Tu là hiếu thảo

Tu là hiếu thảo
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Năm 2016, từ Làng Mai, con chuyển về Huế ở Diệu Trạm để tu tập. Đồng thời, đó là cơ hội được về thăm gia đình ba mẹ đang sinh sống ở Đắk Lắk.

Trong lúc thăm gia đình, thì đã thấy ba đau phổi hay sốt khi trời lạnh. Ba phải tiêm kháng sinh, còn mẹ thì hay quên và suy nghĩ tiêu cực khi mẹ vẫn sinh hoạt như mọi người.

Năm 2016, từ Làng Mai, con chuyển về Huế ở Diệu Trạm để tu tập. Đồng thời, đó là cơ hội được về thăm gia đình ba mẹ đang sinh sống ở Đắk Lắk. Trong lúc thăm gia đình, thì đã thấy ba đau phổi hay sốt khi trời lạnh. Ba phải tiêm kháng sinh, còn mẹ thì hay quên và suy nghĩ tiêu cực khi mẹ vẫn sinh hoạt như mọi người.

Hết phép, con về Diệu Trạm nhập chúng và an cư năm 2016. Trong an cư, con thực tập thở cho ba và lạy sám pháp cầu an cho mẹ. Mãn an cư, con xin phép về nhà hai tuần để đem mẹ đi khám và tiện ở gần để chăm sóc cho ba. Con thấy mẹ thường ở trong bóng tối tự nói chuyện một mình, thường nghĩ tiêu cực cho người khác. Con nghĩ rằng nguyên nhân là mẹ bị sốc từ khi em trai con chết. Bởi vì cái chết của em, mẹ nghĩ là do mẹ. Nỗi ám ảnh kéo dài qua tháng năm, có khi mẹ ngủ hay la hét trong giấc mơ.

Con được một bạn tu giới thiệu, dẫn mẹ vào bác sĩ chuyên khoa về thần kinh khám bệnh, chụp MRI. Nhìn phim, bác sĩ cho biết mẹ bệnh teo não và trầm cảm. Bác sĩ hỏi vài câu, mẹ trả lời sai ý của câu hỏi của bác sĩ. Sau khi đọc MRI, bác sĩ nói với con “muộn quá rồi, một khi đã teo não thì không có thuốc chữa trị được”. Mẹ cảm nhận được là mẹ bị bệnh nặng không chữa được. Con thương mẹ mà không cầm được nước mắt.

Tình cảnh của ba mẹ như vậy, con xin phép đại chúng ở chăm sóc cho ba mẹ thêm nữa và đại chúng hoan hỷ. Con chưa bao giờ xa đại chúng lâu dài như thế. Con phải thực tập sao cho thấy Tăng thân nơi con. Con đã trải qua nhiều buồn vui lo lắng cô độc, lẻ loi do thiếu bạn đồng tu. Nhưng nhờ hơi thở, nhờ pháp thoại của Sư ông đã giúp con có sức mạnh hơn khi thực tập ở nhà.

Vài tháng chăm sóc thì con giảm sức mà tình trạng của ba mẹ chưa thấy thuyên giảm, nên con gọi sư em Lâm Nghiêm - em ruột con ở Thái về giúp. Sư em về, không khí gia đình trở nên vui hơn nhiều. Chị em con nương nhau để tu học và chăm sóc ba mẹ. Lúc đó, con thấy rõ, có em cùng đi tu là một món quà quý giá biết bao. Nếu ở đời, chúng con đâu có thể có điều kiện chăm sóc cho ba mẹ được như thế này.

Ba con hàng ngày sống và khuyên dạy các con bằng kinh nghiệm của ba. Chúng con rất kính trọng ba, dù sự yêu thương của ba lúc nào cũng nghiêm khắc, tuy vậy, có lúc lại rất nhẹ nhàng. Anh chị em con sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ, song thân không dùng đòn roi, không bắt buộc điều gì với chúng con.

Ba lại rất thỏa lòng khi ba chị em con đi tu. Ba rất vui mỗi khi đến tu viện thăm chúng con, thấy con mình hạnh phúc và có nơi tu tập đúng Chánh pháp để giúp đời an lạc là ba rất yên tâm. Ba bệnh nặng, những đau đớn nơi thân thể làm cho ba khô gầy nhưng ý chí ba rất kiên cường. Năm tháng cuối đời, đau đớn, mệt nhọc rất nhiều như vậy mà lúc nào hơi khỏe là ba lại đem kinh và mở pháp thoại ra nghe.

Ba rất thích nghiên cứu Duy biểu của Sư ông. Ba là huynh trưởng nên thường giảng dạy cho đoàn sinh nên ba nghiên cứu giáo lý rất nhiều. Ba có nhiều kinh sách để học, ba cũng rất thích tụng kinh. Mỗi khi con về nhà thì hai cha con cùng tụng kinh, ba thỉnh mõ, con thỉnh chuông, có lúc mẹ cũng lên tụng kinh. Tụng kinh tiếng Việt có nội dung hướng dẫn tu tập nên tụng là tu. Đó là những giây phút nuôi dưỡng con rất nhiều.

Lúc ba bệnh ung thư vòm họng, tụng kinh không rõ, không đủ sức nữa, vì chữa bằng xạ trị nên cổ họng teo hẹp, ăn uống rất khó khăn. Con tìm cách nấu cho ba thức ăn vừa đủ dinh dưỡng vừa mềm để dễ nhai nuốt. Ba đã giảm lượng cơm, mỗi bữa ba chỉ dùng chưa đầy một chén. Trước đây, ba dùng đều đặn sáu chén mỗi ngày. Ba sợ con buồn nên ba đã nói: “Ba không khỏe nên không ăn được nhiều. Ít bữa, ba khỏe, ba sẽ ăn ngon và ăn nhiều hơn”.

Khi phải ăn ít hơn, chúng ta ăn có chánh niệm thì vẫn nuôi dưỡng được thân và tâm của mình và của người thân nữa. Ngày nào ba cũng đau, chiều chiều thì bị sốt. Có nhiều đêm nghe tiếng ba rên, con vào thì thấy ba ngồi và run cầm cập. Nhiều đêm liên tục, ba mất ngủ nên sức khỏe của ba mau suy giảm. Con đem ba đi chữa trị nhiều nơi, bác sĩ đều lắc đầu, bệnh ba không thuyên giảm, khiến con lưu tâm thực tập trong chăm sóc mong ba được thêm thoải mái.

Lần cuối cùng, ba đau nặng nhất, phải nhập viện, đây là lần có nhiều sư anh, sư chị, sư em trong Tăng thân đến chăm sóc cho ba tại bệnh viện với chúng con. Một sự chăm sóc đầy đủ và đúng lúc. Có sư chị Tánh Nghiêm và sư em Lộc Nghiêm tận tình giúp ba thở nhẹ và bình an cho lắng dịu nỗi đau lớn trong thân.

Ba mỉm cười, gửi niềm thương yêu đến chỗ đau rất hết lòng. Nhờ vậy ba bình an nuôi dưỡng mọi người. Nhờ có Tăng thân, chúng con chăm sóc cho ba đỡ nhọc nhằn và tinh thần vững hơn. Thời gian này, ngày nào cũng có người đến thăm, khích lệ tinh thần cho ba. Được nhiều người thương như pháp, chúng con được tưới tẩm dòng nước hiểu biết, thương yêu.

Giờ phút cuối cùng sư anh, sư chị, sư em và mọi người niệm danh hiệu Bồ-tát Lắng nghe - vị Bồ-tát mà ba rất ngưỡng mộ. Ba cùng niệm theo đã giúp ba ra đi trong mãn nguyện. Ba biết ơn quý thầy, quý sư cô và đạo hữu đoàn sinh đã yểm trợ bằng chánh niệm cho ba lúc bệnh, lúc hấp hối và lúc mất. Đó là một sự hộ niệm tối quan trọng. Vì Thầy chúng ta đã dạy, có chánh niệm thì sự cầu nguyện mới có hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu cầu nguyện mà thiếu năng lượng chánh niệm, nhất là năng lượng tập thể ở đây và khắp chốn thì vẫn rất cần và rất quý, song hiệu quả thế nào là còn tùy thuộc rất nhiều nhân duyên. Bên cạnh đó, cầu nguyện lại còn tùy thuộc vào đương sự có biết giáo pháp và sự thực tập giáo pháp. Nếu có sự kết hợp cả hai sẽ tạo thành một năng lượng mang lại hiệu quả lớn lao. Mình sống ra sao thì tương lai tương xứng với hiện tại. Tương lai trong sát-na vô thường và tương lai qua nhất kỳ vô thường. Ba mất ngày 26-2-2018.

Ba mất, mẹ con khóc rất nhiều, trong thời điểm ấy bệnh tình của mẹ chưa nặng lắm. Theo thời gian, từ từ bệnh của mẹ nặng hơn. Ban đầu thì quên, bất cứ thứ gì mẹ con cũng đều cất hết. Cho nên, mỗi khi cần dùng gì thì không thấy nên phải đi tìm. Như lúc nấu ăn tìm kiếm mãi mới thấy con dao do mẹ đem cất ở trong tủ lạnh. Cho tới chìa khóa xe, giấy tờ xe mẹ đều lấy cất nếu mình để ra cho mẹ thấy.

Quý thầy, quý sư cô đến thăm, lúc về tìm dép không ra, bởi mẹ đã bỏ vào trong bao đựng rác. Mẹ bẻ hái cả hoa trong vườn… Có quá nhiều thay đổi trong mẹ. Mẹ sống và làm ngược lại với sinh hoạt bình thường. Có khi mẹ hiểu lầm người khác nói gì đó, rồi giận hờn và buồn tủi. Mẹ hay khóc, đòi về nhà, mặc dù mẹ đang sống trong chính căn nhà của mẹ.

Hiện tại, mẹ còn nhớ được tên các con, nhưng theo con tìm hiểu, đến một lúc mẹ sẽ quên hết mọi thứ, rồi nằm một chỗ, sống đời thực vật. Do đó, chị em con đã tranh thủ dẫn mẹ đi chơi, đi suối... cho mẹ khuây khỏa khi mẹ còn ý thức được chút ít. Chị em đã tìm mọi cách chữa trị với hy vọng may ra giúp mẹ giảm bệnh.

Bao nhiêu thay đổi mỗi ngày mỗi tệ của mẹ, chúng con có lúc cũng chợt bực mình, nhưng vẫn nhắc nhau nhớ rằng “mẹ đang bệnh” để lắng dịu cảm xúc và khởi tâm thương mẹ nhiều hơn. Nếu không có thực tập pháp môn, không biết chúng con sẽ sống ra sao?

Bây giờ, mẹ không còn biết gì nữa đến bữa giúp mẹ ăn thì ăn, dắt đi ngủ thì ngủ, chăm sóc mọi bề cho mẹ. Hai chị em con cũng đuối sức vì ban đêm thay nhau ngủ bên mẹ. Mẹ ban đêm hay lên cơn co giật. Em trai con là Chân Trời Đâu Suất được chúng Thái Lan cho phép về yểm trợ thêm năng lượng cho chị em con. Khiến hai chị em trân quý tình cảm ruột thịt, tình cảm Tăng thân.

Ban ngày, mẹ đi không biết tránh những gì trước mặt nên cứ đụng vào tường, sưng đầu, sưng trán. Chúng con dẹp hết bàn ghế để mẹ lui tới ít nguy hiểm hơn. Cửa phòng, cửa nhà và cổng đều được đóng kín để mẹ khỏi ra ngoài, mẹ dễ bị té ngã hay đi lạc... Ai vào thăm cũng thực tập đóng cửa cẩn thận như chúng con.

Lúc nhỏ, mẹ sống với mẹ kế đã gánh chịu biết bao thương đau như chuyện Tấm Cám. Khi lập gia đình thì ba lại bệnh sớm, mẹ nuôi chồng và nuôi sáu đứa con. Mẹ vất vả đêm ngày mới có điều kiện cho chúng con ăn học. Chúng con rất thương kính và biết ơn mẹ.

Chúng con rất may mắn khi được xuất gia. Cuộc đời chồng con gian khổ lắm thay, nhờ pháp môn tu mà chúng con chăm sóc cho ba mẹ có được niềm vui và đi ra khỏi những nỗi buồn suốt một thời gian dài như vậy và vẫn còn đang tiếp tục. Huynh đệ về thăm đều khen chị em con. Chúng con nhờ biết quán chiếu nuôi dưỡng thương yêu và lòng biết ơn và luôn được Tăng thân yểm trợ nên chúng con mới đủ sức đi qua đoạn đường đầy bất trắc bất ngờ này.

Sáu năm về nhà sống với ba mẹ, chúng con lớn lên và trải nghiệm thế nào là kiên nhẫn, thế nào là tha thứ, thế nào là bao dung. Đồng thời, có cơ hội làm cho thương yêu biểu hiện, cho tâm Bồ-đề phát triển để chúng con rất biết ơn Thầy, biết ơn Tăng thân và tăng thân cư sĩ xa gần.

Chúng con xin tạc dạ trời biển thâm ân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày