Với chủ đề Cười, buổi triển lãm và ra mắt sách ảnh bao gồm 108 tác phẩm được nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, một Phật tử, ăn chay trường, chọn lựa từ hàng ngàn tấm ảnh “săn” được trên dọc miền đất nước, đã được tổ chức tại không gian Đường sách TP.HCM.
Điều đặc biệt, trong triển lãm, các bức ảnh dù không kèm theo nhiều ngôn từ chú thích về nhân vật hay địa điểm chụp, người xem vẫn có được sự rung động theo cách khác nhau. “Tôi thấy được niềm hạnh phúc của đứa trẻ ôm lấy đôi chân bị cụt 1/2 của cha, thông qua nụ cười của cháu”; “Hình ảnh cụ già và những đứa trẻ vất vả mưu sinh, mặt mày lem luốc cắn cây mía, hoặc ăn vội ổ bánh mì với nụ cười rạng rỡ khiến tôi suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống và phải nhìn lại bản thân, xả bớt những lo toan”, “Hình ảnh tu sĩ với nụ cười hỷ lạc, gương mặt hiền từ, thanh thoát làm tôi say mê. Sự buông bỏ giúp những nét hảo tướng, thánh thiện của con người hiện diện rõ hơn. Khoảnh khắc này giúp tôi suy nghĩ sâu sắc hơn sự kiến tạo hạnh phúc, về chân, thiện, mỹ trong cuộc sống này” - đó là một vài cảm nhận của khách tham quan khi được hỏi ngẫu nhiên tại triển lãm Cười.
Đến với triển lãm, nhiều người đều có chung một nhận định: “Những bức ảnh đời thường nhưng lại ẩn chứa thông điệp mạnh mẽ”.
Tại triển lãm, nhiếp ảnh gia đường phố Trần Thế Phong bộc bạch: “Dù đi đến đâu, tôi cũng bị ấn tượng bởi những nụ cười”. Đó có thể là những em bé còn nằm ngoan trên lưng mẹ, những đứa trẻ chạy chân trần trên cát nóng, những người phụ nữ miền duyên hải cười hiền trong lúc kéo lưới, hay những cụ già đã đi đến chặng cuối cuộc đời, những tu sĩ đang chấp tác, cắm hoa... Dù là ai, dù làm công việc gì, ở độ tuổi nào, nụ cười của họ luôn tràn đầy năng lượng tích cực, vui tươi.
“Cả tập sách ảnh gồm 108 tác phẩm, tôi không chú thích nụ cười của ai, ở đâu, khi nào vì xúc cảm không cần phải diễn giải quá dài. Tôi không phân biệt nụ cười của ai sẽ đẹp hơn, không đặt lên hay hạ xuống theo địa vị. Nụ cười đơn giản nhất là khi lòng sướng vui, khi thân tâm bình an, lòng nhẹ bẫng”, anh Phong chia sẻ.
Những nụ cười trong các tác phẩm không chỉ đem đến cho người xem một nguồn năng lượng tích cực mà còn có ý nghĩa rất lớn lao ngay đối với tác giả. Điều đó đã được anh Trần Thế Phong ghi lại trong lời nói đầu của tập sách ảnh Cười: “Các bức ảnh đó là những khoảnh khắc giúp tôi nhìn cuộc sống tích cực hơn, và cũng là động lực giúp tôi vươn lên, san sẻ cùng mọi người mà tôi đã gặp. Với tôi, nụ cười còn giúp chúng ta sống vị tha hơn, chia sẻ, thông cảm nhiều hơn, làm ta hạnh phúc và mở rộng trái tim với mọi người”.
Được biết, một phần số tiền thu về từ việc bán sách sẽ được nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong dành cho hoạt động hướng thiện, chung tay cùng Chính phủ mua vắc-xin phòng chống Covid-19 và chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong |
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Tính luôn tập sách và triển lãm ảnh Cười, đến nay, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã tổ chức 16 triển lãm và ra mắt 10 cuốn sách ảnh.
Một số triển lãm ảnh trong nước và quốc tế đáng chú ý như: Hướng về miền Trung (11-2020); Sài Gòn Covid-19 (10-2020); Nhịp sống Sài Gòn (9-2019); Chân dung (6-2018); Mưu sinh (6-2017); 45 ngày tại Thụy Sĩ (7-2016); Ánh sáng cuộc sống (8-2015); Vượt qua bóng tối (4-2014); Gánh (2-2011)...
Những tập sách ảnh đã xuất bản: Sài Gòn Covid-19 (10-2020); Nhịp sống Sài Gòn (8-2019); Chân dung (6-2018); Mưu sinh (5-2017); 45 ngày tại Thụy Sĩ (7-2016); Ánh sáng cuộc sống (8-2015); Vượt qua bóng tối (4-2014); Những nẻo đường tuổi thơ (5-2012); Gánh (5-2011).