Năm uẩn đều không, vậy cái gì tái sinh?

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1231 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1231 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi tìm hiểu giáo lý đạo Phật và được biết năm uẩn đều không. Tuy vậy tôi cũng chưa hiểu hết về sự vô thường và vô ngã của từng uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức). Mong được quý Báo chia sẻ về vấn đề này. Quan trọng hơn, nếu năm uẩn đều không thì cái gì tái sinh ở đời sau?

(THÁI VŨ, thaiha...@gmail.com)

Bạn Thái Vũ thân mến!

Năm uẩn là một trong những giáo lý căn bản của Phật giáo. Cái gọi là tôi, ta hay thân tâm này chính là năm uẩn bao gồm: Sắc (thân thể) thuộc vật chất, và thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (tư duy), thức (nhận thức) thuộc tinh thần.

Các truyền thống Phật giáo từ Nguyên thủy đến Đại thừa đều thống nhất quan điểm “năm uẩn đều không”. Quán chiếu để thấy rõ mỗi uẩn đều do duyên sinh nhằm xác quyết cái gọi là tôi thực sự không có tự tính, vô ngã từ đó buông bỏ, xả ly hết thảy chấp thủ.

Trước tiên, sắc uẩn chính là thân bốn đại, do đất-nước-gió-lửa hợp thành. Thân này tuy có nhưng thực chất chỉ là nơi nương gá của bốn đại luân chuyển vào ra. Nói cách khác thân thể này do duyên sinh, phàm cái gì nương cái khác mà sinh ra thì vô thường, vô ngã.

Thọ uẩn là ba loại cảm giác (dễ chịu, khó chịu và trung tính) hình thành do căn tiếp xúc với trần. Do duyên tiếp xúc nên mới có cảm thọ. Không tiếp xúc thì cảm thọ không phát sinh. Do vậy, thọ uẩn do duyên sinh luôn vô thường, vô ngã.

Tưởng uẩn là tri giác, tức khả năng nhận biết đối tượng (bên ngoài là màu sắc, âm thanh, mùi vị…, bên trong là những khái niệm, hồi ức…). Tưởng uẩn là cái thấy biết của con người tùy thuộc vào kinh nghiệm đã huân tập từ trước. Nhờ kinh nghiệm mới nhận biết đối tượng nên tri giác là pháp duyên sinh, vô ngã.

Hành uẩn là các hoạt động tâm lý (bao gồm các tâm sở) suy tư, suy nghĩ… có năng lực tạo nghiệp đưa đến quả báo. Hành là động lực quyết định, là ý chí, ý muốn, dẫn dắt tâm ý theo xu hướng thiện hoặc bất thiện, tạo động lực tái sinh. Hành uẩn hay các hoạt động tâm lý cũng do duyên sinh nên vô ngã.

Thức uẩn là sự nhận thức, phân biệt, liên hệ đến sáu giác quan (gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức). Cần lưu ý rằng thức chỉ là một thứ rõ biết về sự hiện diện của đối tượng, giống như sự phản chiếu hình ảnh trong gương. Như khi mắt xúc tiếp với hòn đá chẳng hạn, nhãn thức liền phát sinh nhưng chỉ là biết về sự hiện diện của một vật. Còn việc nhận ra vật đó là hòn đá phải nhờ kinh nghiệm của tưởng uẩn. Thức cũng do duyên sinh nên vô ngã.

Trong phần tâm gồm bốn uẩn thì thức thuộc tâm vương, làm nền tảng cho thọ, tưởng, hành (các tâm sở). Tâm vương và tâm sở có liên hệ mật thiết với nhau tạo ra luồng tư tưởng hay dòng tâm thức sinh diệt tương tục. Vấn đề tái sinh, Phật giáo công nhận sự tái sinh nhưng không phải có một cái linh hồn bất biến đi tái sinh mà chính là sự tiếp nối của một luồng nghiệp, dòng tâm thức trôi chảy từ đời này đến đời sau, tự thân nó sinh diệt tương tục và vô ngã.

Tâm học Phật giáo có thuyết Hữu phần (Bhavanga) hoặc A-lại-da để chỉ dòng tâm thức này. Tất cả loại tâm đều khởi lên từ Hữu phần rồi cuối cùng trở về Hữu phần, giống như muôn ngàn đợt sóng khởi lên từ mặt biển rồi lặng trở về biển. Phần chìm này tuy trôi chảy lặng lẽ nhưng nó chuyên chở và chứa đựng trong đó tất cả những nghiệp nhân do các tâm nối tiếp sinh diệt tạo tác, khởi lên chìm xuống, từ đời này sang đời khác.

Khi sống, dòng tâm thức trôi chảy lặng lẽ trong ngũ uẩn dưới trạng thái Hữu phần, nếu không có tâm nào khác khởi lên. Khi chết, dòng tâm thức trở thành kiết sinh thức, chập tư tưởng cuối cùng của kiếp trước trở thành chập tư tưởng đầu tiên của kiếp sau, cho nên còn gọi là thức tái sinh, thần thức hay hương ấm. Sau khi nhập thai, kiết sinh thức liền trở thành dòng Hữu phần (Thích Trí Siêu, Tâm và ta).

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày