“Bảy nẻo luân hồi”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Đức Phật dạy chỉ có sáu nẻo luân hồi. Nếu Tịnh Độ tông nói có thêm cõi Tây phương Cực lạc nữa thì như vậy là có “bảy nẻo luân hồi” sao?

(TÂM MINH, lekhac…@gmail.com)

Bạn Tâm Minh thân mến!

Sáu nẻo luân hồi hay trôi lăn trong lục đạo là cách nói về sự tái sinh lên xuống trong sáu đường của cõi Dục giới. Sáu nẻo gồm các cảnh giới: Trời, Người, A-tu-la, Ngạ quỷ, Súc sinh, Địa ngục. Thực chất thì ngoài Dục giới còn có Sắc giới và Vô sắc giới với nhiều cảnh giới khác nhau. Hầu hết chúng sinh đều theo nghiệp mà trôi lăn trong sáu nẻo của Dục giới (chỉ những người chứng đắc thiền định mới được tái sinh vào Sắc giới và Vô sắc giới) nên kinh điển thường nói về sáu nẻo luân hồi.

Hoàn toàn khác biệt với sáu tầng trời cõi Dục giới (do nhân tu thiện nghiệp), cõi Sắc giới có đến 16 tầng trời, tương ứng với công đức của người chứng đắc thiền định từ Sơ thiền đến Tứ thiền. 16 tầng trời cõi Sắc giới gồm: 1-Trời Phạm chúng, 2-Trời Phạm phụ, 3-Trời Đại phạm, 4-Trời Thiểu quang, 5-Trời Vô lượng, 6-Trời Quang âm, 7-Trời Thiểu tịnh, 8-Trời Vô lượng tịnh, 9-Trời Biến tịnh, 10-Trời Quảng quả, 11-Trời Vô tưởng. Đặc biệt, trời Tịnh cư có 5 tầng: 12-Trời Vô-phiền, 13-Trời Vô nhiệt, 14-Trời Thiện hiện, 15-Trời Thiện kiến, 16-Trời Sắc cứu cánh.

Ngũ Tịnh cư thiên là nơi hóa sinh của các bậc Thánh Bất lai (Tam quả A-na-hàm). Tùy thuộc vào năng lực của tín, tấn, niệm, định, tuệ mà hóa sinh vào các tầng trời tương ứng. Nếu bậc Thánh Bất lai có tín nhiều năng lực hơn bốn pháp còn lại thì hóa sinh làm vị Phạm thiên trên tầng trời Vô phiền, có tuổi thọ 1.000 đại kiếp trái đất.

Nếu bậc Thánh Bất lai có tấn nhiều năng lực hơn bốn pháp còn lại thì hóa sinh làm vị Phạm thiên trên tầng trời Vô nhiệt, có tuổi thọ 2.000 đại kiếp trái đất. Nếu bậc Thánh Bất lai có niệm nhiều năng lực hơn bốn pháp còn lại thì hóa sinh làm vị Phạm thiên trên tầng trời Thiện hiện, có tuổi thọ 4.000 đại kiếp trái đất. Nếu bậc Thánh Bất lai có định nhiều năng lực hơn bốn pháp còn lại thì hóa sinh làm vị Phạm thiên trên tầng trời Thiện kiến, có tuổi thọ 8.000 đại kiếp trái đất. Nếu bậc Thánh Bất lai có tuệ nhiều năng lực hơn bốn pháp còn lại thì hóa sinh làm vị Phạm thiên trên tầng trời Sắc cứu cánh, có tuổi thọ 16.000 đại kiếp trái đất.

Ngũ Tịnh cư thiên còn gọi là Ngũ Bất hoàn thiên (không trở lại cõi Dục giới), nghĩa là các bậc Thánh Bất lai hóa sinh về đây tiếp tục tu tập cho đến chứng đắc Tứ quả A-la-hán, tịch diệt Niết-bàn.

Sở dĩ chúng tôi nói nhiều đến cảnh giới Ngũ Tịnh cư thiên (Ngũ Bất hoàn thiên) và các vị Thánh giả ở đây vì cảnh giới Tây phương Cực lạc của Tịnh Độ tông cũng có những đặc điểm tương tự. Nhiều nhà nghiên cứu Phật học có cùng nhận định rằng, cảnh giới Tây phương Cực lạc của Tịnh Độ tông có nhiều điểm tương đồng với Ngũ Tịnh cư thiên. Cảnh vật thì vô cùng tráng lệ, thù thắng trang nghiêm. Nơi đây chỉ có những bậc Thánh từ A-na-hàm trở lên (Chư thượng thiện nhơn câu hội nhất xứ - Kinh A-di-đà). Đặc biệt, các vị Thánh giả hóa sinh về đây không còn trở lại cõi Dục giới (bất hoàn, bất thoái chuyển) mà thẳng tiến đến quả vị A-la-hán, thành bậc Giác ngộ.

Về phương diện văn bản học, kinh điển liên quan đến Tịnh độ và Tịnh Độ tông thuộc Phật giáo Đại thừa xuất hiện muộn hơn, nên có thể nói cảnh giới Tây phương Cực lạc là một phiên bản khác, một biến thể của Ngũ Tịnh cư thiên. Tín đồ Phật giáo Tịnh Độ tông tin sâu cõi Tây phương Cực lạc cách trái đất về phương Tây hơn “mười muôn ức cõi”. Giới nghiên cứu Phật giáo chỉ ra rằng Tây phương Cực lạc có nhiều điểm tương đồng với Ngũ Tịnh cư thiên của cõi Sắc giới.

Như vậy, Tây phương Cực lạc được tin hiểu từ nhiều quan điểm khác nhau cũng không liên hệ gì đến sáu nẻo của cõi Dục giới. Vì thế, không thể có trường hợp “bảy nẻo luân hồi”.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày