Thượng tọa Thích Tâm Đức: “Giáo hội cần có tiêu chí cụ thể về việc quản lý tín đồ của mình”

Thượng tọa Thích Tâm Đức (SN 1970), Ủy viên Hội đồng Trị sự, là vị giáo phẩm trẻ ở vai trò Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Thượng tọa Thích Tâm Đức (SN 1970), Ủy viên Hội đồng Trị sự, là vị giáo phẩm trẻ ở vai trò Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trải qua 8 nhiệm kỳ xây dựng và trưởng thành, GHPGVN không ngừng lớn mạnh, phát triển, số lượng tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử không ngừng tăng theo thời gian.

Tuy nhiên, khi nhìn vào con số thống kê số lượng tín đồ theo Phật giáo của Nhà nước và Giáo hội luôn có sự chênh lệch và thiếu nhất quán. Mới nhất, theo thống kê của Nhà nước, năm 2020 có hơn 4,6 triệu tín đồ Phật giáo; số liệu thống kê của GHPGVN thì khác, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y Tam bảo, có 1.002 đơn vị Gia đình Phật tử và khoảng 44.498 Tăng Ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường.

Con số chênh lệch quá lớn trên giữa Nhà nước và Giáo hội khiến nhiều người đặt câu hỏi về công tác quản lý tín đồ cũng như mức độ quan tâm của Giáo hội đối với vấn đề này. Có thể Phật giáo không giảm sút như thống kê của Nhà nước công bố, nhưng tăng chậm, hoặc tăng trong độ tuổi già là chủ yếu, và nếu so với sự tăng nhanh tín đồ của các tôn giáo ở độ tuổi trẻ thì chỉ trong một thời gian ngắn, Phật giáo chắc chắn cũng sẽ trở thành tôn giáo thiểu số tại Việt Nam.

Trước thực tế này, tôi kỳ vọng trong Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Trung ương GHPGVN cần đưa ra những giải pháp cụ thể, quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, Giáo hội cần phải đề xuất với Ban Tôn giáo Chính phủ và thống nhất với Tổng cục Thống kê đưa ra tiêu chí xác định tín đồ Phật giáo một cách chính thức, để làm căn cứ pháp lý cho hoạt động thống kê.

Tiếp đó, các công bố về tín đồ của các tổ chức tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ cần dựa trên cơ sở nguồn số liệu thống kê do Tổng cục Thống kê cung cấp. Để làm được điều này, cần đề nghị với ngành thống kê Việt Nam đưa biến số tôn giáo trở thành biến số chính thức trong các cuộc điều tra, khảo sát trong nước, bởi đây cũng là một trong các đặc điểm cơ bản của dân cư, bên cạnh các đặc điểm về dân số khác.

Hàng năm, trong công bố của niên giám thống kê cũng như trong kết quả điều tra dân số giữa kỳ cần cập nhật dữ liệu về tình hình tôn giáo của dân cư. Việc thống kê cần có sự thống nhất giữa cơ quan thống kê và Giáo hội trên nguyên tắc khách quan, trung thực và công khai; các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và phương pháp thống kê phải tạo được tâm lý thoải mái để tín đồ, Phật tử bày tỏ quan điểm tâm linh cá nhân của mình.

Thứ hai, GHPGVN cũng cần chủ động quan tâm đến việc thống kê và quản lý tín đồ của mình. Trước hết, Giáo hội nên công bố tiêu chí cụ thể về tín đồ và có yêu cầu cụ thể đối với việc kê khai lý lịch, cũng như cần tính tới việc sớm triển khai hệ thống quản lý tín đồ của mình.

Khi đã xác định cụ thể tiêu chí xác định tín đồ Phật giáo, GHPGVN phải công khai dữ liệu thống kê của mình về số lượng tín đồ chính thức cũng như tín đồ chưa chính thức nhưng có niềm tin và thực hành các nghi lễ Phật giáo. Thường xuyên tuyên truyền, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông đến các cơ sở thờ tự, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong cả nước, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hàng năm, trong báo cáo tổng kết của Giáo hội cần phải có sự thống kê nội bộ để thấy được sự tăng, giảm tín đồ qua từng giai đoạn, từ đó có phương hướng hoạt động trong thời gian tiếp theo. Nhờ vậy, Phật giáo mới phát triển xứng tầm, đồng hành cùng đất nước theo đúng phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày