Sự giao cảm nhiệm mầu

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1166 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1166 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sau 3 ngày diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính, với sự lắng đọng trong tâm tư, cảm xúc, Đại lễ kỳ siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 do GHPGVN TP.HCM tổ chức đã hoàn mãn với lễ Đăng đàn chẩn tế vào chiều ngày 20-8.

Trong và sau đại lễ, rất nhiều người có mặt tại Việt Nam Quốc Tự để cùng theo dõi, tham dự cầu nguyện đều đồng ý với nhau rằng Đại lễ kỳ siêu với tên gọi “Hộ quốc nhân vương thủy lục phổ độ đại trai thắng hội đạo tràng” lần này là một sự kiện tâm linh đặc biệt hiếm có với tầm vóc lớn lao, sự trọn vẹn về ý nghĩa lẫn nội dung của Phật giáo thành phố, trong dịp giỗ đầu của hàng chục ngàn người qua đời vì Covid-19.

Pháp hội của tình thương

Nói trọn vẹn về ý nghĩa và nội dung, bởi đại lễ được tổ chức vào thời điểm sau đúng một năm tính từ khi đại dịch bùng phát đợt thứ 4 mà TP.HCM là nơi chịu ảnh hưởng và mất mát lớn nhất. Dù thời gian đã qua đi, mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố đã lấy lại được nhịp điệu sôi động, nhộn nhịp vốn có, thế nhưng, đằng sau niềm vui của sự hồi sinh, ở đâu đó trong những gia đình, dưới những mái nhà, nỗi đau đớn mất đi người thân, sự tang tóc gây nên bởi biến cố vượt ngoài sức tưởng tượng của con người vẫn còn chưa thôi day dứt. Chính vì vậy, việc tổ chức một pháp hội long trọng, với những nghi thức tâm linh đặc biệt mang đậm tinh thần từ bi, cứu khổ của Phật giáo là một điều vô cùng cần thiết.

Bên cạnh ý nghĩa kỳ siêu cho những hương linh không may bỏ mạng trong đại dịch, từ nơi pháp hội, nguồn năng lượng an lành do sự tu tập, gia tâm cầu nguyện của đại chúng cũng được tạo ra để làm nguôi ngoai những vương vấn, đau thương trong lòng người ở lại, như lời chia sẻ của Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ rằng: “Việc tổ chức trai đàn nhằm mượn sự hiển lý, đây là cơ hội để mọi người ngồi lại với nhau cùng quán chiếu, tu tập trong mùa Vu lan. Và tôi tin rằng, chỉ có sự tu tập mới có thể hóa giải được những buồn đau còn day dứt trong các gia đình, trong cuộc đời của nhiều người”.

Trong Pháp hội kỳ siêu, giữa những khóa lễ, thời thuyết pháp, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống, như một sự bung vỡ của sầu khổ chất chứa trong lòng người suốt một năm qua. Đơn cử như trong lễ phóng liên đăng, đại chúng hàng ngàn người không một tiếng trò chuyện, lao xao, để rồi đồng thanh cất lên những lời quán nguyện, tạo nên sức chuyển hóa vô cùng to lớn mà bất cứ ai có mặt cũng đều cảm nhận được.

Hay như trong lễ Đăng đàn chẩn tế - khóa lễ trọng tâm của Pháp hội kỳ siêu với ý nghĩa phổ tế khắp các chúng sanh hữu tình còn trôi lăn trong thống khổ, hàng ngàn Phật tử, đồng bào các giới đã có mặt bên trong đàn tràng hoặc trước khu vực lắp đặt các màn hình trực tuyến trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự để tham dự cầu nguyện, theo dõi trong suốt nhiều giờ đồng hồ cho đến khi pháp hội hoàn mãn. Tất cả cùng tạo nên không gian của sự đồng tâm, đồng ý để hướng về những người đã khuất.

“Có thể nói, chúng ta nhìn bằng con mắt trí tuệ, chúng ta nhìn bằng con mắt của niềm tin thì chúng ta sẽ thấy đạo tràng ở Việt Nam Quốc Tự này quá trang nghiêm, quá thanh tịnh. Trong 3 ngày, tôi để tâm quan sát đạo tràng, tôi thấy người tuy đông nhưng cảnh vẫn yên tĩnh, nên tạo thành một thế giới siêu hình, kết hợp giữa người sống và người chết, tạo thành một thế giới mầu nhiệm mà khi bước chân vào, chúng ta cảm thấy một cái gì đó linh thiêng”, đó là điều mà Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN đã nhận định trong thời thuyết pháp khai thị vào sáng ngày thứ 3 của Pháp hội kỳ siêu. Và đó cũng là điều mà bất cứ ai có mặt tại đàn tràng đều có thể cảm nhận được.

Nhiếp tâm cầu nguyện

Nhiếp tâm cầu nguyện

Sức chuyển hóa lớn lao

Một điều đặc biệt phải kể đến đó là trong Pháp hội kỳ siêu, bên cạnh các khóa lễ theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, còn có các khóa lễ theo truyền thống Phật giáo người Hoa, Nam tông Kinh và Khmer do chư tôn đức các hệ phái đảm trách, Phật tử các truyền thống đồng vân tập về hộ đàn, cầu nguyện.

Đồng thời, Ban Trị sự Phật giáo các quận huyện và TP.Thủ Đức cũng phụ trách các phần nghi lễ riêng, các thời kinh cầu nguyện, các ban chuyên môn cũng thực hiện các phần việc theo chuyên môn của mình. Điều đó đã thể hiện một cách cụ thể bằng thực tế ý nghĩa của câu “dị khẩu đồng âm”, khác miệng nhưng chung lời, trong giáo nghĩa nhà Phật. Sự hòa hợp, đồng thuận đó, có lẽ, cũng chính là điều đã góp thêm phần năng lượng và sự hoàn bị của pháp hội kỳ siêu.

Pháp hội “Hộ quốc nhân vương thủy lục phổ độ đại trai thắng hội đạo tràng”, bên cạnh ý nghĩa về phương diện tinh thần, còn là dịp trình bày tất cả những nét đẹp của nghi lễ Phật giáo nói chung, và nghi lễ, âm nhạc Phật giáo miền Nam nói riêng.

Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Khê - bậc thầy trong lĩnh vực nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam từng có lần nhận định rằng “âm nhạc Phật giáo có giá trị và gắn liền với âm nhạc dân tộc Việt Nam” bởi theo cố giáo sư, âm nhạc Phật giáo phù hợp với nếp sống của Việt Nam từ bao đời. Cũng vì gắn liền với âm nhạc dân tộc, phù hợp với nếp sống và tự tình dân tộc, thông qua lễ nhạc, những giáo nghĩa của Phật có cơ hội thẩm thấu, đi sâu vào lòng người, xoa dịu tâm tư của con người, khuyến tấn con người hướng về nẻo thiện.

Tinh thần của nghi lễ, như chia sẻ của Hòa thượng đứng đầu Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, đó là mượn sự để hiển lý. Chính vì thế, nếu “sự” được thực hành đúng, đủ về cả không gian, thời gian và hoàn cảnh thì “lý” mới được chuyển tải một cách trọn vẹn. Trình bày những nét đẹp trong nghi lễ, âm nhạc truyền thống của Phật giáo, với sức chuyển hóa thiêng liêng, 3 ngày của Pháp hội kỳ siêu đã thể hiện rõ nét tinh thần ấy.

Đồng thời, có cơ hội lắng nghe những tâm sự, những chia sẻ, nhìn thấy sự an lòng của những người có thân nhân thiệt mạng trong đại dịch, đồng bào tham dự pháp hội, chúng ta có thể thấy rất rõ sự chữa lành trong tâm tư bằng giáo lý của Đức Phật, thông qua lời kinh, tiếng mõ, câu tán,…

“Phật pháp bất ly thế gian giác”. Bằng việc tạo cơ hội để mọi người cùng ngồi lại tu tập để chuyển hóa đau thương, bắc một nhịp cầu giao cảm giữa âm với dương, con người với con người, đạo Phật đã thêm một lần nữa thể hiện trọn vẹn, rõ nét tinh thần hộ quốc an dân, đã được minh chứng qua bao thăng trầm lịch sử, trong dòng sinh mệnh tương tục ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày