Tết của tôi: Có tết mới biết cội, nhớ nguồn

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Là má nói vậy trong khi tôi với má rửa chén dọn dẹp sau bữa ăn gia đình ngày tết. Tôi thường kể má nghe về những điều người ta thường tranh luận: nên bỏ tết Nguyên đán hoặc thu hẹp lại hoặc nhập chung với những lễ hội khác…

Lần nào nói má cũng trả lời một kiểu “Thời nay hay thời xưa gì thì cũng cần có tết. Có tết mới biết cội nhớ nguồn, mới về thăm ông bà tổ tiên. Quanh năm suốt tháng xa nhà, không có tết thì biết đâu là bà con, ruột thịt”.

Tết hướng về ông bà tổ tiên

Tết hướng về ông bà tổ tiên

Má - người giữ hồn tết Việt xưa

Má là người nhà quê nên ngày tết đối với má vô cùng quan trọng. Nó không chỉ là dịp để con cháu trong ngày biết nền nếp nhà ngày tết mà còn là cơ hội để anh chị em trong gia đình có cơ hội sum vầy, gắn bó, yêu thương nhau hơn. Vì tết đối với má quan trọng nên má chuẩn bị tết từ rất sớm. Hồi đó má hay nói “nhà người ta khá giả thì có thể sắm tết 3 ngày là xong, còn nhà mình khó khăn nên phải lo trước 3 tháng”.

Nói là má làm. Sau khi gieo xong vụ lúa Đông Xuân thì má vô chợ mua bông vạn thọ con về trồng sát mé rào thành hàng dọc. Má không quên cắm mấy cái cây củi tre xung quanh để phòng mấy chú vịt con rỉa lá. Rồi má dỡ đống củi tre bị ẩm ướt sau đợt mưa lụt đem ra phơi nắng. Số gốc tre này là má “để dành” nấu bánh tét vào đêm 30. Má lại thăm chừng bụi chuối hột sau nhà, ngó chừng mấy tàu lá để dành gói bánh. Má nói phải giữ cho tàu lá khỏi te thì mới gói bánh tét được.

Tầm 20 tháng Chạp, má bắt đầu mua nứa về tự tay chẻ lạt, ngâm nước rồi đem phơi. Má nói làm vậy để cọng lạt mỏng dai mà chắc, cột bánh tét sẽ không bị đứt. Má còn đem mấy ký gạo nếp ngon để dành từ mùa trước đi đùng về “dện” bánh in. Rồi má lại đạp xe về ngoại xin gừng. Có gừng rồi má đem về gọt rửa, xắt mỏng làm mứt. Má nói chịu khó làm không tốn nhiều tiền mà lại ngon.

30 Chạp gói bánh tét, má bắt mấy chị em gái ngồi xung quanh xem má gói. Má nói, phải chỉ chị em tụi tôi biết cách gói bánh tét để sau này về nhà chồng còn biết mà làm. Má còn “nói xui” rằng lỡ sau này má già yếu, không gói bánh được thì có chị em tôi làm thay. Tết gói bánh tét để giữ cái nét đẹp, cái văn hóa của người Việt mình. Tết dù có đủ đầy nhiều món vẫn không thể thiếu bánh chưng bánh tét. Má nói tết mà không gói bánh thì còn gì là tết. Nhờ vậy mà chị em tôi ai cũng biết gói bánh, từ việc xếp lá, rải nếp, rải đậu, canh thời gian nấu...

Má còn “bắt” chị em tôi vào bếp phụ má nấu mâm cơm cúng ngày tết. Vì sự “khó khăn” của má mà chị em tôi ai cũng “tự tin” về khoản bếp núc khi lấy chồng. Má nói phải dạy con gái cách nấu nướng chuẩn bị ngày tết để giữ nếp nhà và để các anh chị sui gia không phiền trách.

Có tết mới biết cội nhớ nguồn

Má ngồi đốt áo giấy bên mộ ngoại trong khi lũ cháu tôi xếp hàng chờ thắp hương

Má ngồi đốt áo giấy bên mộ ngoại trong khi lũ cháu tôi xếp hàng chờ thắp hương

Má sinh 6 người con gái, mỗi đứa lấy chồng một nơi nên chỉ có ngày tết mới có dịp gặp mặt. Thế nhưng có năm, chị em tôi ham kiếm tiền, lần lữa không chịu về. Biết chuyện, má buồn. Má bảo ngày thường chị em bay đi làm ăn xa, có mấy ngày tết sao không về, về để xuống thăm mộ ngoại, để đi giẫy mả ông bà, để cháu chắt biết mộ phần tổ tiên ở đâu. Rồi thì anh em cả năm làm ăn tứ tán, không về họp mặt sao biết mặt nhau, sao biết đứa nào anh đứa nào em, đứa nào con đứa nào...

Chính vì những lời căn dặn của má cho nên dù có đi đâu, làm gì, ngày tết, chị em tôi cũng tề tựu về cho bằng được. Mùng Một ăn bữa cơm gia đình, họp đầu năm và vui chơi, quanh quẩn trong nhà. Mùng Hai bắt đầu mỗi gia đình nhỏ về mừng tuổi bên chồng, bên vợ. Mùng Ba, mùng Bốn tập trung về ngoại, về nội giẫy mả, thắp hương. Mùng Năm, mùng Sáu thăm họ hàng bà con lâu năm chưa gặp. Mùng Bảy, mùng Tám từng thành viên lại tứ tản đi làm, học hành, lo công việc riêng của mình.

Tết của tôi và gia đình của tôi là vậy. Nhờ có những ngày tết mà chị em chúng tôi mới có ngày đoàn tụ. Nếu không có tết, quanh năm tha phương cầu thực thì làm sao biết cội biết nguồn. Nhưng năm nay dịch Covid nên chị em tôi có người về, người không. Má không buồn ngược lại còn nói “tết là để về nhà nhưng không phải bằng mọi giá”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày