Ấn Độ: Phát hiện thêm hai tòa Kim cang tại Bồ Đề Đạo Tràng

Tòa Kim Cang thứ nhất đặt cạnh cây bồ-đề và tháp Đại Giác gắn với sự kiện Thành đạo của Đức Phật
Tòa Kim Cang thứ nhất đặt cạnh cây bồ-đề và tháp Đại Giác gắn với sự kiện Thành đạo của Đức Phật
0:00 / 0:00
0:00

GN - Theo các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, mới đây, một quan chức thuộc Cơ quan Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (Archaeological Survey of India - ASI) đã thông báo rằng họ vừa mới tìm thấy thêm hai tòa Kim cang (Vajrasana) hay còn gọi là tòa Giác ngộ thời Đức Phật tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Shanker Sharma, một chuyên gia khảo cổ học ASI, cho biết ông và cộng sự đã tìm thấy được hai tòa Kim cang, tòa thứ nhất nằm bên trong một ngôi đền Hindu gần đó; tòa thứ hai chỉ còn lại một mảnh vỡ và được phát hiện trong khuôn viên của tháp Đại Giác.

Vào tháng 2 vừa qua, khi tìm hiểu những dữ liệu liên quan, Sharma được củng cố niềm tin rằng những gì mà ông nhìn thấy chính là tòa Kim cang gắn với sự kiện Đức Phật Thành đạo đã bị thất lạc, nhưng việc xác minh đã bị hoãn lại vì đại dịch Covid-19.

Như vậy, cho đến nay, có tổng cộng ba tòa Kim cang gắn với sự kiện Thành đạo của Đức Phật đã được phát hiện. Đó là những khối đá được chạm khắc tinh xảo đã được bảo lưu tại gốc đại thụ bồ-đề lịch sử nhằm đánh dấu nơi Đức Phật thành đạo.

Tòa Kim cang đầu tiên là một phiến sa thạch đỏ hình chữ nhật được chạm trổ và trang trí rất công phu nằm dưới cây bồ-đề, liền kề với tháp Đại Giác. Theo Thurman, tòa này được vua A Dục (Asoka) đặt vào thế kỷ thứ ba (năm 260 trước Tây lịch). Hiện nay, tòa Kim cang này trở thành “nơi mà bản chất của sự giác ngộ bắt đầu xuất hiện trên thế gian này” và nhận được sự kính ngưỡng của du khách hành hương khắp nơi vì đó là hiện vật liên quan tới Đức Thế Tôn.

Hai bệ đá tương tự đã bị mất tích hơn 100 năm: tòa Kim cang thứ hai được đặt dưới cội bồ-đề vào khoảng thế kỷ thứ I - II sau Tây lịch trong thời vua Kushan; tòa thứ ba được lắp đặt vào thế kỷ thứ VII, và nguồn gốc của tòa Kim cang này vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi.

Alexander Cunningham (1814-1893), Tổng Giám đốc đầu tiên của ASI, đã khai quật được cả ba tòa Kim cang này trong một cuộc khảo sát tại tháp Đại Giác vào năm 1880 - 1881. Bảo tòa hình chữ nhật do vua A Dục được đặt lại dưới gốc cây bồ-đề, nhưng những ghi chép chi tiết về hai tòa còn lại đã bị thất lạc.

Trong quá trình nghiên cứu, Sharma đã tham khảo hồ sơ khai quật của nhà khảo cổ Cunningham, cũng như các ký sự của hai nhà chiêm bái Trung Quốc nổi tiếng là Pháp Hiển (337-422) và Huyền Trang (602-664) để tìm những đặc điểm của các tòa Kim cang được ghi chép lại.

Sharma cho biết sau khi khai quật, ông đã đặt tòa Kim cang thời Kushan tại ngôi đền Vageshwari Devi (Saraswati), phía Đông của tháp Đại Giác. Tòa Kim cang thứ hai này hoàn toàn giống với những gì được mô tả trong các tư liệu mà ông đã tìm hiểu trước đó. Được chạm khắc từ đá xám, hơi bị biến dạng vì thời tiết và có thể đã bị phá hoại, nhưng phần lớn phiến đá vẫn còn nguyên vẹn. Bảo tòa có dạng hình tròn, với đường kính 173cm và dày 21cm.

Tòa Kim cang thời Kushan được đặt tại ngôi đền Vageshwari Devi, phía Đông tháp Đại Giác

Tòa Kim cang thời Kushan được đặt tại ngôi đền Vageshwari Devi, phía Đông tháp Đại Giác

Tòa Kim cang thứ ba cũng là một phiến đá xám và được tìm thấy bên dưới một gốc cây trong khuôn viên của tháp Đại Giác, các hình chạm khắc tinh xảo trên tòa này đã bị xóa mờ và gần một nửa phiến đá đã bị hư hoại; phần còn lại rộng 68cm và dày 16cm.

Tòa Kim cang thứ ba có niên đại thế kỷ VII sau Tây lịch chỉ còn lại một nửa

Tòa Kim cang thứ ba có niên đại thế kỷ VII sau Tây lịch chỉ còn lại một nửa

Các hoa văn hình vẫn còn có thể nhìn thấy được trên hai tòa Kim cang này bao gồm cánh sen, hoa, dây leo, kim cương chử (vajra), động vật và các dạng hình học.

Sư Chalinda, trụ trì tháp Đại Giác, nhấn mạnh rằng chưa có quyết định nào về việc lấy lại bệ đá bên trong đền Vageshwari Devi: “Một trong hai bảo tòa nằm trong một ngôi đền gần đó và không thuộc về thẩm quyền của chúng tôi. Tòa còn lại nằm dưới gốc cây bên trong khuôn viên chùa của chúng tôi. Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ quyết định sẽ làm gì với bảo tòa này”, sư Chalinda cho biết.

Nhà khảo cổ học Sharma đang chuẩn bị một báo cáo về những phát hiện của mình để trình bày tại hội nghị thường niên lần thứ 20 của Hiệp hội Nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ, sẽ được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 3-10 tới đây tại Nalanda.

“Hai tòa Kim cang này là những vật thiêng liêng nhất đối với lịch sử Phật giáo. Nếu chúng bị đánh cắp hay hư hoại thì đó sẽ là một tổn thất rất lớn; vì vậy, hai bảo tòa này cần phải nhanh chóng được chuyển đến nơi an toàn”, Sharma nhận xét.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày