Từ những trang kinh: Nhờ thấy biết mà đoạn trừ phiền não

Tập khí nặng nề nhất của chúng sinh là chấp thủ tự ngã, rằng có một cái tôi thường hằng, có linh hồn trường cửu bất diệt
Tập khí nặng nề nhất của chúng sinh là chấp thủ tự ngã, rằng có một cái tôi thường hằng, có linh hồn trường cửu bất diệt
0:00 / 0:00
0:00

GN - Một thời Phật du hóa ở Câu-lâu-sấu, tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu… Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

Có bảy sự đoạn trừ lậu, phiền não, pháp ưu sầu. Những gì là bảy? 1- Có lậu được đoạn do kiến, 2- Có lậu được đoạn do hộ, 3- Có lậu được đoạn do ly, 4- Có lậu được đoạn do dụng, 5- Có lậu được đoạn do nhẫn, 6- Có lậu được đoạn do trừ, 7- Có lậu được đoạn do tư duy.

1- Thế nào là lậu được đoạn do kiến? Kẻ phàm phu không được nghe Chánh pháp, không gặp bậc chơn trí thức, không biết Thánh pháp, không được điều ngự theo Thánh pháp, không biết như thật về pháp, không có chánh tư duy nên suy nghĩ thế này: ‘Ta có đời quá khứ? Ta không có đời quá khứ? Do nhân duyên gì ta có đời quá khứ? Đời quá khứ ta như thế nào? Ta có đời vị lai? Ta không có đời vị lai? Do nhân duyên gì ta có đời vị lai? Ta có đời vị lai như thế nào?’ Người ấy hoài nghi về mình rằng: “Thân ta là gì, nó là thế nào? Nay chúng sanh này từ đâu đến, và sẽ đi về đâu? Trước kia do nhân gì mà có, và sẽ do nhân gì mà có?’. Người kia khởi tư duy không chánh như vậy rồi, trong sáu tà kiến, một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Quả thật có thần ngã’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Quả thật không có thần ngã’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Thần ngã thấy là thần ngã’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Thần ngã thấy là phi thần ngã’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Chính thần ngã ấy có thể thấy, có thể biết, có thể hành động, có thể sai khiến hành động, có thể đứng dậy, có thể sai khiến đứng dậy, sanh vào nơi này, nơi kia, thọ lãnh thiện báo, ác báo; quyết không từ đâu đến, quyết không phải đã có, quyết không phải sẽ có’. Đó tệ của kiến; bị kiến lay động, bị kết sử của kiến buộc chặt. Kẻ phàm phu ngu si vì thế mà phải chịu cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử.

Đa văn Thánh đệ tử được nghe Thánh pháp, gặp bậc chơn tri thức, được chế ngự theo Thánh pháp, biết pháp như thật, biết như thật về Khổ, biết Khổ tập, biết Khổ diệt và biết như thật Khổ diệt đạo. Biết như thật như thế rồi, ba kết tận trừ. Khi ba kết là thân kiến, giới thủ, và nghi đã trừ hết, chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn đọa lạc ác pháp, chắc chắn thăng tiến đến chánh giác, thọ sanh tối đa bảy đời trong thiên thượng và nhân gian. Sau bảy lần qua lại liền chứng đắc Khổ đế. Nếu không có tri kiến thì phát sanh phiền não, ưu sầu, có tri kiến thì không phát sanh phiền não, ưu sầu. Đó là lậu được đoạn trừ do kiến.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Lậu tận, số 10 [trích])

Kinh văn, Đức Phật nói có đến bảy pháp có thể đoạn trừ lậu hoặc, phiền não. Pháp thoại này chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề đầu tiên “Có lậu được đoạn do kiến”. Kiến đây là sự thấy biết như thật, là quan điểm đúng với chân lý, là nhận thức đúng với Tứ Thánh đế. Nhờ luôn thấy rõ các pháp vô thường sinh diệt, các pháp do duyên sinh như huyễn hóa, không có cái gì chắc thật và làm chủ ở trên đời. Nhờ thấy rõ như vậy nên buông, buông càng nhiều thì đau khổ sẽ vơi theo, buông hết thì khổ dứt.

Tập khí nặng nề nhất của chúng sinh là chấp thủ tự ngã, rằng có một cái tôi thường hằng, có linh hồn trường cửu bất diệt. Tham ái tự ngã và chấp thủ cái tôi (ngã) cùng cái của tôi (ngã sở) là cội nguồn của mọi khổ đau. Tham ái và chấp thủ tự ngã càng nhiều thì khổ đau càng lớn, phiền não càng chồng chất. Trong khi sự thật thì ngũ uẩn hay thân tâm này là do duyên sinh, thực sự không có cái tôi. Nếu tâm trí chưa sáng mà thấy có cái tôi cũng chỉ là huyễn có, bản chất của nó là không thật, duyên sinh-vô ngã.

Thường xuyên “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” thì ta sẽ ngộ ra nhiều điều, nhờ vậy mà góp phần phá trừ “thân kiến, giới thủ, và nghi”. Tuệ quán thường trực về duyên sinh-vô ngã thì chắc chắn sẽ làm suy yếu tham ái và diệt trừ chấp thủ tự ngã, phiền não cũng từ đây rơi rụng dần. Đó là cách tu đoạn trừ lậu hoặc do thành tựu tri kiến.

Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày