Tránh xa tác động của đời sống thế tục

GN - Trả lời phỏng vấn báo Giác Ngộ về tình hình mùa An cư kiết hạ (ACKH) PL.2563, HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự T.Ư khẳng định: “Không khí an cư trên cả nước đang diễn ra nghiêm túc”.

Nói về sinh hoạt đặc thù của đời sống Tăng đoàn này, Hòa thượng cho biết:

Thich Thien Phap.jpg

HT.Thích Thiện Pháp

- Sau Tết Nguyên đán, theo thông lệ, để công tác tổ chức ACKH theo đúng luật Phật, quy định của Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư và pháp luật, từ tháng 2 năm 2019, Trung ương Giáo hội (TƯGH) đã ban hành Thông bạch số 070/TB-HĐTS hướng dẫn việc tổ chức ACKH đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Vì có nhiều truyền thống tu tập trong hệ thống GHPGVN, nên TƯGH đã đưa ra các hướng dẫn về an cư khá linh hoạt. Theo tinh thần chung, thời gian an cư của Tăng Ni thuộc Phật giáo Bắc tông và Hệ phái Khất sĩ bắt đầu vào ngày 16 tháng 4 âm lịch, kết thúc vào ngày 16 tháng 7 âm lịch. Đối với các tỉnh, thành phía Bắc thực hiện pháp hậu an cư. Riêng, thời gian an cư của chư Tăng Ni thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer và Kinh sẽ bắt đầu vào ngày 15 tháng 6 âm lịch, kết thúc vào ngày 15 tháng 9 âm lịch.

Về hình thức tổ chức, việc tổ chức ACKH do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chịu trách nhiệm đăng ký với cơ quan chuyên môn về tôn giáo cùng cấp và ấn định địa điểm an cư. Mỗi đơn vị GHPGVN tỉnh, thành phố tùy theo điều kiện thực tế của địa phương có thể tổ chức nhiều điểm an cư tập trung và tại chỗ; Tăng, Ni an cư riêng biệt. Nếu Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh ủy nhiệm cho Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện tổ chức thì cũng phải thực hiện theo các quy định đã nêu. Đối với những đơn vị GHPGVN cấp tỉnh không đủ điều kiện tổ chức ACKH tập trung, có thể tổ chức liên tỉnh, thành phố và Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nơi tổ chức ACKH liên tỉnh, thành phố tiến hành thủ tục đăng ký với cơ quan Nhà nước cùng cấp.

Từ các thông tin tiếp nhận được, đến thời điểm này cho thấy mùa an cư năm nay diễn ra quy củ, thanh tịnh và trang nghiêm khắp cả nước. Tất cả Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện đều thực hiện nghiêm túc thông bạch của TƯGH, có sự chuẩn bị chu đáo tạo nên một không khí tinh cần, tinh tấn trong tu học; ngoài ra còn có những buổi ngoại khóa do cơ quan Nhà nước thuyết trình. Nhìn chung, từ tinh hoa Phật học đến một số vấn đề của xã hội đều được giới thiệu đến Tăng - Ni hành giả an cư.

Chúng ta cũng rất mừng là tại nhiều trường hạ, ngoài thành phần Tăng Ni trẻ phát nguyện dành trọn thời gian ba tháng mùa mưa để cấm túc an cư, còn có sự hiện diện chư tôn giáo phẩm Trưởng lão có nhiều kinh nghiệm trong tu tập, là bậc mô phạm chốn tòng lâm để hướng dẫn và sách tấn cho đàn hậu học. Điều này rất cần thiết, giúp cho việc tu học tại các hạ trường thêm  sinh động và mang lại rất nhiều hiệu quả.

* Số liệu về tình hình an cư trong cả nước năm nay được cập nhật ra sao, bạch Hòa thượng?

- Trong thông bạch hướng dẫn an cư, TƯGH có quy định sau khi công tác tổ chức ACKH đã ổn định, Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh phải gửi báo cáo về Văn phòng TƯGH số liệu hành giả an cư tập trung và tại chỗ. Danh sách cần phân làm hai thành phần: chư Tăng Ni đã được TƯGH cấp chứng điệp ACKH và chư Tăng Ni ACKH lần đầu để TƯGH xét duyệt cấp chứng điệp ACKH.

Thời gian được quy định để gửi báo cáo kết quả công tác tổ chức an cư về Văn phòng TƯGH, chậm nhất là ngày 16-6 ÂL nên hiện đang trong quá tình tiếp nhận thông tin, số liệu và sẽ có sự cập nhật thường xuyên.

* Những năm gần đây, nhân mùa an cư, nhiều tỉnh, thành còn tổ chức các khóa bồi dưỡng hành chính, bồi dưỡng trụ trì đồng thời dành thời gian để các cơ quan Nhà nước liên hệ chia sẻ về kiến thức pháp luật, an ninh quốc phòng hoặc tình hình thời sự trong và ngoài nước. Hòa thượng đánh giá ra sao về việc này?

- Mục đích lớn nhất của việc tổ chức ACKH là thực hiện lời dạy cách đây hơn 2.600 năm của Đức Phật, thúc liễm thân tâm trau dồi Giới hạnh, tu tập Định - Huệ để xây dựng tư lương và hành trang cần thiết của một người xuất gia. Trong Phật giáo, ACKH là một sinh hoạt Tăng đoàn khá đặc thù nhằm kiến tạo một trường tịnh tu, tránh xa các tác động của đời sống thế tục.

Từ những mục đích và yêu cầu này, nội dung tu học trong 3 tháng ACKH của chư Tăng Ni phải thực hiện đầy đủ các thời khóa tụng niệm, tọa thiền, niệm Phật, kinh hành, giữ gìn oai nghi tế hạnh trong tu tập, sinh hoạt hàng ngày. Song song đó, tùy theo trình độ của Tăng Ni an cư từng địa phương, Ban Giảng huấn tại các trường hạ có thể trích giảng một số vấn đề trong kinh, luật hoặc giảng chuyên đề.

Đối với những trường hạ có nhiều vị trụ trì và đông Tăng Ni an cư, Ban Trị sự GHPGVN thường kết hợp tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì và công tác hành chánh Giáo hội theo một số tài liệu như: Luật học đại cương, Yết-ma chỉ nam, tài liệu liên quan đến quan điểm trụ trì, Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ 6, triển khai Nghị quyết Đại hội VIII GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư, chương trình hoạt động Phật sự của TƯGH và Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh. Riêng với những trường hạ có nhiều Tăng Ni trẻ an cư thì chú trọng đến việc phát hiện những nhân tố mới trong Phật giáo, thông qua phần thực tập diễn giảng và làm báo tường.

Theo thông lệ, mùa an cư là dịp có sự hiện diện đông đảo Tăng Ni nên đại diện Ban Tuyên giáo, Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc các địa phương cũng thường dành một đến hai buổi trong toàn khóa đến trình bày một số vấn đề liên quan đến tôn giáo hoặc giới thiệu nội dung các bộ luật đã được Nhà nước ban hành, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng như báo cáo tình hình thời sự trong và ngoài nước để cập nhật cho chư Tăng Ni được biết. Việc Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh lồng ghép các nội dung này trong mùa an cư là cần thiết. Bởi vì, Đức Phật luôn lấy con người làm trung tâm với tinh thần “Đạo tục dung thông”. Thấm nhuần tư tưởng này chư Tăng Ni sẽ thực hiện các Phật sự hanh thông.

HUY_0937.jpg
Chư Tăng trong lễ đối thú an cư tại Việt Nam Quốc Tự - TP.HCM, PL.2563 - Ảnh: Đăng Huy

* Tại một số địa phương, có trường hạ cho phép chư Tăng Ni không hiện diện trọn vẹn 24/24 tại hạ trường, chỉ đến tụng kinh sáng, thực hiện nghi thức quá đường rồi trở về lại trú xứ của mình. Hoặc cũng có tỉnh, thành mỗi nửa tháng tổ chức việc bố-tát chung mà không yêu cầu tất cả Tăng Ni phải nhập chúng tu học như những hành giả khác trong hạ trường tập trung. Bạch Hòa thượng, điều này có đúng với hướng dẫn của Giáo hội?

- Theo luật Phật quy định, hàng năm các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đều phải tập trung tại một trú xứ để an cư. Vì vậy, Giáo hội luôn khuyến khích việc tổ chức các khóa an cư tập trung do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, huyện đảm trách để tạo cơ hội chư Tăng, chư Ni hành giả tại mỗi hạ trường sống chung, truyền đạt kinh nghiệm tu học cho nhau. Tuy nhiên, thực tiễn tại Việt Nam chúng ta, đối với những cơ sở là chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi chung là tự viện) có đông Tăng Ni tu học thì có thể tổ chức an cư tại chỗ nhưng phải đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, cấp tỉnh và được Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản.

Ngoài ra, tại một số địa phương, do điều kiện đi lại xa xôi trong khi cơ sở tự viện lại đơn chiếc theo hình thức nhất Tăng - nhất tự. Để đảm bảo sinh hoạt tại các tự viện có sự hướng dẫn của chư Tăng Ni cũng như giúp cho Phật sự vùng sâu, vùng xa vẫn diễn ra thông suốt, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện những nơi ấy còn tùy duyên cho phép chư Tăng Ni trụ trì quản tự đăng ký an cư theo hình thức tùng hạ. Trong trường hợp này, các vị Tăng Ni tùng hạ mỗi nửa tháng phải có mặt tại hạ trường tập trung để bố-tát, tụng giới hoặc có nơi yêu cầu chư Tăng Ni tùng hạ ngoài việc bố-tát, tụng giới thì mỗi ngày cũng phải có mặt tại hạ trường tập trung để tụng kinh sáng, dự nghi thức quá đường rồi mới được trở về trú xứ của mình mà chăm lo các Phật sự trong khoảng thời gian còn lại của ngày.

Đây được xem là một giải pháp phương tiện cần thiết trong điều kiện ở nước ta, giúp cho chư Tăng Ni những nơi khó khăn về nhân sự vừa có cơ hội tu học với đoàn thể Tăng-già vừa được dịp hoàn thành công các Phật sự địa phương, duy trì việc hành đạo để hướng dẫn tu học cho cộng đồng tín đồ, Phật tử các địa phương xa xôi, cách trở. Chúng ta cũng tin rằng trong tương lai các địa phương có khó khăn sẽ từng bước tuân thủ đầy đủ pháp an cư theo quy định của luật Phật.

* Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Bài liên quan:

Bảo Thiên thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày