Quần thể tâm linh chùa Linh Ứng - Ảnh: T.N
Ngắm bên ngoài tôn tượng
Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm được thiết kế với hình dáng hiện thân một người nữ đứng khoan thai, khoác trên mình bộ y mềm mại uyển chuyển với nhiều hoa văn, họa tiết thể hiện những đường nét tinh túy, quý phái nhưng vô cùng gần gũi, thánh thiện.
Chiều cao thân tượng hơn 67m, đứng trên tòa sen với đường kính rộng 35m, được tôn trí trên một đài cao với nhiều lối lên, xuống được thiết trí thành đường bậc thang có đôi rồng chầu hai bên lối đi. Sắc diện của Ngài được các nghệ nhân lão luyện trong nghề trau chuốt nên một khuôn mặt dịu hiền, thanh tú với ánh mắt nhìn xuống đầy từ bi, luôn sẵn sàng phổ độ, cứu giúp chúng sanh. Tay phải Ngài bắt ấn tam muội, tay trái nâng bình nước cam-lồ chứa những giọt thanh lương làm thanh tịnh khắp chốn nhân gian, phần trên đỉnh đầu tôn tượng, các nhà điêu khắc đã tôn tạo một tượng Đức Phật với chiều cao 2m.
Khám phá bên trong tôn tượng
Tên gọi Bãi Bụt có từ bao giờ? Chùa Linh Ứng - Bãi Bụt ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, một khu đất bằng phẳng trên một ngọn núi nằm trên tổng thể của bán đảo Sơn Trà. Tương truyền vào thời vua Minh Mạng (thế kỷ XIX), dân chài ven biển Thọ Quang thuộc Q.Sơn Trà ngày nay đã phát hiện trên bãi ngang một pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, họ cùng nhau lập am thờ cúng, để ngư dân hàng ngày cầu nguyện mong trời yên, biển lặng cho những chuyến đi biển an toàn. Từ đó khu vực dân làng lập am được gọi là Bãi Bụt. |
Trong lòng tôn tượng được xây dựng thành 19 tầng, mỗi tầng có thiết trí các tượng Phật, tượng Bồ-tát Quán Thế Âm với nhiều kiểu dáng, tư thế khác nhau. Ví như ở tầng đầu tiên được tôn trí làm chánh điện với ban thờ Tam Thế Phật, tầng hai tượng Quán Thế Âm kiết-già hàng ma, các tầng còn lại được tạc Quán Thế Âm theo các hạnh nguyện biến hóa thân chính của Ngài và được đặt tên là “Phật trung hữu Phật”.
Theo HT.Thích Thiện Nguyện, trú trì chùa Linh Ứng - Bãi Bụt giải thích thì “Phật trung hữu Phật” có nghĩa là “Trong Phật có Phật” - ngụ ý trong thân tôn tượng có 19 tầng đều được tôn trí tượng Phật. Đặc biệt, trên tầng cuối cùng, ngoài tôn tượng bảy Phật Dược Sư, Phật A Di Đà còn có 12 bức tranh hình tượng Quán Thế Âm thể hiện bằng 12 lời nguyện của Ngài - gồm hình tượng và ngôn ngữ tiếng Việt, mang đậm tính mỹ thuật, trang nghiêm được Phật tử thập phương dâng cúng.
Một điều vô cùng thú vị khi khám phá bên trong tôn tượng, du khách có thể hình dung như mình đang bước vào bên trong một đại tự cao bằng tòa nhà 30 tầng, mỗi tầng có một cách tôn trí, thờ tự khác nhau khá độc đáo, cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ từ những góc nhìn.
Tôn tượng Quán Thế Âm cao nhất VN với thân tượng hơn 67m, đứng trên tòa sen với đường kính rộng 35m
Khi đến bờ biển TP.Đà Nẵng, dù bạn ở bãi biển Xuân Thiều, biển Thanh Bình hay chân đèo Hải Vân, qua đến tận bãi biển Ngũ Hành Sơn, tít tắp đến gần bờ biển giáp tỉnh Quảng Nam, đâu đâu bất kỳ, mỗi khi phóng tầm mắt ra biển, bạn đều bắt gặp hình dáng tôn tượng Mẹ hiền Quán Thế Âm đang hướng nhìn ra Biển Đông - tựa lưng vào bán đảo Sơn Trà. Lên tới tầng thượng của tôn tượng, bạn có thể nhìn được cảnh quan đầu biển, cuối sông của toàn cảnh TP.Đà Nẵng.
Một công trình tâm linh hợp lòng người
Chia sẻ với CTV Giác Ngộ, HT.Thích Thiện Nguyện, Quyền Trưởng BTS GHPGVN TP.Đà Nẵng, trú trì ngôi chùa cho biết: “Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm được tôn tạo bởi ý nguyện thiêng liêng của ngư dân trên vùng đất biển này, phù hợp với tấm lòng hộ trì Phật pháp của các vị lãnh đạo, chính quyền. Họ luôn tin tưởng vào lòng từ bi, hạnh nguyện độ trì, cứu khổ, lắng nghe mọi nỗi khổ của chúng sanh của Bồ-tát Quán Thế Âm mà chung sức, chung lòng tạo dựng nên một công trình tâm linh xứng với cảnh quan của một quần thể danh thắng - đó cũng là điều góp phần cho sự duy trì mạng mạch Phật pháp nơi đây được tồn tại và phát triển”.
Theo đó, tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm chùa Linh Ứng - Bãi Bụt được khởi công xây dựng vào ngày 19-6 ÂL năm 2004 (cách đây đúng 10 năm). Sau 6 năm xây dựng, với sự huy động máy móc, thiết bị san ủi hàng triệu mét khối đất đá, cùng sự góp mặt của những nghệ nhân tạc tượng hàng đầu cả nước, được sự hộ trì của các cấp lãnh đạo TP.Đà Nẵng và Phật tử thập phương, đến ngày 19-6 ÂL năm Canh Dần (2010), tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm cao nhất VN cùng cảnh quan ngôi chùa đã được khánh thành.
Tôn tượng Quán Âm trên Bãi Bụt - nhìn từ xa - Ảnh: T.Nam
Nói về sự phát triển trong tương lai của khu Linh Ứng - Bãi Bụt, HT.Thích Thiện Nguyện cho biết thêm: “Khuôn viên chùa đang được phép mở rộng, kết hợp cùng nhiều hoạt động của các tiểu khu du lịch, leo núi, ngắm biển, lặn ngắm san hô do Nhà nước tổ chức. Trong tương lai gần, chùa sẽ cho xây dựng một khu vực mới với nhiều cảnh quan đẹp, có tượng Phật Niết-bàn, tương xứng với cảnh quan chung của chùa”.
Còn về tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tại chùa, Hòa thượng nói, đó là một biểu tượng từ bi - trí tuệ, luôn đem lại lợi lạc cho quần sanh, tôn tượng còn là dấu ấn in đậm bước phát triển của đạo Phật trên con đường hội nhập, là nơi hội tụ tâm linh, một điểm đến của du khách hành hương trong hành trình du lịch tâm linh về miền di sản ở các tỉnh, thành miền Trung...