Quốc lễ kỳ an chúc thọ đầu năm thời Trần

Giác Ngộ - Kể từ khi đạo Phật được du nhập vào Việt Nam thì Đại lễ cầu an đầu năm hàng năm được tổ chức ở các chùa đã trở thành truyền thống sinh hoạt tín ngưỡng của dân tộc trong ý nghĩa mong cầu “Phật nhật Tăng huy, Pháp luân thường chuyển, Phong điều vũ thuận, Quốc thái dân an”.

Nhưng phải nói rằng, từ khi nước nhà độc lập tự chủ, đến thời Lý thì Đại lễ cầu an đầu năm đã trở thành Quốc lễ với chí nguyện mong cầu Lễ kỳ an chúc thọ hàng năm của triều đình trở thành lễ kỳ nguyện cả dân tộc “trấn giữ kinh đô của nhà vua” (trụ tích trấn vương kỳ), là nơi thể hiện khát vọng của mọi người dân Đại Việt mà sử sách ghi “cầu phúc thọ” (kỳ phúc thọ).

huyentran-13.gif

Ảnh minh họa - Ảnh: Trí Năng

Theo sử sách ghi nhận, trong vòng gần 200 năm trị vì, nhà Lý đã tổ chức rất nhiều lễ hội kỳ an đầu năm cho toàn thể dân chúng Đại Việt. Nhưng nổi bật hơn cả, vào thời kỳ vua Lý Nhân Tông trị vì, mà chính sử Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược ghi về lễ kỳ an - hội đèn Quảng Chiếu. Cụ thể, Đại Việt sử lược 2, tờ 20b8 và 22a4-5 ghi vào năm Canh Dần (1110): “Mùa xuân tháng Giêng, tổ chức hội đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng” và vào năm Bính Thân (1116) lại ghi “Mùa xuân tháng Giêng tổ chức hội đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng, chế tạo nhà sư bằng gỗ cột vào đánh chuông”. Còn Đại Việt sử ký toàn thư 3, tờ 20b5 và tờ 24a9-b1 ghi vào năm Canh Tý (1120) “Mùa xuân, tháng 2, mở hội đèn Quảng Chiếu” và vào năm Bính Ngọ (1126) “Mùa xuân tháng Giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm. Tha người có tội ở phủ Đô hộ, xuống chiếu cho sứ thần của Chiêm Thành xem”. Chính sử chỉ ghi như vậy thôi, chẳng có thêm thông tin gì cả. Nhưng may mắn thay, tư liệu đương thời là bài “Đại Việt đương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi” của Thượng thư Nguyễn Công Bật, thì lại mô tả khá chi tiết về lễ kỳ an - hội đèn Quảng Chiếu để chúng ta nhận định về quy mô tổ chức, tính hoành tráng và ý nghĩa sự kiện trọng đại này trong đời sống văn hóa dân tộc ([1]).

Sang thời Trần, trong một bối cảnh lịch sử, cả dân tộc Đại Việt nỗ lực xây dựng một đất nước Đại Việt không chỉ độc lập tự chủ trên biên cương lãnh thổ mà còn độc lập, tự chủ phát triển vững mạnh trên nhiều phương diện khác, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y thuật, kể cả tôn giáo tín ngưỡng. Thiền phái Trúc Lâm ra đời với quan điểm Phật thể là Phật tại tâm, chỉ cần “lòng lặng mà biết” thì bất cứ ai cũng có thể trở thành thành viên của Thiền phái, bất luận là tại gia, hay xuất gia đều có khả năng thành Phật ngay giữa cõi đời này. Đây chính là cơ sở để tạo nên sức mạnh đoàn kết tất cả mọi thành phần trong xã hội, phát huy hiệu quả sức mạnh nội lực tiềm ẩn của cả dân tộc. Trên cơ sở thành tựu mọi mặt của nhà Lý, các vị vua quan đời Trần cũng là những thiền gia, thiền sư chứng ngộ, đồng thời cũng là những nhà lãnh đạo Phật giáo như Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã không ngừng phát huy những truyền thống tổ chức các lễ hội mang tầm cỡ quốc gia hằng năm. Hẳn nhiên Đại lễ kỳ an, kỳ phúc thọ cho cả dân tộc Đại Việt trong thời khắc lịch sử đầu năm, nó thật sự có ý nghĩa lớn của tất cả mọi người dân với bao nhiêu kỳ vọng, hoạch định chương trình hành động trước mắt và kế sách lâu dài của đất nước, trước thềm năm mới của một vận hội mới được thành tựu.

huyentran-11.gif

Ảnh minh họa - Ảnh: Trí Năng

Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì, vào đời Trần đã có nhiều văn bản pháp quy luật lệ tổ chức hành chính cấp quốc gia, kể cả trong tôn giáo mới được ban hành và đưa vào vận hành trong đời sống thực tiễn mà sử sách ghi lại. Giới lãnh đạo Phật giáo đời Trần bấy giờ cũng ban hành nhiều nghi thức, văn bản pháp quy trong việc tổ chức tu tập, hay lễ hội tâm linh mang tầm quốc gia. Lục thời sám hối khoa nghi, Thiền tông chỉ nam do Trần Thái Tông biên soạn và ban hành với mục đích “không những chỉ để góp phần vào việc khai thị hậu thế mà còn muốn tiếp tục làm cho sự nghiệp của thánh nhân đời trước càng thêm rộng lớn” ([2]); Phật giáo Pháp sự Đạo tràng Công văn Cách thức được ban hành trong toàn quốc với nội dung nói về thể thức tổ chức đại lễ, lễ hội và các bài văn sớ, tấu, điệp, dùng trong các nghi lễ thọ giới, chẩn tế, cầu an, cầu siêu, khánh thành v.v… nhằm hướng đến việc thống nhất trên phương diện về mặt tổ chức, nội dung và các hình thức nghi lễ Phật giáo đương thời. Điều đáng nói cuốn sách này được chính quyền ấn hành khắp nước một cách rộng rãi thay vì chùa ấn hành trong phạm vi một khu vực nhân dịp vua Trần Nhân Tông xuất gia ([3]).

Trên cơ sở pháp lý, pháp quy như thế, Phật giáo dưới sự bảo trợ của triều đình đã tổ chức những đại lễ cầu an mang tính quốc gia được sử sách ghi lại. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư 6, tờ 17a9-b2 thì vào “Năm Quý Mão (Hưng Long), 1303, mùa xuân, ngày rằm tháng Giêng, Thượng hoàng Trần Nhân Tông mở hội ‘Vô lượng” ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền bạc để chu cấp cho dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí”; và vào năm Ất Tỵ (Hưng Long), 1035 lại ghi “Mùa xuân, tháng Giêng, sách phong hoàng tử thứ tư là Mạnh làm Đông cung thái tử, vua làm lễ cầu an và làm bài Dược thạch châm (bài châm khuyên răn, có tác dụng như thuốc thang) ban cho”. Rõ ràng, đại lễ cầu an đầu năm trở thành lễ hội quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống thực tiễn đối với vương triều và quần chúng nhân dân thời đó. Ngay cả tên hội của Đại lễ “Vô lượng” cũng nói lên bản chất và hình thức quốc lễ kỳ thọ là không có gì để tính lường, nó chỉ cho sự vô hạn của không gian, thời gian, số lượng, cũng như chỉ sự vô hạn của công đức với khát vọng mong muốn thực thi hòa bình, an lạc, hạnh phúc mà Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn mong muốn mọi người dân Đại Việt “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền”.

Đây cũng là đường hướng chính trị, chính sách kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo mà không phải thời đại nhà Trần khát vọng khấn nguyện với mười phương chư Phật, chư vị Bồ tát, Thánh hiền mà thời nào cũng vậy thôi. Điều đó có nghĩa, đối với những nhà lãnh đạo quốc gia, những nhà lãnh đạo Phật giáo Đại Việt bấy giờ luôn luôn đặt trên vai mình trách nhiệm gánh vác trọng trách của mình đối với Quốc gia và Đạo pháp giao phó là làm thế nào để đất nước thái bình, vững mạnh, giàu có, thịnh vượng để có ngân sách dự trữ dồi dào, dù trong hoàn cảnh nào, có chiến tranh, hay hòa bình, những người dân nghèo vẫn có cái ăn, cái mặc, khi mệt thì được ngủ liền, sống vui với đạo, mà giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc (trong nhà có báu thôi tìm kiếm). Trần Nhân Tông là một vị vua, một anh hùng dân tộc, một Phật Đại Việt đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc tàn khốc nên hơn ai hết đã thấu hiểu nỗi khổ do chiến tranh đem lại. Cho nên, ta thấy Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức Đại lễ cầu an đầu năm với hội “Vô lượng”, ban phát vàng bạc, tiền của, giảng kinh Giới Thí, hay ban bài châm khuyên răn có ý nghĩa chữa các căn bệnh tham sân si nhằm khẳng định chí nguyện và sức mạnh của toàn dân, toàn quân Đại Việt về lâu, về dài còn vững bền và thịnh vượng hơn thế nữa: “Khí hòa góc đất đều lan tới, Bụi chiến sông trời rửa sạch trơn” như trong một bài thơ tiễn bộ phái sứ Trung Hoa về nước mà Trần Nhân Tông đã nói. Quả thật, chính trong giai đoạn này là giai đoạn nhà vua Trần Nhân Tông đã xuất gia, làm Thượng hoàng, biên cương Đại Việt đã nối dài 200 cây số và nền hòa bình Chiêm Việt đã duy trì được gần mấy chục năm, nhân dân an lạc, đất nước hưng thịnh, làm tiền đề cho sự nghiệp Nam tiến của dân tộc ta sau này.

Trong ý nghĩa đó, Đại lễ cầu an đầu năm khác nữa cũng được tổ chức rất trọng thể, cũng để lại dấu ấn lớn trong thời Trần cho toàn thể dân chúng Đại Việt, đó là vào ngày mồng 9 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1036). Tam Tổ thực lục đã ghi nghi thức cầu an và thuyết giảng này do Thượng hoàng Trần Nhân Tông chủ trì tại chùa Kỳ Lân, khi Ngài lên tòa khai pháp đường như sau: 

“…Một nén hương này, khói lành thơm phức, khí tốt bay lên, ngưng đọng năm phần pháp thân, biến khắp mười lễ diệu. Sức nóng lò hương dâng lên, mười phương ban phúc, chín miếu ứng thiên, tuổi vua lâu bền, ngôi trời vững chãi.

Một nén hương này, trong sạch rễ mầm, hiếm lạ giống tính, không mượn sức bón vun, toàn nhờ xông thấy biết. Sức nóng lò hương vâng xin mưa thuận gió hòa, nước thái dân yên, trời Phật thêm sáng, xe pháp thường quay.

Một nén hương này, nướng cũng không chín, đốt cũng không hay, gõ vào không mở, kéo lại không đến, ngó trộm thì con người khô kiệt, ngửi thử thì cửa não tét đôi. Sức nóng lò hương dâng lên Vô Nhị thượng nhân Tuệ Trung đại sĩ, mưa pháp ơn nhuần, cháu con đều gội”…

Tran.jpeg

Ảnh minh họa

Sau đó, Thượng hoàng thuyết giảng có nội dung về Phật pháp “…Pháp tức là tính. Tính nào chẳng phải là Phật. Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp, pháp vốn chẳng pháp. Tức pháp tức tâm, tâm vốn chẳng tâm, tức tâm tức Phật. Này các người, thời gian dễ trôi qua, mạng người không bao giờ dừng lại. Cớ sao ăn cháo ăn chay, mà không rõ việc cái bát, cái tô chiếc thìa đôi đũa để tìm hiểu”.

Rõ ràng Phật giáo đời Trần luôn song hành cùng với dân tộc. Nghĩa là từ trong hiện thực cuộc sống, Phật giáo kêu gọi mọi người hãy tích cực nhập thế, dấn thân trong sự nghiệp phát triển đạo pháp, và ra sức đóng góp xây dựng đất nước. Tất cả đều là Phật pháp. Chính trong cuộc sống trần tục ấy mà giác ngộ, mà cống hiến cho quốc gia, xã tắc, Phật pháp thì giá trị còn nâng lên gấp bội, nó minh chứng cho khát vọng cầu nguyện của người lãnh đạo tối cao của đất nước, của Giáo hội trong những thời khắc lịch sử đầu năm của cả dân tộc sẽ thành hiện thực: “Mười phương ban phúc, chín miếu ứng thiên, tuổi vua lâu bền, ngôi trời vững chãi. Mưa thuận gió hòa, nước thái dân yên, Trời Phật thêm sáng, xe pháp thường quay. Mưa pháp ơn nhuần, cháu con đều gội”…

Cho nên, trong cương vị tối cao của mình với hai trọng trách của quốc gia và đạo pháp, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã đích thân đi khắp nơi thuyết pháp, thỉnh mời các vị cao tăng thuyết giảng, mở trường giảng để đem đạo vào đời làm cho dân được an lạc, quốc gia được thái bình như Thánh đăng ngữ lục ghi: “Sau khi ở chùa Phổ Minh của phủ Thiên Trường. Thượng hoàng mời đến các danh tăng, mở lớn các trường giảng, vân du phương ngoại, đến trại Bố Chính, chọn am Tri Kiến để ở”. Cũng theo Thánh đăng ngữ lục thì vào năm Giáp Thìn (1304) Thượng hoàng “đi khắp các xóm làng để giáo hóa và trừ bỏ các việc thờ cúng mê tín, dạy cho họ thực hiện 10 điều thiện”. Việc Thượng hoàng đem 10 điều thiện này phổ cập hành trì vào đời sống thực tiễn để khẳng định ý nghĩa xã hội Phật giáo có thể đóng góp là xây dựng một xã hội tốt đẹp, đầy nhân văn, đạo đức mà mọi người dân lấy 10 điều thiện như là sự tuân thủ pháp luật quốc gia (quốc pháp). Có như vậy, đời sống nhân dân an lạc, ổn định, đạo pháp mới vững bền. Do đó, ta thấy cũng trong năm Giáp Thìn ấy, mùa đông “Vua Trần Anh Tông dâng biểu thỉnh Thượng hoàng về Đại nội, xin thọ Bồ tát tại gia tâm giới. Ngày Thượng hoàng vào thành, vương công bắt quan chuẩn bị đầy đủ nghi lễ đón rước. Vương công bắt quan đều thọ giới”.

Xem ra, các lời khấn nguyện đầu năm mà Thượng hoàng thay mặt đất nước và Giáo hội cũng là chủ trương đường hướng của nước Đại Việt, cũng là thông điệp Phật giáo Nhất tông thời đó. Trần Anh Tông trong vai trò lãnh đạo của đất nước đã thỉnh Thượng hoàng truyền giới Bồ tát tại gia cho cả triều đình, thế là cả Hoàng gia và dân chúng của Đại Việt đã nỗ lực sống theo nếp sống hướng thiện, với tư tưởng Cư trần lạc đạo, xây dựng Đại Việt trở thành quốc gia thái bình, thịnh vượng dài lâu. Vậy là cả nước đều an trú trong thế giới hào quang hộ trì của Phật pháp, triều đình Đại Việt là một triều đình Phật giáo, mọi người dân Đại Việt là Phật tử. Sự thật này đã được minh chứng, ngay cả khi trước thời điểm vua Trần Anh Tông Phật tử rước Thượng hoàng thực hiện sự truyền giới này. Trần Phu trong chuyến đi sứ về đã viết bài phú “An Nam tức sự”, chép trong Trần Cương Trung Thi tập 2, tờ 24a3-37b2, đã cho chúng ta biết triều đình nhà Trần “tuy có đền miếu, nhưng không có lễ cúng hàng năm, chỉ có cúng Phật và rất kính thành”, còn “dân hết thảy là thầy tu” (dân là Tăng) ([4]).

 
trannhantong_1.jpg

Phật hoàng Trần Nhân Tông - ảnh tư liệu

Cuộc sống thì vận động không ngừng, thời gian thì trôi nhanh, do đó mọi sự nỗ lực tu tập và dấn thân cống hiến của mọi người dân Đại Việt là điều kiện thực hiện đại nguyện của cả dân tộc trước những thời khắc giao thừa là vô cùng quan trọng. Trong ý nghĩa cầu an cầu cho đạo pháp trường tồn, nhân dân an lạc như đã nói trên, sử sách nước nhà Tam Tổ thực lục tờ 18b3-19a8 còn ghi sự kiện trọng đại nữa là “Ngày mồng một tháng Giêng năm Mậu Thân (1308), Điều ngự sai Pháp Loa nhận chức trụ trì để nối dòng pháp ở Cam Lộ đường, chùa Siêu Loại. Để khai đường và làm lễ trao truyền, vua đã đặt bài vị của liệt Tổ, tấu Đại nhạc, đốt hương thơm. Điều ngự dẫn sư lên Tổ đường xong. Sau khi ăn cháo, sai tấu nhạc, đánh trống pháp, tập hợp đại chúng lên pháp đường. Bấy giờ Anh Tông xa giá đến chùa. Sau khi đặt ngôi chủ khách xong, vua Anh Tông vì là đại thí chủ của Phật pháp đứng vào ngôi khách ở pháp đường, thượng tể đem bá quan đứng ở dưới sân. Điều ngự lên tòa thuyết pháp. Giảng xong bèn đi xuống, đỡ Pháp Loa lên tòa. Điều ngự đứng đối diện chắp tay hỏi han. Sư Pháp Loa đáp lễ xong, nhận pháp y mặc vào. Điều ngự liền bước sang một bên, ngồi bên giường khúc lục, nghe Sư Pháp Loa thuyết pháp. Đem chùa Siêu Loại của sơn môn Yên Tử sai Sư Pháp Loa kế thế trụ trì làm đời thứ hai của dòng Trúc Lâm. Lại đem ngoại thư kinh sử 100 hộp và Đại tạng kinh 20 hộp nhỏ chép bằng máu chích ra, để mở rộng việc học nội và ngoại điển”.

Rõ ràng, trong dịp cả nước đón chào Tết Nguyên đán Mậu Thân (1308), cả dân tộc Đại Việt không những nhất tâm hướng nguyện về Tam bảo cầu chúc kỳ thọ đất nước thái bình, pháp luân hằng chuyển, mà còn đón nhận sự kỳ vọng của dân tộc khi Điều ngự truyền trao ngôi vị Tổ thứ hai của dòng thiền Trúc Lâm tiếp nối sự nghiệp Phật pháp.  Trong vai trò và trách nhiệm của mình, Pháp Loa là người làm cho mạng mạch Chánh pháp được lưu truyền, tổ chức Giáo hội Trúc Lâm càng thêm vững mạnh, thiết lập thành công Đại tạng kinh Việt Nam đầu tiên. Một lần nữa, người dân Đại Việt được sống trong thế giới an lành, việc quy y, truyền giới cho những người tại gia, cũng như xuất gia, xây dựng chùa chiền, đúc tượng cũng góp phần cho đất nước Đại Việt trở nên hùng cường, vững mạnh, văn hóa giáo dục thêm đậm đà bản sắc dân tộc, đạo pháp được sáng ngời, mọi người dân được hạnh phúc trong niềm tin bất động của Chánh pháp. Sau này Huyền Quang kế vị Pháp Loa, làm Tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm cũng ước nguyện “Vào chưng cõi Thánh thênh thênh, Thoát rẽ lòng phàm phấy phấy” được ghi lại trong bài phú Vịnh Vân Yên Tự.

Và như thế, ý nghĩa hướng nguyện kỳ an chúc thọ đầu năm trong ý thức mỗi người dân Việt Nam ngày nay không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng nguyện cầu Tam bảo của niềm tin tôn giáo mà nó còn ý nghĩa khẳng định lời khấn nguyện đó cũng chính là thông điệp sống của người Việt Nam trong mọi thời đại lịch sử.

                                           Vạn Hạnh thiền viện, ngày 8-1-2010

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày