Quy định danh vị, lễ phục của Tăng sĩ dưới triều Nguyễn

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan 2023 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn
Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan 2023 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tìm hiểu trong sử sách , điển lệ chúng ta thấy theo truyền thống Phật giáo Việt Nam pháp vị Hòa thượng rất được tôn quý, hoàn toàn do hội chúng Tăng-già quyết định, rất ít vị Tăng sĩ được suy tôn lên pháp vị này.

Ba mươi năm cuối thế kỷ XVIII, nước Việt lâm cảnh phân ly, nội chiến, ngoại xâm nên các hoạt động văn hóa, tôn giáo đều bị ngưng trệ. Mãi đến năm Gia Long thứ 17 (1818), xã hội tương đối ổn định phát triển, Đại sư Phước Hậu trú trì chùa Thiên Thai đứng ra vận động tổ chức Đại giới đàn. Ngài được chư Tăng cầu thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trao truyền giới luật cho tứ chúng đệ tử. Phật sự thành tựu viên mãn, ngày 21 tháng 7 năm Mậu Dần, Hòa thượng dâng bài khải tạ ơn vua(1).

Triều Minh Mạng (1820-1840), quy định những vị Tăng sĩ hạ lạp cao, giữ gìn giới luật trong sạch đã được chúng Tăng trong một trú xứ lớn cung thỉnh làm bậc “Đàn đầu Hòa thượng” để giảng dạy trao truyền giới pháp độ người xuất gia mới được tôn xưng danh hiệu Hòa thượng.

Danh vị

Từ đó tuân theo điển chế, các vị đại sư được Bộ Lễ khảo xét để tuyển chọn người thông hiểu kinh điển, am tường khoa phạm nghi lễ, giới hạnh hạ lạp đầy đủ để sung chức Tăng cang, trú trì các ngôi quốc tự tại kinh đô như: Thiên Mụ, Giác Hoàng, Diệu Đế, Thánh Duyên, Linh Hựu. Hoặc Tam Thai ở Quảng Nam, Khải Tường tại Gia Định…

Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua được triều thần tâu báo tại tỉnh Phú Yên có vị Thiền sư hiệu Mộc Y sơn nhân. Ngài tu hành khổ hạnh, nhiếp phục được quỷ thần, ác thú, cứu chữa bịnh tật cho dân chúng nên được tăng tục trong xứ tôn xưng là Hòa thượng Giác Ngộ. Lệnh truyền cho rước ngài về kinh đô hội kiến, vua rất cảm phục đạo phong, sở đắc của vị sơn tăng, thành tâm tán thán:

Thuần nhất không pha tạp là HÒA

Vạn loại đều tôn kính là THƯỢNG

Bộ Lễ tuân ý chỉ của vua thỉnh ngài giữ chức Tăng cang Quốc tự Giác Hoàng, Hòa thượng nhất quyết tạ từ chỉ xin trở về Long Sơn tu niệm trọn đời. Vua rất hoan hỷ, ban cấp sắc bằng Tăng cang, cúng dường 20 lượng bạc, 5 bộ pháp phục, thiền cụ đầy đủ. Truyền lệnh cho các quan tỉnh Phú Yên xuất công quỹ xây dựng chùa Bát Nhã quy mô để Hòa thượng trở về trú trì.

Từ đó các vị Tăng cang, trú trì tại các quốc tự, quan tự được xếp sau pháp vị Hòa thượng. Điển lệ này được tuân thủ nghiêm túc đến cuối triều Nguyễn(2). Một trường hợp tiêu biểu xảy ra dưới triều vua Bảo Đại được ghi chép trong châu bản như sau:

Ngày 4 tháng 8 năm 1930. Tiếp được tư văn của tòa Khâm sứ (số 819) giao tờ tư di của tòa Thống sứ Bắc kỳ về khoản tòa tỉnh Ninh Bình tư xin cho tăng trưởng chùa Hưng Long là Nguyễn Thanh Thịnh được làm Hòa thượng chùa của y… Theo các nhận xét của tòa Thống sứ Bắc kỳ và tòa Khâm Sứ Trung kỳ đều nói rằng đồng ý đặc cách thưởng cho sư Nguyễn Thanh Thịnh làm chức Hòa thượng như lời xin của tỉnh Ninh Bình. Mong thẩm phúc…

Bộ Lễ ở kinh đô Huế trả lời:

“Thiểm bộ xét ra xưa nay các sư trong kinh và ngoài các tỉnh chưa bao giờ được chuẩn cho làm Hòa thượng…Thiểm bộ đã gọi Tăng cang Trương Văn Luận chùa Thiên Mụ, Tăng cang Phạm Gia Khánh chùa Diệu Đế, Tăng cang Nguyễn Chánh Sắc chùa Thánh Duyên ở các quan tự tại kinh đô đến hỏi thì đều thưa nói rằng: theo đạo Phật thì tên gọi Hòa thượng là do người nào tu hành đắc đạo thì được thập phương chúng Tăng dùng danh hiệu ấy mà tôn xưng. Còn như theo thể lệ quốc gia, các sư nào ở chùa công (quan tự) mà tu trì có đạo đức thì được cấp độ điệp cho làm tự trưởng, hoặc trú trì cho đến Tăng cang mà thôi. Chưa bao giờ có đặt chức vị Hòa thượng…

Lại nữa xét rằng trong số các sư ở chùa tại kinh đô và ngoài các tỉnh đều chọn cử làm tự trưởng hoặc Tăng cang. Nếu vị nào tu hành xét có công đức thực sự được quan địa phương xét cử, Tăng đồ suy tôn là hết sức đặc biệt mới được chuẩn công nhận cử làm Tăng cang.Đó là chức sắc cao nhất trong các sư ở chùa. Các triều vua trước đều đã chuẩn cho tuân hành, hồ sơ hãy còn lưu chiếu…

Vậy xin chuẩn y cho sư Nguyễn Thanh Thịnh chiếu theo các tiền lệ của triều trước xét cấp cho chức Tăng cang. Do Bộ Lễ chiếu lệ cấp cho một giới đao, một đạo độ điệp phát cho sư ấy phụng thủ tu trì để gọi là khuyến khích kẻ thiện tâm trung thành. Có điều là khoản nầy phải dâng phiến. Vậy kính trình soi xét quyết định phúc cho.

Nay kính trình Phụ chánh thân thần Thái tử Thiếu phó Văn Minh điện Đại Học sĩ Phò Quang hầu Thượng tướng công soi xét.

Ngày 4 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 5

Duyệt phúc(3)

Lễ phục Tăng quan

Các Tăng sĩ được tuyển chọn giữ chức Tăng cang, Trú trì, tăng chúng tại các chùa công (Quốc tự, Quan tự) đều được cấp lương bổng, lễ phục theo phẩm trật tương xứng như hàng quan lại.

- Tăng cang

Được cấp lương bổng theo chánh thất phẩm - 2 bộ lễ phục: gồm đại y ca-sa may bằng lụa bát ty (dệt 8 sợi), áo hậu may kiểu bá nạp 5 màu, mão Quan âm(4), mão Tỳ-lô thêu 5 vị Phật, giày dép, thiền cụ. Đặc biệt là trường hợp hoàng gia cúng dường y ca-sa chế tạo bằng gấm màu vàng, áo hậu bằng gấm 5 màu để biệt cúng cho các vị Trưởng lão Hòa thượng bổn sư.

- Trú trì

Lương bổng theo hàng quan tòng thất phẩm. Lễ phục cấp 1 bộ ca-sa may bằng loại lụa dệt 8 sợi màu đỏ, áo hậu may kiểu bá nạp 2 màu đen, trắng.

- Tăng chúng

Mỗi vị được cấp 1 ca-sa may bằng vải sô màu vàng sẫm, áo hậu may bằng vải sô màu đen. Thực phẩm được trợ cấp theo thời giá.

- Tự phu

Người lao động giúp việc các chùa công, được trợ cấp theo mức lương của lính.

Tìm hiểu trong sử sách, điển lệ chúng ta thấy theo truyền thống Phật giáo Việt Nam pháp vị Hòa thượng rất được tôn quý, hoàn toàn do hội chúng Tăng-già quyết định, rất ít vị Tăng sĩ được suy tôn lên pháp vị này.

-----------------------------------------

(1) Châu bản triều Nguyễn, Lý Kim Hoa, NXB.Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2002.

(2) Thiền sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1992.

(3) Châu bản triều Nguyễn, Lý Kim Hoa, NXB.Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2002

(4) Dưới triều vua Khải Định, mão hiệp chưởng được chế tạo ban cấp cho các vị Tăng cang, trú trì. Mão Quan âm dành cho các ngài được cung thỉnh chứng minh, dùng trong dịp cúng kỵ, lễ tang của hoàng gia. Mão Tỳ-lô sử dụng trong đàn tràng chẩn tế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày