Ánh sáng trong sân chùa
Chùa Thiên Minh chúng tôi tuy không phải là nơi có nhiều khách hành hương, song vẫn thường có người đến viếng và thắp hương.
Có cô Phật tử họ Lý, một năm đến chùa mấy lần, thành khẩn khấn nguyện trước tượng Phật, còn cúng tiền hương đèn. Cô đến nhiều lần, riết thành quen thuộc. Sư phụ cũng tiếp chuyện với cô thân hơn các Phật tử khác.
Cô Phật tử này thắp hương xong hay đến chuyện vãn với sư phụ. Chúng tôi biết chồng cô làm cán bộ trong thành thị, lúc còn trẻ làm công nhân viên chức, cuộc sống ổn định, vui vẻ.
Giờ đây, do chồng cô làm cán bộ ngày càng to, bắt đầu có người ghen ghét, tìm cách hãm hại. Cách một thời gian lại có thư nặc danh gởi cho Bộ Thanh tra, kể nhiều việc không hay về ông, lời đồn đại không ngừng, thường thường có người lén xem xét cuộc sống riêng tư của họ. Cô Lý rất lo lắng, đến ngủ cũng không yên ổn, lo cho chồng xảy ra việc không hay, nên cô hay đến chùa cầu nguyện. Trong lời khấn nguyện của cô, quan trọng nhất là cầu Phật phù hộ cho chồng.
Cô kể chuyện với sư phụ, đến đoạn thương tâm thường rớt nước mắt. Cô hỏi sư phụ Trí Duyên, nếu như có biện pháp nào hay để tiêu trừ ách nạn, như tổ chức pháp sự hay trai đàn… dù khó khăn mấy cô cũng làm.
Lần đó, sư phụ Trí Duyên bảo cô: “Chỉ cần thành tâm cầu Phật gia hộ, làm việc gì phải thanh bạch, thì hẳn nhiên không xảy ra chuyện gì”.
Nghe câu trả lời của sư phụ, cô không hài lòng lắm, vẫn không thể an tâm, nên lâu lâu lại hỏi thăm sư phụ một lần.
Sư phụ liền chỉ ra sân chùa, bảo: “Hãy cầu nguyện hào quang Phật chiếu soi vào sân, rồi chiếu đến gia đình của cô”.
Nghe vậy cô mới hài lòng, an tâm trở về nhà.
Một lúc sau, Giới Sân bước ra ngoài phòng, phát hiện ánh nắng chiếu vào sân tuy rất gắt, nhưng vẫn còn vài góc ánh mặt trời không cách nào chiếu tới được.
Sư phụ dạy: “Nếu như muốn được ánh nắng mặt trời chiếu soi, phải đứng vào giữa sân, nếu cứ trốn vào góc sân, thì Phật cũng không cách nào giúp được”.
Chìa tay ra là tình yêu quanh ta
Sáng sớm, sư phụ Trí Duyên bảo Giới Sân đem phong thư đến cho sư phụ chùa Bảo Quang. Giới Sân vừa gật đầu nhận lời, chợt Giới Trần chen vào: “Sư phụ, để con đi cho”.
Sư phụ cười ra tiếng, ghẹo Giới Trần: “Con đi, chỉ sợ giữa đường có ông kẹ bắt chạy đi”.
Giới Trần hớt ngang: “Vậy cho con đi với sư huynh Giới Sân”. À, thì ra chú ta muốn đi ra ngoài chơi. Sư phụ Trí Duyên thấy dáng chú tội nghiệp nên đồng ý.
Giới Trần vui vẻ chạy về phòng, lát sau chạy ra đã đeo thêm cái túi xách nhỏ sau lưng. Giới Sân không hiểu, hỏi: “Chú đeo túi nhỏ làm chi vậy?”. Giới Trần cười tít mắt: “Em sợ giữa đường huynh mua đồ ăn, cầm không hết, nên chủ động đem theo túi nhỏ này”.
Giới Sân liền thò tay vào túi. Hôm qua sư phụ cho ít tiền lẻ, không chừng hôm nay sẽ sạch túi vì “quỷ nhỏ” này thôi.
Giới Sân tôi bèn dắt Giới Trần đi nhanh đến chùa Bảo Quang. Giữa đường, “quỷ nhỏ” không ngừng dừng lại trước các tiệm bán đồ, nhìn đồ chơi, đồ ăn - những thứ đó ám thị Giới Trần quá đi, nhưng tôi giả bộ không nhìn thấy.
Cuối cùng, không đành lòng, đến dưới chân núi chùa Bảo Quang, Giới Sân bèn mua cho chú một chai nước cam vắt.
Gần chùa Bảo Quang có nhiều điểm du lịch, nên nhà cửa xây cất trên núi trông rất đẹp mắt, khách hành hương cũng nhiều hơn so với chùa Thiên Minh. Hôm đó đúng vào ngày nghỉ, người trên núi đông đảo, sợ Giới Trần lạc đường, tôi liền nắm chặt lấy tay chú.
Chợt Giới Trần kéo tay áo, tôi quay đầu nhìn chú. Giới Trần nói nhỏ: “Sư huynh, có một bà già cứ theo sau lưng mình kia”.
Phía sau không xa, Giới Sân nhìn thấy một bà lão lam lũ, trên trán toàn nếp nhăn, còn đeo túi da rắn sau lưng, tay cầm nhiều vỏ chai không đang nhìn hai đứa.
Bà ta cứ nhìn vào cái chai nước cam vắt mà Giới Trần uống chưa hết, tôi mới hiểu là bà ấy đợi Giới Trần uống xong là lấy vỏ chai.
Giới Sân tôi ra ý bảo Giới Trần mau uống hết để đưa vỏ chai cho bà lão, bà vui mừng vớ lấy.
Giới Trần hỏi: “Bà lão đó làm việc gì?”.
Tôi nói: “Bà lấy vỏ chai đem bán kiếm tiền sống qua ngày”.
Giới Trần nửa hiểu nửa không, gật đầu rồi tiếp tục theo tôi lên núi. Chợt chú lại bảo: “Sư huynh, em khát”. Tôi cảm thấy kỳ quái, chú ta vừa mới uống xong lại khát. Chợt hiểu chú đang nghĩ gì, tôi liền chạy lại chỗ bán nước mua cho chú chai nước suối.
Giới Trần căng bụng uống một hơi hết sạch. Tôi muốn vỗ vào bụng chú quá đi mất, nhưng lại sợ hắn ọc nước ra.
Hôm đó trên núi Giới Trần lượm rất nhiều vỏ chai, cả hai chúng tôi đem cho bà lão nọ, bà vui mừng vô hạn. Lúc đó Giới Trần, với gương mặt nhễ nhại mồ hôi, cười tươi như hoa.
Cuộc đời vô thường, nhưng không phải ai ai cũng đầy đủ. Những vỏ chai không, có thể quăng bỏ đi, nhưng nó cũng có thể trở thành bữa cơm cho kẻ khác. Có ai biết, khi chìa tay ra, là tình yêu quanh ta…
Phong tục ăn thôi nôi
Tập tục ăn thôi nôi ở trấn Diểu đã có từ lâu đời. Cư dân của trấn Diểu mỗi gia đình chỉ có được một con, nên nghi thức ăn thôi nôi được họ tổ chức rất lớn.
Lần nọ, một nữ thí chủ đến chùa Thiên Minh tổ chức nghi thức thôi nôi cho con trai. Khi trở về thị trấn, cô rất tự hào nói với mọi người rằng: chùa tổ chức lễ này rất linh nghiệm. Lời cô được truyền đi rất nhanh, các gia đình nghe được cũng muốn đến chùa làm lễ, sẵn tiện cầu an cho trẻ.
Thời gian đó, những em bé tròn một tuổi, hầu như đều được cha mẹ đưa đến chùa Thiên Minh làm lễ. Nghi lễ này đối với cư dân ở đây vô cùng ý nghĩa. Đầu tiên, họ chuẩn bị sẵn các thứ bảo vật như: giấy, bút, phục trang, kinh sách (Phật - Lão - Khổng), đồ ăn, vàng bạc…, nếu là bé gái, có thể thêm kim chỉ, kéo, lược… để xem các bé sẽ bắt trúng thứ gì rồi tùy theo đó mà giải thích, như bé nào bắt trúng giấy bút, kinh sách, sau này nhất định sẽ học giỏi; bé bắt trúng đồ ăn, sau này sẽ không lo âu việc ăn mặc; bé bắt trúng kéo, kim chỉ, sau này sẽ rất khéo tay… Dù sao đi nữa, việc tổ chức lễ tròn tuổi cho bé thể hiện hy vọng của cha mẹ vào con cái mình.
Mới đầu, sư phụ khuyên các Phật tử không nhất định là ở chùa tổ chức lễ thì mới linh nghiệm theo như lời đồn, nhưng họ không để ý thiệt hơn, nhất định vào chùa làm lễ.
Khuyên không được, sư phụ dặn dò chúng tôi xuống trấn mua vài lễ phẩm cho các bé bắt, như vậy cũng để bớt lãng phí cho các Phật tử.
Còn nhớ năm nọ, trấn Diểu đồng thời có ba hộ gia đình sanh em bé, đến khi tròn năm, họ đều muốn đến chùa làm lễ thôi nôi.
Hôm làm lễ cho các bé, trong chùa hết sức náo nhiệt, các phòng dành cho bé bắt đồ vật chật ních những người là người.
Ba đứa trẻ được cha mẹ để ngồi vào giường, trên giường bày rất nhiều đồ vật. Cha mẹ của các bé cười tươi như hoa, lại hồi hộp không biết là con mình bắt trúng thứ gì, hy vọng trẻ sẽ bắt những vật mà mình mong muốn.
Sau khi nghi thức bắt đồ vật bắt đầu, một bé bắt trúng trái táo, mọi người nói rằng bé này lớn lên sẽ không phải lo việc ăn mặc. Tuy cha mẹ bé không hài lòng lắm, nhưng cũng tạm chấp nhận. Bé khác nhặt một loại đồ điện khí, mọi người nói bé này thế nào lớn lên cũng sẽ là một cao thủ vi tính, cha mẹ bé mừng đến nỗi há hốc mồm.
Bé còn lại trên giường bò tới bò lui, trước sau không chịu bắt vật gì, dù cha mẹ bé dụ dỗ bé hết vật này tới vật kia. Gia đình nọ rất buồn, lo cho bé lớn lên làm việc gì cũng không xong.
Sư phụ Trí Duyên chỉ biết an ủi họ vài câu, rằng: “Đứa bé từ đầu đến cuối không chịu bắt gì cả, điều đó cũng có nghĩa là đứa bé sẽ có nhiều cơ hội để nắm bắt bất cứ vật gì”. Nghe vậy, cha mẹ bé an tâm ra về.
Chặp tối, khi đi ngủ, Giới Sân chợt nghĩ, tuy sư phụ Trí Duyên nói để an ủi người, thật ra cũng có tình có lý: Bàn tay cầm nắm của mỗi người luôn có hạn, muốn có được nhiều, nên học cách biết buông bỏ tất cả.
Hạt giống mong muốn
Từng có một nữ Phật tử đến hỏi sư phụ Trí Duyên rằng: bao nhiêu năm nay cô cứ chờ đợi một người, cô không ngừng vì người đó mà cho đi, nhưng anh ta không biết, hoặc giả đò không biết, vậy cô nên làm gì để cho người đó biết, lại nên làm gì để người ta đừng im lặng nữa?
Sư phụ suy nghĩ một chút, nói với nữ thí chủ: “Ở đây ta có loại giống, cần người trồng nó có đầy đủ sự cố gắng, nếu như hoa có thể nở rộ, thì nguyện vọng của cô sẽ thực hiện được”.
Cô Phật tử rất hưng phân, hỏi sư phụ làm sao có được giống hoa đó?
Sư phụ đáp: “Ta ở đây có vài hạt giống, chờ ngày mai đến chùa, ta cho cô một ít”. Cô Phật tử cám ơn rối rít, vui mừng xuống núi.
Giới Sân đứng bên nghe có vẻ lạ, sư phụ Trí Duyên đúng là có nhiều đồ vật kỳ lạ hiếm thấy, nhưng những loại giống kia, tiểu chưa bao giờ nhìn thấy.
Ngày hôm sau, tiểu cứ lưu ý xem cô Phật tử có lại chùa hay không, mượn cớ đó để đi xem loại giống kỳ lạ của sư phụ.
Cô Phật tử đến chùa rất sớm. Giới Sân hưng phấn cầm chổi theo sau cô vào chánh điện. Sư phụ Trí Duyên cầm cái bao giấy đưa cho cô Phật tử. Giới Sân cố nhìn, bao giấy bao rất cẩn thận, không nhìn thấy gì cả. Sư phụ nhìn tiểu cười, Giơi Sân ái ngại cúi đầu cầm chổi tiếp tục quét chùa.
Cô Phật tử hài lòng ra về. Tiểu đang quét, bỗng nhiên phát hiện dưới nền chùa có vài hạt giống, vội nhặt lên, chắc đây chính là loại giống mà sư phụ Trí Duyên đưa cho cô Phật tử lúc nãy bị rớt ra.
Giới Sân cẩn thận giữ hạt giống, lén trồng sau vườn. Mỗi ngày tiểu đều tưới nước, có điều là cuối cùng chẳng thấy cây nảy mầm. Cô Phật tử nọ thường đến tự viện, gặp sư phụ than vắn thở dài, đủ hiểu là cây hoa của cô cũng vậy.
Ngày lại ngày qua, cuối cùng Giới Sân chịu không nổi, đưa tay bới đất lên, hạt giống vẫn còn, chỉ là không chịu nảy mầm, trái lại có phần hư thối.
Cô Phật tử đến chùa chắc là không chơ nổi nữa nên hỏi sư phụ, tại sao sư phụ đưa cho cô loại hoa mà bất luận chăm sóc thế nào, đều không thể nảy mầm.
Sư phụ Trí Duyên bảo, vì sư phụ đưa cho cô toàn là hạt đã nấu chín nên mới ra cớ sự.
Không phải cứ hễ một phần cày cấy là nhất định phải có một phần thu hoạch, giống như trồng hạt giống đã nấu chín, bất luận bạn đầu tư bao nhiêu tâm lực, kết cục là bạn vẫn không thu hoạch được gì. Phải chăng bạn cứ muốn chờ đợi phần kết quả không thể xảy ra? Không bằng hãy chọn lựa sự buông bỏ, những hạt giống mới đang chờ đợi bạn trồng vẫn còn nhiều lắm.
(Còn tiếp)