Phục hồi nhiều công trình thuộc Di sản Phật giáo Bagan

GN - Được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới vào tháng 7-2019, quần thể di tích Phật giáo Bagan (Mandalay, Myanmar) gồm hơn 3.000 cấu trúc là chùa chiền, tháp thờ, nền đài,… có niên đại từ giữa thế kỷ XI đến thế kỷ XIII.

chua ananda.jpg

Chùa Ananda nằm trong Di sản thế giới Bagan có niên đại từ năm 1105, được phục hồi năm 2010

Tuy nhiên, nhiều cấu trúc thuộc quần thể di sản này đang ở trong tình trạng hư hoại theo thời gian. “Một số công trình đã bắt đầu hư hỏng từ thập niên 1970 và 1990 bởi động đất và sự can thiệp không phù hợp của con người”, UNESCO khẳng định.

Vừa qua, Cơ quan Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ (ASI) đã bắt tay vào dự án bảo tồn 5 ngôi chùa trong khu phức hợp Phật giáo cổ này, thông tin từ Cơ quan Khảo cổ và Bảo tàng Quốc gia Myanmar. Đây là những ngôi chùa bị tàn phá nặng nề nhất trong các trận động đất kinh hoàng diễn ra tại Myanmar trong năm 2016.

Theo thống kê, 389 ngôi chùa và kiến trúc cổ của quần thể di tích Bagan bị phá hủy trong thảm họa thiên nhiên nói trên. Sau thiên tai, Chính phủ Myanmar đã tiến hành dự án phục hồi kéo dài 4 năm đối với các phần di tích bị hư hoại nặng nề.

Trao đổi với tờ Myanmar Times, ông U Soe Soe Lin - Phó Giám đốc Cơ quan Khảo cổ và Bảo tàng Quốc gia Myanmar ở Bagan cho biết: “Đối với các di tích đang trong tình trạng xuống cấp nặng, việc bảo tồn khẩn cấp sẽ được tiến hành ngay trong năm nay và phần còn lại sẽ được thực hiện từng bước sau khi có kết quả nghiên cứu về các cấu trúc này”.

Trước đó, ASI đã phục hồi thành công chùa Ananda, nằm trong quần thể di sản Bagan bằng phương pháp bảo tồn cấu trúc và hóa học, theo thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ giữa hai quốc gia vào năm 2010. Chùa Ananda là kiệt tác của kiến trúc Mon, được xây dựng bởi vua Kyansittha vào đầu thế kỷ XII (khoảng năm 1105).

Bagan là một trong những điểm thu hút du lịch nổi tiếng nhất của đất nước Myanmar. Nơi đây từng là thủ đô của Vương quốc Pagan (giữa thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XIII) - vương triều thống nhất các vùng lãnh thổ hợp thành đất nước Myanmar ngày nay.

Ngoài cấu trúc đặc thù, các kiến trúc trong lòng khu phức hợp Bagan còn được trang hoàng nổi bật với những bức bích họa và điêu khắc đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa và Phật giáo Myanmar.

Tổ chức UNESCO nhấn mạnh, “tất cả thành tựu kiến trúc vùng Bagan biểu trưng cho sự tồn tại và phát triển trong nhiều thế kỷ của truyền thống văn hóa Phật giáo Nguyên thủy ở quốc gia này”. Vì vậy, việc phục hồi các thành tố trong quần thể - đặc biệt là các ngôi chùa cổ luôn được tổ chức quốc tế này và Chính phủ Myanmar xem trọng, trong nỗ lực bảo tồn và quảng bá nền văn hóa Phật giáo quan trọng này đến với người dân thế giới.

Đăng Minh

(theo The Times of India, The Buddhist Door)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

GNO - Hòa thượng Trưởng ban Trị sự nhận định Đại lễ Phật đản là sự kiện thiêng liêng của người con Phật khắp nơi trên thế giới. Do đó, Hòa thượng thay mặt Giáo hội TP.HCM kêu gọi và khuyến khích Phật tử thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni, trang trí cờ hoa kính mừng Phật đản tại tư gia, khu phố… mừng ngày Khánh đản Đức Thế Tôn.

Thông tin hàng ngày