Nepal: Cơ hội đến trường của các em gái ở khu vực Lumbini

Các Ni sinh tại Học viện Bodhi
Các Ni sinh tại Học viện Bodhi
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Với mong muốn nâng cao nhận thức và kỹ năng sống để họ có thể tự bảo vệ mình trước những hủ tục của xã hội đương thời, nhà sư Mettayya đã tạo điều kiện cho các bé gái ở vùng lân cận Lumbini có cơ hội được đến lớp và tiếp cận với ánh sáng của Phật pháp.

Sư Metteyya Sakyaputta là một tu sĩ Phật giáo ở miền Nam Nepal, người đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho quê hương Lumbini thiêng liêng. Ở vùng nông thôn Nepal, không có gì lạ khi các cô gái chỉ mới 10 tuổi đã phải kết hôn, chuyển đến sống ở nhà chồng và lo toan việc nội trợ. Một báo cáo của UNICEF vào tháng 4-2023 cho thấy ở Nam Á, với 290 triệu cô dâu trẻ em, đã chiếm khoảng một nửa tổng số bé gái phải kết hôn trên toàn cầu, mặc dù nạn tảo hôn từ lâu đã bị xem là bất hợp pháp.

Hàng năm, ước tính có khoảng 1,5 triệu người viếng thăm thánh địa Lumbini, nơi Đức Phật đản sinh và có hơn 30 tu viện ở đây với hàng chục ngàn tu sĩ. Trong hai thập kỷ qua, sư Metteyya và Quỹ Phục vụ Xã hội Lumbini đã nỗ lực để thành lập trường học cho trẻ em ở khu vực này. Gần đây, sư trở thành Phó Chủ tịch của Quỹ Phát triển Lumbini, một tổ chức chính phủ với nhiệm vụ quy hoạch tổng thể Lumbini. Sư cũng là Chủ tịch của Tổ chức Xây dựng Lumbini. Tuy nhiên, nổi bật hơn hết là những nỗ lực của sư dành cho các bé gái ở miền Nam Nepal.

Sư Metteyya

Sư Metteyya

Từ năm 2010, sư Metteyya đã hỗ trợ điều hành một tu viện nơi chư Ni sống và học Phật bên cạnh các môn học khác nhau ở trường, họ cũng chào đón nhiều học sinh mới kể từ đó. Nhiều nữ tu thọ nhận tám giới và được cung cấp chỗ ở đặc biệt tùy vào độ tuổi. Sư Metteyya cho biết môi trường đôi khi là “ánh sáng Phật pháp”, vì sư không muốn họ bị bao quanh bởi khổ đau. Sư giải thích rằng một số nữ tu đã từng lập gia đình và có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Sư Metteyya năm nay 39 tuổi, xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn sùng đạo. Trong những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, sư đã thông hiểu về kinh điển Ấn Độ giáo thông qua những nghi thức hàng ngày của gia đình; tuy nhiên, sư cũng bắt đầu tò mò về Phật giáo và vai trò của khu Thánh địa Lumbini trong lịch sử Phật giáo. Metteyya theo học pháp với Ni sư Sujata, một trong những vị Ni sáng lập dòng Tỳ-kheo-ni của Nepal.

Sau đó, hội đủ nhân duyên, sư xuất gia theo truyền thống Theravada với pháp danh là Metteyya. Sư cho biết quyết định này đã khiến cho sư và cha mình không nói chuyện với nhau trong vài năm, nhưng hiện nay, gia đình sư đã hoàn toàn ủng hộ, cũng như quyên góp tiền tài và đồ đạc cho các trường học. Họ thậm chí còn đến để chia sẻ với sinh viên ở các ngôi trường.

Sư Metteyya còn thành lập trường Cao đẳng Nữ sinh Karuna và trường Pragya Gurukul ở một ngôi làng bên ngoài Lumbini. Karuna là trường nữ sinh duy nhất trong khu vực này; các học sinh ở đây được dạy về cả kiến thức và nghề nghiệp, cũng như cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống như tảo hôn, thiếu kế hoạch hóa gia đình, quản lý yếu kém của chính quyền, và môi trường xuống cấp. Các ngôi trường đều dạy miễn phí và được duy trì dựa vào sự đóng góp của các tổ chức và các mạnh thường quân.

Lumbini là một trong Tứ động tâm của Phật giáo. Những khu vườn nơi đây vẫn yên bình và tĩnh lặng với những lá cờ cầu nguyện tung bay trong gió sớm. Các vị tu sĩ từ nhiều truyền thống khác nhau trên thế giới thường đến đây để chiêm bái, tụng kinh, thiền định và thuyết pháp xung quanh khu phức hợp.

Lumbini vẫn ẩn mình so với thế giới bên ngoài cho đến đầu thế kỷ XX, khi các nhà khảo cổ dựa trên các tư liệu trong các bản kinh văn Phật giáo và khám phá ra trụ đá Ashoka. Nhưng theo sư Metteyya, người dân địa phương chưa bao giờ lãng quên địa điểm thiêng liêng này, bởi nơi đây từ lâu đã trở thành một ngôi đền thờ cho tất cả dân làng đến cúng bái.

Cùng với sự khai quật đó, thế giới bên ngoài đã quay trở lại với Lumbini. Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ra những gò đất được xây dựng nơi Đức Phật đản sinh. Và sau chuyến hành hương quan trọng của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc U Thant vào năm 1967, Lumbini đã chính thức nhận được sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc. Trong những năm 70 của thế kỷ XX, kiến trúc sư nổi tiếng Kenzo Tange đã đề ra một kế hoạch phát triển nhằm bảo tồn Lumbini như một địa điểm tâm linh và đón chào khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, sư Metteyya cho biết việc tái phát triển đã biến Lumbini thành một “Thế giới Disney” của Phật giáo. Các khu vực được xây dựng bởi nhiều quốc gia khác nhau đều rất đẹp đẽ và khang trang với những bãi cỏ và khu vườn được cắt tỉa cẩn thận. Nhưng dân cư từ bảy ngôi làng đã bị di dời theo như một phần của kế hoạch và vùng đất lại trở thành nơi để các bầy sếu trú ẩn.

Sư chia sẻ: “Chúng ta xây dựng những tượng đài đẳng cấp thế giới bên trong khu vực này, nhưng bên ngoài thì cuộc sống gần như vẫn vậy”.

Bốn thập kỷ sau khi được thông qua, việc quy hoạch tổng thể đã hoàn thành được khoảng 80%. Trong nhiều năm giữ vai trò ở Lumbini Land Trust, sư Metteyya đã dành nhiều thời gian để thăm các quan chức cao cấp và cũng để đảm bảo rằng Lumbini không bị phát triển quá mức (Sư Metteyya kết thúc nhiệm kỳ của mình vào cuối năm 2023). Sân bay Quốc tế Gautam Buddha mở cửa gần Lumbini vào tháng 5-2022, cho phép những người hành hương và du khách quốc tế có thể thực hiện chuyến bay trực tiếp đến thánh địa.

Và công việc ở các ngôi làng vẫn tiếp tục. Sự tin tưởng của dân làng vào vị tu sĩ Metteyya đã mở ra một bước ngoặt cho sự thay đổi đáng kể ở khu vực này trong một khoảng thời gian dài. Sinh viên tốt nghiệp đã trở thành y tá, nữ hộ sinh phục vụ trong khu vực, trong khi những người khác trở thành bà nội trợ hoặc những người phục vụ cho cộng đồng. Một số sinh viên tốt nghiệp khác đã đến Sri Lanka để tiếp tục sống đời tu sĩ và nghiên cứu Phật giáo.

Hiện nay, vẫn còn nhiều học sinh đang theo học tại Học viện Bodhi, các cô gái được trở về nhà vào ngày nghỉ học và những ngày cuối tuần. Những người phụ nữ ở Lumbini đã kế thừa tinh thần của Hoàng hậu Maya Devi và Mahapajapati Gotami trong việc tự lực, mong muốn phát triển bản thân và thoát khỏi những hủ tục lạc hậu chèn ép người phụ nữ. Hơn thế nữa, có những người với tinh thần xuất gia mãnh liệt cho rằng phụ nữ nếu tu tập và chuyển hóa thì cũng có thể gặt hái những thành tựu đáng kể trên con đường xuất thế của Phật giáo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày