Phật giáo tại Ấn Độ Mạch nhỏ tùy duyên xuôi về sông lớn bất biến

Theo một thống kê chính thức thì 7.5 triệu người trong số một tỷ dân của nước Ấn Độ là Phật tử, tương đương với gần 0.8% dân số. Thật ra đó chỉ là cách tính số học, không gợi lên được sắc màu sinh động của Phật giáo Ấn Độ ngày nay.
                                          

Sông Hằng vào buổi bình minh

      Những trọng điểm như Bồ Đề Đạo Tràng, vườn Lộc Uyển đều mang đậm màu sắc Phật giáo và đã trở thành những bộ sưu tập phong phú nhất, có hầu hết những sắc thái Phật giáo lớn: Nguyên thủy Phật giáo từ Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan; Thiền tông từ Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên; Kim cang thừa từ Tây Tạng, Nepal, Bhutan; chưa kể những ngôi chùa có nguồn gốc từ Việt Nam. Về phương diện sinh hoạt tín ngưỡng, Phật giáo ở những trung tâm này cũng muôn màu muôn vẻ, từ một lễ cầu an tại tư gia đơn giản nhất do những nhà sư Phật giáo Nguyên thủy cử hành đến những đại trai đàn ban truyền pháp Quán đảnh hay pháp Thời luân Kalacakra hoành tráng và quy mô do những vị Đại Lạt ma từ Tây Tạng tổ chức và chủ lễ.
Người viết có lần rời khỏi những trọng điểm Phật giáo mang tính cách quốc tế, đa văn hóa như vậy và tình cờ ghé lại một ngôi chùa nhỏ ở làng quê Ấn Độ vào một buổi chiều cuối hạ. Mặt trời vừa buông hết những tia nắng sau cùng, những người Phật tử lần lượt về chùa tụng kinh. Chùa quê ở đâu cũng có những nét thoang thoáng giống nhau, lặng lẽ và khoáng đãng. Vị sư trụ trì vui vẻ chào đón và sắp xếp ổn định cho mọi người. Nhìn lại trang sử quá khứ, người viết cảm thấy nao lòng: Những người Phật tử mộc mạc chân chất ở đây đã tồn tại như vậy tự bao giờ. Họ đã phải như thế nào để có thể vượt qua được biết bao nhiêu cuộc chiến hủy diệt của những đoàn quân ngoại giáo từ nhiều trăm năm về trước. Họ đã phải trải qua biết bao nhiêu cuộc biến thiên thăng trầm thay ngôi đổi chủ từ triều đại này đến triều đại khác, chế độ này đến chế độ khác. Giữa thế cuộc tai ương nghiệt ngã như vậy, đủ sức tồn tại đã là chuyện đáng nghiêng mình kính cẩn. Nhưng dẫu sao cũng phải thấy những cái có thể tạm xem là chệch choạc trong cách thờ cúng nơi đây, và rất có thể là ở nhiều nơi khác nữa.
   Nếu quan sát với cái nhìn “thước đo chuẩn mực” thì Phật giáo Ấn Độ, cụ thể là ngôi chùa này, không còn thuần túy nữa mà là một dạng xen tạp từ hình thức thờ phụng đến nội dung nghi lễ. Về thờ phụng thì chung quanh Đức Phật là các vị thần nam, thần nữ có nguồn gốc từ các tôn giáo khác, hay từ tín ngưỡng dân gian địa phương. Về nghi lễ thì ngoài các nghi lễ tôn giáo như lễ vía, lễ Phật đản lại có lễ dành cho bé sơ sinh, lễ thôi nôi, lễ cầu an, lễ cúng ông bà tổ tiên, có cả lễ cưới và dĩ nhiên là phải có lễ tang. Các tôn giáo bạn có nghi lễ gì thì hầu như những nhà sư làng quê này phải chế tác ra một dạng nghi lễ mang nội dung ý nghĩa tương tự để phục vụ nhu cầu tế lễ của bổn đạo. Như vậy, với cái nhìn chuẩn mực thuần chất, thì Phật giáo Ấn độ không còn thuần chất nữa, ít nhất là ở ngôi chùa làng quê này. Nhưng thử đặt vấn đề ngược lại, về phương diện thờ cúng và nghi lễ đâu là chuẩn mực thuần chất Phật giáo?
   Nhìn lại lịch sử từ thời Phật thì người viết thấy rằng Đức Phật đã đưa vào giáo lý của mình rất nhiều yếu tố của hệ thống thần thánh có trước như Phạm thiên, Đế thích... đã sử dụng rất nhiều khái niệm có trước như Nghiệp, Luân hồi, Tái sinh... Nếu lọc tất cả những cái gọi là ngoại lai ra khỏi đạo Phật, khó có thể hình dung rằng đạo Phật sẽ như thế nào. Thật ra, đạo Phật ít ra về phương diện tổ chức và hành hoạt, cũng là một pháp do nhân duyên mà sinh ra. Mà đã là pháp do nhân duyên thì làm gì có tự thể, có cái gọi là chuẩn mực thuần chất một cách cứng nhắc. Nhìn chung chúng ta lại thấy sau khi một tôn giáo được thành lập rồi trải qua một thời gian thì tính chất chế biến trong tôn giáo ấy phát triển. Nhìn kỹ hơn thì ngay cả tại thời điểm thành lập thì bất cứ một tôn giáo nào cũng đều có ít nhiều thuộc tính chế biến rồi. Thuộc tính chế biến mạnh mẽ và phổ thông đến độ chúng ta có cảm giác đó là một thuộc tính bắt buộc. Theo người viết, chế biến một cách thích hợp và sáng tạo lại chính là sức sống động, độ linh hoạt, không thể không có của bất kỳ một tổ chức tôn giáo hay không tôn giáo nào. Chùa tháp và việc thờ cúng ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam khác hẳn chùa tháp ở Ấn Độ là vậy. Ngay tại Ấn Độ, chùa tháp mỗi vùng lại cũng lại có độ biến hóa khác nhau tùy theo sức lao động sáng tạo của người xây dựng và tùy theo hoàn cảnh cụ thể.
Người Phật tử làng quê Ấn Độ, trong tình thế phải sống trong, sống với, và sống giao thoa hằng ngày với bầu không khí văn hóa, tín ngưỡng mang phong cách Bà la môn đậm đặc thì việc chế biến hay pha tạp là chuyện đương nhiên. Cụ thể trong ngôi chùa mà người viết thăm viếng, ngoài pho tượng Đức Phật và Bồ tát Quán Thế Âm mang màu sắc thần bí là những biểu tượng, thậm chí là những tượng thần thuộc hệ thống thần thánh Bà la môn. Một nhà sư xét nét và kỹ tính khó có thể chấp nhận những điện đường tháp miếu của Phật giáo lại chứa biểu tượng linga của thần Shiva thuộc Bà la môn. Một nhà sư ưa thích tính chuẩn mực có lẽ sẽ cau mặt khi thấy Bồ tát Quán Thế Âm trong ngôi chùa của Phật giáo Ấn Độ có dáng dấp và trang phục của thần Visnu, một vị thần Bà la môn tham gia vào quá trình tạo thiên lập địa, quá trình sáng tạo ra thế giới. Vị Quán Thế Âm Bồ tát mang thân tướng của thần Visnu này không ngự trên núi Phổ Đà kiểu Trung Quốc hay ở động Hương Tích kiểu Việt Nam mà ngự trên quả núi Garuda của thần Visnu Ấn Độ. Nhưng nếu lạc quan và có cái nhìn thông thoáng cỡ trình độ “năm mươi nghe thuận tai” thì người ta có thể mỉm cười cho rằng: “Bồ tát quả oai linh, thiên biến vạn hóa, có lẽ còn nhiều hơn 36 thân tướng như đã được liệt kê trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ môn”.
Sư trụ trì và người viết đi dọc theo bờ sông Saraswati, gió sông thổi lên mát rượi làm cả hai tỉnh táo. Người viết được dịp đem chuyện thờ cúng, chuyện thần thánh trong chùa ra hỏi và giật mình trước nhận thức vững chắc của vị sư trụ trì: Ở Ấn Độ, vị chủ làng Bà la môn như một ông vua nho nhỏ, huống gì cả một hệ thống chính trị xã hội Bà la môn. Họ thờ thần gì thì mình thờ thần ấy để họ không xem mình là đối thủ và có mâu thuẫn đối kháng. Hơn nữa mình vẫn xếp thần thánh Bà la môn theo thứ bậc của Bồ tát trong đó Đức Phật vẫn là đấng tối tôn, bậc giác ngộ hoàn toàn. Chức sắc Bà la môn đã muốn sát nhập Phật giáo bằng cách xem đạo Phật là một chi phái của họ. Bi quan thì thấy như vậy là khó chịu nhưng nếu lạc quan thì rõ ràng là nhờ vậy Phật giáo chúng ta tuy ít nhưng không bị loại trừ, đồng thời lại tiếp xúc như người cùng một nhà với số lượng lớn tín đồ Bà la môn, trong đó có không ít người mến chuộng đạo lý nhà Phật...
Người viết thầm nhủ việc thờ cúng xen tạp chỉ là dấu vết của thời kỳ Phật giáo bị tôn giáo bạn o ép, thậm chí là ngược đãi nên trong một giai đoạn lịch sử nhất định Phật giáo phải ẩn mình, còn thời đại ngày nay... Có cảm giác không đồng tình cách thờ cúng từ hồi chiều nên người viết cố tranh luận: Có dẹp được không? Tại sao lại nhất thiết phải thờ? Vị sư làng quê ôn tồn nói tiếp: Nếu không thờ thì nhà chùa và nhóm Phật tử nhỏ trong làng sẽ trở thành “người xa lạ”, trở thành một nhóm thiểu số bị cô lập, đồng thời tự mình cách ly với tín đồ Bà la môn. Ngược lại, nhờ thờ như vậy mà tín đồ Bà la môn cũng đến chùa lễ bái thánh thần, qua đó mình mới có dịp tiếp xúc và khai ngộ cho những người có duyên lành với đạo lý nhà Phật.
Nghe vị sư làng quê lý giải, vừa đi người viết vừa thấy rằng sự chế biến trong việc thờ cúng như vậy là một nhu cầu phát xuất từ thực tế cuộc sống. Kiến thức về tôn giáo học của người viết không giúp gì cho việc xác định dạng hợp thể tín ngưỡng nơi ngôi chùa này với ba dạng hợp thể mà những nhà nghiên cứu tôn giáo nêu lên: (1) Tùy tiện hợp thể: kết hợp những yếu tố có trước mắt và trong tầm tay mà không hề có bất cứ một đắn đo nào hay một ý tứ nào cả về tính hài hòa hay tính tương thích; (2) Hỗn dung hợp thể: kết hợp những yếu tố có nguồn gốc khác nhau theo một cách thức để chúng có mức độ hài hòa với nhau; và (3) Quy hệ hợp thể: kết hợp những yếu tố khác nhau vào trong một khung sườn đã định dạng từ trước hay một hệ thống có sẵn. Người viết chỉ thấy rằng sự kết hợp thờ cúng ở đây là một phương tiện diệu dụng vừa là cách để phòng vệ, bảo đảm sự an ổn cho mình vừa là kênh giao lưu, là cầu nối để gắn kết Phật giáo với cộng đồng tín đồ Bà la môn rộng lớn chung quanh, thực hiện chức năng phổ độ chúng sinh của nhà chùa.
Nhà sư làng quê có vẻ cảm khái nói tiếp: Đạo Phật Ấn Độ gần đây đã âm thầm phát triển từ những mạch ngầm nho nhỏ khiêm tốn như vậy nhưng lâu lâu nhiều những mạch nhỏ này gom tụ lại tạo thành những đợt chuyển biến lớn, trong đó có những lễ quy y đại trà cho nhiều ngàn người được tổ chức ở thủ đô Tân Đề Li và một số nơi khác mà báo đài thường đưa tin. Cụ thể 100 ngàn người vào năm 2004, trước đó là 60 ngàn người năm 2003 và 50 ngàn người năm 2001… Những lần quy y tập thể như vậy, những người có nguyện vọng quy y rải rác từ khắp các nơi hội tụ lại hòa nhập vào nhau, tạo thành những sức mạnh kỳ diệu. Có thể hình dung như bất chợt ngay một khoảng khắc thời gian, những mạch ngầm nhất tề tuôn mạnh về nhập vào dòng sông lớn Phật giáo. Trong những dịp đó, ngôi chùa này đã huy động được trên 300 lượt người về quy y tập trung với khoảng 500 lượt Phật tử đi theo cổ vũ và góp phần làm cho trí tuệ và lòng từ ái của Phật giáo thấm nhuần lan tỏa hơn nữa vào đời sống của người dân Ấn Độ.

Những ngôi sao đã long lanh trên bầu trời và phản chiếu xuống dòng sông Saraswati, nhuộm vàng những đợt sóng nhỏ lăn tăn, vị sư và người viết thong thả tản bộ quay về ngôi chùa ấm áp cuối thôn… 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Phật tử trên thế giới đều thuộc một đại gia đình

GNO - Phật giáo được truyền bá đi qua nhiều xứ sở và nền văn hóa khác nhau, vì vậy, tiếp biến để phát triển là điều không thể tránh khỏi. Tuy có khác nhau về mặt biểu hiện, nhưng các truyền thống sau này đều mang trong mình bản chất thực sự và nguyên sơ của Phật giáo.
Ảnh Phật giáo nước ngoài

Phật tán dương hạnh đầu-đà

GNO - Chúng ta đều biết, đạo Phật là trung đạo. Đức Phật cũng nhờ tránh xa hai cực đoan dục lạc và khổ hạnh mà thành tựu đạo quả. Sau khi giác ngộ, trên bước đường hoằng hóa, Thế Tôn vẫn nêu cao lập trường trung đạo.

Thông tin hàng ngày