Bài trên Báo Giác Ngộ số 1252 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Con người ai cũng có tuổi thanh xuân. Bấy giờ họ có nhiều thứ quý giá như tuổi trẻ, sức khỏe, sắc đẹp, ý chí mạnh mẽ, hoài bão to lớn, khát vọng tràn trề. Thế rồi họ bước vào cuộc sống, mỗi người có một ngã rẽ khác nhau. Ai chí thú làm ăn, chăm lo sự nghiệp, vun vén gia đình, nuôi dạy con cái thì khi về già có phần ổn định. Còn ngược lại, chỉ lo ăn chơi, chẳng màng sự nghiệp, lãng phí thời gian, sức khỏe và tiền bạc cho thỏa đam mê thì khi về già thường chông chênh, vất vả.
Trong sự tu tập cũng vậy, ai biết tu tỉnh sớm chừng nào thì hay chừng nấy. Sức khỏe và ý chí có vai trò quan trọng trong việc nỗ lực tu dưỡng thân tâm. Về già, sức khỏe suy hao, ý chí mòn mỏi, muốn tu cũng không phải dễ. Cộng thêm nghiệp lực theo năm tháng sâu dày, vườn hoang đầy cỏ dại, muốn tìm lối đi đã khó nói gì đến dọn sạch vườn tâm.
“Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, có Tôn giả A-nan đi theo sau Thế Tôn.
Khi ấy có hai lão nam nữ là vợ chồng, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu. Họ đến đầu ngõ hẻm, chỗ đốt phân rác, cùng ngồi chồm hổm hơ lửa. Thế Tôn thấy hai vợ chồng già này, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu, giống như hai con hạc già nhìn nhau với tâm dục nhiễm. Thấy rồi, bảo Tôn giả A-nan:
- Ông có thấy hai vợ chồng kia, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu, cùng ngồi chồm hổm hơ lửa, giống như hai con hạc già nhìn nhau với tâm dục nhiễm chăng?
A-nan bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Phật bảo A-nan:
- Hai vợ chồng già này, vào thời thiếu niên, thân thể tráng kiện, nếu siêng năng tìm cầu tài vật, cũng có thể là gia chủ giàu có nhất trong thành Xá-vệ. Còn nếu họ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, tinh cần tu tập, thì cũng có thể chứng được thượng quả đệ nhất A-la-hán. Nếu ở giữa phần hai cuộc đời còn tráng kiện, siêng năng tìm cầu tài vật thì cũng có thể trở thành người giàu thứ hai trong thành Xá-vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả A-na-hàm.
Nếu ở giữa phần ba trung niên, siêng năng tìm cầu tài vật cũng có thể là người giàu thứ ba trong thành Xá-vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả Tư-đà-hàm. Nếu ở phần thứ tư, khi tuổi già, siêng năng tìm cầu tài vật cũng có thể là người giàu thứ tư trong thành Xá-vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả Tu-đà-hoàn. Nhưng ngày hôm nay, họ tuổi già, các căn suy yếu, không có tiền của, không có phương tiện, không có khả năng; lại không thể kham năng nếu có tìm kiếm tiền của, cũng không có cách nào để chứng đắc pháp thượng nhân được.
Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1162 [trích])
Đời người tuy dài mà thực sự ngắn ngủi, vì lo cho tuổi già nên tuổi trẻ phải chí thú học tập và làm ăn. Đồ vật kia còn có hạn sử dụng huống chi là người. Thế nên, làm người sống ở đời phải nghĩ đến lúc mình bị “hết thời”. Thành ra, mọi thứ nếu có chuẩn bị chu đáo thì vẫn hơn. Lúc “hết thời” mà tay trắng là một bất hạnh, không còn cơ hội để làm lại. Khổ cực lúc tuổi trẻ không là vấn đề nhưng khi về già thì khổ chồng thêm khổ.
Đối với con đường trau dồi đạo đức, tu tâm dưỡng tánh cũng vậy, khởi sự càng sớm thì càng tốt. Khi nghiệp xấu đã chất chồng thì khó mà chuyển hóa. Giống như tấm vải trắng lấm lem bụi đời thì không dễ gì tẩy rửa. Chưa nói đến thiền định thâm sâu hay trí tuệ rộng lớn, lúc về già tập trung toàn bộ ý chí để sám hối, sửa sai cũng đã mệt rồi.
Thế nên mọi sự phải lo trước khi còn thời gian, đủ sức khỏe để có thể phấn đấu và kham nhẫn được. Già thì suy hao mòn mỏi, từ thể chất cho đến tinh thần. Già thêm nữa thì nhiều bệnh và chỉ chờ chết. Làm được gì thiện lành có ý nghĩa cho mình và người thì hãy làm ngay.