NSND Bạch Tuyết: Tuổi 80, tôi vẫn đang viết tiếp giấc mơ của đời mình

Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan PL.2568 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN
Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan PL.2568 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một đứa bé mất mẹ từ năm 8 tuổi, một thân một mình tôi cố gắng sống thật tốt để trở thành người tử tế, để người đời không mắng “cái thứ không cha không mẹ” như lời dặn dò của mẹ trước khi lìa xa cõi tạm này…

Năm đó mẹ 37 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người phụ nữ. Ấy vậy mà mẹ lại rời đi. Bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu giấc mơ mẹ gửi gắm vào chị em tôi. Từ ngày mẹ mất đến giờ, tôi chưa bao giờ cho phép mình bỏ cuộc. Tôi luôn phấn đấu để thực hiện thay giấc mơ dang dở của mẹ ở kiếp sống này. Nỗi nhớ mẹ cứ thường trực chưa bao giờ có dấu hiệu thuyên giảm. Hồi nhỏ tôi cứ nghĩ, lớn lên chút nỗi nhớ sẽ vơi sầu. Ấy vậy mà nỗi nhớ cứ đậm sâu và càng lớn tuổi, tôi càng nhận ra mình càng nhớ mẹ nhiều hơn!

Năm nay, tôi bước qua cái tuổi 80, bao nhiêu cảm xúc cứ lẫn lộn ùa về. Hàm ơn những tấm chân tình của khán giả đã yêu thương, hun đúc thêm tiếng hát nồng nàn của một nghệ sĩ Bạch Tuyết suốt ngần ấy năm. Tiếng ca của người nghệ sĩ chỉ có thể sâu lắng và ngọt ngào khi có những người khán giả - những tri âm tri kỷ đồng điệu, yêu quý lắng nghe nhau.

Tôi luôn nguyện còn một hơi thở vẫn xin được trả ơn cuộc đời, trả ơn những tấm lòng mộ điệu, đã đồng hành cùng những tác phẩm vĩ đại của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Một Dương Vân Nga quyết định dẹp bỏ tình riêng, chọn Lê Hoàn nhận lĩnh trọng trách bảo vệ giang sơn. Một bà Lựu, đau đến tận cùng khi phát hiện ra bí mật động trời của đời mình, để rồi vỡ òa bằng tiếng khóc thấu tận trời xanh. Hay một Kiều Nguyệt Nga trung trinh tiết hạnh, một lòng một dạ sắt son thờ chồng… Những vai diễn ấy đã, đang và sẽ ở mãi trong trái tim và ký ức của người dân Việt.

Với tôi, không có gì hạnh phúc bằng khi được làm nghệ sĩ. Chỉ có nghề hát mới đủ sức giúp đỡ được tôi - một đứa bé mồ côi đủ bình tâm và tiếp thêm động lực sống tốt hơn mỗi ngày. Nếu kiếp này, không có đạo Phật, không có nghệ thuật cải lương thì sẽ không bao giờ có được một Bạch Tuyết như ngày nay.

80 tuổi, nếm đủ hương vị của cuộc đời, ấy vậy mà tận sâu trong tôi vẫn là niềm lạc quan, yêu đời, yêu người một cách lạ lùng. Ở cái tuổi cuối con dốc của đời người, tôi đúc kết ra một điều: Có hai việc mà con người không thể nào biết được. Một là ngày mình sinh ra và hai là ngày mình rời đi. Cho nên, mỗi ngày mở mắt ra thấy mình vẫn còn sống thì tôi vẫn còn tiếp tục làm việc để trả ơn đời, trả ơn cha mẹ, trả ơn Tổ nghiệp… Căn bản của đạo làm người là thương người (thương vật) và lòng biết ơn. Nên cứ làm việc hết lòng khi còn hơi thở.

NSND Bạch Tuyết

NSND Bạch Tuyết

Nghệ sĩ Bạch Tuyết sinh ngày 24-12-1945, tại Châu Đốc, An Giang. Bạch Tuyết bước lên sân khấu năm 16 tuổi (1961) với vai cô lái đò Lệ Chi trong vở cải lương Lá thắm chỉ hồng của soạn giả Điêu Huyền. Năm 1963, bà nhận giải Thanh Tâm, một giải thưởng cao quý của sân khấu cải lương lúc bấy giờ, dành cho Diễn viên triển vọng.

Năm 1965, với vai Tần Nương Thất trong vở diễn cùng tên, bà đã đạt Huy chương Vàng giải Thanh Tâm dành cho Diễn viên xuất sắc. Cũng trong năm này, Bạch Tuyết được giới báo chí phong tặng danh xưng “Cải lương chi bảo” - viên ngọc quý của cải lương do sự thành công của vai diễn Lê Thị Trường An trong vở Tuyệt tình ca. Danh xưng này đã gắn liền với tên tuổi bà đến tận bây giờ.

Bạch Tuyết tốt nghiệp khoa đạo diễn ở Viện Hàn lâm sân khấu và điện ảnh tại Sofia (1988). Năm 1995, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á" và trở thành tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên của Việt Nam.

Năm 2012, Bạch Tuyết được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Vào năm 2022, cùng với ca sĩ trẻ Hoàng Dũng, nghệ sĩ Bạch Tuyết đạt giải TikTok Awards Việt Nam ở hạng mục Âm nhạc của năm với ca khúc Về nghe mẹ ru. Tiếp nối thành công đó, nữ nghệ sĩ đã cover hàng chục hit của các ca sĩ trẻ sang vọng cổ, trong đó có 7 phiên bản được nghe nhiều nhất trên YouTube.

Đầu năm 2024, nghệ sĩ Bạch Tuyết được được vinh danh trong Top 50 phụ nữ châu Á có tầm ảnh hưởng của Forbes.

Bên cạnh đó, Bạch Tuyết còn là người nghệ sĩ đầu tiên chuyển thể kinh Phật, tác phẩm Phật giáo sang Trường ca cải lương như: Kinh Pháp cú, Kim cang; Phật giáo trong lòng dân tộc, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Kiến tánh thành Phật… được công chúng, đặc biệt là giới Phật tử đón nhận và yêu thích.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng vừa tạo tiếng vang với show truyền hình thực tế "Học viện cải lương" do bà làm Viện trưởng nhằm tìm kiếm tài năng trẻ cho sân khấu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày