30 ngày trong bệnh viện dã chiến: Những ngày đầu hoang mang

Một tình nguyện viên tại Bệnh viện Dã chiến số 10 - Ảnh: Bảo Toàn
Một tình nguyện viên tại Bệnh viện Dã chiến số 10 - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00

Làm tình nguyện viên trong bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, tôi từng nghĩ đến nguy cơ mình có thể mắc bệnh. Nhưng khi ai đó hỏi: “Chị có sợ bị lây nhiễm không?”, nếu tôi quả quyết rằng “Không!” thì hẳn đang... dối lòng, nhất là ở những ngày đầu lạ lẫm và có phần hoang mang.

Tập huấn thao tác mặc - cởi đồ bảo hộ - Ảnh: Như Lịch

Tập huấn thao tác mặc - cởi đồ bảo hộ - Ảnh: Như Lịch

Ngày đầu tôi đến nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện (BV) dã chiến số 12 (khu tái định cư 38,4 ha, P.An Khánh, TP.Thủ Đức) do BV Da liễu TP.HCM phụ trách, “sếp” trực tiếp quản lý đội hậu cần chúng tôi là thạc sĩ Vương Khánh Chiến dặn dò: “Thang bộ ở lầu bốn đi lên, chúng tôi đã giăng dây chặn rồi. Tôi cũng chặn hết các đường thang máy, chỉ dành cho bệnh nhân và các nhân viên mặc áo bảo hộ làm nhiệm vụ. Chị lưu ý những khu vực giăng dây thì đừng có ra nhé”.

Ba vùng “trận địa”

BV dã chiến số 12 được bố trí như một trận địa phòng chống “giặc” vi rút SARS-CoV-2, gồm ba khu vực chính. Trong đó, từ tầng 3 trở xuống tạm gọi “vùng sạch” (vùng không nhiễm khuẩn), là nơi ở của nhân viên y tế, tình nguyện viên và một số phòng làm việc hành chính. Từ tầng 5 trở lên dành cho bệnh nhân gọi là “vùng nhiễm khuẩn”. Còn tầng 4 được xem là “vùng đệm” giữa hai khu vực trên, nơi có những điểm cởi bỏ đồ bảo hộ sau khi vào vùng nhiễm khuẩn.

Khu vực cấp cứu ở tầng trệt được thiết kế đặc biệt, có hệ thống thang máy chung với “vùng nhiễm khuẩn”. Tổ kiểm soát nhiễm khuẩn của BV tập huấn kỹ cho các nhân viên y tế cũng như tình nguyện viên chúng tôi cách mặc đồ bảo hộ, nhất là các thao tác cởi ra để tránh bị nhiễm khuẩn.

“Áo trắng ơi, ngủ đi chứ!”

Từ chập tối đến 21 giờ hằng ngày là khoảng thời gian sôi động nhất của nhiều bệnh nhân. Họ sống cùng BV nhưng khác lô, hoặc ở đối diện nhau (như BV dã chiến số 8 và số 12), mỗi lần trò chuyện hay chọc ghẹo nhau là họ hét lên: “Ăn cơm chưa?”, “Uống thuốc bác sĩ cho chưa?”, “Nồng độ ô xy trong máu bao nhiêu?”; “Áo hồng ơi, em có chồng chưa mà trẻ vậy!”… Thậm chí, vài anh chàng còn mạnh miệng gọi to khi thấy nhân viên y tế hay tình nguyện viên trực đêm: “Áo trắng ơi, ngủ đi chứ!”.

Nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ tại BV dã chiến số 12 với vai trò giám đốc, bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường (Phó giám đốc BV Da liễu TP.HCM) cho biết: “Nhận lệnh từ Sở Y tế TP.HCM, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần là mình sẽ ra trận nên ngay từ chiều 19.7, anh em triển khai xuống đây. Nói chung, điểm khó mà hầu hết các BV dã chiến đều gặp phải là quy mô tiếp nhận bệnh nhân rất lớn, thời gian chuẩn bị không có nhiều, bởi tình hình dịch diễn biến rất phức tạp”.

Cũng trong thời điểm đó, đoàn thầy thuốc Quảng Ninh vào hỗ trợ chưa tiếp cận bệnh nhân tại đây nhưng đã có khá nhiều trường hợp dương tính với Covid-19. Sự cố trên khiến hoạt động của BV trong thời gian đầu có phần hạn chế và làm nhiều người lo âu.

Bản thân tôi cũng hoang mang và ghi nhớ lời dặn của “sếp” Khánh Chiến: “Ở đây chúng tôi rất cẩn thận, đứng cách nhau 1 - 2 m. Chị tiếp nhận cơm nước cũng phải hết sức cẩn thận, không đùa được đâu”.

Tín hiệu đáng mừng là sau khoảng hai tuần, tất cả các ca nhiễm nói trên đều khỏi bệnh. Từ đó đến nay, đoàn thầy thuốc Quảng Ninh tích cực tham gia cùng đội ngũ y bác sĩ BV Da liễu TP.HCM điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 vào ban đêm tại Bệnh viện dã chiến số 12 - Ảnh: Như Lịch

Tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 vào ban đêm tại Bệnh viện dã chiến số 12 - Ảnh: Như Lịch

F nào cũng có!

Ngày thứ hai trong BV, tôi được lệnh cùng những tình nguyện viên nữ di chuyển chỗ ở từ lầu 4 xuống lầu 2 (lô D). Với quy mô gần 3.000 giường bệnh, chỉ vài ngày đầu tiên BV đã tiếp nhận hơn 800 bệnh nhân vào các lô E và F (từ tầng 5 trở lên). Lô D và những lô còn lại cũng lần lượt được sắp xếp để đón bệnh nhân.

Tôi được bố trí ở phòng 2.03 lô D cùng ba tình nguyện viên Phật giáo. Đó là sư cô Thích Nữ Nhuận Bình, em Đan Thùy (sinh viên) đều làm ở đội cấp cứu, chị Hồng Hà là tham vấn viên “vắc xin tinh thần” cho những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt.

Mỗi người chúng tôi được cấp giường bố, chiếc chiếu và gối, mền. Giường bố có thanh sắt cồm cộm dưới lưng, sư cô Nhuận Bình lấy giấy các tông chêm cho đỡ đau lưng. Trong khi đó, chị Hồng Hà cũng dùng thùng các tông úp lại thành bàn ăn và là bàn làm việc ngay tại phòng... Vâng, dã chiến mà!

Chiều tối hôm ấy, sư cô Nhuận Bình và em Đan Thùy ngồi chuyện trò sau bữa cơm. Thấy tôi đến (có đeo khẩu trang), sư cô chỉ cho tôi vào vị trí ngoài cùng và hướng trên gió. Sư cô giải thích: “Cô và bé Thùy hằng ngày kề cận F0, nên muốn giữ an toàn cho người khác. Kệ, mình xa cách vậy để thời gian gần nhau dài hơn”.

Thành lập... đội hậu sự

Càng ngày chúng tôi cảm nhận cuộc chiến chống Covid-19 càng khốc liệt.

Đặc biệt, sáng 26.7, chỉ sau gần một tuần BV dã chiến số 12 đi vào hoạt động, bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường cùng hai phó giám đốc của BV này là bác sĩ Lưu Ngọc Đông, bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng tổ chức cuộc họp khẩn với một số tình nguyện viên Công giáo, Phật giáo. Nội dung là bàn việc thành lập ngay đội hậu sự.

Lúc đó, đại diện ban giám đốc thông báo BV có hai ca trở bệnh nặng nhưng nhân sự phòng kế hoạch tổng hợp liên hệ hàng chục cuộc điện thoại với tuyến trên mà không có kết quả. Nhận định tuyến trên đã quá tải, ban giám đốc một mặt vẫn tăng cường y bác sĩ nỗ lực hết sức điều trị cho bệnh nhân, một mặt cũng phải chuẩn bị khâu hậu sự phòng tình huống xấu nhất xảy ra.

Thầy Lương Thanh Tùng (tu sĩ Công giáo) nêu ý kiến: “Đội hậu sự có thực hiện việc tẩm liệm không?”. Bác sĩ Lưu Ngọc Đông lên tiếng: “Thầy hỏi câu này chứng tỏ thầy rất quan tâm, chắc có ý hướng giúp. Vậy nhờ thầy tham gia vào đội hậu sự”. Sáng hôm ấy, đội hậu sự được thành lập gồm ba tu sĩ Công giáo (thầy Tùng, thầy Pháp, thầy Chinh) và một tình nguyện viên Phật giáo là sư Minh Hiển.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Tùng cho hay: “Nghe nhiệm vụ mới, chúng tôi cũng muốn được giúp cho những người chết không có thân nhân nào bên cạnh. Chúng tôi có thể đồng hành với bệnh nhân đó trong giây phút họ lâm chung. Dựa vào nguyện vọng cuối cùng hay tôn giáo của họ, khi họ chết, sư Minh Hiển tụng kinh để họ được an nghỉ hoặc chúng tôi sẽ làm nghi thức phó dâng và từ biệt”.

Thực tế, ai cũng mong đội hậu sự này... thất nghiệp và quả nhiên như thế! Bởi sau đó, ngành y tế TP.HCM đã vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ, nên vấn đề chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên phần nào được cải thiện.

Những bệnh nhân nhí

Có những hôm, BV dã chiến số 12 tiếp nhận bệnh nhân thâu đêm. Thương nhất là những trẻ em phải tạm rời tổ ấm, theo người thân vào sống trong này. Có những bé hồn nhiên ăn bánh, uống sữa chống đói trong khi xếp hàng chờ. Có bé uể oải giơ tay làm vài động tác thể dục. Có bé phụ mẹ mang đồ đạc lỉnh kỉnh. Có bé đi cùng bà ngoại, nhưng gần tới lúc nhận phòng thì bà ngoại sợ không lo được cho bé, nên các nhân viên y tế phải sắp xếp đưa bé về với cha mẹ ở điểm cách ly khác…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Phát triển bền vững là hành trình của lòng từ bi và sự tỉnh thức

GNO - Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phải đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng về nhiều mặt như hiện nay, Thiền sư Pomnyun Sunim, một nhà sư Phật giáo nổi tiếng của Hàn Quốc, đã tham gia hội thảo kéo dài 3 ngày tại Bhutan từ ngày 7 đến ngày 9-9-2024.

Thông tin hàng ngày