Bảo tàng Quốc gia Tokyo số hóa các kiệt tác nghệ thuật Phật giáo

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một phòng trưng bày với tương tác kỹ thuật số tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo đem đến cho khách tham quan một phương pháp mới để thưởng lãm những kiệt tác nghệ thuật của Phật giáo Nhật Bản.

Bảo tàng Quốc gia Tokyo gần đây đã mở một không gian triển lãm mới giúp quần chúng có khả năng tiếp cận nhiều hơn đối với các tác phẩm nghệ thuật quan trọng liên quan đến lịch sử Phật giáo Nhật Bản.

Nằm trên tầng lửng của Gallery of Horyuji Treasures (Phòng trưng bày bảo vật Pháp Long), khu vực này được sắp xếp nhằm trưng bày các tác phẩm chất lượng cao được tái tạo từ những cổ vật hay các bức tranh quý giá nhưng đã quá cũ kỹ. Phòng trưng bày còn có trình xem kỹ thuật số tương tác trực tiếp trên màn hình 8K có độ phân giải cao, cho phép khách tham quan truy cập và phóng to kích thước của các tác phẩm đến những chi tiết nhỏ nhất và có thể rõ nét hơn khi xem bản gốc.

Phòng trưng bày bảo vật Pháp Long có trình xem kỹ thuật số tương tác trực tiếp trên màn hình 8K có độ phân giải cao

Phòng trưng bày bảo vật Pháp Long có trình xem kỹ thuật số tương tác trực tiếp trên màn hình 8K có độ phân giải cao

Đợt triển lãm đầu tiên sẽ kéo dài đến hết ngày 30-7-2023; trong đó, phòng trưng bày triển lãm các bản sao có kích thước giống như thật của một bức tranh có niên đại vào thế kỷ XI và từng được trang trí trên các cửa trượt bên trong chùa Pháp Long (Hōryū) ở Nara.

Chuỗi gồm mười tác phẩm này minh họa tiểu sử và cuộc đời của Thánh Đức Thái tử (Shōtoku), người khai sơn ngôi chùa cổ kính vào năm 607 CN. Là con trai của một vị hoàng đế, Thánh Đức Thái tử (574-622) là một nhân vật quan trọng của Phật giáo Nhật Bản, ngài đã khuyến khích truyền bá Phật giáo một cách rộng rãi trên khắp đất nước và cho xây dựng chùa Pháp Long cũng như các trung tâm giáo dục và thờ phượng khác của Phật giáo.

Các bức tranh về tiểu sử minh họa của Thánh Đức Thái tử được vẽ vào năm 1069, khoảng 450 năm sau khi ngài băng hà. Được tôn kính ngay cả khi ngài còn sống, qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, nhiều truyền thuyết đã được truyền miệng và cho rằng ngài sở hữu những khả năng siêu phàm.

Có một bức tranh thể hiện Thánh Đức Thái tử là một thần đồng, có thể nghe thấy lời nói của ba mươi sáu người bạn cùng chơi cùng một lúc và lặp lại mọi thứ một cách hoàn hảo. Ngoài khả năng nâng mình lên khỏi mặt đất, thái tử còn được cho là sở hữu những kỹ năng phi thường về bắn cung và cưỡi ngựa. Trong số 58 cảnh được nghệ sĩ chọn để tái hiện cuộc đời của thái tử, đáng chú ý nhất là cảnh ngài cưỡi một con ngựa đen bay lên ngọn núi Phú Sĩ.

Năm 1878, ngôi cổ tự Pháp Long đã trao tặng cho Hoàng gia Nhật hơn 300 cổ vật Phật giáo, và hiện những bảo vật đó đang được giữ gìn và trưng bày trong một tòa nhà hiện đại nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Quốc gia Tokyo.

Vào giữa mùa hè, trọng tâm trong không gian trưng bày nghệ thuật này sẽ thay đổi thành một loạt các tranh tường Phật giáo, đó là những tác phẩm đã từng được trang trí trên các bức tường trong điện Kondo của chùa Pháp Long. Được trước tác vào khoảng nửa sau thế kỷ VII và đầu thế kỷ VIII, những bức bích họa từ lâu đã được biết đến một cách rộng rãi như những ví dụ đặc biệt điển hình cho nghệ thuật Phật giáo trong thời kỳ đầu tại châu Á.

Trước đó, vào năm 1949, chúng đã bị hư hoại vì một trận hỏa hoạn nghiêm trọng, nhưng nhờ một bức ảnh khảo sát được chụp lại rất chi tiết trước thời điểm đó vài năm và những ghi chép về hình dạng của các bức tranh bị hư hoại, nên vào năm 2020, chúng đã được khôi phục và số hóa thành công.

Những tác phẩm này hiện có sẵn trong một thư viện tương tác trực tuyến; tuy nhiên, đợt triển lãm kéo dài từ 1-8-2023 đến 28-1-2024 sẽ mang đến cơ hội để xem các bức ảnh trên các bảng tỷ lệ lớn và có thể được phóng to các chi tiết bằng bảng điều khiển. Sau đó, hai tác phẩm sẽ được trưng bày luân phiên tại không gian của viện bảo tàng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày