Sách bói toán, tử vi, "dự đoán học", từ loại có đứng tên nhà xuất bản cho tới bản lậu, thậm chí bản photocopy chuyền tay nhau đang được rao bán trong các ngõ hẻm, bày tràn lan tại các chiếu sách lề đường, đình, chùa... ở TP.HCM. Dòng sách này càng trở nên hút hàng khi thời gian đang dần về cuối năm, gần Tết.
Sách bói toán, từ sách lậu đến có giấy phép xuất bản
Đoán định tương lai là nhu cầu có thật của nhiều người. Từ xưa đã có sách nghiên cứu về vận mệnh con người. Nhưng dòng sách này đang biến tướng với đời sống ngầm hết sức náo nhiệt và bắt đầu lấn sân vào khu vực xuất bản chính thống.

Nhiều sách mê tín dị đoan núp bóng “khoa học”, được xuất bản, phát hành công khai. Rất nhiều cuốn có nội dung không khác gì sách bày bán lậu ở lề đường, nhưng được các nhà xuất bản lớn phát hành với những cái tên rất kêu như: Tử vi dưới ánh sáng khoa học, Tổng hợp các luận điểm tử vi, Tử vi lý học, Bói bài và căn cứ thực tế, Khoa học về đường chỉ tay, Khoa học về tướng số...

Gần đây, thị trường sách bói toán, tử vi xôn xao khi bộ Kim Oanh ký được NXB Lao động cho ra mắt. Theo thông tin trong sách, tác giả ấn phẩm này là Thái Kim Oanh, soạn giả chuyên về sách bói toán, tử vi ở Sài Gòn trước năm 1975. Sách được NXB Lao động xuất bản nguyên bộ vào ngày 15/10/2008, thay vì chia từng tập như trước đây gồm 4 cuốn: Bát môn thành khóa, Bát trạch minh cảnh, Bát tự lữ tài, Bát lãm quần thơ. Nội dung sách “chỉ vẽ” cho người ta cách gieo quẻ, xem ngày giờ, đoán định tương lai, tránh xui rủi... chẳng khác gì sách bày bán ngoài lề đường và trước các cổng chùa...
Nếu giá bán của bộ này gồm 4 cuốn tại các chiếu sách trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng, thì trọn bộ Kim Oanh ký NXB Lao động bán chỉ 90.000 đồng. Đây là ví dụ rõ nhất về thực trạng sách "đoán định tương lai" trước năm 1975 được tổng hợp, in lại, “tấn công” thị trường?
Ông Lê Huy Hòa, biên tập viên NXB Lao Động cho biết, cách đây sáu, bảy năm, NXB Lao động có cho in tóm tắt của một nhà nghiên cứu về bộ sách này. Tuy nhiên, sau đó lại xuất hiện khá nhiều bản in không phải do NXB Lao Động thực hiện nhưng vẫn để tên NXB Lao Động nên nhà xuất bản đã cho ngưng phát hành và thông báo với cơ quan chức năng.
Ông Hòa cho biết thêm rằng các bộ sách liên quan tới Kim Oanh ký sau này là những bản in lậu, kể cả cuốn gần nhất năm 2008, làm ảnh hưởng rất nhiều đến NXB. Dù nhà xuất bản này đã thông báo, nhưng bộ Kim Oanh ký lậu vẫn được bán tràn lan tại các nhà sách, nhất là các nhà sách giảm giá từ 10% đến 40%.
Xử phạt không đủ răn đe
Chỉ cần nhà xuất bản lót đường cho những bộ sách nhạy cảm bước vào ngành xuất bản, việc sách bói toán tử vi, vốn là nhu cầu không nhỏ của một bộ phận người dân, qua thời gian sẽ tiến dần đến con đường “hợp thức hóa”. Viễn cảnh chúng sẽ xuất hiện tràn lan nhưng đàng hoàng trong các nhà sách sẽ không còn xa như thực tế dòng sách kinh dị, ma quái đã làm được, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ.
Tác hại của dòng sách này khá rõ ràng, nhưng công tác quản lý chúng ở TP.HCM chưa phát huy hiệu quả. Cái khó của Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP.HCM, cơ quan quản lý lĩnh vực này là luật quy định mức xử phạt quá nhẹ. Ai cũng thấy rõ sách tử vi lậu bày bán một cách công khai khắp các nẻo đường TP.HCM, nhưng bao nhiêu năm qua cũng chỉ có vài cuộc tịch thu và xử phạt lẻ tẻ. Người muốn mua sách tử vi, bói toán lậu vẫn có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở bất kỳ nơi nào.
Trong vụ phát hiện sách lậu với hàng nghìn cuốn đình đám nhất gần đây tại TP.HCM, cũng có đến gần 400 ấn phẩm có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan. Theo quyết định xử phạt của Sở TT-TT TP.HCM số 50 và 69/QĐ-XPHC thì hai cá nhân trong vụ việc này bị phạt tổng cộng 10 triệu đồng. Sở này làm đúng quy định, nhưng mức phạt nhẹ như thế thì khó có thể răn đe được ai.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản, Sở TT - TT TP.HCM cho biết: "Gần đây thị trường xuất hiện nhiều loại sách mang yếu tố tâm linh, mê tín dị đoan có dấu hiệu phát hành từ các nhà sách cho tới các chiếu sách lề đường. Sở TT-TT TP.HCM đã có nhắc nhở hệ thống các nhà xuất bản phải lưu ý nội dung này". Về các loại sách mê tín dị đoan, đặc biệt là sách của các tác giả trước năm 1975, ông Khanh nói: "Phải qua thẩm định của hội đồng xét duyệt thật cẩn thận trước khi phát hành".