Thư Tổng Biên tập: cùng Giác Ngộ bước vào năm thứ 47

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1134 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1134 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Quý vị đang cầm trên tay tờ báo Giác Ngộ số phát hành vào ngày cuối năm 2021. Đúng ngày 1-1-1976, Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên, với vai trò tiếng nói của Phật giáo sau khi đất nước thống nhất, giang sơn liền một dải chữ S như ngày nay.

Cùng chư Tăng Ni, Phật tử, quý độc giả và các doanh nghiệp thân thiết,

Từ bán nguyệt san, rồi trở thành tuần báo, thêm phụ trương nguyệt san, Giác Ngộ online, truyền hình trực tuyến Giác Ngộ TV và các nền tảng số khác, Báo Giác Ngộ đã hiện diện liên tục, gắn bó với sự vận động, phát triển của Phật giáo và đất nước Việt Nam trong 46 năm qua.

Trong thư chúc mừng gửi đến Báo Giác Ngộ nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày ra số đầu tiên, Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã đánh giá về vai trò của Báo Giác Ngộ trong suốt gần năm thập kỷ của báo. Ngài nhận định “Không chỉ dừng lại ở vai trò là cơ quan ngôn luận của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, báo Giác Ngộ đã phản ánh thông tin Phật sự toàn quốc, được xem là kênh thông tin truyền thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là một trong 2 cơ quan báo chí của các tổ chức tôn giáo được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn giữ lại trong Chiến lược quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2025”.

Với sứ mệnh đó, Ban Biên tập và tập thể tòa soạn luôn nỗ lực để thực hiện công việc đặc thù, không chỉ phản ánh các thông tin Phật sự phong phú của Phật giáo, Giáo hội trải khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, mà còn vươn ra cả hải ngoại; đồng thời làm chiếc cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc yêu mến đạo Phật với Giáo hội, chính quyền; phản biện với tinh thần xây dựng trước các hiện tượng xa rời chủ trương của Giáo hội, Chánh pháp của Đức Phật, truyền thống kế thừa, hội nhập và phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Cũng chính vì ý thức sứ mệnh và vai trò lịch sử được giao phó, Báo đã vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời gian dài khi TP.HCM phải áp dụng giãn cách xã hội theo mức độ cao nhất “ai ở đâu thì ở yên đó”. Giữa lúc tạm dừng tất cả hoạt động để nỗ lực kiểm soát, dập tắt đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19 khiến cho toàn thành phố, cùng các tỉnh thành phía Nam tê liệt về giao thông, Báo Giác Ngộ vẫn duy trì hoạt động, không đình bản với các ấn phẩm báo in; đồng thời việc xuất bản tin, bài trên Giác Ngộ online và chương trình Giác Ngộ TV được tăng cường.

Việc này tạo nên nhịp cầu về thông tin cho bạn đọc mà báo phục vụ, kết nối kênh truyền thông cho Phật tử trong việc thực hành tín ngưỡng, tâm linh qua việc chuyển tải không chỉ tin tức, mà còn truyền phát thông điệp của chư vị giáo phẩm lãnh đạo cao nhất của Giáo hội, các buổi thuyết giảng, thời khóa cầu nguyện trực tuyến… góp phần giữ sự thăng bằng về tinh thần, từ đó giúp cho người dân không bị rơi vào các cơn khủng hoảng, tự tin hơn để cùng đoàn kết, vượt qua nỗi hoảng sợ ám ảnh đè nặng lên cộng đồng.

Không chỉ vậy, trong thời điểm khó khăn đó, với sự quan tâm của lãnh đạo Giáo hội, các cơ quan chức năng, sự nhiệt tâm của các tình nguyện viên, đặc biệt là Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM mà đứng đầu là Thượng tọa Thích Thanh Phong và nhóm Phật tử ở Hà Nội, hàng chục ngàn ấn phẩm báo Giác Ngộ đã đến với bạn đọc các giới trong các khu phong tỏa, cách ly, các F0 ở các bệnh viện dã chiến ở TP.HCM, tỉnh Bắc Giang cũng như một số địa phương khác, như một món quà tinh thần góp phần an ủi, gợi ý nhận thức để hình thành nên thái độ tích cực, sự bình tĩnh, hợp tác với lực lượng tuyến đầu để giảm đi sự căng thẳng, sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh đó, Báo còn cắt cử nhân lực trực và tiếp nhận các thông tin cần giúp đỡ, kết nối và làm công tác cứu trợ khẩn cấp đến bà con đang gặp hoàn cảnh khó khăn, mà với địa bàn phức tạp như tại TP.HCM, chắc chắn các cơ quan chức năng khó có thể chăm sóc một cách chu đáo cho tất cả.

Với TP.HCM, cuộc sống đã bước sang trạng thái bình thường mới, hơn 1.000 cơ sở trường học được trưng dụng để làm các trung tâm thu dung F0, phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 đã được trả về chức năng trước đó; hàng triệu học sinh, sinh viên đã được tiêm chủng và bắt đầu được trở lại mái trường, với bạn bè và thầy cô mà không phải học trực tuyến thông qua chiếc điện thoại, máy tính lạnh lùng,… Từng bước nới lỏng, mở cửa, dẫu các ca nhiễm vẫn còn, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng sang năm mới 2022, nhiều hoạt động khác sẽ được trở lại, đặc biệt có các hoạt động lễ nghi tôn giáo tập trung, để người dân có tín ngưỡng được tham dự nghe giảng, thực hành tôn giáo của mình trong khuôn khổ an toàn cho phép.

Kỷ niệm 46 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 – 1-1-2022), đánh dấu thời điểm bước vào năm thứ 47, tiếp tục sứ mệnh của mình, Báo Giác Ngộ sẽ vững chãi từng bước trong xu hướng chuyển đổi số hóa báo chí theo đề án phát triển quốc gia. Trên chặng đường mới này, chắc chắn sẽ không thể thiếu sự quan tâm sâu sát và thiết thực của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, trực tiếp là Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, cơ quan chủ quản của Báo từ năm 1990 cho tới nay.

Chặng đường phát triển tiếp theo ở năm thứ 47 của Báo Giác Ngộ cũng mong đón nhận sự gắn bó, đồng hành của chư Tăng Ni, Phật tử, quý bạn đọc; các doanh nghiệp Phật tử, như đã dành những tình cảm thân thiết với Báo trong 46 năm qua.

Nhân dịp năm mới 2022, thay mặt Ban Biên tập, tập thể tòa soạn, qua ấn phẩm cuối năm 2021 này, chúng tôi xin gửi đến chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, chư Tăng Ni, Phật tử, quý bạn đọc và các doanh nghiệp lời chúc an lạc, vạn sự hanh thông, cát tường như ý!

Tổng Biên tập

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày