Tuổi thơ gắn với ngoại và Giác Ngộ

Phật tử Ngô Trí Minh luôn mong giá trị tốt đẹp mà báo đã, đang mang lại cho độc giả sẽ duy trì và phát triển hơn nữa...
Phật tử Ngô Trí Minh luôn mong giá trị tốt đẹp mà báo đã, đang mang lại cho độc giả sẽ duy trì và phát triển hơn nữa...

GNO - Tôi nhớ những ngày còn bé, mỗi khi chú giao báo đến nhà là chạy lon ton ra nhận báo rồi hớn hở đưa tận tay cho ông ngoại. Nhân duyên dẫn tôi đến Báo Giác Ngộ cũng từ đấy, ban đầu là một nhiệm vụ sau trở thành một thói quen và gắn liền cả một thời thơ ấu đến tận bây giờ.

Năm 10 tuổi cầm trên tay cuốn báo, tôi thắc mắc hai chữ “Giác Ngộ” nghĩa là gì? Được ông giải thích tôi dần hiểu hơn về Phật - Pháp - Tăng, về Đức Thế Tôn, về quy y Tam bảo từ những bài viết trong các trang báo Giác Ngộ và trở thành một người con Phật từ thuở nhỏ xíu đó.

Khi lớn hơn phải rời quê để học tập, trước khi khăn gói lên đường tôi không quên lời dạy của ông ngoại là phải sống tử tế, cùng với thói quen đọc Giác Ngộ mỗi tuần. Dù thời sinh viên, kinh tế không đủ đầy nhưng tuần nào tôi cũng trông chờ đến thứ 6 để mua về cuốn báo như một lời nhắc nhở “tử tế” trong mỗi chuyên mục, hay những lời dạy sâu sắc từ các vị Hòa thượng, các bậc hiền nhân cho một đứa con xa quê nhà.

Ví Giác Ngộ như đóa sen trong bùn thì 1.000 năm sau hoa sen vẫn nở vậy mà.

Sau này, khi thời đại công nghệ thông tin phát triển, với thời gian hạn hẹp cho công việc, Giác Ngộ online trở thành người bạn đồng hành những khi tôi rảnh rỗi, là nơi tôi có thể tìm đọc những thông tin về Phật giáo được cập nhật liên tục, với nhiều chuyên mục phong phú: như Phật giáo - Tuổi Trẻ, Phật giáo nước ngoài, hay Văn học - Nghệ thuật, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về văn hóa, thông tin cho những người học Phật trong và ngoài nước.

Báo Giác Ngộ cho tôi tìm thấy giá trị nhân văn, đạo đức và hướng thiện mang thông điệp yêu thương của Đức Thế Tôn đến muôn người, muôn loài. Từ đó, ý thức được thêm trách nhiệm của người con Phật, thiết lập bình an ngay trong tâm, mỗi người có bình an, hạnh phúc mới có thể đóng góp những giá trị lớn lao và các công việc thiện lành cho xã hội.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các trang báo mạng, cùng với các thông tin tràn lan, bạo lực. Giác Ngộ như một đóa hoa sen trong bùn, nhằm giúp những giáo lý từ bi của Đức Thế Tôn đến gần hơn với giới trẻ.

Tôi nghĩ, trang Giác Ngộ online cần có thêm diện mạo mới, kết hợp với tiếng chuông hay âm thanh nhạc thiền mỗi khi độc giả truy cập trang báo tạo thêm hiệu ứng cho giới trẻ có phương tiện lắng nghe tiếng chuông - quay về hơi thở, lắng lòng đọc những trang viết của Giác Ngộ thêm phần sâu sắc và ý nghĩa hơn.

Cũng mong Giác Ngộ có thêm nhiều chuyên mục đa dạng hơn cho thanh thiếu niên, đặc biệt là thiếu nhi - ví dụ như các tranh vẽ ngắn gọn về câu chuyện nhân quả hay cuộc đời Đức Phật và các vị đại đệ tử - để những búp sen non có cơ hội tiếp xúc và được tưới tẩm hạt giống của tình thương mà Đức Thế Tôn để dành cho chúng ta.

Nhân dịp 40 năm ngày báo Giác Ngộ ra số đầu tiên, tôi luôn mong rằng những giá trị tốt đẹp mà Giác Ngộ đã và đang mang lại cho độc giả gần xa sẽ được duy trì và phát triển hơn nữa trong những năm về sau, mỗi số báo không chỉ đơn thuần là một bài báo bình thường mà là cả một tài liệu quý giá có thể được giữ gìn cho hàng hậu học. Ví Giác Ngộ như đóa sen trong bùn thì 1.000 năm sau hoa sen vẫn nở vậy mà.

Ngô Trí Minh
(nhân viên văn phòng tại TP.HCM)
PV
ghi

* Giác Ngộ mong nhận được nhiều bài viết, hình ảnh nhân kỷ niệm 40 năm báo. Bài viết gửi về: toasoan@giacngo.vn hoặc bandocgiacngo@gmail.com. Bài sẽ được chọn đăng trên hai trang báo online mừng 40 năm báo Giác Ngộ và trên tuần báo Giác Ngộ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 350 tình nguyện viên tham gia hiến máu nhân đạo tại chùa Ân Thọ

Chùa Ân Thọ tổ chức hiến máu nhân đạo lần thứ 16

GNO - Chùa Ân Thọ (P.5, TP.Tân An, Long An) đã phối hơp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tổ chức hiến máu nhân đạo lần thứ 16 với chủ đề “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, với sự tham gia của hơn 350 tình nguyện viên, vào ngày 5-5.

Thông tin hàng ngày