Thầy Làng Mai: Đi về hướng Mùa Xuân

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thầy Làng Mai đã nhiều lần kể với học trò rằng khi mới nhận pháp tự Phùng Xuân, Thầy không thích lắm vì có vẻ giống tên con gái. Lúc ấy, Thầy chưa biết Phùng Xuân là từ dùng để đối lại với Khô Mộc...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926 tại Thừa Thiên Huế, Việt Nam, được các học trò khắp nơi trên thế giới thương kính gọi là Thầy Làng Mai. Năm 16 tuổi, Thầy xuất gia với cố Hòa thượng Thanh Quý Chân Thật, được thầy bổn sư đặt pháp danh là Trừng Quang, pháp tự là Phùng Xuân. Năm 1966, trước khi sang nước ngoài để hoằng pháp và xây dựng cộng đồng Phật giáo dấn thân, Thầy đã được thầy bổn sư trao cho bài kệ phó pháp truyền đăng như sau:

“Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành

Hành đương vô niệm diệc vô tranh

Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể

Diệu pháp Đông Tây khả tự thành”

Bài kệ này đã được Thầy Làng Mai dịch sang tiếng Việt là:

“Đi gặp mùa xuân, bước kiện hành

Đi trong vô niệm với vô tranh

Đèn tâm soi chiếu vào nguyên thể

Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành”

Chú điệu Phùng Xuân

Chú điệu Phùng Xuân

Vững chãi đi về hướng Mùa Xuân

Thầy Làng Mai đã nhiều lần kể với học trò rằng khi mới nhận pháp tự Phùng Xuân, Thầy không thích lắm vì có vẻ giống tên con gái. Lúc ấy, Thầy chưa biết Phùng Xuân là từ dùng để đối lại với Khô Mộc. “Khô Mộc” chỉ cây khô vì đông giá, đối ngược với “Phùng Xuân” nghĩa là khi gặp mùa xuân thì cây cối tốt tươi. Pháp tự Phùng Xuân vì vậy mang ý nghĩa sâu xa về sự kỳ vọng và tin tưởng của thầy bổn sư đối với thành tựu tu học của người học trò xuất sắc đã được chọn trao “ấn khả” - tức Thầy Làng Mai sau này, sẽ không chỉ có khả năng vượt thoát khổ đau mà còn có thể chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc.

“Nhất hướng Phùng Xuân, đắc kiện hành” nghĩa là chỉ đi về một hướng duy nhất - hướng Mùa Xuân, với một thế đi vững chãi. Trong suốt cuộc đời, Thầy Làng Mai đã tinh cần thực tập lời dặn dò này của thầy bổn sư và thường xuyên nhắc nhớ các thế hệ học trò phải tinh tấn tu học để bước những bước vững chãi về hướng Mùa Xuân, phải luôn là biểu hiện của Mùa Xuân ngay trong giây phút hiện tại bằng cách sống an lạc và hạnh phúc. Thầy đã sống một cuộc đời giản dị với rất nhiều an lạc và hạnh phúc. Không những thế, Thầy còn hướng dẫn các phương pháp thực tập chánh niệm căn bản để giúp hàng triệu người có được một cuộc sống an lạc và hạnh phúc hơn. Vậy nên, Thầy cũng được nhiều người thương kính gọi là Bậc Thầy về Hạnh phúc (Zen Master of Happiness).

Vị Thầy hướng dẫn Thiền Chánh niệm

Vị Thầy hướng dẫn Thiền Chánh niệm

Sống với vô tranh và vô niệm

Vô tranh nghĩa là không tranh đấu, ganh tỵ, hơn thua với người khác. Khi nhìn lại quá trình hành đạo của bản thân, Thầy Làng Mai đã tự nhận rằng việc thực tập vô tranh với Thầy rất dễ, Thầy buông bỏ rất nhanh những đố kỵ, thị phi, giành giật hơn thua với Thầy. Có một chuyện được Sư cô Chân Không kể lại, rằng khi Thầy Làng Mai lưu trú ở chùa Linh Sơn Đà Lạt, có một vị thầy khách ghé qua hỏi thăm thầy trụ trì. Nhưng vì thầy trụ trì chùa Linh Sơn Đà Lạt đi vắng hôm đó nên Thầy Làng Mai xin phép được biết quý danh thầy khách để thưa lại với thầy trụ trì. Trong cuộc nói chuyện, vị thầy khách đó không hề biết Thầy Làng Mai là tác giả của đoản văn Bông hồng cài áo, vì vậy đã khoe rằng chính thầy ấy là người chắp bút viết Bông hồng cài áo. Đáp lại, Thầy Làng Mai chỉ chắp tay xá chào và nói “Dạ, xin cảm ơn Thầy!” Câu chuyện nhỏ này cho ta thấy sự thực tập vô tranh ở mức rất sâu của Thầy Làng Mai thông qua cách hành xử từ hòa với tất cả mọi người, kể cả những người mạo danh Thầy như vị thầy khách kia. Và sau này, chúng ta được thấy Thầy Làng Mai đã đưa vô tranh trở thành một chủ trương đấu tranh vì hòa bình trên toàn thế giới, đó là đấu tranh bất bạo động. Với chủ trương vô tranh cũng như những nỗ lực bền bỉ trong suốt 70 năm hoằng pháp, Thầy Làng Mai đã được thế giới yêu mến gọi là Sứ giả của Hòa bình (Peacemaker), được mục sư Luther King đề cử tặng giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1967, được tạc tượng trong Tượng đài Nhân đạo (Champions for Humanity) đặt tại Hoa Kỳ - bức tượng vinh danh 25 người nổi tiếng nhất vì đấu tranh cho hòa bình và nhân quyền thế giới, đồng thời cũng được trao tặng nhiều giải thưởng vì Hòa bình uy tín khác trên thế giới.

Vô niệm nghĩa là khi đối diện với các sự vật hiện tượng, tâm ta không bị kẹt vào ý niệm nào cả. Đối với người đời, khi nhìn một sự vật hiện tượng, thường hay gán cho sự vật hay hiện tượng đó một khái niệm (chiếc lá/bông hoa, bạn/thù…) và các tính chất phổ quát (xanh/đỏ, tốt/xấu,..), từ đó khởi lên tham muốn sở hữu hoặc ghen ghét mà xả bỏ sự vật hiện tượng đó. Trong ngôn ngữ Phật học gọi đó là bị kẹt vào ý niệm, là cội nguồn của khổ đau. Người tu giỏi là phải biết sống trong vô niệm, phải thân chứng và an trú được trạng thái vắng bặt các ý niệm trong tâm. Để làm được điều đó, đầu tiên cần duy trì Chánh niệm một cách liên tục (Chánh tinh tấn) để có được sự định tĩnh (Chánh định). Thế nhưng, sống trong vô niệm là rất khó, khó ngay cả đối với người tu, nên thực sự rất khó để chỉ bày cho đại chúng. Vậy nên, khi chỉ dạy cho đại chúng, Thầy Làng Mai không nói về Vô niệm mà chỉ bày cho mọi người thực tập Chánh niệm, giữ Chánh niệm trong tứ oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) và trong từng việc làm cụ thể. Chỉ dạy như thế thì dễ hiểu, dễ thực hành cho đại chúng và cũng là chỉ dấu đường đi tới Vô niệm. Đó chính là sự khéo léo và tài tình của Người Thầy Chánh niệm (Zen Master of Mindfulness).

Thầy luôn lưu ý việc thắp sáng ngọn đèn Chánh niệm nơi mỗi suy nghĩ, lời nói và hành vi trong đời sống thường nhật

Thầy luôn lưu ý việc thắp sáng ngọn đèn Chánh niệm nơi mỗi suy nghĩ, lời nói và hành vi trong đời sống thường nhật

Hãy thắp sáng ngọn đèn chánh niệm

Đèn Tâm là ánh sáng của chánh niệm, là thứ ánh sáng duy nhất có thể soi chiếu những ngõ ngách của tâm. Lời dặn của thầy bổn sư dành cho Thầy Làng Mai qua câu kệ thứ ba “Đèn Tâm soi chiếu vào nguyên thể” có thể hiểu là: Hãy thắp sáng ngọn đèn chánh niệm mà soi rọi bản chất của mình, hãy nhờ ánh sáng chánh niệm mà nhận diện được các cảm thọ xuất hiện trong mình và thấy được tâm mình.

Thực tập lời dạy của thầy bổn sư, Thầy Làng Mai đã thắp sáng ngọn đèn tâm trong mọi giây mọi phút. Chính nhờ “tâm đăng” của Thầy luôn được thắp sáng mà “tuệ đăng” của Thầy cũng trở nên sáng rỡ, đạt trí tuệ siêu việt của Bậc Thánh - trí tuệ thấy và biết rõ chính mình. Từ thành tựu tu học đó, Thầy đã nhận đệ tử xuất gia từ năm 1988 và đến nay đã truyền đăng cho hàng trăm vị giáo thọ xuất sĩ Làng Mai nhiều nơi trên thế giới.

Thầy Làng Mai không nói về Vô niệm mà chỉ bày cho mọi người thực tập Chánh niệm, giữ Chánh niệm trong tứ oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) và trong từng việc làm cụ thể...

Thầy Làng Mai không nói về Vô niệm mà chỉ bày cho mọi người thực tập Chánh niệm, giữ Chánh niệm trong tứ oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) và trong từng việc làm cụ thể...

Sứ mệnh hoằng pháp độ sinh cho cả phương Đông và phương Tây

Ngẫm về cuộc đời Thầy Làng Mai, tôi không khỏi xúc động trước hình ảnh của một người học trò hiếu hạnh đã tinh cần thực hành trong suốt cuộc đời mình những gì mà thầy bổn sư chỉ dạy. Thầy Làng Mai - vị Thiền sư người Việt nổi tiếng thế giới, đã sống theo đúng hướng dẫn của thầy bổn sư và đạt những thành tựu phi thường. Câu kết bài kệ “Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành” là sự kỳ vọng và sứ mệnh lớn lao của thầy bổn sư dành cho Thầy Làng Mai. Và Thầy đã thành tựu viên mãn sứ mệnh lớn lao đó.

Thân cây mang tên Thích Nhất Hạnh đã héo, nhưng mùa Xuân đang về và muôn hoa đang nở rộ. Gió đang đưa xa vạn dặm thứ hương thơm của Người Đức Hạnh - Thầy Làng Mai.

(Bài viết có tham khảo pháp thoại của Thầy Làng Mai ngày 03 tháng 3 năm 1996 tại Làng Mai Pháp, ảnh tư liệu của Làng Mai)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày