Sẽ không gục ngã

Ảnh: Như Danh
Ảnh: Như Danh
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một ngày giữa tháng 6, khi tôi vừa tụng kinh tối xong thì nhận được điện thoại của một Phật tử bên cạnh chùa với giọng hớt hải: “Thầy ơi, chùa mình bị phong tỏa rồi”...

Tôi đã dự đoán được tình huống này trước sau cũng sẽ tới, vì chùa Phước Ân do tôi làm tri sự nằm trong khu công nghiệp, rất nhiều công nhân từ các nơi đổ về làm việc. Lại thêm những ngày trước đó, trên các phương tiện thông tin, tôi nhận thấy sự bất ổn, khi dịch bắt đầu tấn công vào một số khu công nghiệp ở huyện Củ Chi và Hóc Môn.

Những người luôn dõi theo

Kết thúc cuộc điện thoại, tôi chợt nghĩ ngay đến những công nhân sống nhờ đồng lương ít ỏi, giờ phong tỏa, bao nhiêu ngày sắp tới không biết họ sẽ sống ra sao? Ngay sau đó, tôi liền đăng status trên Zalo của mình kêu gọi mọi người chung tay để tặng quà cho họ. Khi status đăng lên chưa đầy 10 phút, có vị thầy làm việc chung cơ quan đã liên lạc với tôi ủng hộ 5 phần quà đầu tiên với trị giá 300 ngàn mỗi phần quà. Đây như là động lực để tôi tin rằng sau lưng mình còn rất nhiều người đang dõi theo. Cứ thế, những cuộc điện thoại và tin nhắn tới tấp, chỉ sau ba ngày, số tiền ủng hộ gởi về đã lên đến gần 100 triệu.

Thậm chí có nhều người tôi không biết tên và chưa từng gặp mặt, cũng điện thoại đến để ủng hộ thực phẩm. Tất cả như một sợi dây kết chặt chúng tôi lại, chung tay vì những người công nhân, những hoàn cảnh khó khăn. Theo dự kiến ban đầu, chúng tôi sẽ tổ chức trao khoảng 150 phần quà. Khi bắt tay vào để trao quà, thông qua chính quyền địa phương, các tổ trưởng tổ dân phố và những Phật tử thân cận báo về, con số cần trao tặng trong những khu vực phong tỏa lên đến 1.000 phòng trọ với khoảng hơn 2.000 người.

Những bữa cơm chuẩn bị sẵn ở TP.HCM trong những ngày giãn cách

Những bữa cơm chuẩn bị sẵn ở TP.HCM trong những ngày giãn cách

Sau thoáng chút lo lắng, tôi lại tự trấn an mình rằng có tới đâu làm tới đó. Tôi đã liên hệ với các Phật tử đang trong khu cách ly của chùa lo những phần điểm tâm cho mọi người ở nơi đó, với số lượng từ 500 đến 700 phần mỗi ngày. Công việc được thực hiện cho đến khi nơi đây bùng dịch dữ dội, chính quyền yêu cầu ngưng để tránh việc mọi người di chuyển nhiều, khiến nguy cơ bùng phát dịch sẽ đi đến chỗ mất kiểm soát. Những ngày ấy, chúng tôi vừa lo phần ăn sáng, vừa vận động quà chống đói như: mì gói, nước tương, chanh, đường,… việc tuy nhiều nhưng đâu cũng vào đấy. Khi hẻm chùa tạm ổn thì nhiều hẻm xung quanh cũng bị phong tỏa, thế rồi những cuộc điện thoại lại gọi tới và chúng tôi cùng các cộng sự tiếp tục chuẩn bị những phần quà để gởi đến cho mọi người, đặc biệt là công nhân tại các khu phòng trọ bị phong tỏa như hẻm Cây Si, hẻm Vũ Bảo, hẻm Cà-phê Cọp…. với số quà lên đến hàng ngàn phần. Đặc biệt, nhiều người cũng đã tặng thêm rau củ quả để mọi người trong khu cách ly có món thay đổi hàng ngày.

Có người ở nơi xa, cũng gởi tiền về tài khoản để ủng hộ, thậm chí nhiều người ở cách nửa vòng trái đất, họ chưa từng biết đến chùa Phước Ân nhưng đã gởi tận một tấn gạo với lời nhắn “nhờ thầy tặng cho anh chị em công nhân”. Thấy thật trân quý biết bao khi tình người được lan tỏa.

Sẽ không gục ngã

Khi tôi điện thoại thăm hỏi những Phật tử và người quen trong các khu cách ly thì được họ cho biết ở trong này chỉ khổ là không được tự do đi lại, nhưng khi nhận những phần quà và lời động viên lại cảm thấy rất ấm áp. Mỗi ngày lặng lẽ trôi qua, những người ở ngoài khu phong tỏa như chúng tôi vẫn đang tích cực vận động để chăm lo phần nào đời sống cho người đang gặp khó khăn hơn để họ không cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau giữa lúc khốn khó. Và rất nhiều cá nhân trong các khu vực phong tỏa cũng đang mong đến ngày bình thường trở lại để cùng đồng hành với chúng tôi trong công việc giúp đỡ mọi người.

“Con chưa bao giờ nghĩ có ngày mình phải nhận những quà cứu trợ”, qua điện thoại, một Phật tử trong khu phong tỏa đã tâm sự với tôi như thế. Ngày hẻm chị được dỡ phong tỏa, chị vui mừng điện thoại báo tin cho tôi: “Thầy ơi con được ra ngoài rồi, thầy với mấy cô có cần làm gì thì kêu con phụ nha, vì công ty vẫn chưa cho con đi làm lại”. Nghe sao mà cảm động vì nghĩa tình này. Những người như chị không phải mong ra để được bay nhảy, hay đi nơi này nơi khác mà việc họ nghĩ đến đầu tiên là đồng hành trên hành trình thiện nguyện.

Hàng ngày tôi đọc trên các phương tiện thông tin thấy nhiều nơi như miền Tây, các tỉnh cao nguyên đang viện trợ rau củ quả, gạo và các nhu yếu phẩm khác cho thành phố. Đôi lúc, tôi thấy mắt cay cay với niềm tin mãnh liệt rằng thành phố sẽ vực dậy, bởi vì nơi này sẽ không thể ngã quỵ khi cả nước đang đặt niềm tin cũng như luôn hướng về. Tôi còn nhớ khi các tỉnh miền Trung bị bão lũ năm ngoái, nhiều phái đoàn từ các nơi đổ về để cứu trợ, trong đó sự chi viện của người dân miền Nam, đặc biệt tấm lòng từ Sài Gòn là không nhỏ. Hôm nay, những tấm lòng từ mọi nơi lại đang hướng về đây trong những ngày thành phố không khỏe.

Cũng không biết đến bao giờ thành phố mới bình phục hoàn toàn đây. Mỗi ngày, mọi người luôn dõi theo và hồi hộp khi con số ca nhiễm ngày nào cũng tăng chưa có dấu hiệu giảm. Thế nhưng, như đã nói, tôi vẫn có niềm tin kiên định rằng nhất định thành phố này sẽ an ổn sớm thôi, để không phụ những yêu thương đang được trao đi mỗi ngày.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày