Phỏng vấn Hoà thượng Thích Thiện Thống: Phật giáo An Giang trong hệ thống tổ chức GHPGVN

Phỏng vấn Hoà thượng Thích Thiện Thống: Phật giáo An Giang trong hệ thống tổ chức GHPGVN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - 30 năm là một chặng đường không dài so với lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo Việt Nam và với hơn 300 năm hình thành vùng đất An Giang, nhưng là một chặng đường phát triển quan trọng để lại nhiều dấu son cho Phật giáo tỉnh nhà.

Trước thềm sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang (1993-2023), Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh đương nhiệm.

* An Giang là một địa phương có vị trí và lịch sử đặc biệt, nơi hội tụ và tiếp biến nhiều nguồn văn hóa, trong đó có tôn giáo đa dạng. Trong dòng chảy đó, đến tháng 4 năm 2023 này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nhà đánh dấu tròn 30 năm hình thành và phát triển. Là người con của vùng đất An Giang, và đang giữ trách nhiệm lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà, trước sự kiện này, Hòa thượng có thể chia sẻ một vài cảm nghĩ của mình trong quá trình vận động của Phật giáo An Giang?

Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang

Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang

- Hòa thượng Thích Thiện Thống: An Giang (tỉnh Long Xuyên, tỉnh Châu Đốc) là vùng đất mới, nơi hội tụ của các cư dân người Việt đến đây sinh cơ lập nghiệp, tiếp biến văn hóa của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm; đặc biệt, Phật giáo là một trong những ý thức hệ mà những cư dân Việt mang theo đi mở đất. Trong dòng chảy lịch sử, các bậc tiền bối Phật giáo An Giang đã vận dụng, sáng tạo, dung hòa tín ngưỡng địa phương để tạo thành sức sống mới, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của các cư dân tại đây, tạo nên sắc thái riêng của Phật giáo tỉnh nhà.

Như chúng ta biết trước năm 1975, Phật giáo An Giang có khá nhiều tổ chức Giáo hội, Hệ phái như GHPGVN Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai giáo quán, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer, Hội Phật học Nam Việt…, nhưng Tăng Ni, tín đồ Phật tử tỉnh An Giang sinh hoạt, tu học, hành đạo theo truyền thống tông phong, pháp phái là chính, nhất là hình thành một vài pháp môn tu học mới mang tính cá biệt, không thuộc tổ chức Giáo hội, hệ phái, tông phong, pháp phái nào.

Trước bối cảnh và tình hình chung như thế, các bậc tiền bối Phật giáo An Giang đều chung nguyện vọng là cần phải có một tổ chức Giáo hội (Tăng-già) theo đúng nghĩa của nó, phải là một tập thể đoàn kết, hòa hợp và thanh tịnh để cùng chung lo Phật sự, phát triển Phật giáo An Giang với tiêu chí chất và lượng. Nguyện vọng là thế, nhưng cơ duyên chưa hội đủ. Khi GHPGVN được thành lập năm 1981, các bậc tiền bối bấy giờ xem đây chính là cơ duyên thù thắng để Phật giáo An Giang trở thành một thể thống nhất trong đa dạng. Năm 1984, chư tôn đức các tổ chức Giáo hội, hệ phái nhất trí thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo tỉnh An Giang với các các mục tiêu: (1) Kế thừa tính ưu việt mà các bậc tiền bối đã dày công tạo dựng; (2) Kết hợp hài hòa giữa các truyền thống tu học khác nhau trong thời đại mới; (3) Kiên trì khắc phục các khác biệt trong nội bộ; (4) Kiên quyết phải vượt qua mọi khó khăn, vướng mắc trong quan điểm, tư duy để tiến đến Đại hội; (5) Khuyến giáo những hành vi chưa đúng Chánh pháp và Giới luật; (6) Kỷ cương trong thừa đương Phật sự. Từ các mục tiêu đó, tất cả Tăng Ni, tín đồ Phật tử các tổ chức Giáo hội, hệ phái, thậm chí những pháp môn tu học mới đều rất hoan hỷ, đồng tình ủng hộ việc thành lập GHPGVN tỉnh An Giang. Chính sự hoan hỷ này là động lực, là sức mạnh để Ban Vận động chu toàn trách nhiệm lịch sử của mình.

Xem phim tài liệu do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang kết hợp với Báo Giác Ngộ tổ chức thực hiện

* Theo Hòa thượng, Phật giáo có vai trò như thế nào đối với An Giang - một tỉnh có đông dân cư nhất trong vùng, lại có đường biên giới giáp với quốc gia láng giềng Campuchia nói riêng và sự bình yên, phát triển ở vùng đất phương Nam của Tổ quốc nói chung?

- Theo giả thuyết khoa học, Phật giáo có mặt tại An Giang cùng thời gian với cư dân người Việt đến đây sinh cơ, lập nghiệp, cho nên Phật giáo có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cư dân địa phương. An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có Thất Sơn huyền bí, tiếp giáp biên giới với Vương quốc Campuchia, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, dân cư đông nhất trong vùng và có nhiều tôn giáo đang cùng tồn tại và phát triển.

Qua 30 năm hình thành và phát triển, Ban Trị sự tỉnh An Giang đã vận dụng các mục tiêu nêu trên và đề ra phương thức hoạt động phù hợp với đặc thù của An Giang, đó là: (1) Giữ gìn và phát huy sự thanh tịnh trong đời sống đạo đức của Tỳ-kheo/Tỳ-kheo-ni như pháp (Giới thanh tịnh, Căn thanh tịnh, Mạng thanh tịnh, Niệm thanh tịnh); (2) Vận dụng phương tiện quyền xảo bằng trí tuệ Phật giáo để đưa đạo vào đời; (3) Các thành viên đều nêu cao trách nhiệm cộng đồng trước thịnh suy của Phật giáo tỉnh nhà; (4) Tự tin thể hiện năng lực, phẩm chất của tập thể để hướng đến sự ổn định, phát triển toàn diện; (5) Quyết tâm thực hiện thành công các công tác Phật sự; (6) Vận dụng sự tiến bộ khoa học làm nền tảng cho sự phát triển. Nhất là khi có phát sinh, vướng mắc trong nội bộ, Ban Trị sự đều y cứ giới luật, bảy pháp bất thối, bốn sự nên tránh để giải quyết. Do đó, các hoạt động Phật sự đều hanh thông và đạt kết quả tốt đẹp trong hành trình 30 năm của mình.

Phật giáo An Giang có được vị trí tương đối tốt trong lòng tín đồ Phật tử, những người yêu mến đạo Phật tại An Giang qua mốc son 30 năm. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có thể kể đến từ 6 mục tiêu của Ban Vận động, 6 phương thức hoạt động của Ban Trị sự, Giáo hội (Tăng-già) Phật giáo An Giang trở thành một tập thể đoàn kết hòa hợp và thanh tịnh cho nên Tăng Ni, tín đồ Phật tử, những người yêu mến đạo Phật đặt hết niềm tin và đồng thuận với các hoạt động Phật sự của Ban Trị sự. Đơn cử như đợt thống kê vừa qua của Tổng cục Thống kê, Phật giáo có số lượng tín đồ đông nhất trong tổng số dân cư tại tỉnh An Giang.

Bên cạnh đó, từ xưa đến nay, Tăng Ni, tín đồ Phật tử tỉnh An Giang đều có chung tư duy: dù có nhiều dân tộc trên cùng mảnh đất của các vua Hùng, nhưng Tổ quốc Việt Nam chỉ là một; dù có niềm tin tôn giáo khác nhau, nhưng vẫn là con dân nước Việt, đều là anh em trong ngôi nhà dân tộc Việt Nam. Từ đó tạo nên bức tranh đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo tại An Giang để cùng nhau xây dựng quê hương An Giang giàu đẹp.

An Giang hiện có 1.311 Tăng Ni các truyền thống Bắc tông, Nam tông Khmer, Hệ phái Khất sĩ; Phật giáo là tôn giáo có đông tín đồ nhất tại tỉnh nhà

An Giang hiện có 1.311 Tăng Ni các truyền thống Bắc tông, Nam tông Khmer, Hệ phái Khất sĩ; Phật giáo là tôn giáo có đông tín đồ nhất tại tỉnh nhà

* 30 năm là chặng đường không dài đối với lịch sử của một vùng đất, nhưng cũng có thể xem là dịp để nhìn lại và hoạch định sự phát triển cho chặng đường sắp tới đồng hành và gắn bó mật thiết hơn nữa giữa Phật giáo với An Giang. Hòa thượng có thể chia sẻ định hướng cho Phật giáo An Giang sau cột mốc tròn 3 thập niên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nhà được thành lập?

- Trong 30 năm qua, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Hòa thượng Thích Chánh Đạo (1993-2007), Hòa thượng Thích Huệ Tài (2007-2022), tập thể Ban Trị sự bằng trí tuệ, dũng khí, đoàn kết hòa hợp và thanh tịnh của mình đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng mọi người, nhưng không sống trong hào quang của sự thành công, vì lịch sử luôn tiến về phía trước. Trong thời gian sắp tới, Ban Trị sự sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được, định hướng là Ban Trị sự đang xin chủ trương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tỉnh An Giang cho phép xây dựng “TRUNG TÂM SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG”, diện tích đất quy hoạch khoảng 87.153,6m2, trước mắt là quy hoạch phần diện tích đất 44.703,7m2 do chùa Tây An, Châu Đốc hiến cúng.

Sau khi trung tâm này được cấp phép xây dựng và đi vào hoạt động, các sự kiện quan trọng được tổ chức tại đây, nhất là tu học của Tăng Ni, tín đồ Phật tử sẽ được tổ chức thường xuyên. Từ đó tạo nên một lực lượng Tăng Ni thanh tịnh, đoàn kết hòa hợp; tín đồ Phật tử luôn được thân cận các bậc Thiện sĩ (Tỳ-kheo/Tỳ-kheo-ni như pháp), nghe dạy Chánh pháp, hiểu đúng Chánh pháp và thực hành đúng Chánh pháp. Từ đó mới giữ mạch phát triển của Phật giáo An Giang, để Phật giáo luôn được xem là đạo của tổ tiên, ông bà.

* Nhân sự kiện đặc biệt này của Phật giáo An Giang, Hòa thượng có lời nhắn gởi nào đến Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà?

- Trong một thế giới mở như hiện nay, Ban Trị sự và cá nhân tôi tin tưởng vào thế hệ Tăng Ni trẻ tỉnh An Giang đều là những viên gạch thật tốt để xương minh đạo pháp, chu toàn trách nhiệm của mình trong việc làm cho đạo thịnh nước hưng. Muốn được thế, theo tôi mỗi Tăng Ni trẻ mọi lúc, mọi hành vi luôn thực hiện lời Đức Phật dạy trong kinh Di giáo: “Sau khi Như Lai diệt độ, các ông lấy Giới luật làm thầy”. Qua đây các Tăng Ni trẻ sẽ có “hạnh giải tương ưng, liễu nghĩa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xã nhất pháp”.

Dù Tăng Ni trẻ tu học theo Thánh giáo môn hay Tịnh độ môn, muốn vượt qua sự chi phối của ngũ dục thì giới luật luôn là chánh nhân. Vì giới luật là để chế ngự và không hối hận, không hối hận là để được hân hoan, để được hỷ, để được khinh an, để được lạc, để được định, để được chánh kiến, để được vô dục, để được ly tham, để được giải thoát, giải thoát tri kiến và đạt đến vô thủ trước Niết-bàn. Nói cách khác, nghiêm trì các giới đã thọ, chính là thước đo tăng phong, phẩm hạnh và đạo nghiệp vẹn toàn của Tăng Ni trẻ tỉnh An Giang để viết tiếp trang sử vẻ vang của Phật giáo tỉnh nhà. Như cổ đức dạy: “Giới thọ hữu hà nan, nan giả chung thân trì tịnh giới”.

Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Giác Ngộ!

Theo nguyện vọng của Tăng Ni, tín đồ Phật tử cần có một tổ chức Giáo hội để lãnh đạo, điều hành hoạt động Phật sự trên toàn tỉnh trong xu hướng đổi mới của đất nước, năm 1993, cơ duyên hội đủ, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh An Giang lần thứ I, nhiệm kỳ 1993-1997 được tiến hành tại chùa Viên Quang, Châu Đốc. Đại hội suy cử Hòa thượng Thích Chánh Đạo làm Trưởng ban Ban Trị sự, sau đó Hòa thượng cũng được tái suy cử vị trí đứng đầu Ban Trị sự tỉnh nhiệm kỳ II và III (1997-2007). Nhiệm kỳ IV đến nhiệm kỳ VI (2007-2022), Hòa thượng Thích Huệ Tài được được Đại hội tín nhiệm suy cử làm Trưởng ban Trị sự. Nhiệm kỳ VII (2022-2027), Hòa thượng Thích Thiện Thống được Đại hội tín nhiệm suy cử làm Trưởng ban Ban Trị sự.

Năm 1993, An Giang có 150 cơ sở (chùa và tịnh xá) với khoảng 700 Tăng Ni các hệ phái. Sau 30 năm hoạt động (1993-2023), thống kê mới nhất cho biết toàn tỉnh có 322 cơ sở (205 cơ sở Bắc tông, 66 cơ sở Nam tông Khmer, 27 tịnh xá, 21 tịnh thất), trong đó có 4 tự viện là di tích cấp quốc gia, 4 tự viện là di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, thiền viện Trúc Lâm An Giang được xây dựng mới tại Núi Sập - Thoại Sơn là đại già-lam hiện nay của Phật giáo tỉnh nhà.

Toàn tỉnh hiện có 1.311 Tăng Ni (Bắc tông: 610 vị; Nam tông Khmer: 538 vị, Khất sĩ: 163 vị); Tín đồ Phật tử người Kinh: 924.500 người/2.155.000 dân số An Giang; Tín đồ Phật tử đồng bào Khmer: 94.579 người/2.155.000 dân số An Giang; Phật giáo là tôn giáo có đông tín đồ nhất tại tỉnh nhà.

Từ khi thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang đến nay, Ban Trị sự tỉnh đã tổ chức 14 lần Đại giới đàn; Sau 3 lần thí điểm (1995, 1996, 1997), từ năm 1998 đến nay, Ban Trị sự đã tổ chức 27 lần khóa Bồi dưỡng trụ trì. Hiệu quả từ khóa Bồi dưỡng trụ trì mang lại là các sinh hoạt, tu học tại tự viện từng bước được điều chỉnh, đi vào nề nếp, ổn định, đoàn kết theo hướng phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày