Quán chay 0 đồng

GN - Nằm trong con hẻm 246 đường Hòa Hưng, Q.10, quán chay Diệu Thường bán với giá “0 đồng”, phục vụ từ thứ 2 đến thứ 7. Ở đó, niềm vui là sự trao đi và cùng nhau lan tỏa nhiều niềm vui đến người nhận lẫn người trao.

10qc.jpg
Quán chay Diệu Thường nằm trong hẻm 246/4A đường Hòa Hưng, Q.10

Quán chay 0 đồng và những niềm vui sẻ chia

“Thấy hạnh phúc của người ta là hạnh phúc của mình”, chị Quỳnh, một tình nguyện viên quán chay 0 đồng chia sẻ. Chị nói, hôm nay chị nghỉ việc một buổi ở quán chị để qua phụ, vì ngày rằm quán chay không đủ người, chứ chị phụ không thường xuyên vì còn phải lo buôn bán. Khi tham gia cùng mọi người, “cái vui nhất đó là thấy nụ cười của những người nhận phần ăn. Tôi chỉ mong nhiều anh chị em cùng chia sẻ trong việc làm thiện nguyện này”, chị Quỳnh bày tỏ.

Chị Xuân bán quán ở ngay bên cạnh quán chay 0 đồng. Hôm nay chị cũng nghỉ một buổi để qua phụ. Không những vậy, chị còn cho mượn không gian quán của chị, bởi: “Vào những ngày rằm, ở bên quán chay hơi chật, tiện thể mình nghỉ, mình cho mượn địa điểm luôn. Làm việc thiện đâu cho xa, mình làm ở ngay đây luôn. Thay vì bỏ tiền thì mình bỏ công sức ra”.

Ở quán, không chỉ có chị Quỳnh, chị Xuân mà có nhiều anh chị, cả các cô chú cao niên cũng đã sắp xếp thời gian và việc nhà để về mỗi người mỗi tay trong niềm vui chia sẻ đến nhiều người khó khăn hơn mình. Cô Như Hoàng phụ việc ở đây kể lại, ban đầu cô đến xếp hàng nhận phần cơm, thỉnh thoảng mới đến phụ, sau vô phụ thường xuyên hơn. Chị cho biết: “Mấy anh chị em trong đây sống tình cảm lắm, nên vô đây tôi rất thích, khi nào bệnh thì mới nghỉ. Có tiền thì bỏ tiền vô, còn không thì bỏ công sức. Nên tôi còn sức khỏe ngày nào thì đến làm ngày nấy. Bởi làm ở đây vui, mà thấy mình trẻ ra, lại hết bệnh”.

1qc.jpg


Phần ăn trong một ngày tại quán chay Diệu Thường

Chị Nguyễn Kim Phượng là đầu bếp chính, thường được gọi với cái tên thân thuộc là chị Hai, ngày nào cũng bắt đầu dậy lúc 5g sáng để đi chợ đầu mối mua nguyên liệu, rồi từ Hóc Môn chị chở lên Q.10 để ra món. Nhiều khi các anh chị trong quán lo chị nhọc sức nhưng chị nói: “Mình chịu cực tí nhưng mua rẻ hơn thì bà con được nhiều đồ ăn hơn”.

Chị vốn làm phụ bếp ở một nhà hàng nên học được ít nhiều kinh nghiệm ra món, và luôn cập nhật những món chay mới, dễ ăn. Từ khi được anh quản lý quán mời về, chị nghỉ luôn bên nhà hàng với mức thù lao mà nhiều người đầu bếp mong ước để về hẳn ở đây. Chị chia sẻ, nhân duyên này như “một hạt giống lành gieo vào tâm thức và chia sẻ lan tỏa cái phước đó ra. Tôi vui khi chọn công việc này”.

Với chị, khi nấu chay ở quán “cũng như nấu cho gia đình mình ăn”, mọi nêm nếm đều cẩn thận để người nhận những phần cơm chay cảm nhận như những phần ăn ở nhà mình.

Trải qua hơn 9 tháng nấu chay, “nhiều khi thấy mấy cô, mấy chú đi bán vé số, hoặc mua ve chai tới nhận cơm, tự nhiên thấy mình may mắn hơn nhiều. Rồi cảm thấy mình hạnh phúc quá chừng khi nhận lại những lời cảm ơn và được cảm ơn”, chị Hai bếp trưởng trải lòng.

Trầm lặng, chú Quận trong lúc đứng chờ tới nhận phần cơm, chia sẻ: “Những phần cơm này giúp đỡ được rất nhiều những người neo đơn, những người khó khăn”. Chú hiện làm bảo vệ, vợ bị bệnh, con cái thì làm công nhân cũng khó khăn, nên phải hết sức tiết kiệm chi tiêu cho đời sống đã quá nhiều nhọc nhằn.         

Anh Nguyễn Văn Thành, thu gom rác ở tận quận 12, một người nhận cơm phóng viên gặp ngẫu nhiên, cho biết: “Được ăn cơm chay cảm giác lạ lạ thấy ngon, mà lâu lâu ăn chay cũng thấy hay”.

Quán duy trì được là từ cộng đồng

Quán chay Diệu Thường ngày ngày vẫn đón tiếp những thực khách đến đi. Có những người đến vì muốn ủng hộ những việc làm tử tế của quán; có người đến nhận những phần cơm rồi tùy duyên đóng góp vào thùng một số tiền cùng lời cảm ơn; có những người dễ thương giấu tên, đến chỉ để vào thùng tùy hỷ rồi lặng lẽ rời đi. Chứng kiến những việc làm ấy, trong một sáng ngày rằm tất bật của nhóm phục vụ thiện nguyện, người viết cùng hòa vào niềm vui được chia sẻ chút công sức trong việc chuẩn bị, trao đi những điều dễ thương, như những cơn mưa làm không khí trở nên dịu mát…

 “Những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí đến đăng bài, chúng tôi cũng vui nhưng rất lo, vì bây giờ mọi người biết nhiều, nhưng khẩu phần của mình thì chưa đáp ứng đủ, nhiều cô chú đến muộn thì hết phần cơm cũng thấy ấy náy, thấy cô chú cũng buồn. Nên chúng tôi phải cố gắng hơn nữa”, anh Nguyễn Anh Điệp, quản lý quán chay Diệu Thường bày tỏ.

8qc.jpg


Trên 200 phần cơm chay trao đến thực khách trong những ngày rằm, mùng một

Quán chay “0 đồng” được mở từ tháng 1-2019, từ cái duyên nhóm Những người bạn cùng chung sở thích làm việc thiện lành, trong những lần nhóm đi thiện nguyện, cảm nhận rõ những mảnh đời cơ nhỡ trong cuộc sống, có những lần đi ngang bệnh viện thấy những tổ chức phát cơm từ thiện, và thấy mọi người rất cần những phần cơm như thế. Rồi anh mới nảy ý định tìm một nơi ổn định để người dân biết đến và tới nhận, quán sẽ làm một cách ổn định duy trì lâu dài, “có giá hẳn hoi, để người đến ăn họ không có cảm giác không thoải mái với khẩu phần ăn mình nhận được. Mà họ vẫn với tư cách mình đi mua, mặc dù với giá 0 đồng”, anh Điệp chia sẻ.

Và khi với trách nhiệm người bán, anh sẽ chăm chút phần cơm nhiều hơn, quan tâm đến khẩu vị, vệ sinh an toàn thực phẩm và quan tâm đến cung cách bán cơm của mình. “Khi mọi người vào ăn cơm thì có một thùng tùy tâm và mọi người tùy duyên để tiền vào đó, bao nhiêu cũng được”.

Khi chia sẻ ý tưởng này, anh được bạn bè ủng hộ và khuyến khích. Anh bắt đầu tìm địa điểm, và quyết định về đường Hòa Hưng, Q.10 - là nhà anh ở, và chuyển toàn bộ nhà về Gò Vấp, để tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng. Hơn nữa, “vì ở trung tâm Q.10 thuận lợi hơn, có vỉa hè, cũng rộng rãi và đa số dân cư cũng khó khăn, nên quyết định chọn chỗ này để mở quán đầu tiên”, anh Điệp nói.

Khi mọi thứ chuẩn bị xong, đến việc tìm đầu bếp nấu ăn, “cũng may tôi có chị ruột làm bên nhà hàng nên nhờ chị về làm. Rồi có những anh bạn làm bếp ở nhà hàng thỉnh thoảng về phụ, vậy là bếp ổn”.

Tiếp theo là tìm những người giúp việc. Anh Điệp cho biết, để ra món, việc chế biến phải có hai công đoạn, buổi chiều là sơ chế, gọt rau củ quả trước cho ngày hôm sau, còn sáng hôm sau thì chỉ làm những thực phẩm không thể sơ chế trước được để cho tươi. Nấu xong phải vô bao, bịch, sau đó bạn bè í ới nhau một người một tay rồi cũng ổn, “chắc do duyên, một số bạn tích cực tham gia đến một lần rồi đến nhiều lần và gắn bó với quán luôn”.

Anh Điệp cũng cho biết thêm, ở đây anh chọn nấu chay một phần là từ sở thích cá nhân, và một phần “mong mang đến một tâm tình nhẹ nhàng, làm cho con người dễ dàng tiếp nhận với nhau”. Và theo anh, hiện nay xu hướng ăn chay được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt giới trẻ, mà xu hướng ăn chay là xu hướng sống xanh, thân thiện với môi trường, mang lại dinh dưỡng cho con người và an toàn thực phẩm.

Anh Điệp cũng chia sẻ: “Dù quán chay Diệu Thường hoạt động được rất cực, hầu hết mọi người đều đi làm, chỉ trừ chị nấu bếp và dì Hoàng phụ bếp, nhưng ai cũng nhín một chút thời gian để đến chung tay, nên tình cảm của mọi người dành cho quán chay rất trọn vẹn”.

7qc.jpg


Nơi chia sẻ một phần khó khăn với người lao động nghèo

Hiện tại quán hoạt động cũng ổn định. “Có một bộ phận rất thường xuyên, rất dễ thương, đó là bộ phận mạnh thường quân. Do đó hiện tại quán cũng cố gắng duy trì và vun đắp thêm lên cho có nhiều phần ăn. Với mong muốn tình cảm chia sẻ yêu thương chân thành đến các anh chị có khó khăn trong cuộc sống, chúng tôi sẽ đồng hành với các cô chú đến khi quán có thể duy trì được, để những phần cơm trao đúng tới những người cần”, anh Điệp tâm sự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày