Một nhánh của cây bồ-đề thiêng từ Sri Lanka đã đến Australia

Lễ đưa tiễn cây bồ-đề con đến Australia
Lễ đưa tiễn cây bồ-đề con đến Australia
0:00 / 0:00
0:00

GN - Một cây bồ-đề con được chiết ra từ đại thụ bồ-đề thiêng liêng tại Sri Lanka đang được chăm sóc tại trạm hải quan kiểm dịch Australia, sau đó dự kiến sẽ được trồng tại Bảo tháp Đại Từ Bi (The Great Stupa of Universal Compassion) thuộc chùa Bodhi Dhamma ở Bendigo, bang Victoria.

Nhánh cây non này được trụ sở Melbourne của Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường (PEQ) kiểm dịch sau khi nhập cảnh. Tại đây, mỗi tuần, các chuyên gia sinh học sẽ kiểm tra sâu bệnh có hại đến cây non để đảm bảo an toàn trước khi được đưa ra trồng trong môi trường bình thường của quốc gia này.

Nhánh cây con này được gửi từ đại thụ bồ-đề tên Jaya Sri Maha Bodhi (tạm dịch: cây bồ-đề vĩ đại cát tường) tại tinh xá Maha Viharaya Anuradhapura ở Sri Lanka. Đại thụ này là một nhánh được chiết từ cây bồ-đề Ấn Độ, nơi Đức Phật thành đạo thuở xưa và được Tỷ-kheo-ni Sanghamitta, con gái của vị vua Chánh Pháp Asoka, mang đến đảo quốc này vào năm 288 TTL. Sau đó, cây được trồng dưới thời trị vì của vua Devanampiyatissa (247-207 tr.TL). Vì vậy, đại thụ Jaya Sri Maha Bodhi là cây có lịch sử lâu đời nhất, có liên hệ trực tiếp và gần gũi nhất với cây bồ-đề của Đức Phật.

“Đại thụ Jaya Sri Maha Bodhi vẫn đứng sừng sững ở đó cho đến ngày nay nhờ vào sự chăm sóc và bảo vệ cẩn thận của các nhà sinh vật học; đặc biệt, tất cả những gì thuộc về cây bồ-đề này được gìn giữ như một kho báu sống. Việc có được một hậu duệ từ cây bồ-đề gắn liền với sự kiện Đức Phật thành đạo cách đây hơn 2.000 năm thực sự là một điều vô cùng xúc động”, Ian Green, người quản lý Bảo tháp Đại Từ Bi cho biết.

Nhánh cây con này được gửi từ đại thụ bồ-đề tên Jaya Sri Maha Bodhi (tạm dịch: cây bồ-đề vĩ đại cát tường) tại tinh xá Maha Viharaya Anuradhapura ở Sri Lanka

Nhánh cây con này được gửi từ đại thụ bồ-đề tên Jaya Sri Maha Bodhi (tạm dịch: cây bồ-đề vĩ đại cát tường) tại tinh xá Maha Viharaya Anuradhapura ở Sri Lanka

Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Australia là một trong những luật lệ nghiêm ngặt nhất thế giới vì hệ sinh thái đặc biệt và mong manh của quốc gia này. Các quan chức phụ trách về an toàn sinh học thường không nhập khẩu những loại cây mới từ các nước khác bởi lo ngại các loài thực vật ngoại lai và côn trùng xâm hại sẽ hủy hoại hệ thực vật bản địa. Kể từ khi cây bồ-đề con này đến Australia vào tháng 5, Tiến sĩ Gabrielle Vivien-Smith, Trưởng ban Bảo vệ thực vật, cho biết họ dự kiến sẽ đưa cây non này ra môi trường bình thường.

Ngoài trách nhiệm và bổn phận thuộc chức trách của mình, Andrew Tongue, người đứng đầu về an toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường của Australia, đã chăm sóc cây bồ-đề con này với một thái độ tôn kính như một Phật tử thuần thành đối với hậu duệ của một chứng tích lịch sử thiêng liêng gắn với Phật giáo. “Vì cây từ nước ngoài đưa vào Australia có thể tiềm ẩn hàng loạt rủi ro đối với sự an toàn sinh học nên cây bồ-đề con này phải tuân thủ những quy định nhập khẩu nghiêm ngặt của chúng tôi và sẽ trải qua 12 tháng tại cơ sở kiểm dịch sau khi nhập cảnh. Sự cẩn trọng này giúp đảm bảo cây non không bị nhiễm các bệnh thực vật, bao gồm cả loại bệnh nguy hiểm nhất là Xylella fasrantyosa - mối đe dọa hàng đầu đối với các loài thực vật ở Australia”, ông cho biết.

Trước khi được vận chuyển sang Australia, cây bồ-đề này đã được làm lễ sái tịnh trong một cuộc đưa tiễn trang trọng tại tinh xá Maha Viharaya Anuradhapura, Sri Lanka. Với vẻ ngoài rất nhỏ bé, nhánh cây con này có rễ trần không dính đất, được gói trong bọc giấy và đóng hộp cách nhiệt polystyrene. Theo báo cáo, nó đã phải trải qua những va chạm và trầy xước trong suốt quá trình vận chuyển. Ông Tongue cũng lưu ý rằng các nhà nhập khẩu đã làm hết khả năng của mình nhưng khi đến Australia, các nhân viên PEQ đã tìm thấy côn trùng và sâu bệnh trong tán lá, vì vậy, họ buộc phải cắt bỏ tán lá đó và cây bồ-đề trông rất khẳng khiu sau khi được xử lý.

Giống cây bồ-đề phát triển mạnh trong điều kiện nóng và ẩm ướt; điều này có nghĩa là muốn cây con được hồi sức và phát triển bình thường thì phải chăm sóc nó trong một phòng đặc biệt, có nhiệt độ dao động khoảng 25-35 độ C.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch thì vào khoảng tháng 5-2022, Australia sẽ trở thành quê hương mới của cây bồ-đề có nguồn gốc từ cây đại thụ bồ-đề tại Ấn Độ: một thành tựu nông nghiệp quan trọng và là cột mốc tâm linh đặc biệt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày