Ai tu được?

Ai tu được?
GNO - Tôi có một người huynh đệ làm trụ trì, ai xin xuất gia huynh ấy cũng cho với lý do rằng ai tu được thì tu, tu không được thì coi như gieo duyên.

Tôi nghĩ quan niệm đó cũng hay nhưng vẫn không khỏi suy tư, có gì đó không ổn cho lắm. Về mặt lý thuyết, ai cũng có thể tu được nếu họ muốn, nhưng để tu một cách dễ dàng và đạt được kết quả thì tôi nghĩ rằng, chỉ những người có căn duyên sâu dày với Phật pháp và những người có lý tưởng mới làm được.

Người có căn duyên sâu dày với Phật pháp là người đã nhiều đời nhiều kiếp gần gũi và tu học theo Phật pháp. Trong A-lại-da thức của họ chứa hạt giống Bồ-đề nhiều hơn là hạt giống thế gian cho nên họ có khuynh hướng xa lìa thế gian mà hướng về Phật pháp, dân gian gọi là người có căn tu. Những người này thường được sinh ra trong gia đình theo đạo Phật. Còn nếu như họ không được sinh ra trong gia đình là Phật tử, khi gặp hình ảnh chùa chiền hay người tu thì họ cũng thấy có cảm tình và dần dần đến với Phật pháp. Họ đến với Phật pháp một cách tự nhiên như là sở thích.

Thỉnh thoảng ta vẫn thấy có những đứa bé thích ăn chay từ nhỏ hoặc theo cha mẹ đi chùa rồi thích cảnh chùa nên xuất gia luôn. Một trong số những huynh đệ của tôi học các môn học phổ thông như toán lý hóa… hơi chậm nhưng học Phật pháp thì lại rất nhanh thuộc và thấu hiểu sâu sắc. Những người như đã kể trên ở chùa rất dễ, như cá về với nước vậy. Họ không thích những thú vui thế gian mà chỉ thích cảnh yên tịnh ở chùa. Nếu hỏi họ tại sao đi tu, tại sao thích ở chùa thì đôi khi họ cũng không hiểu tại sao, chỉ biết là thích và thấy vui vậy thôi.

Còn người đi tu vì lý tưởng bởi họ thấy đạo Phật là một tôn giáo chân chính, có thể đem đến cho bản thân cũng như cuộc đời những giá trị tốt đẹp nên họ phát nguyện phụng sự Phật pháp. Những người này có tri thức, biết nhận thức đúng sai và nhất là có tấm lòng ưu thời mẫn thế muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp. Họ đến với Phật pháp không phải bằng lòng tin mà bằng lý trí, nhận thức được Phật giáo là một tôn giáo cao quý phù hợp với lý tưởng của họ. Với người có lý tưởng cao quý, cái “tưởng” của họ mạnh hơn cái “tình” nên ở chùa cũng không khó khăn gì.

Có người nói “đi tu sướng”. Tôi nói rằng nếu đi tu mà sướng thì chắc ai cũng đi tu hết rồi. Đi tu thì dễ, chỉ cần cạo đầu mang y là thành tu sĩ, nhưng tu được hay không, có giữ tròn bổn phận của một người tu được hay không mới khó. Những người không có chủng tử Phật pháp hoặc không có lý tưởng mà chỉ đi tu vì hoàn cảnh thì không thể nào ở chùa lâu được. Mà có ở chùa được thì cũng sẽ làm những chuyện thế gian, làm tổn hại đến Phật pháp mà thôi. Người tu chân chính sẽ chấp nhận những khó khăn thiếu thốn để tu, còn không phải là người tu chân chính sẽ không thể an bần thủ đạo, mà sẽ tìm mọi cách tạo cho mình một cơ ngơi bề thế cũng như sẵn sàng quỵ lụy hoặc tranh đấu với người khác để thăng tiến.

Có lần tôi đi ngang một ngôi chùa nọ, thấy chùa đẹp nên ghé vào tham quan. Thế nhưng khi bước vào bên trong chùa thì lại rất bề bộn với các cửa hàng phục vụ ăn uống và bán đồ thờ cúng. Chùa cũng không có vị Tăng hay Ni nào ở đó. Hỏi thì được biết vị trụ trì chùa này hiện đang xây dựng một ngôi chùa khác. Tôi lấy làm thắc mắc thầy ấy chỉ có một mình mà xây làm chi tới hai ngôi chùa, chẳng lẽ xây chùa để làm cơ sở kinh doanh và thu tiền công đức? Chùa phải là nơi chư Tăng Ni làm chỗ tu hành và phổ độ chúng sinh, nếu chùa mà không có người tu trụ xứ và hoằng dương Chánh pháp thì đâu phải là chùa đúng nghĩa nữa! Nếu Phật pháp mà có nhiều chùa và thầy như thế thì sẽ đi về đâu?

Ai cũng có thể tu được, cũng có thể xuất gia và hành đạo được nhưng tu và hành đạo cho đúng Chánh pháp mới là điều khó. Chúng ta khuyến khích sự xuất gia nhưng không vì số lượng mà gặp ai cũng cho phép cạo đầu. Những người không có căn duyên sâu dày với Phật pháp và chẳng có lý tưởng cao xa của bậc xuất trần thượng sĩ mà vào trong đạo thì sẽ dẫn đến nguy cơ mượn đạo tạo đời, chỉ làm hại cho đạo pháp mà thôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày