Chư tôn đức vá các vị quan khách thả bóng bay cầu nguyện hòa bình tại Đại lễ Phật đản - Ảnh: Minh Triết
Nhiều điểm son trong công tác mũi nhọn
Phật giáo tỉnh Kiên Giang bao gồm đầy đủ các hệ phái và mỗi hệ phái đều có nhiều đóng góp tích cực vào công tác Phật sự tỉnh nhà. Trong 5 năm qua, có thể nói, hoạt động Phật sự mũi nhọn là ngành hoằng pháp với nhiều khởi sắc và thành tựu đáng kể. Báo cáo văn phòng BTS Phật giáo tỉnh Kiên Giang cho biết, vào mùa An cư kiết hạ hàng năm, Ban Hoằng pháp tỉnh ngoài việc đệ trình Thường trực BTS cung thỉnh chư tôn đức TƯGH hỗ trợ, còn cử các thành viên Ban Hoằng pháp tỉnh đến thuyết giảng tại các trường hạ trong tỉnh, tổ chức thực tập diễn giảng giáo lý, làm báo tường để nâng cao chuyên môn cho các hành giả an cư.
Từ năm 2012 đến nay, hàng năm Thường trực BTS tỉnh Kiên Giang đều mở khóa bồi dưỡng trụ trì, hầu hết chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện trong toàn tỉnh đều tham dự đầy đủ. Ngoài ra, được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, khóa bồi dưỡng trụ trì dài hạn được mở từ năm 2014 - 2016, có 210 vị tham dự, mỗi tháng học 2 ngày, và 2 khóa tập huấn cho các vị phó trụ trì, Ban Quản trị các cơ sở tự viện Phật giáo Nam tông Khmer.
Để hướng dẫn Phật tử tu học đúng Chánh pháp, Ban Hoằng pháp đã xây dựng kế hoạch tổ chức khóa tu tập trung tại các huyện trong tỉnh. Hàng tháng, mỗi huyện đều chọn 2 điểm tổ chức khóa tu tập trung dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp. Các buổi thuyết giảng đều được truyền hình trực tuyến trên các kênh: youtube.com/c/phatquangkiengiang và Facebook Pháp âm Kiên Giang, thu hút sự tham gia tu học của Phật tử từ 200 - 500 vị mỗi kỳ. Đặc biệt, hàng năm BTS Phật giáo tỉnh Kiên Giang đều phối hợp với Ban Hoằng pháp T.Ư tổ chức 2 khóa tập huấn hoằng pháp viên dành cho các Phật tử tiêu biểu trong toàn tỉnh, thu hút từ 800 - 1.000 Phật tử tham dự.
Nhằm tạo điều kiện cho giới tử có đầy đủ giới phẩm tu học và hành đạo, cũng như đáp ứng lòng khát ngưỡng giới pháp của Tăng Ni, trong nhiệm kỳ VIII, Giáo hội tỉnh Kiên Giang đã tổ chức được 2 Đại giới đàn tôn hiệu Giác Phước và Bổn Châu để truyền giới cho gần 300 giới tử. Theo truyền thống của Phật giáo Nam truyền, hàng năm đều tổ chức giới đàn truyền giới cho Sa-di thọ giới tu học; trong 5 năm qua, Phật giáo Nam tông đã truyền giới cho 459 Sa-di được thọ giới Tỳ-kheo.
Tại tỉnh Kiên Giang, Đại lễ Phật đản là sự kiện luôn được BTS quan tâm và tổ chức trọng thể, đa sắc màu. Vào Tuần lễ kỷ niệm Đại lễ Phật đản, BTS tỉnh đều trang nghiêm tổ chức Đại lễ tại lễ đài tập trung với gần 1.000 Tăng Ni và đồng bào Phật tử tham dự. Riêng với Phật giáo Nam tông, vào các ngày lễ hội như Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôn-ta, lễ Ót Om Bốc, nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền được tổ chức rộn ràng như: thi nghệ thuật trang trí văn hóa chùa chiền, lễ hội hoa đăng, liên hoan văn nghệ, thể dục thể thao, đặc biệt là đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer.
Bên cạnh đẩy mạnh công tác hoằng pháp, văn hóa, công tác từ thiện xã hội cũng luôn được đẩy mạnh. BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang tích cực vận động tài chính, thực phẩm cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ đồng bào trong và ngoài tỉnh gặp khó khăn khi xảy ra thiên tai bão lũ và trong cuộc sống; hưởng ứng tham gia đóng góp quỹ ngày vì người nghèo; tặng 1.113 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tổ chức tiếp sức mùa thi, ủng hộ bếp cháo từ thiện, hốt thuốc nam miễn phí, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo… do chính quyền và MTTQVN các cấp phát động. Nổi bật, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang nuôi dạy nội trú miễn phí toàn phần cho 120 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; và chi nhánh nhà trẻ Nhân ái Phật Quang đã hỗ trợ trên 500 hộ gia đình nghèo có cơ hội gởi con vào đây để đi làm ăn thoát nghèo. Trong 5 năm nhiệm kỳ, BTS tỉnh Kiên Giang đã vận động tổng số tiền từ thiện hơn 334 tỷ đồng. Với những hoạt động tích cực, tập thể BTS Phật giáo tỉnh Kiên Giang được vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Sức mạnh từ sự đoàn kết của các hệ phái Phật giáo
“Trong nhiệm kỳ qua, sự thành công lớn nhất của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang đạt được chính là xây dựng được tinh thần trách nhiệm đoàn kết nội bộ và các hệ phái, từ đó tạo được sự đồng thuận của tập thể Tăng Ni, Phật tử, từ đó dẫn đến kết quả hoàn thành xuất sắc nhiều công tác Phật sự mà nghị quyết Đại hội Phật giáo khóa VIII đã đề ra”, TT.Thích Minh Nhẫn, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang cho biết.
Theo đó, để có sự đồng thuận và đồng tâm hiệp lực của tập thể Tăng Ni và Phật tử cũng như tinh thần đoàn kết nội bộ tốt, BTS Phật giáo Kiên Giang đã xây dựng và thực hiện tốt nội quy, quy chế hoạt động của các thành viên Thường trực BTS và quy định cụ thể về chế độ hội họp.
Hàng tháng, Thường trực Ban Trị sự tổ chức họp lệ định kỳ vào buổi sáng ngày 25 dương lịch để kiểm tra hoạt động Phật sự tháng qua, thống nhất về chủ trương và chương trình làm việc của tháng kế tiếp. Sau khi Thường trực BTS thống nhất thì Chánh Thư ký BTS chịu trách nhiệm lập kế hoạch triển khai các chương trình đã thông qua. Giữa hai kỳ họp, ba vị Phó Trưởng ban đặc trách cùng Chánh Thư ký của Giáo hội tỉnh trực tiếp xử lý, những việc lớn ngoài trách nhiệm phân công sẽ được báo cáo xin ý kiến Hòa thượng Trưởng BTS, hoặc đợi đến kỳ họp lệ định kỳ hàng tháng xin ý kiến của tập thể Thường trực BTS.
Đã thành thông lệ, hàng tháng BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang đều tổ chức họp sinh hoạt Tăng sự vào ngày mùng 2 ÂL dành cho tất cả Tăng Ni trụ trì trong toàn tỉnh, để phổ biến và triển khai các văn bản của TƯGH, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và thông báo các chương trình phối hợp của MTTQVN với các tổ chức thành viên. Đặc biệt, tại buổi họp Tăng sự này, các công tác Phật sự trong tháng qua cũng được báo cáo và triển khai các công tác Phật sự tháng tới mà Thường trực BTS đã thông qua tại kỳ họp thường trực định kỳ hàng tháng.
Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ 2012-2017, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang chủ trương thành lập và bổ nhiệm các ban ngành trực thuộc, cơ cấu các nhân sự gồm đầy đủ các thành phần của các hệ phái Phật giáo. Mỗi ban ngành trực thuộc có trung bình từ 15 - 25 thành viên, đảm bảo được tính nguyên tắc bình đẳng, quyền và lợi ích chung của các hệ phái Phật giáo, luôn xem GHPGVN là ngôi nhà chung. “Sự hoạt động tích cực của các ban ngành đã làm nên bức tranh nhiều màu sắc sinh động của các mặt hoạt động Phật sự và tạo nên những thành tựu Phật sự to lớn của BTS Phật giáo tỉnh khóa VIII”, TT.Thích Minh Nhẫn chia sẻ.
Hạnh Ý