Tôi đến với Đức Thế Tôn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1196 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1196 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sau khi từ Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya - Bihar, Ấn Độ) về với một hình tướng hoàn toàn mới, gia đình, bạn bè tôi đều bất ngờ và rất ngạc nhiên. Họ hỏi tại sao tôi lại chọn xuất gia gieo duyên, còn can đảm phủi đi mái tóc vì tôi là một người hoạt động cộng đồng nhiều.

Nhiều người còn cho rằng, tôi chịu ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông đầy thành tín tại Bồ Đề Đạo Tràng…

Tôi nghĩ, khi bạn khao khát đủ lớn, suy nghĩ đã thấu đáo thì việc gì bạn cũng có thể hành động. Tôi là một thạc sĩ tâm lý, tác giả của quyển sách Càng sâu tới đáy càng gần hồi sinh với bút danh Sala Tâm. Hiện tại, công việc chính của tôi là quản lý dự án cộng đồng về bình đẳng giới và kỹ năng sống cho học sinh. Tôi thường xuyên xuất hiện trước đám đông nhưng điều đó không khiến tôi thay đổi quyết định xuất gia gieo duyên của bản thân từ nhiều năm trước.

Không biết tại sao, từ khi còn là cô bé 15 tuổi tôi đã cảm thấy cuộc đời rất vô thường. Vô thường đến mức cuộc sống không có ý nghĩa. Tôi luôn đau đáu câu hỏi: Sống để làm gì? Nhìn đâu cũng thấy tàn phai, nhìn đâu cũng thấy sự lụi tàn. Nhận ra thời gian là minh chứng vô thường cho mọi thứ trong đời này. Lúc đó, tôi thấy tốt đời đẹp đạo có thể đi xuất gia. Nhưng tôi vẫn không đi vì không hiểu “đi xuất gia có ý nghĩa gì?!”. Tại sao phải chờ chết mới về Tây phương Cực lạc?

Khoảng năm 25 tuổi, tôi gặp pháp môn của Sư ông Làng Mai. Tôi thấy cuộc đời thật đẹp, hoa nở hoa tàn đều tràn đầy ý vị. Một chiếc lá rơi cũng ẩn tàng bao nhiêu sự sống. Lúc đó, tôi cũng muốn xuất gia nhưng ý muốn này chưa đủ mạnh để tôi cắt ái ly gia, xa lìa thế tục. Tôi chọn lựa trở thành một cư sĩ, tôi thấy cuộc đời có ý nghĩa lắm, dù ở đâu cũng sẽ có ý nghĩa.

Đến bây giờ, trải qua dăm ba mối tình, xuất bản được quyển sách, đi qua một chút đoạn trường nhân thế, thỉnh thoảng tôi vẫn hỏi “Chúng ta sống vì điều gì” và luôn luôn câu trả lời: Chúng ta sống vì đơn giản là sống. Sẽ có lúc sống rất hăng say hoành tráng, sẽ có lúc lầm lũi đau thương, nhưng vẫn sẽ sống vì chính sự sống. Chúng ta sống để nếm trải mọi lẽ vô thường của sự sống. Vẫn sẽ sống vì để biết mình là ai, rồi trở thành ai.

Vì như thế, tôi muốn một lần được đi trên con đường của Thế Tôn, một lần được sống trong hình tướng của người xuất gia, gieo duyên cho mảnh đất tâm thức mình ở những kiếp sau cũng ngộ lẽ vô thường mà tìm cầu con đường tu tập. Tôi đã xin vị thầy minh chứng từ khi còn ở Việt Nam, đến cả quần áo tôi cũng chỉ mang mấy bộ đồ vạt hò, chiếc áo tràng và vài cái áo khoác. Khi thầy cầm một phần tóc của tôi, cắt đi, tôi đã thật sự xúc động đến không kiềm nước mắt. Một lần, một khoảng thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng tôi thật sự trân trọng hành trình này.

Trong đoàn tôi đi, có người xuất gia gieo duyên đến 2 lần. Có người khi xuất gia gieo duyên xong thì vẫn giữ mái đầu tròn không để tóc lại. Nhưng tôi thì khác, dù cho mái đầu tròn có làm tôi trông nhẹ nhàng, an lành, thoải mái đến đâu chăng nữa tôi cũng sẽ để lại tóc. Vì với tôi hình tướng này cực kỳ có ý nghĩa. Tôi rồi sẽ lại đi làm, lăn xả với cuộc đời, rồi cũng sẽ có người yêu và biết đâu đó lại kết hôn. Nếu để mái đầu tròn này khiến tôi sợ rằng một ngày nào đó tôi sẽ bị quen dần, sẽ xem nhẹ hình tướng này, rồi ngày đủ nhân duyên có thể làm con của Thế Tôn, đi trên con đường tỉnh thức, tôi dễ dàng sơ suất phạm lỗi hơn.

Mỗi người một hạnh nguyện, một hành trình trong cuộc đời khác nhau. Dù vậy, vẫn giống nhau ở tâm mong cầu thoát khổ, muốn học hạnh của Thế Tôn. Thế nên, chúng ta vẫn cứ đi tiếp thôi, đi để hành trình của mình trọn vẹn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày