Trồng căn lành ở Phật pháp

Ảnh: Bảo Toàn
Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00

GN - Chúng ta đã biết khi Phật tới Lộc Uyển thuyết pháp, Kiều Trần Như vừa thấy Phật liền đắc quả A-la-hán, bốn vị còn lại tu trong ba tháng an cư cũng đắc La- hán. Năm anh em Kiều Trần Như đắc quả dễ dàng vì họ gặp Phật là đấng trọn lành nên dễ phát khởi căn lành của chính họ.

Ngày nay chúng ta tu cũng cần các bậc Đạo sư có căn lành để tác động căn lành ta phát khởi. Nếu gặp người tham lam, ghét ganh, buồn phiền, đau khổ, nhiều nghiệp ác, chúng ta cũng nhân đây phát khởi những tâm xấu ác như vậy.

Riêng tôi đến chùa nào thấy bất an thì bỏ đi nơi khác, vì phải tìm được Đạo sư mà sống gần họ mình thấy an mới tu được và học được với vị này những gì mình muốn học; đó là tầm sư học đạo của chúng ta.

Kiều Trần Như trước khi gặp Phật, đã chứng vô phiền, vô nhiệt, thiện kiến, thiện hiện ở cõi trời Sắc cứu cánh. Nhập cõi trời này không còn phiền não, không có gì tác động được là vô phiền vô nhiệt. Bấy giờ, cái nhìn của họ chính xác hơn thực tế cuộc sống là thiện kiến. Thiện hiện là thấy được Phật và Bồ-tát. Do đó, Kiều Trần Như mới thấy Phật, nghĩa là thấy Phật ở bên trong Sa-môn Cù Đàm.

Về điểm này, sau khi tôi thọ trì kinh Hoa nghiêm nhận thấy tượng Phật trên chùa có thần sắc đẹp diệu kỳ, vì kinh và Phật đã tác động vào tâm tôi. Trong khi cũng tượng Phật đó mình lau chùi hàng ngày thấy là tượng gỗ bình thường. Nhưng tụng kinh Hoa nghiêm cảm được Phật Tỳ Lô Giá Na, tôi thấy tượng này là Phật, nên tôi hiểu ý nghĩa Kiều Trần Như thấy Phật khi vừa gặp Ngài.

Ảnh tác giả

Người có trồng căn lành ở Phật và có niềm tin nơi Phật, lúc nào họ cũng thấy Phật được, không thấy bằng mắt, nhưng thấy Phật bằng niềm tin. Nghĩa là trong lòng chúng ta có Phật, nghĩ đến Phật và hướng tâm về Phật thì Phật mới hộ niệm ta, nên ta và Phật kết nối được với nhau bằng niềm tin.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Tiên A Tư Đà với huệ nhãn mới thấy bên trong Thái tử Sĩ Đạt Ta còn nằm nôi đã có Phật. Điểm này rất quan trọng mà không phát huy được thì chúng ta tu cùng kiếp cũng như không, bị Tổ quở là nấu cát muốn thành cơm, mài ngói muốn thành gương, nếu tu hành của chúng ta chỉ là hình thức.

Phải thấy Phật, thiền gọi là kiến tánh khởi tu. Tuy chưa đắc định, nhưng có niềm tin và bằng căn lành mình thấy Phật. Thật vậy, tất cả người tu có kết quả nhờ niềm tin kiên cố nơi Phật mới theo Phật tu, không dám làm những việc sai quấy. Người không có căn lành, không có niềm tin dù gần Phật cũng không thấy Phật, như bà già ăn mày ở thành Tỳ Da Ly. Phật đi khất thực, bà chen lấn các Tỳ-kheo để đi gần Phật, vì bà nghĩ Phật cũng là người ăn xin giống như bà, cho nên Phật tử dâng thức ăn để vào bình bát của Phật mà không để vào cái bị của bà thì bà liền mắng.

Có người ở ngay thời Phật tại thế còn không thấy Phật thì ngày nay làm sao họ thấy Phật, nên họ chỉ thấy quyền lợi. Từ đó có giả sư, giả tu theo mưu đồ riêng của họ.

Lúc thái tử mới tu, trời Đế Thích hiện làm sư giả có giấu cung tên trong áo để nhắc chúng ta khỏi mắc lầm. Nếu lỡ bị mắc lầm thì lo điều chỉnh để không mắc lầm lần thứ hai. Đừng bực tức chửi mắng mà bị đọa sâu, phải khắc phục để thấy chính xác.

Chúng ta thấy được bên trong của con người bằng căn lành, bằng niềm tin của chúng ta. Vì có căn lành mới phát khởi niềm tin. Người có căn lành ngày nay ví như có điện thoại thông minh, mới nối mạng 3G, 4G, 5G truy cập được các sự kiện trên toàn cầu.

Cũng vậy, chúng ta tu có căn lành, tuy thấy chúng ta không làm, nhưng thực ra chúng ta đang truy cập các thế giới mười phương về hành trạng của chư Phật, chư Bồ-tát, đó là cái thấy bằng niềm tin, bằng căn lành.

Người không có căn lành, không có niềm tin không thấy được thế giới chư Phật, chư Bồ-tát mười phương giống như không có điện thoại thông minh không thể đọc được các thông tin thế giới.

Chúng ta có căn lành mới thấy Phật và Bồ-tát, mới làm theo các Ngài đương nhiên gặt hái được kết quả tốt đẹp gọi là Phật hộ niệm và Bồ-tát trợ lực. Ta làm giống Phật và Bồ-tát, các Ngài mới trợ lực, còn ta làm khác là tần số khác thì không thể truyền thông, không gia hộ được.

Chúng ta tu chưa đắc quả, nhưng nhờ căn lành đời trước mới cảm được Phật và thấy Phật bằng niềm tin, nên quyết tâm làm theo Phật. Một thời gian sau, cố gắng tu như vậy, chúng ta bắt đầu thấy và biết những gì mà người thường không thấy không biết được. Đây là điểm quan trọng

Riêng tôi trên bước đường tu, tôi quan sát người hiểu biết hơn tôi, tôi theo họ, cầu học với họ. Còn tới người khen mình là họ kém hơn mình mà mình cần cái khen này là trụ ở chỗ kém này, mình không lên được. Vì nay họ khen ngợi, nhưng mai kia thấy mình không được việc gì tốt hơn thì họ lại chê bai.

Thật vậy, người được vua chúa kính trọng mời làm Quốc sư vì vua thấy họ tài giỏi nên mời về cung chăm sóc. Nhưng mai mốt vua thấy không có gì mới lạ hay hơn thì cũng bắt đầu nhàm chán. Ở Việt Nam có ngài Ngô Chân Lưu từng làm Thái sư đời Đinh và làm Quốc sư đời Lê. Nhưng ngài nhận ra rằng hiểu biết của ngài đã giúp vua, giúp nước, công việc được hoàn thành tốt đẹp xong, ngài không màng danh lợi, từ quan về núi tu để quan hệ với chư vị Thánh Tăng, chư Bồ-tát, chư Phật trong mười phương giúp ngài học được nhiều pháp cao hơn nữa.

Đức Phật dạy rằng tuy gần nhưng không thấy, tuy xa mà thông được (Cận nhi bất kiến, viễn nhi tự thông). Lời Phật dạy ý này mà tôi chứng nghiệm thấy đúng. Thật vậy, tôi giảng pháp trên mạng thì người tới chùa cũng không nghe không thấy tôi, nhưng người ở Mỹ hay các nước khác nghe được, học được.

Những người ở xa nghe bài giảng và thấy được tôi là nhờ có điện thoại thông minh. Thời Phật không có điện thoại, nhưng Phật nói ở xa nghe thấy Phật nhờ có căn lành và niềm tin.

Người có trồng căn lành ở Phật và có niềm tin nơi Phật, lúc nào họ cũng thấy Phật được, không thấy bằng mắt, nhưng thấy Phật bằng niềm tin. Nghĩa là trong lòng chúng ta có Phật, nghĩ đến Phật và hướng tâm về Phật thì Phật mới hộ niệm ta, nên ta và Phật kết nối được với nhau bằng niềm tin.

Người không có niềm tin ở Phật chắc chắn không bao giờ thấy Phật và cũng không được Phật hộ niệm. Đó là người tu bắt chước, hay người tu không có niềm tin, hay tu giả. Họ tu nhưng cuộc đời đi xuống, vì họ không thấy Phật, không hiểu Phật, không áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống của họ. Nhưng người biết áp dụng lời Phật dạy, nhất định cuộc sống họ sẽ tốt đẹp.

Chúng ta tu phải thể nghiệm pháp Phật trong cuộc sống, không bắt chước. Đạo Phật dạy chúng ta thực tập giáo pháp cho đạt kết quả, không phải chỉ tin suông, tin và làm đi đôi với nhau. Nói cách khác, niềm tin phải có kiểm chứng bằng trí tuệ. Người nói mình nghe và tin, nhưng phải kiểm chứng lại để chúng ta không bị mắc lầm. Vì mắc lầm, chúng ta theo không có kết quả tốt mà người Việt thường nói ý này là tiền mất tật mang, tức tiền bạc, sự nghiệp, công sức, uy tín… mất, nhưng nghiệp mang.

Chúng ta nghe và quan sát cuộc sống của họ có đúng như họ nói không. Nói và làm của họ khác nhau, chúng ta không nên tin. Phật nói điều đã làm và Ngài làm điều đã nói, nên Phật có tôn danh là Minh hạnh túc. Phật đã làm có kết quả tốt đẹp, Ngài mới dạy để chúng ta cũng được giống như Phật, nghĩa là Phật đã thành Phật và chúng ta sẽ thành Phật.

Phải đi đúng con đường thành Phật, đi lệch hướng thành ma quỷ. Vì vậy, Phật khuyên đừng nhẹ dạ dễ tin mà trở thành mê tín cho đến cuồng tín sẽ bị người ác xấu lợi dụng gạt làm việc tội lỗi. Từ chỗ mê tín mà làm theo, người Việt nói phóng lao phải theo lao, lỡ rồi không quay lại được. Như Vô Não nói tay lỡ nhúng chàm, không làm người tốt được, ông tiếp tục giết người, không thể khác là đi vào đường cùng. Phật dạy Vô Não dù tội lỗi nhưng biết ăn năn, sám hối, dừng lại được, đừng tiếp tục làm ác.

Đức Phật thành tựu quả vị Toàn giác, nên Ngài thấy suốt đến các Bồ-tát, La-hán, chư thiên. Mình là chúng sanh nên cái thấy còn hạn hẹp trong thế giới phàm phu. Vì trực giác mình không có, định mình chưa nhập được nên không biết việc bên ngoài, thì mình cần dụng cụ là điện thoại. Nghe điện thoại gọi đến, mình biết người cần gì, ở đâu mình giúp.

Phật không cần điện thoại. Phật ở trong định thì những chúng sanh có căn lành nối mạng được với Phật vẫn nghe Phật. Không có căn lành, ta và Phật cách xa, không truyền thông được.

Ngày xưa gọi là thần thông tu chứng, theo tôi ngày nay có thể hiểu là văn minh khoa học. Có thần thông tu chứng thì không cần dụng cụ vật chất bên ngoài, nhưng dụng cụ ở trong tâm trí người đắc đạo. Còn chúng ta bỏ điện thoại thông minh, không nối mạng được, chúng ta không thấy không nghe người ở nước khác. Hiểu công dụng liên lạc dễ dàng của điện thoại như vậy để giúp chúng ta hiểu phần nào về sự tương thông với Phật qua căn lành và niềm tin.

Người có căn lành thấy Phật đã thành Phật từ lâu xa rồi hiện thân lại cuộc đời này để cứu độ chúng sanh, không phải Phật mới thành Phật trong đời này.

Không có căn lành thì thấy Phật Thích Ca mới xuất thân từ cung dòng họ Thích đến cội bồ-đề gần thành Già Da mà thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Cái thấy này không đúng, vì người đầu thành Phật tức là người khám phá ra chân lý rất khó. Nhưng có người khám phá được rồi, mình theo công thức đó thực tập sẽ có kết quả nhanh hơn. Vậy mà trên thực tế từ khi Phật Thích Ca Niết-bàn đến nay hơn 2.500 năm chưa có người nào thành Phật. Người tự xưng là Phật thì đó là Phật giả hay ma giả Phật. Phải chờ Phật Di Lặc ra đời, nhưng còn lâu vì giáo pháp của Phật Thích Ca chưa hoại diệt, nên Đức Di Lặc đâu cần ra đời.

Đức Phật Thích Ca thành Phật từ nhiều kiếp lâu xa trước nhưng Ngài tái sanh trên cuộc đời là Phật cũng xuất hiện theo quy trình, tức Phật trụ đại thiền định từ đó Ngài hiện thân lại thì kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa đều ghi nhận giống nhau rằng Phật Thích Ca giác ngộ, giải thoát hoàn toàn vì thương chúng sanh mà tái sanh trên cuộc đời. Khởi xuất từ tình thương nên không gọi là Phật mà gọi là Bồ-tát vì có lòng từ bi ban vui cứu khổ mới xả thiền định vào thế gian.

Kinh Pháp hoa diễn tả ý này rằng Phật nói kinh Vô lượng nghĩa xong, Ngài nhập Vô lượng nghĩa xứ Tam muội thì có hiện tượng lành xảy ra mà chúng sanh có căn lành mới tiếp nhận được hiện tượng lành. Không có căn lành không thể tiếp nhận được.

Phật vào Niết-bàn là vào đại định Vô lượng nghĩa thì người hữu duyên với Phật có căn lành rồi, tự nhiên định lực này của Phật tác động làm họ thanh tịnh, an vui. Riêng tôi nhiều khi cảm thấy vui mà không biết vui gì, sau tôi biết nhờ tiếp nhận định lực Vô lượng nghĩa của Phật làm mình vui dù hoàn cảnh rất khổ. Thật vậy, kinh nghiệm cho tôi thấy trong lúc ở nhà lao, đáng lẽ tâm mình bị dao động, nhưng nhờ có căn lành nên được Phật hộ niệm làm tôi thấy an lạc.

Điều này gợi tôi nhớ khi Phật bảo A Nan vào ngục thăm Đề Bà Đạt Đa, ông nói rằng ở địa ngục A-tỳ nhưng cảm giác như ở cõi trời Hữu đảnh. Tuy ở cảnh cùng cực khổ đau mà ông thấy cùng cực sung sướng, hai chỗ này không khác. Vì Đề Bà Đạt Đa nhận được ánh quang của Phật chiếu tới thọ ký cho ông, nên ông vui vô cùng. Đây là bài học lớn mà Phật muốn nói rằng các Bồ-tát tâm ở thiên đường trong khi thân ở địa ngục, nghĩa là thân các ngài có đói khát, bệnh hoạn nhưng tâm các ngài vẫn an lạc.

Đức Phật ra đời khác với chúng sanh thế nào. Quan sát kỹ chúng ta thấy Đức Phật trọn lành. Một là Ngài sanh trong dòng họ cao quý. Hai là Ngài có cấu trúc cơ thể đặc thù. Ba là Ngài có hệ thần kinh đặc biệt mới tiếp thu được tất cả các pháp, trong khi mình khó nhớ dễ quên làm sao thành Phật.

Hệ thần kinh của Phật, cấu trúc cơ thể của Phật, ngoại hình của Phật, tất cả hoàn toàn siêu việt khiến cho Ngài có sức thông minh kỳ vĩ. Khi còn là Thái tử Sĩ Đạt Ta, vua Tịnh Phạn rước những thầy giỏi nhất dạy Ngài. Thái tử kể tên tất cả các sách Ngài đã đọc và các ngôn ngữ của các bộ tộc mà Ngài thông hiểu, rồi hỏi các thầy muốn dạy cái gì. Các thầy nghe vậy sợ quá, lạy thái tử vì họ chưa từng đọc các sách mà thái tử kể, chưa từng biết các ngôn ngữ mà thái tử biết rành.

Hạng người thứ nhất không học mà biết. Theo kiến giải của đạo Phật, người này đời trước có học, có tu, những hiểu biết đã có trong tiềm thức họ. Đời này thấy lại là họ nhớ liền và họ khám phá cái mới. Những người này tu thành La-hán, thành Phật được. Họ là người phát minh được, họ ngồi yên là trí tuệ sáng lên.

Hạng người thứ nhất là A-la-hán và Phật, không học mà biết. Các ngài ngồi yên vào định thấy cái mình không thấy, vì cái đó có sẵn trong tiềm thức tự tuôn ra khi ngồi yên.

Trong khi mình toàn phiền não trần lao, cho nên ngồi yên, phiền não trần lao tuôn ra. Với người như vậy, ngài Trí Giả nói rằng nếu để họ ngồi yên thì nghiệp chướng, phiền não, trần lao trào ra là khổ. Vì vậy, ngài bắt họ chấp tác.

Ta để ý sẽ thấy điều này, những người vô chùa công quả, nhưng vì nghiệp hay nói nên dù công quả nhưng cứ nhìn coi có ai để gợi chuyện.

Người nghiệp nặng, ngài bắt làm lao động cũng không cho làm chung, mỗi người làm một chỗ để không có điều kiện nói chuyện. Nhờ làm việc mà quên phiền não trần lao. Người này phải tu cách này, phải lao động, cho ở không là sanh chuyện.

Tôi thấy nhiều chùa dễ, các điệu sẽ hư hết. Chọn người làm Phật cho tu mà lại kiếm người mồ côi nghèo khổ cho làm sư. Ở chùa tôi thấy chú điệu phải thức dậy 3 giờ khuya để đánh chuông, nhưng chú ôm dùi chuông ngủ. Thầy trụ trì giận quá, kéo đầu chú dọng vô hồng chung thì chú tỉnh ngủ, nhưng một lúc sau lại ngủ nữa.

Phải có căn tu mới tu được. Không có căn tu không tu được mà nghiệp dễ sanh khởi. Ở chùa mà nghiệp khởi là hết thuốc chữa.

Hạng người thứ hai không phải là người sáng tạo nhưng nhờ có căn lành và được Phật hộ niệm, nên đọc kinh sách hiểu, nhớ và thực tập ứng dụng trong cuộc sống được kết quả tốt đẹp.

Vì vậy, người tu theo Phật, học, hiểu và tu là chính. Việc học thuộc lòng nhiều người làm được, nhưng hiểu sâu thì khó và thực tập gặt hái kết quả càng khó hơn nữa.

"Có người ở ngay thời Phật tại thế còn không thấy Phật thì ngày nay làm sao họ thấy Phật, nên họ chỉ thấy quyền lợi. Từ đó có giả sư, giả tu theo mưu đồ riêng của họ".

Ngoài đời cũng phân ra hạng thầy và hạng thợ là công nhân thợ thuyền. Tôi quan sát thấy những công nhân mỗi người làm một động tác, một việc thôi. Thí dụ người chuyên giao dịch làm việc này giỏi nhưng đưa vào xưởng thao tác như thợ không được. Anh khác làm quản lý đôn đốc giỏi, không phải làm giỏi, nhưng thiếu anh này không được. Mỗi người làm một việc cũng tốt.

Trong Phật pháp cũng chia ra hạng thượng căn, trung căn và hạ căn. Thí dụ thầy làm hương đăng cắm hoa bày trái cây đẹp là tốt rồi, hoặc thầy chăm sóc vườn chùa tạo cây cảnh đẹp cũng tốt, hoặc thầy làm nghi lễ tụng kinh truyền cảm làm người phát tâm cũng tốt. Đó là hàng hạ căn.

Người làm được hết mọi việc thuộc hàng trung căn và thượng căn. Tuy nhiên, hàng trung căn làm được nhiều việc nhưng không bằng hàng thượng căn phát minh nhiều việc mới. Hàng trung căn và hạ căn học phát minh của người trước và thực tập có kết quả.

Đức Phật là hàng thượng căn hiện lại cuộc đời này. Vì vậy, Ngài vào thiền định ngồi suốt 21 ngày hay 49 ngày không ăn uống ngủ nghỉ và Ngài đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

Theo kinh Pháp hoa, trong 4 điều kiện giúp mình tu được, căn lành là điều kiện trước nhất, vì có căn lành Phật mới gia bị được.

Nhờ căn lành bên trong, nhờ Phật hộ niệm khiến mình nghĩ như vậy, làm như vậy. Tôi hồi tưởng năm 1950 tôi mới 12 tuổi mà tự nhiên muốn đi tìm Phật. Sau này tụng kinh Pháp hoa tôi mới biết nhờ có căn lành khiến tôi tự muốn đi tìm đạo. Từ đó, trên bước đường tu mỗi khi gặp khó khăn nguy hiểm, tôi lại gặp được thầy hiền bạn tốt xuất hiện giúp đỡ để đi tới những nơi giúp tôi tiến tu.

Người bắt chước mà không có căn lành, Phật không gia bị. Họ cũng mặc áo tu nhưng tâm họ nghĩ thế tục. Người này nguy hiểm, ta dễ mắc lầm gọi là ma giả Phật. Họ dạy chúng ta niềm tin, nhưng họ không có niềm tin, điều này đáng sợ.

Tôi quan sát người có căn lành ở ngoài đời, nhưng 4 giờ sáng tới chùa tụng kinh, nghe pháp. Vì họ có căn lành nên Phật khiến họ làm vậy và làm vậy, họ vui, còn không đi chùa lễ Phật tụng kinh, họ cảm thấy trống vắng. Trái lại, tôi thấy ông điệu hay ông thầy tu ở chùa nhưng lười tụng kinh. Bị bắt buộc họ mới tụng kinh, khác với người tụng kinh bằng tấm lòng. Tu hành miễn cưỡng, chắc chắn Phật lực không gia bị, nên công đức không sanh, chỉ một thời gian họ bỏ tu. Cái gì thật thì lâu dài, cái giả không thể tồn tại lâu.

Vì vậy, Phật khuyên chúng ta điều quan trọng phải trồng căn lành trong Phật pháp, thương Phật pháp muốn hộ trì Phật pháp. Điển hình là Hòa thượng Quảng Đức có căn lành sâu dày nên Ngài tự thiêu thân để Phật pháp còn mãi.

Hoặc cô Su Dà Ta đem bát sữa định cúng thần linh, nhưng gặp Sa-môn Cù Đàm bị ngất, nên đã cứu Ngài trước. Đó là thấy sự thật như vậy. Nhưng nếu nhìn bằng niềm tin, bằng căn lành không phải ngẫu nhiên mà cô này gặp Ngài. Nhìn bằng căn lành thì đây là Bồ-tát hiện ra để làm việc này. Tôi cảm giác có sự sắp xếp, lúc đó có người xuất hiện để làm xong Phật sự quan trọng này rồi biến mất.

Người có căn lành biết thương đạo, hết lòng vì đạo, nhờ được Phật lực gia bị khiến họ nghĩ vậy. Thực tế cho thấy người nghèo để dành tiền cúng chùa cho Phật pháp tồn tại, vì có căn lành Phật khiến họ tự động làm như vậy. Cảm nhận lý này, tôi nguyện rằng người có căn lành, có nhân duyên, xin Phật khiến họ tới nghe pháp, cùng tu. Người có nghiệp ác, xin Kim cang Hộ pháp đưa đi giùm, tôi không đuổi, vì họ không có căn lành tu không được kết quả.

Tóm lại, hiểu rõ sự lợi lạc vô cùng của căn lành cho việc tu hành theo Phật, tất cả chúng ta cùng nỗ lực trồng căn lành ở Phật pháp để cuộc sống hiện đời luôn tràn đầy hỷ lạc và muôn kiếp về sau, đời nào cũng ở trong nhà Diệu pháp thăng hoa phước báu và đạo hạnh cho đến ngày viên mãn quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Bài giảng tại chùa Huê Nghiêm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày