Thăm Đại học Rissho Tokyo, Nhật Bản

GN - Hơn nửa thế kỷ trước, khoảng thập niên 1960, Sư ông Huê Nghiêm (HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM - BTV) đã du học tại Nhật Bản, Hòa thượng đã học tại Trường Đại học Rissho Tokyo suốt hơn tám năm.

50 năm sau, hàng môn hạ của ngài đã tìm đến ngôi trường học xưa để viếng thăm, chiêm nghiệm. Và tất cả... là một sự ngạc nhiên đầy thú vị!

thichleduc10.jpg
Lối vào trường

Ấn tượng ban đầu

Đầu thu 2016, chúng tôi sắp xếp thời gian với quyết tâm đến thăm Đại học Rissho (Đại học Lập Chánh), Tokyo, nơi mà cách đây 50 năm về trước, thầy chúng tôi đã một thời “nấu sử sôi kinh”. Viếng thăm để biết ngôi trường ấy như thế nào và có gì hấp dẫn mà một bậc Đại sư đã ròng rã theo học, học suốt cả một quãng đường dài “bát dư niên...”?

Dĩ nhiên, khi tìm đến một ngôi trường, người học bao giờ cũng muốn biết tôn chỉ hay nói khác hơn là nền tảng triết lý giáo dục của ngôi trường đó là gì?

Có thể nói rằng cái ấn tượng sâu sắc ban đầu khi chúng tôi đến thăm Đại học Rissho, Tokyo chính là cái cổng trường. Nói là cái cổng chứ thật ra đấy chỉ là bốn trụ biểu bằng đá, đơn giản nhưng rất mỹ thuật, và trên đó có khắc bức thông điệp về triết lý giáo dục của nhà trường với ba nội dung chính như sau:

1. Tìm cầu chân lý, nêu cao lòng chân thành (真実を求め至誠を捧げよう)

2. Tôn vinh điều thiện, bỏ các việc xấu ác (正義を尊び邪悪を除こう)

3. Cầu nguyện hòa bình, phục vụ nhân sinh (和平を願い人類に尽そう)

Điểm đặc biệt là hai trong bốn trụ biểu mang bức thông điệp này ở trên đầu có khắc hình sư tử kiểu trụ đá thời vua A Dục bên Ấn Độ. Điều đó cho thấy mối liên hệ lịch sử giữa triết lý giáo dục của nhà trường và Phật giáo.

thichleduc06.jpg
thichleduc02.jpg

Một số hình ảnh tại trường

Bức thông điệp là một tuyên ngôn rõ ràng về mục tiêu giáo dục của nhà trường. Đó là tạo điều kiện, trợ giúp người học tìm cầu chân lý, thấy được chân lý, thấy được sự thật; và dĩ nhiên điều này luôn đòi hỏi ở người học phải có một sự chí thành, toàn tâm, toàn ý. Ở đây, kiến thức hay chữ nghĩa không thể so sánh với việc tự thân thấy được chân lý, hay giác ngộ chân lý!

Và, trong bối cảnh của xã hội con người, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, mục tiêu của mọi sự giác ngộ luôn hướng đến tôn vinh cái thiện, diệt trừ cái ác, và phụng sự nhân sinh. Mối liên hệ giữa “sự giác ngộ, vấn đề thiện - ác, và phụng sự nhân sinh” trong tuyên ngôn giáo dục của trường mang một ý nghĩa đặc biệt, tự hành hóa tha, chú trọng đến tinh thần nhập thế của nền triết lý giáo dục Phật giáo.

thichleduc03.jpg
Tác giả trước cổng Trường Đại học Rissho Tokyo với bức thông điệp về triết lý giáo dục Phật giáo

Đức Phật vẫn còn sống kia mà!

Đại học Rissho là một trường đại học lớn của Nhật Bản, có rất nhiều phân khoa. Nhưng thời gian chỉ cho phép chúng tôi đến thăm các phân khoa liên quan đến Phật học.

Hiện nay, trường có hai phân khoa liên hệ đến Phật học đó là khoa Phật giáo học và khoa Phật giáo - Nhật Liên tông (liên hệ đến lịch sử thành lập của tông Nhật Liên, do ngài Nhật Liên thánh nhân (1222-1282) sáng lập).

Ngài Nhật Liên thánh nhân chuyên giảng dạy về kinh Pháp hoa. Và, những đồ đệ của ngài hàng ngày chuyên trì Pháp hoa đề mục: “Nam-mô Diệu pháp liên hoa kinh” (Namu Myōhō Renge Kyō -南無妙法蓮華経). Điều này cũng tương tự như hành giả tu theo pháp môn Tịnh độ, chuyên trì danh hiệu Đức Phật A Di Đà.

Tuy vậy, khi chúng tôi đến thăm, và nhất là khi nhìn thấy tờ poster dán trước văn phòng phân khoa, lòng bỗng dưng trở nên bồi hồi, tràn đầy cảm xúc...!

Đại khái, poster ghi rằng: “Bạn là một Đức Phật. Hãy đảnh lễ Đức Phật trong chính mình! Kinh Pháp hoa nói, trong mỗi chúng ta đều có một Đức Phật thường trú, đấy là chân tánh, vẫn chờ đó để được trực ngộ, v.v...!”.

Xin mời bạn đọc cùng xem bức ảnh trên đây để cảm xúc Đức Phật thường trú trong thời đại của chúng ta được biểu hiện như thế nào? Thật là tuyệt vời!

thichleduc01.jpg


Hình ảnh ngôi trường

Tri ân và báo ân

Một buổi sáng mưa lâm râm, chúng tôi đến thăm trường. Biết là ngôi trường xưa của thầy mình nên trong lòng tự nhiên cảm thấy vui sướng và cũng có cái cảm giác “hoài niệm” điều gì đó? Có lẽ là do nhớ lại những chuyện kể xa xưa của thầy. Chứ khi Sư ông hoàn tất chương trình tiến sĩ, thì người viết chỉ mới một tuổi... lấy gì để mà hoài niệm!

Khi đến thăm, chúng tôi hân hạnh được quý giáo sư, thầy Goichi Takeda, và thầy Akihina Kankou dẫn đi tham quan và tham dự các lớp học thực tế tại phân khoa Phật học. Sau cùng quý thầy đưa chúng tôi vào thăm nhà thờ Tổ của trường. Nơi đó tôn thờ ngài Nhật Liên cũng như chư vị tiền bối đã góp phần xây dựng trường từ khi thành lập đến nay.

thichleduc04.jpg thichleduc07.jpg
Poster với thông điệp "Bạn là một Đức Phật"
và quyển Linh bộ tại bàn thờ Tổ của Trường Đại học RisshoTokyo

Bàn thờ Tổ được đặt nơi hội trường đại chúng, và được khóa kín. Chỉ khi nào có đại lễ mới mở ra. Vì vậy, không ít người ngạc nhiên rằng sau lớp cửa gỗ đơn sơ, trông như bức vách, ngay trong hội trường lại là nơi lưu giữ bảo vật thiêng liêng được duy trì hơn cả 400 năm. Đó là bút tích và tôn tượng ngài Nhật Liên thánh nhân và bài vị của chư vị tiền nhân ngay từ khi sáng lập, từ năm 1580 cho đến nay. Đặc biệt là quyển Linh bộ, đặt ngay nơi bàn thờ Tổ, ở đó ghi lại danh tánh của chư liệt vị tiền nhân. Trước quyển sách đồ sộ này, người chiêm ngưỡng dường như cảm nhận một điều gì đó vừa rất thiêng liêng, lại vừa thấm đậm tình người.

Cảm niệm

Trong dịp thăm viếng này, chúng tôi đã được trực tiếp tham dự các lớp chuyên ngành Phật học. Hôm đó là lớp dạy về Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo quốc tế. Ngoài các Tăng Ni thuộc tông Nhật Liên, phần lớn còn lại là sinh viên rất trẻ. Mọi người đều hăng say học tập theo tinh thần của kinh Pháp hoa và với phong cách của người Nhật. Đó là tinh thần Phật giáo nhập thế. Học để phát huy mọi khả tính của Đức Phật hằng hữu vốn có trong mỗi con người... Nếu phiền não - vô minh còn bám chặt lấy thân phận, thì kiến thức hay chữ nghĩa chẳng giúp ích được gì cho người mang trái tim khát vọng cuộc sống giác ngộ, tỉnh thức!

Lặng thầm cảm niệm ân sư đã truyền dạy cho chúng con về một Đức Phật vĩnh hằng bất tử!

thichleduc09.jpg


Tác giả cùng với thầy Goichi Takeda và thầy Akihina Kankou

Vài nét về Đại học Lập Chánh

Tên Trường Đại học Lập Chánh lấy từ tác phẩm Lập chánh an quốc luận (Rissho Ankoku Ron) của ngài Nhật Liên (Nichiren). Tác phẩm được viết khi ngài ở tuổi 39. Ban đầu, trường được thành lập để đào tạo Tăng Ni của tông Nhật Liên. Thành lập vào năm 1580, cho đến nay trường đã có bề dày lịch sử 430 năm. Tuy nhiên, năm 1872, trường mới chính thức chuyển thành một đại học hiện đại với 15 phân khoa đại học, và 7 phân khoa hậu đại học. Trang web của trường: http://www.ris.ac.jp3

Tokyo, đầu thu 2016

Thích Lệ Đức (Tu viện Cát Trắng, Hoa Kỳ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày