Trung Quốc: Hai tượng Phật bằng đồng có niên đại sớm nhất được khai quật tại Thiểm Tây

Hai tượng Phật có niên đại lâu đời nhất vừa được phát hiện tại Trung Quốc
Hai tượng Phật có niên đại lâu đời nhất vừa được phát hiện tại Trung Quốc
0:00 / 0:00
0:00
GN - Các nhà khảo cổ mới đây đã phát hiện ra 2 tượng Phật bằng đồng mạ vàng lâu đời nhất Trung Quốc ở phía Tây Bắc của tỉnh Thiểm Tây.

Theo nguồn tin của Tân Hoa Xã, 2 cổ vật này được khai quật ở làng Thành Nhân, hiện thuộc thành phố Hàm Dương, Trung Quốc.

Các chuyên gia của Học viện Khảo cổ Thiểm Tây cho rằng 2 bức tượng có từ thời Đông Hán (202 trước Tây lịch - 220 sau Tây lịch) và được tìm thấy trong một nghĩa trang gia tộc có sáu ngôi mộ cổ. Những tác phẩm đặc biệt này có niên đại sớm hơn 2 thế kỷ so với những cổ tượng Phật giáo được khám phá trước đây. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng cho đến thời đại của Ngũ Hồ thập lục quốc (304 - 439 sau Tây lịch) 2 bức tượng này vẫn chưa xuất hiện.

Một trong hai bức tượng được mô phỏng rất rõ ràng hình dáng của Đức Phật Thích Ca và bức tượng còn lại là Ngũ Phật. Theo Tân Hoa Xã, tổng chiều cao của tượng Phật Thích Ca là 10,5 cm; đường kính chân đế là 4,7cm; tổng chiều cao của bức tượng còn lại là 15,8cm và chiều rộng là 6,4cm.

Đáng chú ý hơn, 2 bức tượng này dường như được các nghệ nhân địa phương tại Trung Quốc tạo hình theo phong cách Gandhara. Gandhara là một khu vực thuộc vùng Trung Á, đồng thời cũng là một trong những nơi dẫn đầu về phong cách nghệ thuật Phật giáo sớm nhất dưới sự thống trị của các tộc người Indo - Hy Lạp, Indo - Scythia, Indo - Parthia và Kushans.

Theo Tân Hoa Xã, kết luận về xuất xứ này dựa trên kết quả sơ bộ về đặc điểm hình dáng, phân tích quá trình tạo ra sản phẩm và phát hiện thành phần kim loại của 2 tôn tượng này. Như vậy, điều đó có nghĩa là 2 tôn tượng không những có giá trị về mặt di vật và khảo cổ học Phật giáo, mà còn rất quan trọng đối với việc xác định lịch sử du nhập và sự tồn tại của văn hóa Phật giáo trong quá khứ.

Đại diện của Học viện Khảo cổ Thiểm Tây nói với Hãng Truyền thông Deutsche Welle: “Những phát hiện này cho thấy rằng Phật giáo đã truyền đến Trung Quốc từ Nam Á qua Con đường tơ lụa cổ đại trong thời kỳ thịnh vượng nhất của hành trình giao lưu văn hóa này-tức là vào thời nhà Hán”.

Từ tháng 6-2020 đến tháng 11-2021, Học viện Khảo cổ Thiểm Tây đã khai quật được 3.648 ngôi mộ và 16.000 bộ hiện vật ở Hàm Dương. Các nhóm chuyên gia đã khảo sát tại Khu nghĩa trang Hồng Đô Viên, nằm ở phía Bắc của Tây An, còn được gọi là Trường An, kinh đô của triều đại nhà Đường (618 - 907).

Các ngôi cổ mộ và những hiện vật tại khu nghĩa trang này đã trải qua 2.200 năm, từ thời Chiến Quốc (475 - 221 trước Tây lịch) đến triều đại nhà Thanh (1644 - 1911). Hầu hết các hiện vật được phát hiện trong các lăng mộ của Hồng Đô Viên có chất lượng rất cao, thời gian tồn tại lâu dài và là những đồ vật chưa từng có tại quốc gia này.

Lý Minh, một chuyên gia của Học viện Khảo cổ Thiểm Tây, cho biết: “Chủ nhân của Khu nghĩa trang Hồng Đô Viên có thể là một quan chức cấp quận hoặc địa chủ, người này có sức ảnh hưởng trong gia đình và sức mạnh nhất định về kinh tế.” Hầu hết những người được chôn cất trong các lăng mộ đều là hoàng tộc, các vị quan lớn và những người có quyền thế được ghi lại trong sử sách.

Rất có thể những tác phẩm điêu khắc này là một phần của những lễ vật thờ tự tôn giáo và đại diện cho danh dự của người chủ sở hữu đồ vật đó; ngoài ra, những gì khai quật được cũng cho thấy rằng người chủ có hiểu biết nhất định về đạo Phật và thậm chí là giáo lý Phật giáo. Là một phần trong những đồ vật không thể thiếu của một người cư sĩ Phật tử, 2 bức tượng Phật đã thể hiện lòng mộ đạo sâu sắc của người chủ sở hữu này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày