Tìm nơi an trú

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1193 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1193 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng nay tôi cùng mẹ lên đền Du Yến cầu bình an. Lúc ra ngoài rừng thông sau đền nhìn sang phía trước mặt, có thể thấy chùa Thiền Lâm nằm ẩn hiện trong những tán cây. Thấy có bóng người bỗng tiếng chim cu gáy cất lên vang vọng khắp đất thiêng.

“Cúc cù cu cu! Cúc cù cu cu” một con gáy rồi nhiều con đáp lại. Lẫn đâu đó cả tiếng chim chào mào, chích chòe, rẻ quạt cùng cất vang tiếng hót. Nhà tôi cũng nuôi nhiều loại chim, ngày nào cũng nghe chúng hót vang nhà. Nhưng tiếng hót của tự do nghe vang vọng và bình yên đến lạ.

Mẹ tôi nói: “Đúng là đất lành chim đậu. Giống chim khôn thật đấy. Chúng biết không ai dám vào đất chùa săn bắt nên mới kéo về đây làm tổ”. Có lẽ mẹ đã gặp lại một mảnh ký ức nào đó của mấy chục năm về trước. Khi mẹ còn trẻ, đồi rừng vùng trung du miền núi phía Bắc này còn rậm rạp. Chim chóc, cá tép còn nhiều. Hồi ấy nghèo nhưng cứ xuống đồng là có con hến, con trai, cá tôm mang về. Lên rừng có rau quả mọc dại, mùa nào thức ấy. Chim chóc còn nhiều, sáng sớm mở mắt ra đã nghe thấy tiếng hót lanh lảnh ngoài sân trước vườn sau. Những con chim sáo đậu trên lưng trâu, lũ chiền chiện bay thành từng đàn trên những cánh đồng.

Tới thời của tôi lúc lên chín lên mười, lũ chim còn kéo về lót ổ trên mái nhà lợp lá. Ngoài vườn những tổ chim không cần phải che đậy quá nhiều. Lũ trẻ trèo lên rình đếm trứng chim rồi hiền lành tuột xuống mà không nỡ lấy bất cứ quả nào. Dấu vết của chim để lại sau khi vỗ cánh bay là quả hồng, chùm nhãn, buồng chuối chi chít vết mỏ chim. Bà tôi thích những quả chim ăn dở còn chừa lại ít nhiều, vì “giống chim khôn lắm. Chúng luôn chọn những quả thơm ngon nhất để ăn”.

Nhiều năm trở lại đây chim chóc đã ít dần. Con người săn bắt chim với đủ các mục đích khác nhau. Những hàng chim quay, chim nướng, xôi chim mọc lên từ nông thôn đến thành thị. Trong cửa hàng bán chim phóng sinh những đôi mắt hoảng loạn đập cánh bay loạn xạ mỗi khi thấy bóng người dừng lại. Chưa kể số người có thú chơi chim ngày càng nhiều. Người ta nhốt chim trong lồng, bắt chúng ăn ớt để có giọng hót hay. Trong vài quán cà-phê người ta ngã giá giọng hót của chim bằng tiền triệu, chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn thấy những căn lều bẫy chim được ngụy trang bằng lá cây dựng giữa cánh đồng hoặc dưới chân đồi. Con người dần trở thành nỗi sợ của nhiều loài chim có giọng hót hay.

Chồng tôi thường phấn khích mỗi khi bẫy được một chú chim nào đó. Từng có khoảng thời gian tôi không thể nào chịu đựng được những chiếc lông chim bay phấp phới khắp nhà. Mùi hôi hám của những chú chim ủ rũ trong lồng dễ khiến người ta ám ảnh. Nhưng chồng tôi không nghĩ thế. Đi làm thì thôi, cứ về đến nhà việc đầu tiên là chăm lũ chim. Đội nắng đội mưa đi vợt cào cào, đi tìm những loại quả cho chim ăn vào lông mượt hơn, kích thích hót nhiều, hót hay hơn.

Đã nhiều lần tôi nói về niềm hạnh phúc của sự tự do. Chồng tôi hiểu nhưng cũng cố chấp như bao người nuôi chim khác. Anh ấy nghĩ những chú chim trong lồng được chăm sóc tử tế, ăn uống đầy đủ, mưa gió chẳng lo thì đâu có gì mà khổ. Tôi phì cười bảo: “Nếu có kiếp sau, anh và chim sẽ đổi phận cho nhau. Những con chim sẽ biến thành người. Còn anh sẽ biến thành chú chim bị nhốt trong lồng để mua vui bằng tiếng hót. Lúc ấy chắc là anh sẽ hiểu chiếc lồng không phải nơi an trú của những chú chim…”.

Chúng ta đã tìm được nơi an trú của mình chưa? An trú trong tình yêu. An trú trong thực tại. Hay an trú trong ký ức? Nơi đó hẳn cũng giống như vùng đất thiêng mà lũ chim đã chọn để bầy đàn sinh sống, làm tổ, nuôi con. Chúng ta có khi mải miết cả đời mới tìm được nơi an trú cho mình. Cũng có khi mất cả đời tìm kiếm mới nhận ra nơi an trú chẳng phải đâu xa mà chính trong giây phút hiện tại, làm cho tốt điều mình đang làm, không phân tâm nghĩ đến việc tiếp theo.

Lại có người đi khắp bốn phương mới thấm thía nhận ra nơi an trú là gia đình, quê hương, mái nhà rêu cũ và mẹ cha tóc bạc lưng còng. Ở đó không có bất cứ điều gì có thể xâm lấn đến. Không có bất kỳ ai có thể làm nhiễu loạn tâm trí chúng ta. Như là tôi bình yên an trú trong trong ngôi nhà có tiếng cười của các con thơ. Thế còn bạn, bạn đã tìm được nơi an trú hay chưa?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày