Vì con thương mẹ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1172 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1172 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mong ước duy nhất và lớn nhất của Huyền Trân là đi học để có tiền và biết đường qua Singapore chữa cho mẹ được sáng mắt.

Học sinh vượt khó có nhiều lý do, có thể là để thoát nghèo, thay đổi cuộc sống hoặc để có công việc đỡ vất vả hơn bố mẹ, nhưng với Mai Thị Huyền Trân, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Vạn Phước (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), nỗ lực học duy nhất của em là có kiến thức để biết đường chữa sáng mắt cho mẹ.

Những nỗi đau chôn giấu

Mẹ của bé Huyền Trân, chị Mai Thị Xuân Thoa, 41 tuổi và ba của bé đến với nhau sau vài lần gặp gỡ, quen biết. Hai người ăn ở với nhau như vợ chồng, chẳng một lễ cưới, không lễ ra mắt họ hàng và cũng không có đăng ký kết hôn. Ngày chị thông báo có bầu bé Trân thì cũng là lúc anh dứt áo ra đi, bỏ chị Thoa một mình sinh và nuôi con. Đó là lý do vì sao Huyền Trân theo họ mẹ.

Ban ngày chị Thoa đi làm thuê, rửa chén để có tiền nuôi con. Ban đêm chị ôm con khóc. Chị kể, hồi đó đêm nào cũng khóc, khóc cho phận mình và khóc cho sự thiệt thòi của con. Một thời gian sau, mắt chị mờ và dần chuyển sang mù. Bé Trân càng lớn thì mắt và đầu chị đau ngày càng nhiều. Có thời gian chị như hóa dại, nhất là khi Ninh Thuận vào mùa nắng nóng, cơn đau đầu trong chị bộc phát dữ dội. Từ khi Huyền Trân bước vào tuổi lên 3, chị Thoa đã không thể nào đi làm được nữa. Chị không có nhà, ở đậu nhà của người em trai, hai mẹ con chị sống bằng tiền trợ cấp nhỏ nhoi vài trăm ngàn mỗi tháng.

“Mẹ bị như vậy có khi con bị bạn chọc, bị bạn cười, bạn trêu mẹ của mày bị mù, mày không có cha… Con tủi thân con khóc nhưng mà khóc xong con thấy thương mẹ hơn, vì mẹ đã cực khổ rất nhiều, đã sinh con ra và nuôi con hết sức của mẹ. Những lúc con bị bạn cười như vậy, con giấu đi, có khóc con cũng lén khóc, về nhà không khóc nữa. Vì nếu mẹ biết, mẹ còn khóc nhiều hơn con, mẹ lại bệnh nặng hơn…”

Mai Thị Huyền Trân

Những hôm trời mưa gió, tối lửa tắt đèn, hai mẹ con nằm ôm nhau khóc, vỗ về nhau. Chị an ủi, động viên con nhiều điều, và chính những câu nói của chị lại tiếp thêm động lực cho con. Khi nghe mẹ kể, người ta nói con mắt của mẹ nếu có tiền là qua Singapore chữa được. Từ ngày đó, mong ước duy nhất và lớn nhất của Huyền Trân là đi học để có tiền và biết đường qua Singapore chữa cho mẹ được sáng mắt.

Có những ngày bí bách quá, bế tắc quá, chị có ý định cho bé Trân nghỉ học, em lại khóc, năn nỉ: “Mẹ cho con đi học để con làm có tiền chữa mắt cho mẹ, không học thì sau này không biết đường nào dẫn mẹ đi khám mắt, mẹ ơi”, chị Thoa kể, những lúc như thế chị đau thắt lòng, thắt dạ.

“Lúc mà nhà không còn gạo, mẹ con hết tiền, mẹ hết thuốc uống, con cũng nghĩ đến việc nghỉ học đi bán vé số hay làm gì đó để có tiền lo cho mẹ. Nhưng mà nếu con làm vậy thì không có cách nào chữa mắt cho mẹ, cho nên con không muốn nghỉ học nữa. Ngày nào con cũng nói với mẹ, mẹ ơi mẹ đừng cho con nghỉ học…”, Huyền Trân nói.

“Vì con thương mẹ”

Đó là câu mà Huyền Trân trả lời mỗi khi hỏi về động lực em đi học, không đua đòi, không vòi vĩnh quà từ mẹ. Đồng phục đến trường em cũng không đòi hỏi. Ấy nhưng, năm học nào em cũng được nhận giấy khen và phần thưởng. Những cuốn tập, cây bút với nhiều người đó không là bao, nhưng với Trân đó là phần thưởng rất lớn, mẹ đỡ tốn tiền mua tập đầu năm cho em.

Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng những gì về mẹ, Huyền Trân khắc ghi, nhớ từng chi tiết. Em kể: “Hôm đó do mẹ quên miếng thịt, để 3 ngày rồi mới nhớ, mẹ lấy ra kho. Con ăn xong bị tiêu chảy. Con bị sốt, mẹ thức đêm lo cho con. Đến khi con nặng quá, cậu phải chở con đi bệnh viện. Lúc con đi, mẹ khóc, mẹ dặn con đừng có bỏ mẹ. Trong túi mẹ có vài chục ngàn thôi, mẹ vét hết để đưa cho con đi viện. Lúc đó con thương mẹ, con sợ chết, bỏ mẹ một mình…”.

Hai mẹ con chị Thoa và bé Huyền Trân

Hai mẹ con chị Thoa và bé Huyền Trân

Hỏi chị Thoa sợ nhất điều gì? Chị bảo: “Sợ nhiều lắm, sợ đêm ngủ rồi sáng không dậy nữa, bỏ con bơ vơ, đã không có cha, rồi mồ côi luôn mẹ. Sợ con bệnh vì lúc đó mình không thấy đường để lo cho con, biết con bệnh mà mình bất lực, khóc trong vô vọng. Rồi sợ con thua thiệt, bị ăn hiếp…”. Nhắc đến con, nước mắt chị Thoa lại rơi như bản năng, tình thương của tình mẫu tử.

Càng về sau, chị Thoa bệnh càng nhiều. Biết cuộc sống không nói trước được điều gì, nên lúc khỏe chị tranh thủ dạy cho con những điều tối thiểu, để nhỡ mai mình không còn thì con có thể sống được. Chị chỉ cho con cách nấu ăn, chiên đậu hủ, kho đậu hủ hay kho cá, kho cà, nấu canh, xào rau.

Từ lúc 5 tuổi, vừa vào mẫu giáo là Huyền Trân đã biết nấu cơm, tập tành biết làm hết tất cả những món ăn mà mẹ dạy, biết rửa chén bát, quét nhà, và biết dọn chỗ cho mẹ ngủ. Dù là ở nhờ nhà của cậu, nhưng trong ngoài em đều dọn dẹp ngăn nắp, ngay cả nhà vệ sinh ọp ẹp em cũng dọn dẹp sạch sẽ, khô queo, không để đọng một chút nước nào, vì sợ trơn mẹ té.

Huyền Trân chăm mẹ từ những điều nhỏ nhất: “Từ lúc con biết nấu ăn, con giành làm với mẹ. Sợ mẹ làm không thấy đường bị phỏng. Mẹ bệnh nhiều mà bị đau nữa con xót lắm”. Hiếm có đứa trẻ nào ở độ tuổi lên 10 lại có thể tinh tế, hiểu và thương mẹ sâu sắc, nhiều như em đến thế.

Mẹ dạy con sống tử tế

Mắt không còn nhìn thấy nữa nhưng tâm chị chưa mờ, nhiều sóng gió dập vùi nhưng chưa một lần chị dạy con mình oán trách ba, dù hai mẹ con có nhiều lúc đi đến bờ vực thẩm, khổ ải nhất của cuộc đời. “Mẹ dạy con, ai làm sai với mình cũng được nhưng con không được hỗn, không được làm sai, không mang thù hận. Con mà như vậy mẹ giận”, em nói và khắc ghi lời mẹ dạy.

Mỗi tháng 10 ngày, hai mẹ con chị đều ăn chay. Chị dạy con niệm Phật, tối nào hai mẹ con cũng khấn nguyện, niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm rồi mới ngủ. Hỏi hạnh phúc của chị là gì? Chị cười tươi bảo: “Mỗi lần nghe con nói cười vui vẻ là mình vui. Hai mẹ con làm gì cũng có nhau là mình vui, dù ăn cơm với nước tương vẫn vui”.

Hôm nay là ngày cuối tháng, chị khoe hai mẹ con ăn chay, mua 5 ổ bánh mì không hết 10 ngàn, ăn từ sáng tới chiều, không nấu cơm. Chị e thẹn: “Nhà hết gạo rồi, chưa tiền mua. Hai mẹ con ăn tạm bánh mì không, tối mà con đói thì chế gói mì chay ăn”. Thiếu hụt là vậy nhưng bé Trân nhìn về phía mẹ, gương mặt vẫn nở nụ cười rất tươi. Ánh mắt của em cũng nói lên nhiều điều, cũng như mẹ, em nghĩ: “Chỉ cần mẹ vui thì con cũng vui. Con ăn gì cũng được miễn là con được ăn chung với mẹ, tối ngủ chung với mẹ”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày