Mặc dù đã hơn 2.500 năm kể từ khi Đức Phật còn tại thế và hoằng hóa ở Ấn Độ, nhưng cốt lõi của những lời dạy của Ngài vẫn còn phù hợp với thời đại hiện nay giống như chúng đã từng. Trong khi khoa học hiện đại không ngừng phát triển kiến thức tinh vi về thế giới vật chất, thì khoa học Phật giáo lại cống hiến hết mình cho sự phát triển sự hiểu biết cặn kẽ và nhân bản về nhiều khía cạnh của tâm thức cũng như cảm xúc, những lĩnh vực vẫn còn tương đối mới mẻ đối với khoa học hiện đại. Tôi tin rằng sự kết hợp giữa hai phương pháp này sẽ dẫn đến những khám phá có thể nâng cấp sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội của chúng ta.
Là một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, tôi xem mình là người kế thừa truyền thống Nalanda. Phương pháp giảng dạy và nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Nalanda thể hiện sự phát triển cao nhất của Phật giáo ở Ấn Độ. Nếu muốn trở thành những người Phật tử của thế kỷ XXI, quan trọng là chúng ta phải dấn thân vào việc học tập và nghiên cứu giáo lý của Đức Phật giống như những bậc tiền nhân đã từng thực hiện ở đó, thay vì chỉ dựa vào niềm tin thuần túy.
Đại lễ Buddha Purnima hay Vesak hướng đến kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập diệt của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và đây cũng được xem là ngày thiêng liêng nhất trong lịch sử Phật giáo. Nhân dịp tốt lành này, tôi xin gửi đến các vị pháp hữu Phật tử khắp nơi trên thế giới những lời cầu chúc tốt đẹp nhất, nguyện cầu các vị luôn có một đời sống ý nghĩa với trái tim ấm áp và giàu lòng bi mẫn.
Với sự cầu nguyện và lời chúc tốt đẹp nhất của tôi,
Đức Dalai Lama
Ngày 9 tháng 5 năm 2024