Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cuộc thi "Bến đỗ bình yên": Thầy ơi, con đã trở về!

Tác phẩm đạt giải Khuyến khích cuộc thi "Bến đỗ bình yên"
Tác phẩm đạt giải Khuyến khích cuộc thi "Bến đỗ bình yên"
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chung thất thầy vừa được vài hôm, con trở lại con đường học tập, dịch thuật, giảng dạy. Được nuôi dưỡng trong môi trường Phật học viện, lấy trí tuệ làm sự nghiệp nên con theo chí nguyện thầy tổ, chuyên tâm nghiên cứu kinh điển, làm người đưa đò, kế tục tâm nguyện giáo dục, nuôi dưỡng tâm Bồ-đề cho thế hệ mai sau.

Thiết nghĩ, học làm người đã khó, nay học làm Phật, làm Tổ lại càng khó hơn.

Đầu năm 1992, rời nhà xuất gia, chúng con: Quảng Thành, Quảng Thịnh, Quảng Tâm có duyên được nuôi dưỡng dưới mái chùa Xuân Hòa nhỏ bé.

Nếp sống hành điệu, nhẹ nhàng và yên bình. Cái thuở ấy, chùa giản đơn, rêu phong; Thầy mảnh khảnh trong bộ nâu sòng thanh đạm. Hàng ngày làm hương, bán xì dầu, câu kinh thường nhật luôn vang vọng.

Cũng thuở ấy, danh lợi phù phiếm chẳng bén vào nhà thiền, nếp sống thanh đạm thường nhật, đơn sơ mà ấm cúng. Những đóa hoa sứ khoe sắc, tỏa bóng che mát góc sân là chỗ nô đùa của chúng con. Những kỷ niệm đơn sơ, vun đắp tuổi thơ lìa xa gia đình. Thầy như người mẹ, chăm sóc, an ủi, dạy dỗ, bảo bọc chúng con nên người. Thầy hiền từ mà nghiêm nghị, yêu thương chúng con hết mực.

Phải nhờ túc duyên nhiều đời trước, chúng con mới được nương tựa. Rồi lớn lên, ba huynh đệ con, theo dòng nghiệp duyên và nguyện lực thúc đẩy, mỗi người mỗi ngả: kẻ ở lại, người nhẹ gót ra đi, người còn nặng nợ thế gian. Nhưng dù có trôi dạt bất cứ nơi đâu, hình bóng và pháp âm của thầy vẫn đồng vọng, định hướng cho chúng con vượt biển đời sóng dữ. Thầy có nụ cười hòa ái và đến với mọi người vì lòng thương và niềm hạnh phúc thanh khiết.

Năm tháng chuyển mình, tuế nguyệt ta đà, chúng con trưởng thành, xa dần chùa Xuân Hòa thân thương. Con lang thang cầu học, Huế, Sài Gòn, Hà Nội; ôm cái kỷ niệm ban sơ ấy mà cố gắng vượt mọi gian khó.

Mỗi khi tết về, con đều trở về chùa thăm thầy, ánh mắt, nụ cười ấy vẫn như xưa, vẫn ấm cúng như thuở con còn ở đó. Chính cái nếp ban đầu được chăm sóc an lành đó mà hình thành nên nếp sống nhẹ nhàng. Thầy không bận tâm danh lợi, tiền của chỉ một mực giữ đạo thanh cao.

Thầy, danh cũng có, lợi cũng có, mà lợi danh đó không làm cho thầy phải mệt nhọc, không ngăn được thầy tinh tấn trong nếp sống thiền môn. Thầy luôn chuyên tâm trì kinh Pháp Hoa, lạy Lương Hoàng sám nêu gương sáng cho đại chúng noi theo.

Chính công hạnh nhẹ nhàng đó đã khiến cho thầy đặt lợi danh ra khỏi cửa thiền. Bước chân ra làm Phật sự thì cũng có danh, có lợi như người, song trở về chùa thì lợi danh bị gạt rơi trước cổng. Chéo áo nâu sòng nào dính bả lợi danh. Tất cả chỉ là phù phiếm để mà chơi, chẳng phải quê hương đích thực.

Trong nếp sống hàng ngày, thầy chuyên tâm trì kinh niệm Phật, hạ thủ công phu, không quên căn dặn chúng con những điều cốt yếu để giữ tâm Bồ-đề trước mọi nghịch cảnh. Giới luật Thầy giữ gìn, nếp sống khắc kỷ thầy vận dụng. Khó với mình mà dễ với người.

Công việc Giáo hội, Ni bộ, tổ chức Giới đàn, Yết-ma, Giáo thọ, tiếp Ni độ chúng, thầy chẳng từ nan. Tham gia Giáo hội nhiều nhiệm kỳ, góp chút sức cùng chư tôn đức trang nghiêm Phật giáo Đà thành; công việc từ thiện, chẳng nơi nào thầy từ chối.

Dẫu nhiều khi thân tứ đại có trở ngại mà tâm thầy cũng chẳng bận lòng, luôn sát cánh cùng Ni bộ trong mọi việc riêng - chung. Dấu chân thầy in khắp các vùng núi, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị xa xôi và cả những nơi bão lụt. Quên bản thân già yếu, chỉ thấy chí nguyện Phật sự thừa đương.

Cho nên, ngẫm suy cho cùng, thầy mượn sắc thân như huyễn mà luyện thể tánh chơn thường, đạo đức tình thương, sáng trưng Ni giới. Học đạo tu thân, an bần hỷ xả, dẫu chuột ngày đêm có cắn ổ sáu căn, chim thần thức có xé lồng bốn đại, thầy chẳng vướng hồng trần, noi gương sáng Di mẫu. Thuyền Lục độ cứu sinh xuôi ngược, ghế Thập sư há khước truyền trao, mây từ pháp vũ dồi dào, long xà dung nạp biết bao nhiêu tình. Sen vẫn mãi giữa bãi sình đua nở, đạo dựng trong trắc trở mà nên, phồn hoa mà chí lâm tuyền, nhổ gai nhân ngã kết duyên lục hòa.

Thiết nghĩ, hành trang Tín - Hạnh - Nguyện đã đưa thầy về cõi giác, chim Ca-lăng-tần-già đang thánh thót reo ngâm, thánh hiệu Vô Lượng Thọ Phật rạng tinh cần, cảnh giới thất trùng la võng đà hiển lộ, con đường thượng phẩm thượng sinh chờ bước chân thầy về tịnh cảnh.

Như vậy, thầy tuy mang thân nữ nhi, song với chí nguyện của bậc trượng phu một lòng vì đạo vì đời, hai gánh chẳng nề quản chi, chăm chút hạt giống Bồ-đề, ứng xử nhẹ nhàng qua hành vi xử thế. Xuề xòa mà vẫn thanh cao, nâu sòng mà vẫn ngạt ngào mùi hương. Để rồi, sau lễ trà-tỳ, thầy đã để lại những mảnh xá lợi với màu hồng, màu trắng tinh, màu xanh - những minh chứng cho một đời nghiêm tu tịnh giới, là một sự xác tín để chúng con tin tưởng sâu sắc hơn nữa giáo lý Phật đà.

Mùa Vu lan Phật lịch 2567, trở về lại chốn xưa, con không còn gặp thầy để kể thầy nghe những khó khăn và thành tựu trong nếp sống làm người đưa đò, nhưng tin chắc, từ trước đến nay và mãi mãi về sau, thầy luôn còn đó cho chúng con nương tựa trong nếp sống tu tập giữa cõi hồng trần này. Nay đứng trước di ảnh, nhớ âm dung, văng vẳng bên tai lời thầy dạy bảo; chập chờn bóng thầy trước mắt, mà sao nhân ảnh xa mờ. Thiết nghĩ, Xuân Hòa mãi là bến đỗ yêu thương, nhẹ nhàng, yên bình, và thầy – Ni trưởng Thích nữ Diệu Thục luôn là niềm tin yêu để chúng con trở về thân cận. Thầy ơi, con đã trở về!

Xuân Hòa, chiều Vu lan yên bình

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày