Tu Tịnh độ gia trì thêm thần chú được không?

Ảnh minh họa: Phùng Anh Quốc
Ảnh minh họa: Phùng Anh Quốc
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi là Phật tử tu theo pháp môn Tịnh độ. Gần đây tôi biết thêm nhiều thần chú Phật giáo khác của Mật tông như Om mani padme hum (Quan Âm), Om hahaha win sam mo ti soha (Địa Tạng), Om zambala zalen draye soha (Hoàng Thần Tài- Dzambhala), Om tare tutare ture soha (Tara xanh)... với nhiều ý nghĩa và lợi ích nên muốn trì tụng.

Vì vậy, tôi muốn hỏi: 1-Do bàn thờ Phật nhà tôi là hai tầng: Tầng trên thờ Tam thánh gồm Phật Thích Ca (giữa), bên phải là Bồ-tát Địa Tạng, bên trái là Bồ-tát Quan Âm. Tầng dưới để lư nhang ở giữa, bình hoa và đĩa trái hai bên. Nay ở tầng dưới, tôi muốn thờ thêm ngài Hoàng Thần Tài, ngài Tara xanh được không?

2-Có người bạn tu theo pháp Mật tông nói: Người tu Tịnh độ tụng đọc các thần chú như Đại bi, Lăng nghiêm, Vãng sinh, Tiêu tai cát tường… thì được. Tuy vậy, muốn tụng thêm các thần chú khác của Mật tông như thần chú ngài Dzambhala, ngài Tara xanh, ngài Địa Tạng thì phải được truyền quán đảnh mới trì tụng có kết quả. Mong được quý Báo giải đáp.

(PHÚ QUỐC, dophuquoc...@gmail.com)

Bạn Phú Quốc thân mến!

Đặc điểm của pháp tu Tịnh độ tại xứ ta từ lâu đã có sự kết hợp rõ nét của Mật giáo. Dựa vào các thời khóa công phu hàng ngày, có thể thấy việc trì tụng các thần chú có vị trí và vai trò quan trọng trong tu tập Tịnh độ. Thời công phu khuya, chủ yếu là gia trì các thần chú từ Lăng nghiêm, Đại bi cho đến Thập chú, có nơi trì thêm Ngũ bộ chú. Thời cúng ngọ, quá đường trưa cũng gia trì rất nhiều thần chú. Thời công phu chiều có nghi thức thí thực cũng dày đặc các thần chú. Thời Tịnh độ tối cũng có gia trì các thần chú. Đặc biệt, trong tất cả các thời kinh sám đều có trì tụng chú Đại bi.

Điều đáng nói ở đây là việc trì tụng các thần chú này cũng bình thường như đọc tụng kinh sám, không cần thông qua một nghi quỹ nào có tính đặc thù như truyền thọ quán đảnh. Nhiều hành giả Tịnh độ tụng kinh trì chú nhiều năm cho biết, chỉ cần có niềm tin rồi tinh tấn gia trì các thần chú thì sẽ được trợ duyên tích cực trên con đường tu tập. Cho nên, việc bạn muốn gia trì thêm các thần chú Địa Tạng, Hoàng Thần Tài, Tara xanh vào giữa hoặc sau các khóa lễ Tịnh độ thì cứ tiến hành bình thường.

Dĩ nhiên, người bạn tu theo Mật tông góp ý là muốn trì chú có hiệu quả cần phải có bậc minh sư truyền quán đảnh là đúng. Đối với những hành giả phát tâm hành trì theo con đường thuần Mật tông thì cần thực hành đúng phép tắc hoặc nghi quỷ của tông phái. Còn bạn là hành giả Tịnh tông nên việc kết hợp một số thần chú trong hành trì nếu có quán đảnh thì càng tốt, còn không thì tùy duyên. Cần lưu ý đến hiệu quả hay kết quả trong tu học là tịnh hóa thân tâm, chuyển hóa nghiệp lực, phát huy tuệ giác chứ không phải sự linh ứng, mầu nhiệm về chữa bệnh, tấn tài, đắc lộc v.v…

Việc bạn thờ thêm tôn tượng của Hoàng Thần Tài và Tara xanh vào tầng thấp của bàn thờ là phù hợp với thực tiễn thờ phụng hiện có của gia đình. Theo Mật tông, Tara là một vị Phật, cũng là hiện thân công hạnh từ bi của Bồ-tát Quan Âm, là biểu trưng cho phẩm hạnh giác ngộ, là tiềm năng Phật tính sẵn có nơi mỗi người. Hoàng Thần Tài là vị Bản tôn hiện thân từ bi của chư Phật để giúp đỡ chúng sinh. Ngài không phải là vị thần ban tài lộc thế gian như một số người thường nói. Tài bảo của ngài gồm có nội tài và ngoại tài. Trong đó, nội tài là chính yếu, là thất Thánh tài (tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ), đây mới thực sự là tài bảo - tài sản quý báu nhất.

Tu trì chân ngôn Hoàng Thần Tài kết hợp với Bồ-đề tâm, bố thí hoằng pháp lợi sinh có thể tiêu trừ nghiệp nghèo khổ, tăng trưởng phước đức tài bảo; an tâm thuận tiến trên con đường tự lợi, lợi tha. Trì tụng thần chú của ngài là phát nguyện độ sinh rộng lớn chứ không phải chỉ đơn thuần cầu tài lộc, thịnh vượng của thế gian.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày