Triển lãm “Thực tập chữa lành” tại Viện Bảo tàng Rubin

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thực tập chữa lành: Những câu chuyện của những người Mỹ gốc Hymalaya, một cuộc triển lãm được mở cửa vào ngày 18-3-2022 cho đến hết ngày 16-1-2023, khám phá sức mạnh của y học Tây Tạng, cả trong quá khứ và bối cảnh đương đại liên quan đến đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

Lần đầu tiên tại Bảo tàng nghệ thuật Rubin của thành phố New York, một cuộc triển lãm được thực hiện dựa trên sự hợp tác với Nhóm cố vấn cộng đồng, trong đó bao gồm các chuyên gia y tế người Mỹ gốc Hymalaya, nghệ sĩ, nhà giáo dục và những người khác làm việc tại “nơi giao nhau của nghệ thuật, chữa lành và các hoạt động tích cực khác”.

Triển lãm “Thực tập chữa lành” tại Viện Bảo tàng Rubin mở cửa vào ngày 18-3-2022 cho đến hết ngày 16-1-2023

Triển lãm “Thực tập chữa lành” tại Viện Bảo tàng Rubin mở cửa vào ngày 18-3-2022 cho đến hết ngày 16-1-2023

Một trong những mục đích của cuộc triển lãm Thực tập chữa lành là gợi ý cho những người tham quan tự suy ngẫm về ý nghĩa của việc chữa lành. Đến giai đoạn cuối cùng, một bức tường đã được cài đặt sẵn công cụ tương tác sẽ đặt câu hỏi: “Sự chữa lành bắt đầu như thế nào?” và khuyến khích những vị khách tham quan hãy trả lời bằng cách viết xuống, hoặc vẽ ra những gì mà họ suy nghĩ trên những tấm thẻ và chúng sẽ được trình chiếu lên bức tường cạnh đó.

Cứ như vậy, hàng loạt những câu trả lời cứ tuần tự hiện ra, từ những điều thuộc về tâm thức như “Nhận biết bản thân thật sâu sắc”, “hãy lắng nghe và bạn sẽ được lắng nghe”,… cho đến những câu trả lời rất thực tiễn như “hãy thưởng thức những món ăn mà bạn yêu thích để rồi bạn sẽ không trở nên gắt gỏng”, câu này hiện lên với những nét chữ viết tay nguệch ngoạc của một đứa trẻ.

Trong một thông cáo báo chí giới thiệu về cuộc triển lãm, Michelle Bennett-Simorella, Giám đốc quản lý giám tuyển và các bộ sưu tập của viện bảo tàng, cho biết: “Chữa lành là vượt qua những khó chịu, tổn thương hay nỗi đau của tâm thức và đưa thân tâm trở về trạng thái cân bằng. Đôi khi đó là cả một quá trình dường như không thể vượt qua được, nhưng thông qua hành trình này, chúng ta có thể hiểu biết sâu sắc sắc hơn về chính bản thân mình, những người khác và thế giới xung quanh chúng ta. Cuộc triển lãm cũng cung cấp những phương pháp thực hành mà truyền thống Phật giáo Tây Tạng đã áp dụng để đem lại lợi ích cho những cá nhân và cả cộng đồng, cũng như những cách hữu hiệu mà mọi người có thể thực tập để tiến về phía trước sau những cuộc chấn thương tâm lý nặng nề”.

Cuộc triển lãm thực tập chữa lành đã sử dụng hơn 25 vật dụng từ bộ sưu tập của Viện Bảo tàng Rubin, hầu hết trong số đó được đính kèm những tư liệu âm thanh từ các thành viên của Nhóm Cố vấn Cộng đồng và những người khác nữa. Những bức tranh đương đại về những nghi thức và đồ vật chữa lành là sự bổ sung thích hợp của các bức thangka truyền thống (bức vẽ Tây Tạng) và những hình ảnh của chư thiên được biết đến như những vị thần mang đến hạnh phúc và tuổi thọ.

Một bức tranh trên vải lanh của Karma Phuntsok mang tên Dorje và Dilbu được đặt cạnh những đồ vật truyền thống như chùy kim cương và chuông với hình nền trừu tượng. Trên màn hình trình chiếu video gần đó, một bậc thầy yoga đang thể hiện hành động chào mặt trời và khuyến khích người xem thực hành theo. Ngoài ra, một video còn có nội dung là cuộc phỏng vấn với hai học sinh về các lớp thiền mà họ đã tham gia trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch bùng phát. Hàng loạt các đồ vật truyền thống cũng được sử dụng để chữa lành, bao gồm chuỗi hạt cầu nguyện màu ngọc lam, bùa hộ mệnh, biểu đồ được trang trí tinh xảo cũng được trưng bày tại đây.

Theo Bennett-Simorella, một trong những phương pháp thực hành quan trọng trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng là chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo, “vì tính chất biểu tượng của chúng và cũng nhằm hướng dẫn trực quan về các phương pháp ngăn ngừa, chữa lành và giúp kéo dài tuổi thọ”. Phương pháp này được xem như là “hỗ trợ cải thiện năng lượng của thể chất lẫn tâm hồn”.

Khenpo Pema Wangdak, giảng viên Phật giáo tại New York, đã phản ánh trong bài bình luận của mình rằng: “Về cơ bản, việc chiêm ngưỡng hình ảnh của Đức Phật nhằm để lại ấn tượng sâu sắc với các Đức Như Lai trong tâm thức của mỗi chúng ta, giúp chúng ta thoát khỏi những trải nghiệm thô thiển của cuộc sống, hình tượng của Đức Phật tạo nên một niềm an lành thuần khiết, cũng như truyền cảm hứng cho chúng ta về lòng từ bi, sự biết ơn, khoan dung và nhẫn nại”.

Trong số các vị Phật và vũ trụ quan Phật giáo, Phật Dược Sư hay Bhaisajyaguru là một trong những vị Phật liên quan đến việc chữa bệnh nhiều nhất. Những tia sáng phát ra từ thân màu xanh lam của Ngài đã chiếu sáng thế gian để những người đệ tử của mình không bao giờ chìm trong bóng tối. Hai bức thangka truyền thống có niên đại từ thế kỷ thứ XVIII-XIX vẽ Đức Phật Dược Sư bằng nhiều màu sắc khác nhau trên vải gấm.

Video về một huấn luyện viên yoga thể hiện thói quen chào mặt trời tại triển lãm mới của Rubin

Video về một huấn luyện viên yoga thể hiện thói quen chào mặt trời tại triển lãm mới của Rubin

Sau khi xem qua các video được trình chiếu, Tshering Yangzom, một chuyên gia phát triển cộng đồng người Bhutan, chia sẻ rằng một trong những nỗi đau lớn nhất của đại dịch là sự chia ly của các thành viên trong gia đình của cô, những người đang còn sống ở Bhutan. Cô nhớ là mình đã nhận được một bức ảnh kỹ thuật số của Bhaisajyaguru từ Bhutan. Cô nói: “Cho đến nay, tôi vẫn còn lưu ảnh Phật Dược Sư làm hình nền trên điện thoại của mình. Điều đó nhắc nhở tôi phải luôn cầu nguyện với Ngài, và không quên mang đến sự an lành cho mọi người trong thời điểm khó khăn này, đồng thời giúp tôi kết nối và nhắc nhở về cội nguồn văn hóa và tôn giáo của chính mình”.

Tara cũng là một vị nữ thần liên quan đến những phương thức thực hành chữa bệnh trong Phật giáo Tây Tạng. Đây là vị nữ thần ôn hòa và luôn xuất hiện dưới hình tượng của một người nữ. Có gần 200 hình thức của nữ thần Tara, nhưng trong cuộc triển lãm Thực tập chữa lành chỉ trưng bày 4 tác phẩm được chọn lọc trong số những hình tượng của ngài.

Một bức thangka vào thế kỷ thứ XIX có hình của ngài Tara trắng, hình tượng này được biết đến là sự tượng trưng cho tuổi thọ. Đồng thời, hình tượng này còn xuất hiện trong một tác phẩm điêu khắc bằng đồng ở thế kỷ XV. Và Tara xanh, một hiện thân phổ biến nhất, cũng xuất hiện trong một tác phẩm điêu khắc bằng bạc, khảm đá quý có cùng niên đại. Một bức tranh khác thể hiện khả năng bảo vệ của nữ thần Tara khỏi 8 nỗi sợ: nước, sư tử, lửa, rắn, voi, trộm cướp, tù đày và ma.

Các bản tường thuật khác thảo luận về vai trò của các chuyên gia y tế trong đại dịch Covid-19. Trong một bài bình luận bằng âm thanh đi kèm dưới bức tranh vẽ Đức Quan Âm nghìn tay, y tá Pema Dorje cho biết: “Tác phẩm nghệ thuật này nhắc nhở tôi về công việc của các y tá và nhân viên y tế, họ là những người đã hành động quên mình để cứu lấy những bệnh nhân đang đối mặt với tử thần trong bệnh viện”. Ông nói rằng công việc của các y tá và bác sĩ, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, chắc chắn là công hạnh của các vị Bồ-tát.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1241 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đời người ngắn ngủi đừng phí thời gian

GNO - Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay. Dĩ nhiên mỗi người có một mục tiêu riêng theo quan niệm sống của mình. Đối với người tu Phật thì vượt thoát khổ đau là quan trọng và cần kíp nhất.

Thông tin hàng ngày