Phật giáo cần ứng xử phù hợp trước cơn bão truyền thông

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Hiện nay, cứ mỗi lần mở các ứng dụng mạng xã hội của điện thoại thì ngay lập tức các tin không tốt về Tăng Ni hiện ra. Đa phần là các clip (đoạn phim ngắn), cắt ghép các bài giảng của chư Tăng với cách đặt tựa giựt gân và nhiều bình luận chê bai đạo Phật, thậm chí có không ít lời khiếm nhã xúc phạm người tu hành. Tôi băn khoăn tự hỏi, là Phật tử nên ứng xử thế nào trước tình trạng này? Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội) cần làm gì để bảo vệ Chánh pháp?

(THANH THẢO, thaonguyen…@gmail.com)

Bạn Thanh Thảo thân mến!

Chúng ta cần nhìn nhận rằng, hiện tượng tập kích Phật giáo Việt Nam bằng truyền thông là có thật, đang xảy ra mỗi giờ và có khuynh hướng ngày càng mạnh hơn. Truyền thông bẩn khai thác một số yếu tố chưa chuẩn mực trong Phật giáo rồi gieo rắc ý niệm Phật giáo là mê tín, Tăng Ni không thật sự tu hành, kêu gọi mọi người hãy quay lưng với chùa chiền. Nếu Phật giáo đồ không có ứng xử phù hợp thì viễn cảnh Phật giáo rơi vào pháp nạn do truyền thông tàn phá sẽ cận kề.

Người Phật tử luôn nêu cao tinh thần bi trí dũng và thực hành Bát chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) để đối diện với thực tiễn. Từ bi và nhẫn nhục, “oan ức không cần bày tỏ” là những đức tính tốt nhưng khi Phật giáo bị xúc phạm thì Phật giáo đồ cần phát huy các đức tính như dũng, trí (chánh kiến, chánh tư duy), chánh ngữ, chánh tinh tấn nhằm bảo vệ Chánh pháp.

Đầu tiên, Phật tử không nên im lặng mà hãy ứng xử phù hợp bằng cách góp lời bình luận. Cụ thể: Với các clip cắt ghép những bài giảng với ác ý, hãy bình luận “Nếu các bạn xem hết băng giảng sẽ có cái nhìn khách quan hơn”. Với những clip có nội dung như chư Tăng cãi vã hoặc xô xát lẫn nhau (có thể được dàn dựng), hãy bình luận “Khi chưa biết rõ sự việc, không nên tạo khẩu nghiệp ác”.

Với các clip cắt ghép hai vị thầy cùng nói một vấn đề mà quan điểm trái ngược nhau, như ca hát để vui tươi tu học và ca hát khiến người khác khó chịu bị tổn phước, hãy bình luận “Các thầy nói pháp tùy theo hội chúng nên không có gì chống trái cả”. Đối với những clip cho rằng người tu không nhận tiền cúng dường mới thực là bậc chân tu, hãy bình luận “Mỗi người mỗi hạnh, nhận tiền để làm đạo, lợi ích cho nhiều người vẫn đúng đạo” v.v…. Chính những lời bình luận đúng đắn, chân thành sẽ giúp cho những người xem clip có cái nhìn khách quan hơn về sự việc.

Kế đến, Giáo hội cần nhanh chóng tìm giải pháp và có những ứng xử phù hợp để giải quyết vấn đề. Giáo hội hiện có các ban ngành chức năng, có đầy đủ quyền hạn nhưng xử lý các vấn đề liên quan đến Phật giáo lại quá chậm so với tốc độ lây lan như vũ bão của truyền thông. Nếu Tăng Ni, tín đồ có sai phạm giáo luật, Giáo hội kịp thời nghiêm khắc xử lý, công bố rộng rãi trên truyền thông (như vụ việc tại chùa…, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Nếu có người giả dạng Tăng Ni, làm clip để bôi nhọ Phật giáo thì Giáo hội cần kết hợp với chính quyền nhanh chóng đưa sự việc ra ánh sáng (như vụ Trần Hoàng Kil tại H.Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhờ xử lý đúng đắn, nhanh chóng nên ảnh hưởng xấu của những vụ này được giảm thiểu và chế ngự.

Hiện nay, luật pháp về truyền thông đã rõ ràng, những ai đưa thông tin sai với sự thật, tổn hại đến cá nhân và tổ chức sẽ bị xử lý theo pháp luật. Giáo hội cần có hướng xử lý hiệu quả đối với các chủ kênh (YouTube, Tiktok…) và báo đài đưa tin không đúng sự thật hay xúc phạm đến Phật giáo. Căn bản của các giải pháp Phật giáo là ôn hòa, nhưng nếu cần thiết thì phải đối mặt với họ bằng pháp luật. Thực tiễn cho thấy, chỉ cần công an hay tòa án có giấy triệu tập để giải quyết vụ việc thì các chủ kênh lập tức rút kinh nghiệm, rút luôn clip.

Tóm lại, Tăng Ni Phật tử và Giáo hội cần hành động, phải có ứng xử phù hợp, im lặng trong bối cảnh hiện nay là đồng tình, “mũ ni che tai” là chết. Người có cảm tình, người sơ phát tâm sẽ quay lưng với Tam bảo trước cơn lốc truyền thông nhắm vào Phật giáo. Vì thế, mỗi cá nhân Phật giáo đồ cần tự kiện toàn, ngăn chặn từ gốc rễ các sự cố truyền thông. Quan trọng nhất là Giáo hội phải nhanh chóng có giải pháp hiệu quả để bảo vệ Chánh pháp.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm lễ rước tôn tượng kim thân Đức Phật sơ sinh từ tịnh xá Lộc Uyển (Q.6) về tịnh xá Kỳ Viên (H.Bình Chánh)

Các miền tịnh xá trực thuộc Giáo đoàn VI hệ phái Khất sĩ tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568

GNO - Nhân mùa Phật đản Phật lịch 2568, các miền tịnh xá trực thuộc Giáo đoàn VI hệ phái Khất sĩ: Đại Quang (xã Hưng Long, H.Bình Chánh), Ngọc Sanh (H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), Kỳ Viên (TT.Tân Túc, H.Bình Chánh) và Trúc Lâm (H.Tân Biên, Tây Ninh) đã trang nghiêm tổ chức lễ Tắm Phật truyền thống.
Ban Trị sự GHPGVN TP.Gò Công đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đền thờ Liệt sĩ TX.Gò Công

Ban Trị sự GHPGVN TP.Gò Công dâng hương tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ và bàn giao nhà Đại đoàn kết

GNO - Sáng 18-5, nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, thể hiện tinh thần tri ân, báo ân, Ban Trị sự GHPGVN TP.Gò Công đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc tại Đền thờ Liệt sĩ TX.Gò Công (P.2, TP.Gò Công, Tiền Giang).

Thông tin hàng ngày