Nhà văn Nguyễn Tuân, trong một tác phẩm trước 1945, lại kể rằng: Có kẻ ăn mày ghé vào một gia đình giàu có, nhưng hắn không xin cơm, mà xin một ấm trà. Khi uống xong, kẻ hạ tiện cả gan chê trà của nhà quyền quý không ngon. Gia đình quyền quý vốn tự hào về sành trà cả giận, nhưng rồi giật nảy mình về khả năng thưởng trà của kẻ ăn mày, khi biết trong trà của mình không hiểu sao lẫn vài vụn trấu!
Không chỉ các tác phẩm văn học, trong cuộc sống thường nhật, trà vẫn tồn tại những nét thi vị, mà đáng kể nhất là nghệ nhân ướp trà đất Hà thành. Họ đã chắt hương của ngàn bông hoa thành những chén trà mang hương của bốn mùa như sen, nhài, sói, mộc…
Như thế, cách chế trà, cách thưởng trà của người Việt cũng đạt đến độ cao siêu lắm. Nói về nguồn gốc trà, nhiều cây trà trên đất Hà Giang vài trăm năm tuổi, có cây có lẽ ngàn năm tuổi. Ngàn năm nay, trà song hành cùng người Việt.
Gần đây, ở nhiều thành phố xuất hiện các quán trà trương biển "Trà đạo Việt Nam". Bước vào quán trà ấy, trong những không gian được sắp đặt giả cách phương Đông, bắt gặp đủ loại trà với những tên gọi hoa mỹ, như Vọng nguyệt, Tịnh tâm, Quân tử, La hán... Các cô tiếp viên trong trang phục nửa Việt Nam nửa Trung Quốc, bưng lên những ấm trà với cách giới thiệu nửa Nhật Bản, nửa Trung Quốc, lại có cả chất Việt nữa...
Đạo của trà Việt hẳn không phải là nghi thức tựa như nghi thức tôn giáo như của người Nhật. Đạo của trà Việt lại càng không phải ở cách thức pha mà mỗi "chiêu" lại có một câu "họa" bắt chước người Trung Quốc, kiểu như "tam long giá ngọc", hay "cao sơn trường thủy" như người phục vụ ở một số quán trà vẫn thường "diễn".
Nghĩ về đạo của trà Việt, không thể không nghĩ đến tâm hồn người Việt. Phải chăng vì tâm hồn người Việt vốn bình dị, chân chất, nên người Việt không có truyền kỳ về trà?
Có người nói, nghệ thuật ướp trà hương của người Việt là một tuyệt kỹ, khi nghệ thuật ấy gặp được người thưởng trà biết trân quý - đó là đạo...
Lại có một câu chuyện kể rằng: Khách đến viếng một trà thất, chủ tiếp đón theo nghi phong trà đạo, còn khách thì lại cứ rót uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả. Chủ thuyết trình về trà đạo, về cách pha và phong thái uống trà… Nghe xong khách nói: “À thì ra trà đạo là vậy. Tôi lại tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ”... Không chắc chủ nhân của câu chuyện ấy đến từ nền văn hóa nào, nhưng rõ ràng, điều đó gần gũi với tâm lý người Việt lắm lắm. Người Việt vốn sống thuận theo tự nhiên.
Đạo của trà Việt hình như không hoàn toàn nằm ở cái tinh vi, cầu kỳ, mà nằm ở cái tâm, cái thế của người làm ra trà, của người pha, cũng như người thưởng thức...