GN - Hình thành tổ chức Giáo hội từ rất sớm so với các tỉnh Tây Nguyên khác, với 35 năm phát triển, Phật giáo tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng hoàn thiện hệ thống hành chính, cải cách phương thức điều hành Phật sự theo Hiến chương Giáo hội, Quy chế hoạt động của Ban Trị sự (BTS), phát huy nội lực đóng góp tích cực cùng nhân dân trong tỉnh xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tạo nên những bước phát triển hài hòa.
Chùa Linh Sơn - trung tâm diễn ra các hoạt động Phật sự của Phật giáo tỉnh Lâm Đồng
Từ khó khăn nội tại
Chỉ trong một nhiệm kỳ vừa qua, Phật giáo Lâm Đồng đã gặp những tổn thất khá lớn về nhân sự khi một số chư tôn giáo phẩm đảm nhiệm các vị trí chủ chốt viên tịch. Theo đó, khi BTS GHPGVN tỉnh đang vận hành nhịp nhàng sau 2 năm đầu nhiệm kỳ thì cố HT.Thích Pháp Chiếu, Trưởng BTS đã thuận thế vô thường, xả bỏ báo thân. Sự mất mát này tiếp nối mất mát khác khi cố HT.Thích Không Trú, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS cũng nhẹ gót về Tây để lại nhiều khoảng trống lớn trong việc điều hành và triển khai các Phật sự nơi phố núi Lâm Viên.
Không những thế, theo HT.Thích Toàn Đức, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, vì tỉnh nhà là địa bàn miền cao, dân cư phân bố phân tán, đi lại khó khăn nên việc theo dõi và giải quyết các vấn đề phát sinh của BTS thường mất nhiều thời gian và thiếu hiệu quả. Điển hình nhất là vụ việc liên quan đến cơ sở tịnh thất Quan Âm (huyện Đức Trọng) do ĐĐ.Thích Giác Nhàn tạo lập. BTS đã phải họp nhiều lần và khá cân nhắc mới có thể giải quyết ổn thỏa để sinh hoạt nơi đây đi vào quỹ đạo chung của Phật giáo tỉnh.
“Trong nhiều tình thế, chúng tôi buộc lòng phải bổ sung và điểu chỉnh nhân sự để có thể hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra trước toàn thể chư Tăng Ni và Phật tử tỉnh nhà. Đến nay, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, bằng sự chung tay của cả tập thể nên phần nào các Phật sự dự kiến đã được tổ chức thành công và đạt kết quả như mong muốn”, HT.Thích Toàn Đức từ tốn chia sẻ khi nhớ lại thời khắc khó khăn về nhân sự và các vấn đề bất cập xảy ra của Phật giáo tỉnh.
Nhiệm vụ đầu tiên được hoàn thành đúng thời hạn mà vị giáo phẩm đứng đầu Phật giáo tỉnh Lâm Đồng đề cập là sinh hoạt của ngành giáo dục Tăng Ni, trong đó Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng nổi bật hơn cả. Trong 5 năm qua, dù có nhiều biến động về nhân sự, nhà trường luôn duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo của 12 môn học gồm các môn nội điển như Kinh, Luật, Luận, lịch sử Phật giáo, giáo lý căn bản; các môn ngoại điển gồm Hán văn, Anh văn, ngữ văn, Hoa văn, tiếng Việt thực hành và chính sách về tôn giáo.
Vào năm 2015, 101 Tăng Ni sinh khóa VIII của trường đã tham gia kỳ thi và đạt kết quả tốt nghiệp ra trường sau 4 năm học tập. Hiện nhà trường đang đào tạo khóa IX với 119 Tăng Ni sinh, khóa X với 87 Tăng Ni sinh chính thức và 10 Tăng Ni sinh dự thính. Ngoài ra, vào năm 2017, nhà trường còn mở lớp cử nhân Tôn giáo học hệ vừa học vừa làm trên cơ sở liên kết với Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội với 96 Tăng Ni sinh theo học. Đến nay, nhà trường cũng đã đầu tư xây dựng mới cơ sở gồm bốn phòng học, các công trình phụ và bàn ghế, dụng cụ học tập, với tổng kinh phí lên đến 3,5 tỷ đồng.
Một nhiệm vụ khác cũng được cho là đúng tiến độ và tạo nên bước chuyển mình của Phật giáo Lâm Đồng là hoàn thành việc tổ chức đại hội Phật giáo cấp huyện. Thực hiện Thông tư 292/TT.HĐTS của Ban Thường trực HĐTS, Thông tư số 411/TT.BTS của BTS GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, Phật giáo 12 huyện, thành phố gồm Di Linh, Bảo Lâm, Đà Lạt, Đơn Dương, Cát Tiên, Đạ Huoai, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Tẻh, Lạc Dương và Đam Rông đã tiến hành hiệp thương, tổ chức thành công đại hội và ra mắt nhân sự mới.
“Tất cả chư tôn đức đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Phật giáo cấp huyện đều là thế hệ Tăng Ni trẻ, có học vị và được đào tạo một thời gian dài nên phần nào cũng tạo sự yên tâm từ chư tôn giáo phẩm có trách nhiệm và quần chúng Phật tử”, HT.Thích Toàn Đức khẳng định.
Trong khi đó, Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh lần đầu tiên tổ chức khóa bồi dưỡng giới luật cho Ni giới mang tính quy mô. Tham gia khóa học có 420 chư Ni toàn tỉnh, diễn ra trong thời gian 7 ngày do HT.Thích Minh Thông, Phó ban Tăng sự T.Ư GHPGVN giảng dạy. Khóa học diễn ra thành công tiếp thêm sự phấn khởi trong tu học và hành đạo của chư Ni.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Phật giáo Lâm Đồng hiện có 209 cơ sở thờ tự hợp pháp gồm 165 chùa, 2 thiền viện, 21 tịnh xá, 20 tịnh thất, 1 niệm Phật đường và 224 cơ sở tịnh thất chưa hợp thức hóa. Số lượng Tăng Ni trong toàn tỉnh hiện nay lên đến 2.597 vị; khoảng 350.000 tín đồ Phật tử tu học thường xuyên tại các đạo tràng, trong đó có khoảng 7.000 Phật tử người dân tộc. Đối với sinh hoạt Gia đình Phật tử, có 22 đơn vị sinh hoạt trong lòng Giáo hội gồm 237 huynh trưởng và 2.200 đoàn sinh.
Trong nhiệm kỳ qua, từ sự cần cầu của quý Phật tử các địa phương, BTS GHPGVN tỉnh đã đăng ký với các cơ quan chức năng có thẩm quyền được bổ nhiệm 49 vị Tăng Ni làm trụ trì các cơ sở tự viện thuộc tỉnh. Song song đó, BTS cũng đã có văn bản đề nghị hợp thức hóa nhiều cơ sở thờ tự đã hiện diện lâu năm, có sự gắn bó với Phật giáo địa phương, nhưng chưa được sinh hoạt trong lòng Giáo hội.
“Tất cả những nội lực trên sẽ là động lực, cơ sở cho việc xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ mới của Phật giáo tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi xác định đây là nền tảng, tiền đề cơ bản cho sự phát triển để sinh hoạt Phật sự có được sức bật vươn cao, vươn xa”, HT.Thích Toàn Đức nhìn nhận.
Theo đó, Hòa thượng Trưởng BTS cho rằng công việc quan trọng nhất vẫn là hoàn tất cơ cấu nhân sự tham gia Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trên cơ sở trẻ hóa đội ngũ và tạo điều kiện cho chư Tăng Ni mới ra trường tham gia học tập kinh nghiệm.
“BTS sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phân công, phân nhiệm cụ thể trách nhiệm cho từng thành viên Thường trực BTS. Trưởng BTS giải quyết các vấn đề quan trọng, nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo để điều hành công tác Phật sự. Phân công các vị Phó ban đảm nhiệm từng lãnh vực và trực văn phòng hàng tuần để giải quyết các Phật sự cần thiết.”
Phật sự quan trọng tiếp theo phải kể đến là việc công tác xây dựng các cơ sở bao gồm: Xây dựng lại văn phòng làm việc của BTS cấp tỉnh tại chùa Linh Sơn để được tiện nghi cho hội họp và điều hành các Phật sự; đề nghị và xin phép xây dựng Trung tâm Từ thiện xã hội Phật giáo tại Đà Lạt và tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đúng tầm để hoạt động đạt hiệu quả cao; vận động chư Tăng Ni tham gia xây dựng hệ thống trường mầm non tư thục để đáp ứng nguyện vọng gởi con em vào học tập của tín đồ Phật giáo; tiếp tục đề nghị việc thành lập các cơ sở tự viện tại một số địa phương thuộc Đà Lạt, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông để thuận lợi cho các Phật tử có nơi sinh hoạt và lễ bái.
Ngoài ra, việc tổ chức đại giới đàn; tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì và các khóa bồi dưỡng theo chuyên đề giới luật, bồi dưỡng hành chánh Giáo hội, nghiệp vụ hoằng pháp; mở lớp Sơ cấp Phật học, liên kết Trường Cao đẳng Sư phạm mở lớp Giáo dục mầm non cho chư Ni có trình độ để mở trường mầm non tư thục Phật giáo; chọn dịch một số kinh như kinh Pháp cú, kinh Nhật tụng, kinh Vu lan, giáo lý cơ bản ra tiếng K’Ho, Châu Mạ để đồng bào dân tộc học và hiểu về Chánh pháp v.v... cũng sẽ được quan tâm trong nhiệm kỳ mới.
Bảo Thiên