâm, học thuật mong chờ rồng bay. Biết bao tâm huyết đêm ngày. Con đường Vạn Hạnh trao tay một người. À ơi! Đi kiếm cả đời. Mong sao gặp được như người mà trao.

Có thể nói, Hát ru Việt sử thi đưa người đọc về với từng bước chân của cha ông trong quá trình làm nên lịch sử hào hùng, tạo dựng truyền thống văn hóa sáng ngời chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó, Phạm Thiên Thư còn phơi diễn những kiến giải của riêng mình. Ông tâm sự: "Hát ru Việt sử thi là tác phẩm thi hóa dài hơn 3.000 câu mà tôi đã thai nghén và phác thảo từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước".

Bên cạnh những câu thơ có tính chất diễn nôm lịch sử nhắc nhớ lại lịch sử nước nhà, tác phẩm Hát ru Việt sử thi đã thi hóa lịch sử Việt, dễ dàng đi vào lòng người: À ơi! cho cháu lời ru. Cất từ cái thuở sương mù cha ông. Chim Hồng chim Lạc qua song. Bay qua Việt sử từng dòng là thơ. Đêm đêm nhịp võng trăng mờ. Trăng soi câu hát ru hờ con tim. Tay bà hóa cánh chim lên. Nhẹ đưa nhịp võng ru-thuyền tương lai. Lòng bà thành chiếc võng đay. Hồn quê thơm điệu ru này, à ơi! Mai sau khôn lớn làm người. Đi lên chân bước tuyệt vời mênh mông!

Phạm Thiên Thư tên khai sinh là Phạm Kim Long, sinh năm 1940, quê nội ở Thái Bình, quê ngoại Bắc Ninh, giải nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu Kiều - Đoạn trường vô thanh năm 1973.
Tác phẩm đã in: Thơ Phạm Thiên Thư (1968); Kinh Ngọc (thi hóa kinh Kim Cương); Động Hoa Vàng (Thơ) 1971); Đạo ca (nhạc Phạm Duy); Hậu Kiều - Đoạn trường vô thanh, 1972; Kinh thơ (thi hóa kinh Pháp Cú); Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài (thơ); Kinh Hiếu; Kinh Hiền (thi hóa Kinh Hiền Ngu) gồm 12.000 câu lục bát; Ngày xưa người tình (thơ); Trại Hoa Đỉnh Đồi (thơ) 1975.
Các tác phẩm được phổ nhạc: Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu, Em lễ chùa này, Huyền thoại trên một vùng biển, Loài chim bỏ xứ (nhạc Phạm Duy), Như cánh chim nay (nhạc Cung Tiến), Guốc tía, Đôi mắt thuyền độc mộc (nhạc Võ Tá Hân); Độc Huyền (nhạc Nguyễn Tuấn), Động Hoa vàng (nhạc Trần Quang Long)....
Tác phẩm dự định xuất bản: Tác phẩm Hát ru Việt sử thi dài 3.300 câu của Phạm Thiên Thư sắp xuất bản nhân chào mừng ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày