Sách tấn cho hơn 6.500 Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng quang lâm, sách tấn Phật tử tại khóa tu của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc do Ban Hoằng pháp T.Ư tổ chức tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Ảnh: Bảo Trinh
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng quang lâm, sách tấn Phật tử tại khóa tu của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc do Ban Hoằng pháp T.Ư tổ chức tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Ảnh: Bảo Trinh
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, bấy giờ tất cả chư tôn đức đại biểu của 9 tập đoàn đề nghị tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp đầu tiên của Giáo hội. Đây là sự bất ngờ đối với tôi.

Tôi nghĩ việc này quan trọng, nên tôi đến thưa với Hòa thượng Pháp chủ đệ nhất, Thích Đức Nhuận xem ngài dạy hoằng pháp ở nước xã hội chủ nghĩa thế nào. Vì tôi sanh ở miền Nam, tốt nghiệp ở nước tư bản, nên đối với xã hội chủ nghĩa, tôi chưa quen. Hòa thượng mới dạy rằng luật pháp cho phép mình làm gì, mình làm đó, cho phép mình nói gì, mình nói đó, cho phép mình tới đâu thì mình tới đó. Hòa thượng chỉ dạy đơn giản vậy thôi. Lời dạy này tôi cũng muốn trao lại cho Hòa thượng Trưởng ban Hoằng pháp và chư tôn đức, tức chúng ta tôn trọng pháp luật.

Nếu trong thời Đức Phật tại thế, Ngài là bậc Chánh biến tri quán thấy rõ ở đâu có nhân duyên, ai có nhân duyên, Ngài tới đó độ. Chúng ta chưa thấy nhân duyên, tức chúng ta chưa thành Phật thì trước nhất chúng ta tôn trọng luật pháp, ta mới bình yên, đó là điều quan trọng thứ nhất mà tôi học được ở Đức Pháp chủ đệ nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhưng sau đó, tôi bắt đầu suy nghĩ nếu Trưởng ban Hoằng pháp là tôi có một mình thì làm gì. Cho nên tôi mới tới thỉnh Hòa thượng Thanh Chỉnh và Hòa thượng Tâm Thông đều là Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội tham gia vào Ban Hoằng pháp.

Tôi được sự hợp tác của hai vị Hòa thượng này đã có kinh nghiệm hành đạo trong nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi chia sẻ về chương trình hoằng pháp với các ngài trong tương lai, chỗ nào cho giảng thì giảng, chỗ nào không cho giảng thì không giảng. Đó là quyết định ban đầu của Ban Hoằng pháp. Nếu chỗ không cho giảng mà ta giảng thì đôi khi phản tác dụng, có hại hơn là lợi. Phải nói trong nhiệm kỳ đầu, trải qua sáu năm, ngành hoằng pháp chưa ra ngoài thành phố Hồ Chí Minh, chưa ra ngoài chùa Ấn Quang và chùa Xá Lợi.

Nhưng đến nhiệm kỳ thứ ba, tôi mới phát hiện một điều kỳ diệu. Khi tôi ra dự Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ ba, tôi được phân bổ ở khách sạn Kim Liên. Ngay trong khách sạn này, tự nhiên có một số Phật tử đến xin quy y, đây là điều lạ. Xin quy y ở khách sạn thì làm lễ quy y thế nào. Lúc đó, tôi mới ngồi yên lặng suy nghĩ về Đức Phật Thích Ca, về các Đức Phật trong quá khứ, tự nhiên tôi nhớ kinh Pháp hoa, Phật dạy bất cứ chỗ nào có người phát tâm Bồ-đề, chỗ đó có Phật. Đây là kinh Pháp hoa nói, các kinh khác chưa nói.

Chỗ có người phát tâm Bồ-đề, chỗ đó có Phật, hoặc là điện đường, hoặc là nhà bạch y, hoặc ngã tư đường, hoặc đồng trống, không nhứt thiết phải ở điện đường. Từ trước cho tới lúc đó, tôi chỉ nghĩ quy y ở chánh điện chùa. Nhưng trong trường hợp này, tôi tự nghĩ ra rằng bất cứ chỗ nào có người phát tâm, nơi đó có đạo tràng. Vì thế, đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc của chúng ta được thành lập đầu tiên tại khách sạn Kim Liên, sau đó mới dời về chùa Lý Triều Quốc Sư do Hòa thượng Bảo Nghiêm trụ trì, coi như đạo tràng Pháp Hoa đầu tiên ở chùa Lý Triều Quốc Sư.

Như vậy, đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc ra đời bên cạnh Ban Hoằng pháp nhằm mục tiêu hỗ trợ Ban Hoằng pháp về việc hoằng pháp lợi sanh. Chư Tăng trong Ban Hoằng pháp có trách nhiệm hoằng truyền Chánh pháp của Đức Phật, đạo tràng Pháp Hoa của chúng ta có trách nhiệm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật.

Vì vậy, nơi nào có thuyết pháp giảng kinh, nơi đó có mặt đạo tràng Pháp Hoa, có các vị Bồ-tát hộ trì Chánh pháp của Đức Phật. Nếu không có người thì giảng sư giảng cho ai nghe. Ta làm đối tượng cho giảng sư thuyết pháp mà kinh Pháp hoa gọi là chúng duyên khởi. Thể hiện ý này, tất cả các buổi giảng có đạo tràng Pháp Hoa tham gia, hộ trì, thì buổi giảng đó thanh tịnh và trang nghiêm. Từ đó về sau, tôi đi khắp mọi miền đất nước để thuyết giảng, tôi đi tới đâu thì đạo tràng Pháp Hoa đều có tham dự và hộ trì Chánh pháp.

Các Phật tử hôm nay có đủ duyên về đây quy y và thọ pháp để trở thành Phật tử và trở thành thành viên của đạo tràng Pháp Hoa để hộ trì Chánh pháp tồn tại trên thế gian là việc tốt đẹp vô cùng.

Tôi muốn gợi một số ý mà tôi nhận ra được và tu có kết quả. Đạo tràng Pháp Hoa của chúng ta cũng giống tất cả các đạo tràng khác là khởi điểm của việc tu theo Phật phải quy y Tam bảo. Vì Phật dạy muốn trở thành đệ tử của Phật, trước nhất phải quy y Tam bảo, chọn Đức Phật làm Thầy của chúng ta, giáo pháp của Đức Phật là phương tiện tu hành của chúng ta và chư Tăng là người thân cận với Đức Phật hướng dẫn chúng ta.

Tam bảo là biểu tượng tôn quý của chúng ta trên cuộc đời. Các thầy đi xuất gia đầu tiên cũng quy y Tam bảo, rồi thọ trì năm giới, lên Bát quan trai giới, sau đó mới xuất gia làm Sa-di. Đây là con đường của Phật giáo mà tất cả các nước theo Phật giáo đều phải tuân thủ và đạo tràng Pháp Hoa của chúng ta cũng vậy, nguyện đời đời kiếp kiếp sanh ra được gặp Tam bảo, kính thờ Tam bảo và tu tạo tất cả các việc lành theo Phật dạy. Chúng ta đã chọn mục tiêu đề ra như vậy.

Phần thứ hai, tu theo kinh Pháp hoa, chúng ta có cái nhìn sâu xa hơn. Về mặt lịch sử, Đức Phật Thích Ca sanh ở vườn Lâm-tỳ-ni, thành đạo ở Ma-kiệt-đà, thuyết pháp ở Ba-la-nại và Ngài nhập diệt ở Câu-thi-na, từ đó, Phật không còn hiện hữu trên cuộc đời. Nhưng người tu theo tinh thần Pháp hoa không nghĩ đơn giản như vậy, không phải Phật Niết-bàn ở Câu-thi-na là Phật giáo chấm dứt.

Thật vậy, Phật giáo có hai mặt, mặt bề nổi và mặt bề chìm. Bề nổi quan trọng nhưng không quan trọng bằng bề chìm bên trong, về chiều sâu của chúng ta, về linh hồn của chúng ta mới thực sự quan trọng, vì vậy ta trọng về tinh thần. Nếu ta nhìn suốt từ quá khứ và nhìn suốt trong tương lai, ta sẽ có được tầm nhìn khác và nhìn như vậy bằng tâm. Nhìn vào vô hình và thấy cũng trong vô hình là cách tu theo kinh Pháp hoa mà tôi đã thực tập và nhận ra được.

Nhìn về quá khứ, chúng ta thấy trước ta có các vị Tổ sư. Phật giáo Việt Nam đã có từ thời Hùng Vương. Qua tới thời thuộc Hán, Phật giáo chúng ta phát triển, các vị thiền sư thời đó như Khương Tăng Hội, kế đó có ngài Câu Chi Cương Lương Tiếp đã dịch bộ kinh Pháp hoa Tam muội đầu tiên là bộ kinh Pháp hoa quan trọng nhất. Theo tôi, người Việt Nam chịu ảnh hưởng kinh Pháp hoa rất sâu.

Sự thật bộ kinh Pháp hoa Tam muội của ngài không có trên cuộc đời này, gọi là thất truyền, chỉ có cái tên kinh thôi. Tại sao? Vì kinh Pháp hoa Tam muội, mà tam muội nghĩa là Chánh định, thì ai vào Chánh định mới đọc được kinh Pháp hoa của ngài, kinh Pháp hoa đó gọi là vô tự chơn kinh. Kinh Pháp hoa có chữ chúng ta đọc quen rồi, nhưng cái gốc của Phật giáo Việt Nam là ngài Chi Cương Lương Tiếp dịch kinh Pháp hoa Tam muội thì vào tam muội thấy kinh này và đọc được kinh này. Vì vậy, Chánh niệm và Chánh định vô cùng quan trọng.

Cho nên đạo tràng Pháp Hoa chủ trương giữ Chánh niệm, tức là tập trung lại, giữ tâm thanh tịnh, không ồn ào, không nói chuyện. Vì chúng ta tu càng giữ tâm thanh tịnh thì càng gần Phật và nghe được kinh Pháp hoa không văn tự. Còn đọc kinh Pháp hoa văn tự suốt đời, nhưng không ngộ được yếu chỉ kinh và sống với yếu chỉ kinh thì cũng chẳng được gì.

Tôi nhờ đọc kinh Pháp hoa không văn tự, đọc kinh Pháp hoa trong Chánh niệm, trong Chánh định. Và từ trong Pháp hoa Tam muội mà tôi diễn dịch thành Bổn môn Pháp hoa kinh. Nhiều vị không hiểu tại sao tôi soạn ra Bổn môn Pháp hoa kinh. Có thể nói rằng kinh Bổn môn Pháp hoa phát xuất từ kinh Pháp hoa Tam muội. Đương nhiên, tôi đã đọc, nghiên cứu và tìm hiểu kinh Pháp hoa văn tự rất kỹ, nhưng kinh Pháp hoa không văn tự là bộ kinh mà tôi miên mật tu hành và thể nhập được trong Chánh niệm, Chánh định, ở bên ngoài không có. Tu Pháp hoa, Phật tử phải suy nghĩ ý này.

Phật nói ngài Xá-lợi-phất là bậc trí tuệ đệ nhất cũng phải dùng niềm tin để vào đạo. Do vậy, mình có niềm tin thấy khác hơn người không có niềm tin. Kinh Pháp hoa bảo người có căn lành, có niềm tin mới thọ trì được kinh Pháp hoa, vì gốc của kinh Pháp hoa là từ Pháp hoa Tam muội mà ra.

Ngài Chi Cương Lương Tiếp là người Việt Nam đã dịch kinh Pháp hoa Tam muội không có văn tự. Trong sáu bản dịch kinh Pháp hoa, trong đó kinh Pháp hoa Tam muội có tên mà không có kinh. Tôi đã cố tìm bộ kinh này và bắt gặp được cốt tủy của kinh này. Theo tôi, kinh Pháp hoa Tam muội là kinh của người Việt Nam và chúng ta thọ trì kinh Pháp hoa của người Việt Nam và truyền bá kinh Pháp hoa cũng của người Việt Nam. Đó là điều cốt yếu mà khi thành lập đạo tràng Pháp Hoa tôi đã nghĩ tới.

Mở đầu Bổn môn Pháp hoa kinh, đọc bài nguyện hương, ta đứng trước Phật, nhìn Phật bằng niềm tin và lòng thành của chúng ta để cho niềm tin và lòng thành chúng ta đi khắp trong trời đất, đi khắp trong ba đời mười phương chư Phật. Nếu nhìn tượng Phật, mà ta chỉ thấy là tượng thôi thì tu hành không có kết quả. Nhìn tượng Phật, trước tiên ta phải nghĩ tới Phật Thích Ca gần ta nhất và Phật Thích Ca nói trước Ngài có Phật Ca Diếp, trước Ca Diếp có Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, trước Câu Na Hàm Mâu Ni có Phật Câu Lưu Tôn.

Phật giáo Nam truyền nói chỉ có đến Phật Câu Lưu Tôn thôi. Nhưng theo Phật giáo Bắc truyền chúng ta còn có hằng hà sa số chư Phật. Vì vậy, ta đọc và lạy theo Bổn môn Pháp hoa là Nam-mô thập phương tận hư không biến Pháp giới quá khứ nhứt thiết chư Phật. Nghĩa là chư Phật trong quá khứ không phải có một, mà nhiều cho đến vô số Phật, nên từ chỗ đó, lòng thành chúng ta mới đi vào trong bao la mà chúng ta thấy được tất cả các Đức Phật trong quá khứ. Nhờ đó, chúng ta sống trên cuộc đời này được chư Phật hộ niệm, trước nhất ta được bình yên và làm đạo không bị trở ngại. Đó là kinh nghiệm của tôi trong thời kỳ khó khăn nhất, tôi đi hoằng pháp không bị trở ngại, vì tôi có niềm tin ở chư Phật quá khứ hộ niệm cho tôi.

Chẳng những chư Phật quá khứ hộ niệm mà chúng ta còn được sự hộ niệm chư Phật hiện tại ở trong tám phương. Ta nhìn quá khứ có Phật rồi mà trong hiện tại, chúng ta có niềm tin vững là nếu ta tu trong Chánh pháp của Phật thì đi đâu, ta cũng thấy bình yên, cho nên trong lòng tôi không thấy sợ, tôi cảm thấy rất an lành. Các Phật tử bây giờ lớn tuổi đã đi theo ba chục, bốn chục năm trước mới nhận ra điều này. Mình đi tới đâu hoằng pháp, tổ chức đạo tràng Pháp Hoa cũng được bình yên. Nhiều người nghĩ không thể làm được mà lại làm được một cách nhẹ nhàng. Đặc biệt ở miền Bắc, chúng ta có tới hơn 50 đạo tràng Pháp Hoa, gần như có đều ở tất cả các tỉnh, mà điều lạ ở trong thời kỳ đó, có các Phật tử ở Thái Nguyên, hay Cao Bằng đi về Hà Nội để tham gia đạo tràng.

Đạo tràng Pháp Hoa chúng ta ngày nay lớn mạnh như thế này, nếu chúng ta không nhìn về vô hình thì không thể giải thích được. Chúng ta tin nhờ ba đời mười phương chư Phật hộ niệm cho chúng ta, cho nên kinh Pháp hoa gọi là Phật sở hộ niệm kinh. Nhờ vậy, chúng ta tu theo kinh Pháp hoa, làm việc gì cũng được chư Phật hộ niệm, việc khó tưởng không làm được mà chúng ta làm tròn. Người có thể lo cho đạo tràng Pháp Hoa nhiều nhất là Hòa thượng Bảo Nghiêm. Trong thời kỳ đó, nếu nhìn thực tế cuộc sống, việc nào cũng khó khăn, nhưng đi đến tất cả các tỉnh thuyết pháp và thành lập được đạo tràng Pháp Hoa dễ dàng, điều này cũng lạ. Phải nói chúng ta chỉ có niềm tin mà chúng ta sống thôi. Đạo tràng Pháp Hoa có điều đặc biệt này.

Niềm tin sâu xa giúp chúng ta thấy những cái mà bình thường không thấy được. Thí dụ ba mươi năm trước, quý vị tới Bái Đính chỉ thấy có ngôi chùa cổ rất hoang sơ. Nhưng ba chục năm trước, hay năm chục năm trước, tôi cũng đã tới đây viếng đền vua Đinh, vua Lê. Nếu thấy bình thường, quý vị thấy rất hoang sơ, nhưng nhắm mắt lại, dùng niềm tin để thấy thì chúng ta thấy vua Đinh Tiên Hoàng dựng nghiệp, thấy Pháp sư Ngô Chân Lưu là vị cố vấn cho vua, thấy có Đỗ Thuận chèo đò trên sông. Nhưng chúng ta nhìn thấy được như vậy thì gần như chúng ta thấy được linh hồn của đất Ninh Bình, linh hồn của chùa Bái Đính. Vì vậy, lúc bấy giờ, chúng ta thấy cảnh hoang sơ vô cùng quý giá. Chính vì những cái chúng ta không thấy được trong vô hình đó mà ngày nay chúng ta mới có chùa Bái Đính này, chúng ta mới có lễ Vesak ở đây .

Ngày lễ Vesak của Đức Phật không dễ làm. Việt Nam chúng ta tổ chức được ba lần lễ Vesak khiến cả thế giới đều nể phục. Nhiều nước giàu hơn chúng ta, đông dân hơn chúng ta nhưng không làm được, mà Việt Nam tổ chức được tới ba lần là điều mà không ai nghĩ ra. Nếu không có cái nhìn về chiều sâu thì không thể hiểu được.

Trong thời kỳ đó, tôi chuyển hướng qua làm công tác Phật giáo quốc tế mà giao Ban Hoằng pháp cho Hòa thượng Bảo Nghiêm tiếp tục làm. Năm 2007 tổ chức lễ Vesak ở trung tâm hội nghị Mỹ Đình tại Thủ đô Hà Nội. Không ai nghĩ Việt Nam hoặc các nước khác tổ chức được lễ Vesak, chỉ có Thái Lan tổ chức được, vì Thái Lan có trung tâm của Liên Hiệp Quốc ở Á châu đặt tại nước này. Nhưng nước thứ hai tổ chức được lễ Vesak là Việt Nam. Điều lạ này nhìn về chiều sâu vô hình, chúng ta thấy sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam vô cùng quan trọng.

Ngoài chư Phật hộ niệm cho chúng ta, kế tiếp chúng ta thấy có các vị Bồ-tát mà tôi đã xướng lễ là lai thính Pháp hoa kinh, nhị vạn, bát vạn, bát thập vạn ức na-do-tha Bồ-tát ma-ha-tát. Các Bồ-tát pháp lữ vô hình hợp tác với chúng ta, gia hộ cho chúng ta. Và như vậy, khi chúng ta sanh trên cuộc đời này, ta mang thân tứ đại ngũ uẩn thì bị thân tứ đại ngũ uẩn ngăn che, không thấy được sự thật. Nhưng bỏ thân tứ đại ngũ uẩn xuống, hay bắt đầu đi vào Chánh niệm, Chánh định thì chúng ta thấy vô số Bồ-tát hiện hữu chung quanh chúng ta.

Thật vậy, khi trì kinh Pháp hoa một mình, tôi ngồi trong thiền thất trong đêm vắng, nhưng tôi cảm giác chung quanh tôi có nhiều người cùng tụng kinh, cùng nghe kinh. Nhờ có vô số Bồ-tát nghe kinh Pháp hoa làm bạn lữ với chúng ta, hợp tác với chúng ta nên từ đó đi hoằng pháp tới đâu, mở đạo tràng Pháp Hoa đều có người theo, đều có người tu. Khi ta chưa tới, ta chưa quen biết ai, nhưng ta tới rồi thì tự nhiên có những người bạn. Đó là trong vô hình có thì thực tế này cũng sẽ có.

Tôi tin nhờ các Bồ-tát giúp đỡ, ta mới làm được, nên ta mới có lục vạn hằng hà sa Bồ-tát Tùng địa dũng xuất ủng hộ chúng ta. Như vậy, trong vô hình có người ủng hộ và trong cuộc sống chúng ta cũng có người ủng hộ, kết hợp lại tạo thành thế giới mà chúng ta gọi là thế giới Phật. Vì vậy, mang thân tứ đại ngũ uẩn, ta là con người như tất cả các người khác, nhưng bỏ thân tứ đại ngũ uẩn, ta trở lại thế giới Phật cùng với các Bồ-tát kia làm bạn lữ, đó là cách tu của kinh Pháp hoa. Có niềm tin mãnh liệt như vậy, chúng ta mới làm đạo được.

Một điều quan trọng nữa, trong bài nguyện hương là cầu xin Bồ-tát Tùng địa dũng xuất thầm giúp cho người tụng Pháp hoa. Ta tu hành, nhưng những Bồ-tát vô hình không thể thấy, không thể biết, họ âm thầm giúp cho chúng ta mới quan trọng. Đạo tràng Pháp Hoa của chúng ta, Ban Hoằng pháp của chúng ta, Phật giáo của chúng ta tồn tại vững mạnh, nếu nhìn cách nào đó sẽ thấy những người âm thầm giúp chúng ta nhiều hơn những người giúp mà chúng ta thấy được, tôi gọi đây là Bồ-tát Tùng địa dũng xuất.

Việc làm mà thiên hạ thấy được, biết được thì giới hạn, nhưng việc làm mà người không thấy được rất nhiều. Kinh nghiệm cho tôi thấy điều này rất rõ. Khi tôi làm gì đó, những người chung quanh nói không thể làm được nhưng cuối cùng lại có kết quả tốt. Tôi tin nhờ các Bồ-tát giúp đỡ, ta mới làm được, nên ta mới có lục vạn hằng hà sa Bồ-tát Tùng địa dũng xuất ủng hộ chúng ta.

Như vậy, trong vô hình có người ủng hộ và trong cuộc sống chúng ta cũng có người ủng hộ, kết hợp lại tạo thành thế giới mà chúng ta gọi là thế giới Phật. Vì vậy, mang thân tứ đại ngũ uẩn, ta là con người như tất cả các người khác, nhưng bỏ thân tứ đại ngũ uẩn, ta trở lại thế giới Phật cùng với các Bồ-tát kia làm bạn lữ, đó là cách tu của kinh Pháp hoa. Có niềm tin mãnh liệt như vậy, chúng ta mới làm đạo được.

Ở đây ta làm với tất cả tấm lòng của chúng ta và hết duyên ở đây, ta trở lại thế giới Phật gọi là Thật báo trang nghiêm Tịnh độ, tức là thế giới của chư Phật và chư Bồ-tát. Ta đặt mục tiêu đó để phấn đấu đi tới và một lòng kính lễ chư vị Bồ-tát Tùng địa dũng xuất.

Cuối cùng, ta đọc bài kệ sơn thần thổ địa đồng tùy hỷ, nghĩa là khi ta làm gì đó, chúng ta thấy ai cũng tùy hỷ với chúng ta, hỗ trợ chúng ta, cho nên ta thành tựu Phật sự dễ dàng. Ngay như tổ chức khóa tu này đâu dễ, nhưng khi tổ chức rồi, chúng ta thấy gần như chính quyền tùy hỷ với chúng ta, quần chúng cũng tùy hỷ với chúng ta, ai cũng tùy hỷ, mới tạo thành đạo tràng lớn thế này. Bình thường tổ chức đạo tràng có ngàn người tu đã khó, nhưng ta làm được và tới giờ này, ta thấy sắp thành công rồi. Ta nghĩ mọi việc tốt đẹp như thế này không phải do sức của chúng ta, mà do sự hộ niệm của chư Phật, sự hợp tác của các vị Bồ-tát.

Việc tưởng như làm không được mà làm được thì việc này tôi đã nghĩ ra nhiều năm về trước và tôi đã chia sẻ với Hòa thượng Bảo Nghiêm. Tôi nói sau khi tổ chức lễ Vesak, anh Xuân Trường đã làm được hội trường lớn như thế này mà để không thì uổng lắm, nên tổ chức tu ở đây. Nhưng cho đến hôm nay mới đủ duyên có được một khóa tu trang nghiêm. Và làm được việc này rồi, anh Xuân Trường hoan hỷ hơn nữa. Anh nói năm nay tổ chức khóa tu ở đây, nhưng có thể sang năm làm ở Tam Chúc, tức là phát tâm làm nữa.

Hôm nay chúng ta tu có được thành quả đầu tiên là tâm hoan hỷ, mọi người nhìn nhau trong tình huynh đệ thân thương hoan hỷ và có ý niệm tốt là sang năm ta lại tập trung để tu hành, lại gặp gỡ nhau trong ánh từ quang của chư Phật, chư Bồ-tát. Và khi mãn duyên ở thế giới này, ta vào thế giới Phật được an lành hơn nữa. Tất cả chúng ta bằng niềm tin đi vào đạo, chắc chắn được Phật hộ niệm thì việc nào chúng ta cũng làm được.

Cầu Phật gia hộ Hòa thượng Trưởng ban Hoằng pháp cũng như tất cả các vị trong Ban Hoằng pháp và tất cả các Phật tử đạo tràng Pháp Hoa luôn được chư Phật hộ niệm, dũng tiến trên đường đạo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày