Phật giáo và bình đẳng giới

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ hiện đang được xem là yếu tố quan trọng đối với sự tiến bộ kinh tế, xã hội và dân chủ trong thời hiện đại. Tuy nhiên tình trạng của phụ nữ trên thế giới còn nhiều bất cập.

Một số nơi sự kỳ thị giới tính, những luật lệ khắt khe đối với phụ nữ vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng. Do vậy tiếng nói chân chính về bình đẳng giới cần phải lên tiếng, vai trò của nữ giới cần được tôn trọng.

Trong lịch sử các tôn giáo, tiếng nói của phụ nữ hiếm khi được nghe thấy, bởi tính gia trưởng của người đàn ông trong các xã hội mà các tôn giáo đó xuất hiện. Các tôn giáo trên thế giới đều đồng ý về sự tôn trọng phụ nữ và vai trò quan trọng của họ trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là nhấn mạnh vào phụ nữ chính là mẹ và vợ. Tuy nhiên, dường như không phải tất cả đều ủng hộ hay trao quyền cho phụ nữ theo ý nghĩa đó.

Phật giáo không giống như các tôn giáo khác. Vai trò và quyền hạn của phụ nữ được quan tâm một cách thích đáng. Khi chúng ta tìm hiểu lời dạy của Đức Phật về vấn đề bình đẳng giới mới thấy Ngài quan tâm rất nhiều đến nữ giới. Trong Kinh tạng, vai trò làm mẹ, làm vợ được đề cập khá nhiều và cụ thể. Đặc biệt Đức Phật thừa nhận phụ nữ cũng có thể tu hành và đạt được Thánh quả như nam giới.

Việc thành lập Ni đoàn tại Vashali, Đức Phật đã nói lên quyền bình đẳng giới trong Phật giáo. Đây được xem là cuộc cách mạng bình đẳng giới đầu tiên trong lịch sử loài người, đã mở ra cơ hội tiến thân của nữ giới trên con đường thực tập tâm linh cũng như các mối quan hệ khác trong xã hội.

Bằng chứng giáo lý

Cốt lõi của giáo lý Phật giáo là không phân biệt hay kỳ thị giới tính. Một trong những giáo lý trung tâm của Phật giáo đó là học thuyết vô ngã. Giáo lý này chỉ ra rằng mọi sự vật đều do duyên sinh, không có một thực thể cố định tồn tại độc lập bất biến. Do bản chất của con người là vô ngã nên không có sự phân biệt. Kế nữa, trong giáo lý Phật giáo, cả nam và nữ đều có khả năng chứng đạt Niết-bàn, mục tiêu cao nhất của tu tập Phật giáo. Kinh Tương ưng bộ, Đức Phật tuyên bố: “Tất cả mọi người dù nam hay nữ đều có thể tu tập trong giáo lý này và đạt được Niết-bàn an lạc như nhau”.1 Nhưng đôi khi Đức Phật cũng chỉ bày cho phái nữ về đặc điểm giới tính của mình: “Phụ nữ không kiểm soát nổi cảm xúc, ghen tị, tham lam và yếu đuối trong sự thực hành thiền định và trí tuệ”2 (Kinh Tăng chi bộ).

Lời Đức Phật liên quan đến khả năng, tiềm năng giác ngộ của phụ nữ đã được bộ Pháp tụ (Dhammasaṅginī) mô tả như là một cuộc cách mạng thực sự trong nền văn hóa Ấn giáo gia trưởng thời bấy giờ. Tuy nhiên, một số bản kinh trong giai đoạn sơ kỳ có nêu lên một vài hạn chế và khiếm khuyết của phụ nữ. Đã sinh ra làm người nữ là có năm chướng ngại không thể vượt qua được. Đó là: Người nữ không thể làm Phạm Thiên, không thể làm Đế Thích, không thể làm Ma vương, không thể làm Chuyển luân Thánh vương, và không thể làm Phật.3

Bằng chứng thứ ba ủng hộ sự bình đẳng của phụ nữ trong Phật giáo liên quan đến khái niệm nghiệp - đó là hành động tốt để thiết lập hạnh phúc, ngược lại hành động xấu dẫn đến bất hạnh. Trong lý thuyết Phật giáo, ở mức độ là hành động hiện tại và không phải giới tính quyết định chất lượng cuộc sống trong tương lai, nam giới và phụ nữ có thể được coi là bình đẳng trước quy luật của nghiệp.

Phụ nữ trong văn học Phật giáo

Theo Trưởng lão Ni kệ, chân dung tích cực của các nữ tu trong văn học Phật giáo thời kỳ đầu bao gồm Thánh nữ A-la-hán được mô tả là người phụ nữ thành tựu thiền định và trí tuệ. Mẹ của Bồ-tát Sĩ-đạt-ta là Hoàng hậu Maya - là một phụ nữ gương mẫu, đức hạnh và mẹ kế Prajapati (Ba-xà-ba-đề), được mô tả là sùng đạo và thành tựu giải thoát khi trở thành vị Thánh nữ đầu tiên.

Văn học Mahāyāna (Đại thừa) và Vajrayāna (Kim cương thừa) đều đề cao vai trò phụ nữ. Kinh Thắng Man cho chúng ta thấy phụ nữ thành tựu trí tuệ và thực hành con đường Bồ-tát đạo một cách xuất sắc. Câu chuyện Long Nữ thành Phật trong kinh Pháp hoa cho thấy sự bình đẳng trên con đường thực tập tâm linh.

Trong văn học Pāli, Đức Phật chỉ dạy cho phụ nữ rất nhiều vấn đề, từ cuộc sống cho đến tâm linh. Đức Phật đã khuyên vua Pasenadi không nên quá đau buồn rằng hoàng hậu Mallika đã sinh con gái. Ngài nhấn mạnh một đứa con gái có thể còn cao quý hơn cả một đứa con trai. Đức Phật cũng dạy con dâu Trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) về bảy loại vợ. Trong kinh Sigalovada, Đức Phật đã đặt ra năm bổn phận của một người vợ đối với chồng mình. Trong việc thực hành tâm linh, khá nhiều phụ nữ phát tâm tu học đã đạt đến quả vị A-la-hán. Thập đại đệ tử Ni là một điển hình.

Sự thực hành giáo pháp

Phật giáo được ghi nhận là một trong những tôn giáo đầu tiên có tổ chức Ni đoàn. Trong một số bản kinh kể rằng, mẹ kế của Bồ-tát Sĩ-đạt-ta, bà Prajapati dẫn đầu 500 phụ nữ khác trong hoàng triều Sakya đã đi bộ gần 200km đến Vaisaly để xin Đức Phật cho phép xuất gia. Ban đầu Đức Phật không cho, sau khi có sự can thiệp của Tôn giả A-nan, Đức Phật mới chấp nhận. Câu chuyện ghi lại rằng, khi 500 phụ nữ trong hoàng tộc thành Ca-tỳ-la-vệ đến xin Phật xuất gia, đi bộ gần 200km làm cho bàn chân rớm máu. Thấy cảnh như vậy, Tôn giả A-nan xót thương bèn tìm lời thỉnh cầu Đức Phật cho phép phụ nữ xuất gia.

- Bạch Thế Tôn! Người phụ nữ, nếu đã từ bỏ đời sống gia đình để sống đời sống không nhà cửa, tinh cần tu tập theo giáo pháp và giới luật, có khả năng chứng ngộ được các thánh quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, hay A-la-hán không?

Đức Phật dạy:

- Này A-nan! Người nữ xuất gia cũng có khả năng chứng ngộ các Thánh quả.

Được khích lệ bởi lời dạy ấy, Tôn giả A-nan đã đem hết tấm lòng, khẩn thiết trình bày lên Đức Phật, cố xin giùm cho thái hậu và các vị nữ lưu dòng họ Thích được xuất gia. Nhận thấy đã đến lúc thích hợp, Đức Phật bảo cho Tôn giả A-nan biết, nếu thái hậu và đoàn người nữ theo bà chấp nhận thi hành trọn vẹn Bát kỉnh pháp thì sẽ được phép xuất gia làm Tỳ-kheo-ni.

Tôn giả rất hoan hỷ, liền ra ngoài thông báo lời dạy của Đức Phật cho thái hậu và các bà được biết. Thái hậu và tất cả mọi người đều vui mừng chấp nhận tuân hành Bát kỉnh pháp. Thế là sau đó, thái hậu Kiều-đàm-di và đoàn người của bà được thọ Đại giới, trở thành các vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên. Với sự kiện này, Đức Phật được coi là vị giáo chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã thành lập một đoàn thể xuất gia cho nữ giới với đầy đủ giới luật.4

Mặc dù thừa nhận cho phụ nữ xuất gia và thành lập Ni đoàn nhưng đối với Ni giới vẫn có những dị biệt và hạn chế. Do đó giới luật của Tỳ-kheo-ni nhiều giới điều hơn so với Tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni có thể ít được sự cúng dường hơn, và tầm ảnh hưởng trong quần chúng cũng không thể sánh bằng Tỳ-kheo.

Ngày nay, nhiều phụ nữ trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà nghiên cứu, khoa học, kinh tế đã làm thay đổi diện mạo xã hội, từ đó khẳng định vai trò và quyền lợi của phụ nữ như tinh thần của lời Phật dạy trong kinh điển ghi lại.

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng, Đức Phật có một thái độ rất tích cực và cách mạng đối với người phụ nữ. Ngài đã mở cánh cửa bất tử vì lợi ích ngang nhau của cả nam và nữ. Thực tế này được coi là một sự kiện quan trọng trong lịch sử của tôn giáo thế giới. Sự thành tựu tâm linh của nhiều Thánh nữ A-la-hán đã chứng minh lời tuyên bố linh thiêng của Đức Phật rằng giá trị của một người không phụ thuộc vào giới tính và nền tảng gia đình của họ, mà là dựa vào trí tuệ và đức hạnh của chính người đó.

-----------------------------

1 In Samyutta Nikaya, the Buddha states that: “Whoever has such a vehicle, whether a man or woman shall indeed by means of that vihecle, come to Nibbana”. Xem Tài liệu học tập Thạc sĩ Phật học, Đại học Delhi.

2 In Anguttara Nikaya runs that: “Womenfolk are uncontrolled, envious, greedy and weak in wisdom”. Xem Tài liệu học tập Thạc sĩ Phật học, Đại học Delhi.

3 Năm chướng ngại của người nữ, xem https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/nu-tu-ngu-chuong-k39346.html

4 Hạnh Cơ, Ni trưởng Ma-ha Ba-xà-ba-đề, xem https://thuvienhoasen.org/a28194/ni-truong-ma-ha-ba-xa-ba-de.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày