Thượng tọa Thích Trí Định: "GHPGVN quan tâm nhiều hơn đến giáo dục đạo đức Phật giáo"

Thượng tọa Thích Trí Định, Phó Thư ký kiêm Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Thượng tọa Thích Trí Định, Phó Thư ký kiêm Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chúng tôi mong rằng lãnh đạo Giáo hội sẽ hoạch định đường hướng hoạt động Phật sự trong 5 năm tới, cũng như quan tâm nhiều hơn nữa về mặt giáo dục đạo đức Phật giáo. Chắc chắn rằng nền tảng đạo đức vững chãi sẽ làm cho Phật pháp ngày càng xương minh.

Trải qua hơn 40 năm thực hiện đường hướng hoạt động, GHPGVN với những bước đi gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Nhìn chặng đường phát triển đã qua, GHPGVN đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận. Với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” và tinh thần “hộ quốc an dân”.

Sự lãnh đạo của chư tôn đức Trung ương Giáo hội trải qua 8 nhiệm kỳ, đã điều hành bộ máy hành chánh Giáo hội các cấp, công tác hướng dẫn Tăng Ni, tín đồ Phật tử Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động tu học và sinh hoạt tôn giáo theo đúng chính pháp, tuân thủ Hiến chương GHPGVN và chấp hành quy định của pháp luật. Những thành tựu hôm nay, đã minh chứng rằng sự lãnh đạo sáng suốt của các ngài đã làm cho GHPGVN ngày càng vững chãi và lan tỏa đến với bạn bè Phật giáo khắp nơi trên thế giới.

Bên cạnh những thành tựu, GHPGVN cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và nhiều vấn đề thách thức trong thời đại công nghệ số 4.0, một thời đại thông tin truyền thông “siêu tốc”. Trong đây chỉ nêu một vấn đề nóng điển hình đã xảy ra trong thời gian qua. Có những bàn tay đã lợi dụng truyền thông cố tình đưa những thông tin nhạy cảm về mặt suy đồi đạo đức của vài cá nhân Tăng Ni, mặc dù có những việc chưa được kiểm chứng, hoặc việc đó đã được Giáo hội xử lý cách đây 10 năm, nhưng họ cố tình hâm nóng dư luận làm ảnh hưởng rất lớn tinh thần Phật tử và uy tín của Giáo hội.

Nhìn chung về mặt tiêu cực, suy đồi đạo đức của vài Tăng Ni, nhất là giới Tăng Ni trẻ hiện nay cũng đã xảy ra nhưng rất ít, và cứ mỗi lần xuất hiện trên truyền thông đã làm cho niềm tin của Phật tử lung lay. Chúng tôi mong rằng Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX cần quan tâm hơn về mặt đạo đức của người tu sĩ Phật giáo và đưa ra phương pháp tối ưu, như chế tài; tu chỉnh Nội quy Tăng sự để quản lý tốt và nêu một số nội quy “khó hơn”, khi muốn trở thành người xuất gia.

Chẳng hạn, phải hoàn thiện tương đối về mặt đạo đức, và muốn hoàn thiện về mặt đạo đức thì cần phải đưa phương pháp giáo dục Phật giáo lên hàng đầu, như HeGel nói: “Giáo dục là nghệ thuật biến con người thành có đạo đức”. Vì vậy, về mặt “bổn tự” chúng ta có thể quản lý chặt chẽ từ khi mới tập sự xuất gia, nếu thấy có chí xuất trần thì thầy bổn sư cho xuất gia, nếu không đủ điều kiện thì kiên quyết không cho.

Khi đã được xuất gia thầy bổn sư nên bắt buộc những năm đầu chuyên học giới luật và hành trì nghiêm mật, lấy đạo đức làm nền tảng căn bản tu học đoạn trừ tham sân si.

Về mặt các trường Phật học nên đổi mới giáo dục, cải cách phù hợp. Thời đại ngày nay, Tăng Ni cần am hiểu cả Phật học và lẫn thế học, bên cạnh đó nghiên cứu các bộ môn kinh - luật - luận, nên từ đó các trường Phật học cần biên soạn riêng các giáo trình về tư tưởng đạo đức Phật giáo đưa vào chương trình giáo dục Phật giáo sẽ góp phần hạn chế, những hiện tượng đã xảy với một số Tăng Ni trẻ mới ra trường trong thời gian qua như thiếu phẩm chất về tư cách, phát ngôn không chuẩn mực làm mất niềm tin đối với tín đồ Phật tử, ảnh hưởng đến Giáo hội.

Trong thời gian đang học tại các Trường Phật học kiến thức về pháp học (Pariyatti) tương đối đầy đủ và điều cần cho nền tảng đạo đức không thể thiếu đó là pháp hành (Patiyatti). Nếu có đầy đủ hai yếu tố thì chắc chắn rằng, nền tảng đạo đức của Tăng - Ni trẻ sẽ vững chãi hơn. Từ nền tảng tu tập của mỗi nhân tố trong ngôi nhà Phật giáo sẽ làm toả ngát hương thơm.

Chúng tôi mong rằng lãnh đạo Trung ương Giáo hội sẽ sáng suốt hoạch định đường hướng hoạt động Phật sự trong 5 năm tới của GHPGVN, cũng như quan tâm nhiều hơn nữa về mặt giáo dục đạo đức Phật giáo. Chắc chắn rằng nền tảng đạo đức vững chãi sẽ làm cho Phật pháp ngày càng xương minh.

Hướng đến Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, từ 27 đến 29-11-2022 tại Hà Nội, mỗi ngày Giác Ngộ Online sẽ giới thiệu các ý kiến, đóng góp xây dựng của chư Tăng Ni, Phật tử, các nhà nghiên cứu đối với các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội.

Tổng hợp các ý kiến, phát biểu thiết thực sẽ được đăng trong ấn phẩm Báo Giác Ngộ số đặc biệt chào mừng Đại hội, dự kiến phát hành ngày 18-11-2022.

Mọi ý kiến, bài cộng tác xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, chủ đề thư điện tử xin viết: “Hướng về Đại hội IX GHPGVN”. Bài viết xin ghi thông tin địa chỉ, số điện thoại liên lạc và ảnh chân dung tác giả để tiện cho liên lạc khi cần trao đổi và minh họa theo quy định.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày