Tổ chức 84000 liên kết với UC Santa Barbara để dịch kinh điển Phật giáo Tây Tạng

Khuôn viên Đại học Califonia ở Santa Barbara
Khuôn viên Đại học Califonia ở Santa Barbara
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mục tiêu của tổ chức này là dịch thuật toàn bộ Kinh điển Phật giáo Tây Tạng có độ dài khoảng 231.000 trang sang tiếng Anh để những người biết tiếng Anh có thể tiếp cận được.

Chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Califonia ở Santa Barbara (UCSB) mới đây đã công bố mối quan hệ hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận 84000: Dịch thuật lời Phật dạy, được sáng lập bởi vị Lạt-ma người Bhutan, đồng thời là một tác giả và một nhà đạo diễn phim nổi tiếng Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche.

Sự hợp tác này nhằm thúc đẩy tiến độ của dự án dịch toàn bộ kinh điển Phật giáo Tây Tạng của tổ chức 84000 thông qua một dự án mới có tên là Buddhist Texts Translation Initiative tại UCSB.

Mục tiêu của tổ chức này là dịch thuật toàn bộ Kinh điển Phật giáo Tây Tạng có độ dài khoảng 231.000 trang sang tiếng Anh để những người biết tiếng Anh có thể tiếp cận được. 84000 đã mời những dịch giả có kinh nghiệm trên khắp thế giới bao gồm các học giả, tu sĩ phương Tây và vô số bậc thầy từ Tây Tạng.

José I. Cabezón giám đốc điều hành dự án cho biết: “Số lượng kinh luật của Phật giáo rất lớn. Riêng bản bằng tiếng Tây Tạng đã lên đến số 108 tập. Dự án của tổ chức 84000 là một kế hoạch kéo dài hàng thập kỷ. Chương trình Nghiên cứu Phật học, một bộ phận của khoa nghiên cứu tôn giáo tại UCSB, rất vinh hạnh khi được hợp tác để cùng thực hiện mục tiêu lịch sử này nhằm tạo ra một bản dịch bằng tiếng Anh chính xác, dễ đọc và có thể truy cập miễn phí”.

Phiên dịch các văn bản tiếng Tây Tạng, bao gồm cả kinh sách, là trọng tâm trong việc đào tạo sinh viên tại UCSB. Nhiều sinh viên đã dịch thành công một số bản dịch và đã được xuất bản; trong tương lai, sẽ có nhiều thành tựu đáng kể hơn nữa. Do đó, quan hệ đối tác hiện tại nhằm mục đích chính thức hóa mối quan hệ hiện có giữa UCSB và 84000, đồng thời, tăng cường cam kết hỗ trợ các biên dịch viên trong tương lai.

“Tổ chức 84000 đang thiết lập một chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời, tạo điều kiện cho việc trao đổi kiến thức Phật giáo giữa các vùng văn hóa và ngôn ngữ khác nhau trở nên dễ dàng hơn. Chúng tôi rất vui mừng khi được tham gia vào dự án toàn cầu đó. Điều này có thể giúp củng cố và mở rộng chương trình nghiên cứu Phật học của UCSB thông qua việc đào tạo và giám sát công việc của các dịch giả có trình độ, đồng thời nâng cao hiểu biết học thuật về các nền văn hóa Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng”, giáo sư Vesna A. Wallace, Phó giám đốc Ủy ban điều hành của dự án mới tại UCSB cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày